Dự Lễ khai hội có ông Lê Ô Pích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch cùng đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh Bắc Giang; Lãnh đạo thị xã Việt Yên và đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
Chùa Bổ Đà còn là một trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh Bắc Giang thuộc Phật giáo Trúc Lâm và sau này khi dòng Lâm Tế được truyền vào thì Chùa Bổ Đà còn là nơi kế truyền các vị tổ sư khai trường thuyết pháp, đào tạo tăng ni. Chùa còn là nơi an cư kết hạ và tham thiền học đạo của tăng ni trong vùng.
Chùa Bổ Đà được hưng công xây dựng trên núi Phượng Hoàng thuộc dãy Bổ Đà, xã Tiên Sơn. Thuở ban đầu, Chùa Bổ Đà chỉ là ngôi chùa nhỏ, gọi là Chùa Quán Âm, nhân dân quen gọi là Chùa Cao, hay (là Chùa Bổ). Dần dần, Chùa Bổ Đà được xây dựng thành một chốn tùng lâm và trở thành một sơn môn lớn, gọi là sơn môn Bổ Đà bao gồm nhiều hạng mục như chùa Quán Âm, Am Tam Đức, chùa Tứ Ân, vườn tháp, cùng nhiều công trình phụ trợ khác.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc và những giá trị tôn giáo tiêu biểu, năm 2016, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Bổ Đà được công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam vinh danh và đưa vào danh sách kỷ lục của Việt Nam Bộ Mộc bản kinh Phật của Thiền phái Lâm Tế khắc trên gỗ thị hiện lưu giữ tại chùa Bổ Đà là bộ Mộc bản cổ nhất; Ngôi chùa có vườn tháp lớn nhất Việt Nam. Năm 2017, Liên minh Kỷ lục thế giới đã xác nhận kỷ lục Bộ Mộc bản kinh phật của chùa Bổ Đà là Bộ mộc bản kinh phật khắc trên gỗ thị của thiền phái Lâm Tế cổ nhất thế giới. Tháng 3/2017, Lễ hội Bổ Đà được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tháng 12/2017, Mộc bản chùa Bổ Đà được công nhận là bảo vật quốc gia. Ngày 30/9/2019, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 703/QĐ-UBND công nhận chùa Bổ Đà là điểm du lịch của tỉnh.
Phát biểu khai mạc lễ hội, đồng chí Thân Văn Thuần (ảnh trên), Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã Việt Yên, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội nhấn mạnh: Việt Yên là vùng đất có truyền thống lịch sửa, văn hóa, nơi lưu giữ và bảo tồn 341 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 18 di tích cấp Quốc gia và 86 di tích cấp tỉnh, 2 bảo vật quốc gia. Việt Yên cũng vinh dự có 2 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hoá nhân loại là Quan họ và ca trù; 3 lễ hội được công nhận là văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào vô cùng to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đồng thời cũng là trách nhiệm rất lớn trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản trên. Thị xã Việt Yên tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án UBND tỉnh Bắc Giang về “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030”; Đề án của UBND thị xã Việt Yên về Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.
Về dự lễ hội năm nay, du khách được được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như: Liên hoan Dân ca Quan họ thị xã Việt Yên lần thứ XXIII năm 2024; Giao lưu trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể, thư pháp; trưng bày triển lãm sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP đặc trưng của thị xã; tuyên truyền về cải cách hành chính, chuyển đổi số; giao lưu các trò chơi dân gian như đập niêu, đi cầu khỉ…