Bắc Giang:  Măng Lục Trúc, hướng phát triển kinh tế nông thôn mới 

Trường Thịnh

20/06/2024 15:48

Theo dõi trên

Không chấp nhận để thất truyền sản phẩm độc đáo của địa phương, bà Dương Thị Luyện ở xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã dày công tìm tòi, nghiên cứu để khôi phục sản phẩm măng lục trúc, một giống cây trồng lấy củ đem lại hiệu quả kinh tế cao.

vuon-mang-cua-hop-tac-xa-mang-luc-truc-lam-sinh-ngoc-chau-tai-xa-cao-xa-huyen-tan-yen-1718700181.jpg

Vườn măng của Hợp tác xã Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu tại xã Cao Xá, huyện Tân Yên.

Đi lên từ thất bại
Tiếp phóng viên khi đang tất bật với những cuộc điện thoại đặt hàng, bà Dương Thị Luyện, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu chia sẻ, năm 2017, gia đình lỗ gần 4 tỷ đồng do chăn nuôi lợn thất bại. Rơi vào cảnh trắng tay, tưởng chừng như không thể gượng dậy, khi đó, bà Luyện phải chuyển nghề qua đi chợ buôn măng và rau để kiếm sống qua ngày. Thế nhưng, cũng chính từ đây, nhận thấy tiềm năng của giống măng lục trúc trên thị trường, bà đã bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu và khôi phục lại sản phẩm này. 
Kể về nguồn gốc giống măng lục trúc, bà Dương Thị Luyện cho biết, cách đây khoảng 30 năm, ông Nguyễn Công Tạn khi đó còn là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT có mang giống măng lục trúc của Đài Loan về trồng thử nghiệm tại địa bàn xã nhằm xóa đói, giảm nghèo và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, sau một số dự án trồng thử nghiệm đã thất bại, măng lục trúc đã bị mai một và không còn sản phẩm bán ra trên thị trường.
Sau thời gian dài trồng ở vườn nhà cho thu hoạch và cho giá trị kinh tế cao, đến năm 2018 bà Luyện quyết định vận động một số hộ dân ở đây, thành lập HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu, cùng với bà con nông dân trong xã chung sức để tái tạo giống măng này.  

hien-htx-mang-luc-truc-lam-sinh-ngoc-chau-da-co-29-thanh-vien-va-thanh-vien-lien-ket-voi-nhieu-vung-nguyen-lieu-thuan-tien-cho-viec-bao-tieu-san-pham-1718700157.jpg

HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu đã có 29 thành viên và thành viên liên kết, với nhiều vùng nguyên liệu thuận tiện cho việc bao tiêu sản phẩm.

Sau hơn 5 năm hoạt động, đến nay HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu đã có 29 thành viên và thành viên liên kết, với nhiều vùng nguyên liệu thuận tiện cho việc bao tiêu sản phẩm.

Bà Dương Thị Luyện đang có 7 trang trại trồng măng lục trúc tại huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang), trang trại nhỏ nhất 2ha, lớn nhất 20ha. Ngoài ra, còn liên kết theo kiểu cung cấp giống rồi bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích lên tới hơn 100ha.
Sản phẩm măng lục trúc của HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu được chế biến thành 3 loại sản phẩm chính gồm: Măng tươi; măng khô; măng ngâm ớt. Giá bán măng tươi thành phẩm 120 nghìn đồng/kg, măng khô khoảng 3 triệu triệu đồng/kg, măng ngâm ớt 100 nghìn đồng/hộp 2kg.


Đặc sản quen mà lạ
Trong văn hóa ẩm thực của người Việt Nam, búp tre non hay còn gọi là măng là thực phẩm rất đỗi quen thuộc mà có thể coi những bí quyết chế biến đã nằm lòng với mọi gia đình. Thế nhưng, khác với các loại măng khác trên thị trường, măng lục trúc là một giống măng rất đặc biệt.
Về ngoại hình, măng lục trúc có hình thuôn dài như sừng bò, củ măng cho chất lượng cao nhất khi thu hoạch củ vẫn còn nằm trong đất. Màu sắc vỏ vàng sáng, lõi trắng muốt. Vị măng giòn, ngọt và có thể ăn sống được chứ không nhất thiết phải qua chế biến. Đây là điểm đặc trưng của giống măng này. Về thành phần hoá học và dinh dưỡng, qua phân tích cho thấy măng lục trúc có hàm lượng tinh bột, chất xơ và dinh dưỡng cao, không hề có độc tố và đặc biệt rất tốt cho các bệnh như tiểu đường, tim mạch, huyết áp.

qua-trinh-trong-va-cham-soc-mang-luc-truc-khong-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-1718700181.jpg

Quá trình trồng và chăm sóc măng lục trúc không dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Không chỉ đặc biệt về hương vị, cách chăm sóc của loại măng này cũng có phần đặc biệt. Chia sẻ với phóng viên, bà Dương Thị Luyện cho biết: Quá trình trồng và chăm sóc măng lục trúc cũng rất đặc biệt. Cây măng này chỉ ưa phân chuồng hoai mục và một lượng rất nhỏ phân NPK, đặc biệt không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, do bản thân cây trồng không có bệnh nên không có nhu cầu dùng thuốc bảo vệ thực vật, hơn nữa cây măng này rất “dị ứng” với các loại thuốc bảo vệ thực vật, kể cả thuốc sinh học. Củ măng sau thu hoạch cũng chỉ cần bảo quản lạnh chứ không dùng bất kỳ loại hoá chất bảo quản thực phẩm nào. Do vậy sản phẩm thu hoạch hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Giống măng này chăm sóc dễ rất dễ, nhưng khó cũng rất khó, như em bé mới sinh nên giai đoạn đầu phải chăm sóc kĩ càng, cần thận. Thời gian mới trồng phải tưới lượng nước vừa đủ, không được thừa cũng không được thiếu, ảnh hưởng tới chất lượng củ măng. Ngoài ra phải chọn vùng đất không ngập lụt để trồng cho phù hợp”, bà Luyện chia sẻ thêm.
Về thời gian thu hoạch, từ lúc trồng tới khi được thu hoạch sẽ khoảng 1 năm, nếu chăm sóc tốt thì sẽ rút ngắn thời gian xuống khoảng 10 tháng. Sản lượng đối với mỗi cây măng sẽ tùy theo tuổi đời của cây, trung bình từ 40 -60 kg/gốc. 
Với mỗi 1 ha trồng măng lục trúc sẽ đem lại cho người nông dân từ 500 - 600 triệu đồng/năm. 

san-pham-mang-luc-truc-thuong-hieu-lam-sinh-ngoc-chau-duoc-nhieu-nguoi-tieu-dung-ua-thich-1718700180.jpg

  Sản phẩm măng lục trúc thương hiệu Lâm Sinh Ngọc Châu được nhiều người tiêu dùng ưa thích.

Với quyết tâm khôi phục giống măng đặc sản vốn đã mai một, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, bà Dương Thị Luyện đã bước đầu tạo dựng được thương hiệu cho sản phẩm măng lục trúc, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương, giúp người dân địa phương xóa đói, giảm nghèo.


 

Bạn đang đọc bài viết "Bắc Giang:  Măng Lục Trúc, hướng phát triển kinh tế nông thôn mới " tại chuyên mục Đời sống và phát triển. Hotline: 03 6690 8888 | Email: tapchivanhoavaphattrien@gmail.com