Ba ngày đêm chiến đấu tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa

Trinh Duy Sơn

27/05/2021 22:45

Theo dõi trên

Ghi theo lời kể của nữ Anh hùng Phạm Thị Mỹ, nguyên là chiến sỹ đơn vị biệt động N13, tham gia cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968.

ba-ngay-dem-1622130110.jpg
 

Cuối năm 1967, tôi được điều động từ đơn vị X18 về làm chiến sỹ đơn vị N13 Biệt động thành Sài Gòn. Vì bảo đảm công tác bí mật nên chúng tôi chỉ được cấp trên giao nhiệm vụ từng việc làm cụ thể chứ không thể hiểu được quy mô và ý nghĩa của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy như sau này.

Tận chiều tối ngày 30 Tết chúng tôi mới được lệnh tập trung đến nhà chị Thúy (một gia đình cơ sở bí mật của ta) ở chân cầu Kiệu. Tuy đã được làm chiến sỹ biệt động hơn hai năm trời, đã tham gia đánh địch hàng chục trận, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tập hợp với một lực lượng đông tới 27 người. Mang tiếng là cùng đơn vị nhưng tôi chỉ quen mặt có vài anh chị em. Vậy mà ngay từ những giây phút đầu gặp gỡ, tất cả các anh chị đều tỏ thái độ âu yếm và coi tôi như em út trong nhà. Sau khi anh Ba Phong chỉ huy trưởng của đơn vị (sau này anh hy sinh và đã được nhà nước truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang) phổ biến nhiệm vụ chiến đấu. Chúng tôi tập trung bật nắp hầm bí mật tại nền nhà chị Thuý, đưa lên hàng chục cây súng AK, K54, lựu đạn và một khẩu B40 không biết được chôn từ bao giờ. Chúng tôi ra công lau chùi, cạo những chỗ han rỉ, thông nòng súng… nhưng vì không có dầu mỡ nên không thể lau sạch các vết rỉ. Anh Ba Phong liền bảo tôi ra cây xăng ngã tư Phú Nhuận mua nhớt. Buổi tối cây xăng đã nghỉ bán từ lâu, tôi phải năn nỉ mãi người chủ cây xăng mới chịu bán cho tôi mấy lít nhớt với giá tăng gấp đôi giá bán ban ngày. Khi có nhớt, đa số các khẩu súng chúng tôi lau đều sạch, duy chỉ có cây súng B40 bị han nặng, liệt cò không thể sử dụng được. Trước khó khăn mới nảy sinh, anh Phong lại phân công tôi và chị Nhung về tận Trung Chánh - Hóc Môn để lấy cây B41 và một số lựu đạn. Đường từ cầu Kiệu về Trung Chánh dài tới hơn chục cây số, lại phải vượt qua hàng chục bốt đồn, trạm kiếm soát. Chúng tôi được đem theo một khẩu K54 và một trái lựu đạn đề phòng tình huống xấu nhất...Tới nhà cơ sở ở Trung Chánh gia đình đã chuẩn bị cho chúng tôi 4 sọt cam vì đã được điện báo trước.

Chúng tôi năn nỉ mãi, người lái xe taxi mới chịu cho xe vào sát nhà. Trong lúc chị chủ nhà dụ người lái xe ra xa nói chuyện, tôi và chị Nhung gắng hết sức mới nâng được hai sọt cam chồng lên nhau lên xe vì phải giấu khẩu B41 xuyên 2 sọt. Chúng tôi nhanh chóng đưa khẩu B41 xuống gầm ghế xe và xếp lại các sọt cam cho ngay ngắn. Dọc đường về cầu Kiệu, có tới 5 trạm kiểm soát ách xe chúng tôi lại đòi khám xét. Bằng khuôn mặt xinh đẹp và lời nói “ngọt như mía lùi” của chị Nhung bọn lính tráng chỉ xổ ra một vài câu tán tỉnh hoặc dọa nạt rồi phủi tay cho chúng tôi đi sau khi đã nhận một bọc cam. Có súng B4l và thêm lựu đạn anh chị em mừng hết biết.

Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là đến giờ nổ súng. Nếu như các trận đánh trước đây chỉ vài người tham gia thì việc tiếp cận mục tiêu chẳng có gì phải đặt ra, nhưng lần này với lực lượng gần ba chục người phải di chuyển từ cầu Kiệu tới cổng số 4 Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn (hướng ngã 4 Chú Ía đi vào) thì thật không dễ gì. Tôi lại được anh Phong giao nhiệm vụ đi thuê một chiếc xe chở khách loại nhỏ (với lý do là đưa bà nội đi bệnh viện). Tới cầu Kiệu, tôi cũng phải năn nỉ hoài người lái xe mới chịu lùi xe vào con hẻm sát nhà chị Thúy. Người lái xe vừa kịp bước ra khỏi xe đã bị hai anh chộp hai cánh tay quặt ra sau lưng. Người lái xe vô cùng hoảng sợ, mặc dù được các anh giải thích: “Chúng tôi là bộ đội Cách mạng, chỉ mượn xe của anh đến mai sẽ trả”. Khi đã hiểu một phần sự thật, người lái xe thôi không xin tha chết nhưng lại khẩn khoản xin chúng tôi cho đi theo. Cuối cùng chúng tôi phải lập kế trói anh vào cột điện để anh sẽ có lý do khai với bọn địch là bị "Việt Cộng" cướp xe chúng không gây khó dễ. Chúng tôi cũng ghi địa chỉ nhà anh ở Trảng Bàng - Tây Ninh để sau này trả xe hoặc khi Cách mạng thắng lợi sẽ đền bù.

Không biết bằng cách nào anh Tám Bền cũng vừa cướp được của bọn cảnh sát một chiếc xe hơn chục chỗ ngồi. Chúng tôi khẩn trương đưa toàn bộ súng đạn, thuốc nổ rồi nhảy lên xe. Tôi hoàn toàn không ngờ rằng chính các anh cùng hoạt động với tôi thường ngày hiền như đất nay lại có thể ôm vô - lăng lái xe như bay từ cầu Kiệu tới ngã tư Chú Ía. Khi chúng tôi phóng xe trên đường ngay cả bọn cảnh sát cũng không hiểu ra sao và không kịp trở tay. Chỉ còn cách cổng số 4 chưa đầy cây số, một chiếc xe đột ngột tắt máy, số anh em ngồi trên chiếc xe hỏng lập tức bỏ xe chạy bộ. Chúng tôi nổ súng tiêu diệt bọn lính gác, cho xe chạy qua cổng một đoạn rồi dừng lại triển khai đội hình chiến đấu. Lúc này trên toàn thành phố cũng vang lên tiếng súng. Những trận địa pháo, ĐKB ở khắp các hướng quanh thành phố cũng tới tấp nhả đạn vào các mục tiêu định sẵn. Thành phố lúc này thực sự như một trận mưa đạn. Tiếng nổ đinh tai, đất trời rung chuyển khói bụi mù mịt.

Theo kế hoạch tác chiến thì đơn vị chúng tôi chỉ khai thông cổng gác, sau một tiếng sẽ có đơn vị bạn đến tiếp viện và sẽ đánh phát triển vào trung tâm. Khi ta mới nổ súng, bọn địch bị bất ngờ chạy toán loạn nhưng chỉ sau ít phút chúng đã triển khai đội hình chiến đấu và bắn như vãi đạn về phía chúng tôi. Một giờ, hai giờ… rồi cả ngày mồng một Tết trôi qua, chúng tôi đã chống trả với hàng chục đợt tấn công của địch mà vẫn không có một đơn vị nào đến tiếp sức. Tới trưa ngày mồng hai thì tiếng súng của chúng tôi thưa dần vì sắp hết đạn và một số anh em bị thương. Bọn địch sau mỗi đợt gọi chúng tôi đầu hàng lại tập trung các cỡ súng AR15, đại liên, M.79, M.72 và dùng máy bay trực thăng bắn vào chúng tôi. Lúc này hoặc là đánh đến viên đạn cuối cùng hoặc là phải liều bò qua hàng rào kẽm gai dưới làn mưa đạn của địch để ra xe lấy đạn (vì lúc đầu khi dừng xe triển khai đội hình chiến đấu chúng tôi chưa kịp đưa đạn xuống). Được các anh tập trung hỏa lực bắn kiềm chế địch, tôi gắng hết sức chui qua hàng rào, nhảy lên xe lấy đạn. Bọn địch phát hiện thấy tôi bò ra xe rồi lại bò vào, chúng cứ nhằm vào tôi mà bắn. Tôi chỉ thấy đầu đạn cày đất bụi mù, khét lẹt. Tới lần thứ tư, bọn địch dùng hỏa tiến bắn trúng xe tôi mới chịu ngưng.

