Ba lần có lỗi (Kỳ 1)

Trịnh Xuân Tiến

09/02/2022 15:01

Theo dõi trên

Người ta bảo, mỗi đơn vị quân đội như là một dòng sông. Mỗi người lính là một giọt nước trong dòng sông ấy. Có người sống trong đơn vị lâu dài. Cũng có người vừa đến đã rời đi, chỉ như chớp mắt thoáng qua. Câu chuyện dưới đây về một người cùng sống với chúng tôi không lâu. Nhưng để lại nhiều kỉ niệm, không ít trong đó đến giờ còn day dứt. Câu chuyện xin được treo làm hai kì.

Trong thời bình, đời lính dường như chẳng có gì để kể. Nhưng đâu phải. Với những người sống quanh ta, có nhiều chuyện lắm, chẳng hạn, bất chợt thấy mình có lỗi. Dù vô tình, song nào có thể thanh minh. Ân hận. Anh Thắng là một trường hợp như vậy. Song nhớ chuyện này còn bởi, lúc ở Sa Pa, có cô bé cùng nhà từng bán xổ số, ghi đề. Vẫn bảo, đừng tham. Ôm đề có bữa… Đâu ít người tan cửa nát nhà. Bạn tôi tuy không đến nỗi, song khá mệt, dù chẳng nói.

ba-lo-nguoi-linh-1644382814.jpg
Chiếc ba lô và trang bị người lính tại Thành Cổ Quảng Trị do tác giả sưu tầm. Nguồn: Internet

 

Người ta bảo, tôi biết anh qua cô em gái, người đưa anh về đơn vị này. Đó là người tôi vẫn đùa “Em Sếp.” Phần vì khi đó em là trưởng phòng. Khác phòng, nhưng thường cùng tôi trong lắm dịp. Cùng tập văn nghệ, cùng ngồi dịch bài, cùng đi cao học. Và cùng bay đôi trong những chuyến công tác xa, từ Bắc vào Nam, từ Sài Gòn, lên Đà Lạt, xuống Miền Tây. Không chỉ Cần Thơ, mảnh đất Tây Đô, mà còn tới cả An Giang, thăm nhà Bác Tôn. Một lần, chúng tôi có dịp vào tận đoàn 962 thuộc quân khu 9 của anh hùng Bông Văn Dĩa, người mở đường cho đoàn 759, hay nơi về sau được tôn vinh là một bộ phận đặc biệt trong đoàn tàu không số của con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Nhưng tôi đâu biết Quốc Thắng qua em Sếp.

Tôi biết anh từ trước, qua anh Nhuệ, anh ruột của anh Đường, bạn tôi thủa còn ở nhà máy M3 Sơn Tây. Qua câu chuyện anh Nhuệ, khi cùng học tại nơi nay là Học viện Chính trị, các anh Nhuệ, Thắng và Doanh là ba bạn cố tri. Đi đâu cũng cặp kè. Ba chàng, mỗi chàng một xe đạp mới, chả biết mua bằng tiền cửa rừng hay nhà cho, mỗi chiều thứ bẩy lại cùng kéo nhau rong ruổi về Hà Nội. Đâu như hồi ấy, chàng nào cũng có một thiên chuyện riêng, một ai đó đang chờ. Cũng đã gặp người ấy của anh, sau về cùng một nhà. Rồi mới biết nàng là dân quan họ, nơi có những người con gái nổi tiếng kiêu sa với câu chuyện Lá diêu bông. Cả trong bài thơ, và cả trong bài hát.

Ra trường mới chia xa. Doanh hải quân xuống biển, hai lính chiến Thắng và Nhuệ lại lên rừng. Nghe loáng thoáng hồi ấy anh Thắng làm chính trị viên một đơn vị bộ binh ở miền Trung hay Tây Nguyên gì đó. Cũng rừng xanh núi đỏ, bom đạn thay cơm, cũng sốt rét ngủ hầm. Có lần không nhớ nghe anh tâm sự với ai, càng khốc liệt, khốn khổ, càng phải vui cười. Thống nhất đã lâu, anh mới về chỗ tôi, ban đầu ở phòng Phổ biến, nghe từng viết không ít kịch bản phim quân sự. Thật lắm tài. Rồi phòng Thông tin tôi có thêm một con người hòa đồng, cởi mở. Chưa có dịp kể anh nghe, vì sao biết anh. Cũng chưa có dịp hỏi về các bạn từ các chiến trường ra học cùng anh ngày ấy.

Về phòng thông tin, con người phóng khoáng của anh đâu dễ hòa nhập với môi trường đòi hỏi những tỉ mẩn, những ân nhắc từng câu chữ, từng dấu chấm dấu phảy. Trước đó, anh nào đã biết gì về cái nghiệp vụ rắc rối gọi là biên tập đâu. Với lại biên tập viên, như chức danh anh phải đảm nhận khi đó, đâu chỉ đòi hỏi nghiệp vụ biên tập. Muốn giúp anh đôi chút, đâu dễ. Lúc đó anh đã có tuổi, và sau lưng là cả một bề dầy. Gắn với đó là những thói quen khó bỏ. Chả cái nào gắn với việc anh đang làm. Lại không phải là kiểu người đùn đẩy, tránh trớ. Anh như chạch bỏ giỏ cua. Lại chịu điều tiếng.

