Tham dự có Lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tổ chức xã hội của tỉnh Bắc Giang, thị xã Việt Yên và hơn 300 đại biểu là những người đã từng làm nhiệm vụ trực tiếp hoặc gián tiếp trên tuyến đường vận tải chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam- Đường Trường Sơn.
Các đại biểu về dự đã cùng nhau ôn lai các sự kiện lịch sử đã diễn ra 65 năm trước. Đó là ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy Trung ương đã chính thức giao nhiệm vụ cho "Đoàn công tác Quân sự Đặc biệt"- Đoàn 559 do Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng, có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, chi viện cho cách mạng miền Nam. Khó khăn, gian khổ của cán bộ, chiến sĩ lúc bấy giờ khó có thể kể hết, trong điều kiện "Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng".
Chưa đầy 5 năm thành lập, ngày 3/4/1965, "Đoàn công tác Quân sự đặc biệt" đã trở thành Bộ Tư lệnh 559. Và cũng từ thời điểm này, Bộ Tư lệnh 559 từ vận chuyển chi viện cho chiến trường bằng gùi thồ đã chuyển sang vận chuyển chủ yếu bằng cơ giới. Ngày 29/7/1970, Bộ Tư lệnh 559 phát triển thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
Từ thời điểm này, Trường Sơn chính thức trở thành một chiến trường quan trọng và rộng lớn trải rộng trên địa bàn của 11 tỉnh Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh đông bắc Campuchia, thống nhất chỉ huy các lực lượng của Việt Nam hoạt động ở Trung và Hạ Lào. Từ năm 1973-1975, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã có lực lượng hùng hậu với 9 sư đoàn binh chủng cùng 21 trung đoàn binh chủng trực thuộc; quân số hơn 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và hơn 1 vạn thanh niên xung phong.
16 năm ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, giặc Mỹ đã thực hiện trên 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay, trút xuống Trường Sơn hơn 4 triệu tấn bom đạn các loại - bằng tổng số bom đạn sử dụng trong chiến tranh Thế giới lần thứ 2 và chiếm một nửa tổng số bom đạn mà đế quốc Mỹ đã sử dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. 16 năm chiến đấu anh dũng, Bộ đội Trường Sơn đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tuyên dương "Anh hùng LLVT nhân dân", được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng cao quý; 82 đơn vị và 47 cá nhân được tặng danh hiệu "Anh hùng LLVT nhân dân" cùng nhiều phần thưởng cao quý khác…
Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh thị xã Việt Yên Nguyễn Xuân Hưởng (ảnh trên) phát biểu nêu rõ: Thời gian dần lùi xa, nhưng với hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ và thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của con đường Trường Sơn năm xưa thì Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh gian khổ, ác liệt nhất song cũng đầy vinh quang và tự hào luôn hằn sâu trong ký ức. Trường Sơn vẫn vẹn nguyên, khắc khoải và nóng bỏng trong từng hơi thở, trong mỗi con tim của các cựu chiến binh Trường Sơn hôm nay.
Tiếp bước các thế hệ ông cha, phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Đoàn thanh niên thị xã Việt Yên đã cảm nhận về những ký ức năm tháng đã trôi qua, nhưng đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn mãi mãi ghi vào lịch sử hào hùng của dân tộc, như một con đường huyền thoại, mãi mãi là niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam, đi vào lịch sử như một kỳ tích, có ý nghĩa thiết thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay, trở thành biểu tượng để giáo dục lý tưởng cách mạng, ý chí vượt khó cho thế hệ trẻ hôm nay.
Tiếp nối tinh thần đó, các thế hệ thanh niên thị xã Việt Yên luôn nêu cao tinh thần yêu nước, không ngại gian khổ, hy sinh, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, thế hệ thanh niên thị xã Việt Yên và cả nước không ngừng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; là đội quân xung kích trong tham gia phát triển kinh tế-xã hội, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.