Các thế hệ người làng Vân vẫn gìn giữ và lưu truyền điển tích là vào thế kỷ thứ 6, có vị thân mẫu sinh một lần được 5 người con (4 trai, 1 gái), đặt tên là Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy, người con gái tên Mỹ Đạm.
5 người con của bà có dung mạo khác thường, khí chất hiển lộ. Khi đất nước lâm nguy, Triệu Việt Vương rút quân rời bỏ kinh thành về đầm Dạ Trạch lánh nạn, anh em họ Trương liền ra tay giúp nước. Sau khi đại thắng trở về đầm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen quấy phá, hai bên xung trận với giao ước, ai thắng sẽ được thưởng, ai thua, sẽ phải quy phục. Bọn quỷ đen thua trận, quy hàng các đại tướng. Từ đó trở đi, dân làng Vân mở hội vật cầu nước (còn gọi là hội Khánh Hạ) vào ngày hóa của Đức Thánh với ý nghĩa tưởng nhớ và mừng chiến thắng của các Ngài.
Luật chơi của hội vật cầu nước được tổ chức khi làng chọn ra 16 thanh niên khỏe mạnh tham gia hội vật gọi là quân cầu, được chia thành hai giáp, mỗi giáp 8 người (gọi là giáp trên và giáp dưới). Các trận vật cầu diễn ra trên sân trước ngôi đền thờ Đức thánh Tam Giang, có diện tích gần 200 m2. Mặt sân vật cầu được phủ một lớp bùn nhão, không có sỏi gạch vỡ. Hai đầu sân có hai hố để trong trận vật cầu, quân cầu tranh cướp đẩy cầu xuống. Một trong hai bên, mỗi lần đẩy được quả cầu xuống là kết thúc một hiệp.
Trước khi hội mở 2 ngày, các cụ trong Ban khánh tiết của làng ra mở cửa Đền để dọn dẹp, lau chùi các đồ thờ phụng, sau đó làm lễ Mộc dục. Người ta giã gừng hòa với rượu đựng trong một cái thau mới để “Mộc dục thần vị”, tức là tắm rửa cho nhà thánh.
Làng cử ra các cô gái trẻ đẹp, nết na, chưa có chồng gánh nước từ Sông Cầu về đổ vào sân vật cầu. Đồ gánh phải là đòn gánh cong, quang song và gánh bằng hai chĩnh gốm Thổ Hà xưa. Các cô gái được làng cử ra gánh nước phải mặc trang phục truyền thống của người vùng Kinh Bắc.
Tham gia điều hành Hội vật cầu nước còn có bộ phận trống lễ và trống trận. Khi trống trận nổi lên, tất cả quân cầu vào trận. Lúc này, quân cầu đang ở tư thế ngồi vòng tròn trong sân cầu, nhận tiếng trống lệnh liền đứng dậy nâng cầu lên trên đầu, vừa reo hò vừa tranh nhau quả cầu để đặt vào lỗ của bên đối phương.
Cũng như một số lễ hội dân gian truyền thống khác, lễ hội vật cầu nước ở Yên Viên (Làng Vân), Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang) mang đậm những nét tâm linh của cư dân trồng lúa nước với nhiều yếu tố về phồn thực, rèn luyện sức khỏe, thỏa mãn tâm linh. Quả cầu tròn là dương, tượng trưng cho mặt trời, còn lỗ cầu tượng trưng cho âm. Âm dương hòa hợp giúp mọi người làm ăn phát đạt, vạn sự bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Hội vật cầu nước đã trở thành đặc sản văn hóa của Bắc Giang - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Ngày 12/5/2022 (12/4 Âm lịch), tại làng Vân, tức thôn Yên Viên, xã Vân Hà, UBND huyện Việt Yên tổ chức Lễ công bố Quyết định Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội truyền thống Vật cầu nước làng Vân.
Tại buổi lễ, Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, đồng chí Nông Quốc Thành trao Quyết định cho lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo UBND xã và lãnh đạo thôn Yên Viên.