Nghe anh có chút công thần. Nào phải, anh đâu cậy nhờ cái nhãn con ông cháu cha, dù thực tế anh là con một vị tướng. Anh được ra học viện Chính trị nhờ phấn đấu bản thân. Chưa xong cấp III (phổ thông trung học bây giờ) Thắng đã xung phong đi thanh niên xung phong, rồi vào bộ đội. Anh đã dự hàng trăm trận đánh, từ khu Năm đến Tây Nguyên. Sang Lào, Căm pu chia… Bạn kể, chiến đấu anh dũng mãnh, nào sợ hi sinh. Được đồng đội, được người dân quý mến nhờ hòa đồng, và chí cốt với nhau. Nhưng đấy là chiến trường. Thời bình người ta nhìn nhau ở chỗ khác. Hở ra là xét nét, chê bôi. Thắng luôn cố, lại được diễn giải là thích hơn người. Rồi quy thành công thần địa vị.

Của đáng tội, anh thực cũng có thích hơn người. Chẳng hạn, Thắng ham vui, thích đánh đề. Hầu như chiều nào cũng đôi nhát. Thường khoe, tính hơi bị chuẩn đấy, mười lần trúng đôi ba. Mỡ nó rán nó, thừa đủ uống bia. Thực thế không nào biết. Anh thích tụ tập tại Câu lạc bộ Quân đội, ngay bên sân bóng đá Cột Cờ. Đấy là nơi có chỗ chơi nhiều môn thể thao và nhiều thú vui, như tắm nước nóng và uống bia. Khi ở Hà Nội nước máy còn thiếu nói gì đến nóng lạnh, bia còn phải xếp hàng, người đôi vại… thì đây quả là nơi được không ít ước ao. Khó vào, phải có thẻ hội viên. Nhưng xin thẻ, với anh nào khó, đã có các đàn em, chiến hữu lo cho. Đấy là nơi chúng tôi gặp nhiều chúng bạn, rủ đến có, vô tình cũng nhiều. Có người chỉ một đôi lần, rồi xa. Có người biền biệt cả chục năm mới thấy mặt.

Gặp nhiều cây bút, trong lẫn ngoài quân đội. Thường thấy một nhà báo của Quân đội Nhân dân, lính chiến kì cựu, bên cốc bia to nhỏ với Hồng Thanh Quang, người mê đắm thơ Exenhin, và mê đắm không kém nàng Lê Dung. Con sơn ca ngọt ngào sâu lắng. Đó là nơi Văn Thành Nho của Đất nước lời ru gặp cô bạn cũ Quảng Ninh, xa cách đã lâu. Ngày ấy, anh giận tôi vì câu quan họ bỡn đùa: Chàng buông vạt áo em ra… Trọng Đài, chồng ca sĩ Mai Hoa, cầm cái vé xem chúng tao diễn. Còn uống với Thân Như Thơ của Tháng ba Tây Nguyên, bài thơ đã phổ thành ca khúc. Nhưng không thấy Nhuệ. Anh kém sức khỏe, hết giờ là về. Anh Doanh hay vào, chỉ để chơi quần vợt và tắm nước nóng. Tôi thích bơi và tắm, tất nhiên nước nóng. Còn anh Thắng hầu như đến chỉ để uống bia. Không hẳn, như đã nói, anh ham vui.

Lần ấy, trong đơn vị có người nhờ Thắng đánh hộ con đề theo số đã chọn. Anh vui vẻ đút luôn tiền vào túi, lẩm nhẩm, số này hôm nay sao trúng được. Ung dung mang tiền đó đi uống bia, anh mua hẳn mấy cóng, mỗi cóng ba lít. Đi uống bia, ai chả mang tiền. Song nào phải ai cũng đủ tài mua được nhiều bia, và có đủ tiền để lần nào cũng mua thật nhiều. Có nhẽ Thắng là một ngoại lệ. Sau đoán, vợ chiều. Hay như em anh bảo, vợ muốn ngăn chả được. Có điều, hôm ấy đến giờ so số thì thế quái nào con đề nhờ đánh lại trúng. Hôm sau, cái nhẫn hai chỉ thường trực trên ngón tay anh đã biến. Chẳng nhẽ hơn người ở chỗ ấy ư.

Vẫn thấy chàng vui vẻ đi uống bia, như chẳng chuyện gì. Có nhẽ tôi chơi với anh, cũng đôi phần vì tính cách ấy. Không ít lần đang dưới bể bơi, mới đôi vòng, đã nghe giục, thôi sang “hồ núi cốc.” Là chỗ có cốc bia, có người đang đợi. Chuyện thua đề không thấy anh lặp lại, song chuyện anh xuê xoa, bỏ qua cho bạn vẫn diễn ra, có nhẽ phải dày đặc tới mức hàng ngày. Thường bạn có gì không nên không phải thấy anh chỉ bĩu nhẹ môi một cái, cười. Cho qua.

(Còn tiếp)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Ba lần có lỗi (Kỳ 1)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn