Đó là chân dung của người con gái sinh ra và lớn lên bên bờ Bắc sông Cầu. Khi về Hữu Nghi, tôi có gặp bà Nguyễn Thị Căn, người cùng làng với bà, được biết, gia đình bà Nạp hiện đang có 4 thế hệ biết hát quan họ. Mẹ (cụ Nguyễn Thị Toàn), bà Nạp, 3 con gái (Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Uyên, Nguyễn Thị Tú) và cháu Nguyễn Anh Tuấn (con của con gái Nguyễn Thị Hằng). Trước đó, khi còn trẻ, cụ Nguyễn Thị Toàn (mẹ của Nghệ nhân Nguyễn Thị Nạp) cũng là những người đam mê và hát quan họ rất hay, nổi tiếng ở bên bờ Bắc sông Cầu”. Do đó Nghệ nhân Nguyễn Thị Nạp đã sớm tiếp thu được những tinh hoa, nét đẹp văn hóa quan họ truyền thống của vùng Kinh Bắc.
Sinh ra và lớn lên ở thôn Hữu Nghi, xã Ninh Sơn là một trong 5 làng quan họ cổ của huyện Việt Yên vùng Kinh Bắc xưa; từ nhỏ, bà Nạp đã nặng lòng đam mê với hát. Thời niên thiếu, sau những lần làm đồng ruộng xong, bà thường cùng các bạn tham gia hát đối đáp. Những lần thua cuộc, bà quyết tâm về nhà tập luyện để những lần sau tham gia hát đạt kết quả hơn.
Theo ông Trưởng thôn Hữu Nghi: “Để được đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú như ngày hôm nay, bà Nạp đã ấp ủ trong lòng niềm tự hào về quê hương Hữu Nghi bên bờ Bắc sông Cầu. Tuổi thơ của bà đã được đắm mình trong những lời ru của mẹ, qua những câu quan họ mộc mạc ... Từ đó đã thôi thúc bà Nạp tìm đến các nghệ nhân trong vùng sưu tầm, học hỏi những kỹ năng trong việc trình diễn loại hình nghệ thuật này. Niềm đam mê ca hát trong bà cứ lớn dần, và trở thành một phần không thể thiếu với cuộc sống của Nghệ nhân Nguyễn Thị Nạp sau này. bà đã cùng những liền anh, liền chị quê hương hun đúc, bồi đắp, gìn giữ và trao truyền cho thế hệ trẻ sau này”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: bà Nạp đã tham gia truyền dạy các thế hệ yêu thích và hát quan họ ở các câu lạc bộ, Trường trung học cơ sở và cả con cháu trong gia đình yêu thích hát quan họ. Số lượng tính ra có đến gần 7 chục… bà đã tham gia tích cực công tác bảo tồn văn hóa quan họ truyền thống ở địa phương.
Hơn 7 chục năm qua, những làn điệu quan họ cứ ngấm sâu vào tâm hồn, theo suốt cuộc đời bà Nạp. Mỗi khi làng mở hội, bà lại cùng các liền anh, liền chị quan họ hát giao duyên; bà như "cây đại thụ quan họ" của làng Hữu Nghi, xã Ninh Sơn, Việt Yên, Bắc giang. Với những cống hiến của bà, bà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý là Nghệ nhân ưu tú năm 2023.
Khi được hỏi, Nghệ nhân Nguyễn Thị Nạp chia sẻ với chúng tôi: “Quy tụ được nhiều thành viên đã khó, song làm thế nào để mọi người hiểu và hát quan họ thật hay, đi vào lòng người càng khó hơn, nhất là quan họ lời cổ, hát không nhạc đệm. Đặc trưng của hát quan họ là vang, rền, nền, nẩy. Để đạt được những yếu tố này đòi hỏi người hát phải luyện tập kiên trì, bền bỉ, từ kỹ thuật lấy hơi, mở khẩu hình đến cách luyến láy mới có thể tạo nên sắc thái âm thanh đặc trưng của phong cách hát...”
Không chỉ đơn thuần biết hát, Nghệ nhân Nguyễn Thị Nạp và thành viên trong CLB còn phải hiểu được cái hay, đặc sắc của văn hoá quan họ, đó là cách ứng xử khéo léo, tế nhị, kín đáo… Nhiều người ban đầu tham gia CLB bỡ ngỡ, chưa thuộc lời, chưa biết lấy hơi, luyến láy, được Nghệ nhân Nguyễn Thị Nạp kèm cặp, hỗ trợ đã ngày một tiến bộ lên. Người ít, giờ cũng có thể hát đến 2 chục bài, người nhiều, có thể đến vài chục… Riêng Nghệ nhân Nguyễn Thị Nạp có thể hát được rất nhiều bài hát quan họ lời cổ.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Nạp cho biết: “Để nâng cao kỹ thuật hát, bà đã nhận được sự hướng dẫn, giúp đỡ của nhiều nghệ nhân tên tuổi, những giảng viên chuyên nghiệp, chuyên gia lĩnh vực quan họ của tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh...”
Mấy thập kỷ trôi qua, trải qua biết bao khó khăn, thăng trầm ở làng Hữu Nghi, Nghệ nhân Nguyễn Thị Nạp đã tham gia quy tụ, truyền dạy cho các thế hệ bà con trong thôn, trong xã và cả các cháu học sinh địa phương biết hát quan họ, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương phát triển. Ở nhiều hội diễn, liên hoan, canh hát do huyện, xã và các CLB tổ chức, Nghệ nhân và các con, các cháu đều có mặt tham gia tích cực. Nhiều giải thưởng của các cuộc liên hoan đã được trao cho CLB Quan họ của thôn Hữu Nghi, 2 mẹ con và cháu của bà.
Trong không gian của mùa lễ hội ở địa phương bên bờ Bắc Sông Cầu vào tháng Giêng Hai, mọi người đắm mình trong không gian của hội hè, của sắc xuân phơi phới, với khúc hát dân ca nổi tiếng của vùng Kinh Bắc; bà đã cùng các anh hai, chị hai với tà áo tứ thân, nón quai thao, thắt khăn mỏ quạ... Để rồi con mắt lúng liếng tình tứ, e thẹn cùng các anh hai, chị hai... giữa độ xuân thì.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Nạp và các liền anh, liền chị trong câu lạc bộ quan họ Hữu Nghi đã đắm say và chú trọng lối hát Quan họ truyền thống không có nhạc đệm. Các liền anh, liền chị chỉ hát “chay” mà vẫn thể hiện được tâm sự, nỗi lòng, cái da diết, khôn nguôi, khắc khoải của người quan họ, vẫn giữ được lối hát canh quan họ cổ truyền....
Khi du khách về làng Hữu Nghi mỗi độ xuân về, nghe Nghệ nhân và các anh hai chị hai hát quan họ, là mọi người thấy rung động trái tim từ những câu hát: “Làng quan họ quê tôi, tháng Giêng mùa hát hội”… Không khí náo nức, hồ hởi ở làng quê như dập dìu, mời gọi. Các liền anh, liền chị quan họ Hữu Nghi đi trẩy hội từ làng này sang làng khác, rồi vượt sông Cầu sang bên kia sông giao lưu hát quan họ với các câu lạc bộ quan họ bạn ở phía Nam sông Cầu...
Năm 2009, khi dân ca quan họ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, quan họ được sự quan tâm của nhiều cấp, nhiều ngành, đặc biệt là sự quan tâm của các du khách trong nước và quốc tế. Năm 2012, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) tổ chức tại Paris (Pháp); bà Nguyễn Thị Nạp - Dương Thị Dần, (làng Hữu Nghi) cùng các nghệ sỹ Lan Hương - Thu Thủy ( Bắc Giang), nghệ nhân Phú Hiệp - Đăng Nam (làng Thổ Hà) trình diễn văn hóa phi vật thể cùng hơn 160 quốc gia khác.
Từ khi được phong danh hiệu nghệ nhân ưu tú đến nay, bà Nạp và các con cháu, các liền anh, liền chị câu lạc bộ quan họ thôn Hữu Nghi, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên đã là những hạt nhân tích cực tham gia bảo tồn văn hóa quan họ truyền thống vùng Kinh Bắc bên bờ Bắc sông Cầu ở tỉnh Bắc Giang.