Có thêm đạn, tinh thần anh em phấn chấn hẳn. Gần hai ngày đêm chiến đấu, bọn địch đã bị chúng tôi tiêu diệt một số nên chúng cũng không dám liều mạng và hung hăng như trước. Nhưng những khẩu đại liên chúng đặt ở trên sân thượng một căn nhà thì vẫn bắn như đổ đạn. Đồng chí Thái do bắn B41 nhiều quá bị sức ép đã điếc đặc và ngất đi. Số anh em thương vong đã lên đến hàng chục người. Rất đau lòng là số anh em bị thương nặng mà không có cách nào đưa được ra ngoài. Trước đây tôi có học vài động tác bắn B41 nhưng chưa thực hành bắn bao giờ. Anh Phong cứ giao súng và lệnh tôi phải bắn, tiêu diệt hai khẩu đại liên. Vì mục tiêu quá gần lại ở sân thượng nên tôi phải ôm súng bò lùi lại hàng chục mét thì mới có cự ly bắn thích hợp. Được các anh bắn kiềm chế, tôi đứng thẳng, tựa súng vào một cây chuối bóp cò, phải bắn tới phát đạn thứ hai khẩu đại liên mới câm họng.

Buổi tối ngày mồng hai, sau hai ngày hai đêm chiến đấu căng thẳng, không được ăn ngủ, ai nấy đều mệt mỏi rã rời. Số anh em hy sinh đâu vẫn nằm đó, số anh em bị thương chỉ được băng bó tạm đang nằm kêu rên. Tôi tuy chưa bị thương nặng nhưng mình cũng đầy vết kẽm gai cào đau nhức nhối, quần áo rách bươm. Tận nửa đêm gần sáng ngày mồng ba, chúng tôi vẫn không nhận được bất cứ liên lạc nào. Anh Phong đành bò vào một nhà dân mới bỏ đi, lấy được bộ quần áo cải trang để đi tìm cách liên lạc với ta.

Buổi sáng ngày mồng ba, không biết bằng cách nào, bọn địch đã bắt được anh Tám Bền. Chúng bắt anh lên máy bay kêu gọi chúng tôi đầu hàng. Trong lúc cực kì khó khăn thì một anh rút chốt lựu đạn chưa kịp ném đã nổ ngay trên tay, anh chết tại chỗ và bốn người nữa bị thương. Chờ mãi không thấy anh Phong trở lại, anh Ba Tấn đành lại phải trà trộn vào đám dân chạy loạn để đi tìm liên lạc. Người chỉ huy cao nhất lúc này là anh Hai Cảng. Khi số đạn của chúng tôi gần như cạn kiệt, bọn địch thì đã bao quanh như đàn ruồi, anh Cảng gọi tôi và chị Nhung lại. Anh nói: "ít phút nữa bọn địch sẽ tràn vào, tôi lệnh hai đồng chí rút lui ngay". Tôi vừa khóc vừa nói trong nước mắt "Em không đi…". Anh Cảng vừa nói vừa lấy tay ru chúng tôi: "Tôi lệnh các cô đi ngay, không lẽ chết hết"…! Tôi nhập vào đoàn người chạy loạn, miệng vẫn khóc tức tưởi, nhưng có lẽ mọi người xung quanh đều nghĩ rằng chúng tôi khóc vì sợ hãi như mọi cô gái đang chạy loạn trên khắp thành phố này.

Chỉ sau năm phút kể từ khi tôi và chị Nhung rời khỏi trận địa, tôi nghe tiếng súng ở trận địa nổ chát chúa một hồi rồi im bặt. Tim tôi như ngừng hẳn nhịp đập và tôi hiểu những gì đã xảy ra đối với anh chị em mình!...

Đã hơn 50 năm trôi qua, tôi đã gắng hết sức dò la tin tức mà chỉ tìm được vài anh chị em cùng chiến đấu. Với tôi ba ngày đêm chiến đấu tại  Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng Hòa mùa xuân năm 1968 là ba ngày suốt đời không thể nào quên. Và cũng từ đó tới nay, ba ngày Tết Nguyên đán đồng thời cũng là ba ngày tôi thắp hương tưởng nhớ đồng đội.

Theo Trái tim người lính

 

Bạn đang đọc bài viết "Ba ngày đêm chiến đấu tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn