Tỉnh Bắc Giang hiện có 6 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 1.460 ha bao gồm: KCN Đình Trám, KCN Song Khê - Nội Hoàng, KCN Vân Trung, KCN Quang Châu, KCN Hòa Phú, KCN Việt Hàn. Trong đó 5 KCN ở dọc theo Quốc lộ 1A và 1 KCN nằm tiếp giáp với KCN Yên Phong (Bắc Ninh).
Hiện có 5 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch 1.063 ha bao gồm: KCN Đình Trám, KCN Song Khê - Nội Hoàng, KCN Vân Trung, KCN Quang Châu, KCN Hòa Phú. Còn lại 1 KCN Việt Hàn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư, quý II/2021 sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng.
Bắc Giang hiện có 32 Cụm công nghiệp (CCN) ở các địa phương trong tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ quy hoạch mới 23 KCN, KCN - đô thị - dịch vụ với tổng diện tích 6.805 ha và 57 CCN với diện tích 2.563 ha.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước đây, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: “Trong khó khăn, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Nổi bật là tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Tỉnh không những bảo vệ thành công sản xuất công nghiệp mà còn đẩy mạnh thu hút đầu tư, tiếp tục đưa công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng, thu hút đầu tư, kim ngạch xuất nhập khẩu đều ở nhóm dẫn đầu cả nước với những con số ấn tượng như thu hút đầu tư gần 1,5 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 30 tỷ USD, thu ngân sách ước hơn 18 nghìn tỷ đồng. Đây đều là những con số cao nhất từ trước đến nay.
Bắc Giang cũng là điển hình của cả nước về tiêu thụ nông sản, trong đó vải thiều xuất khẩu sang hơn 30 nước. Sản xuất nông nghiệp được mùa, đem lại thu nhập cao cho nông dân và nhờ vậy đã giảm áp lực về an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.”
Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai Kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 do Chính phủ tổ chức, đồng chí Lê Ánh Dương đã có báo cáo tham luận. Đáng chú ý có đoạn: Bước sang năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; tỉnh Bắc Giang đặt quyết tâm cao nhất cùng cả nước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trên cơ sở các nghị quyết được Chính phủ thông qua tại hội nghị lần này, tỉnh sẽ chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, sát với tình hình thực tiễn ở địa phương; trong đó tập trung cao cho hoàn thiện thể chế, đầu tư hạ tầng trước hết là tập trung cho hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và hạ tầng xã hội quanh khu, cụm công nghiệp, cải thiện nhà ở cho công nhân.
Tỉnh Bắc Giang mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương. Tại Hội nghị này, tỉnh Bắc Giang có hai đề xuất, kiến nghị như sau:
Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho địa phương chủ động quyết định các vấn đề về đầu tư, xây dựng, đất đai… để thúc đẩy nhanh tăng trưởng. Nhiệm kỳ này, năm 2021 chúng ta đã chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, nếu không đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, không phát huy được các nguồn lực thì việc hoàn thành các mục tiêu KT-XH của cả nhiệm kỳ sẽ rất khó khăn. Ngược lại, nếu làm được việc này sớm thì không những chúng ta hoàn thành mà còn có thể hoàn thành vượt mức các mục tiêu đã đề ra đến năm 2025. Đây là điều mà các địa phương đều đang rất trông đợi ở Chính phủ.
Đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét sửa Luật Ngân sách theo hướng linh hoạt, khuyến khích các địa phương có nguồn thu bố trí ngân sách thực hiện các nội dung thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp trên, đáp ứng yêu cầu phát triển tại địa phương (Ví dụ: Cấp tỉnh có thể bỏ vốn làm đường, làm cầu cải tạo, nâng cấp đường quốc lộ đi qua địa phương khi mà Trung ương chưa có điều kiện đầu tư).