Bác Hồ "khai sinh" Tết trồng cây

Trồng cây mùa Xuân, là một mỹ tục có từ lâu đời ở nước ta. Nhưng để nét đẹp ấy, trở thành một phong trào rộng khắp, thành cái “Tết” thực sự của toàn dân, Bác Hồ đã dành không ít thời gian, tâm sức và trực tiếp thực hiện để khai sinh ra “Tết trồng cây” đặc sắc ở nước ta.

bac-ho-trong-cay-1674530932.jpg

Bác Hồ trồng cây đa lưu niệm trên đồi cây của xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) sáng 16/2/1969 (mùng Một Tết) mở đầu Tết trông cây Xuân Kỷ Dậu. Ảnh Tư liệu TTXVN.

 

 

Khởi đầu từ dịp tết Kỷ Hợi 1959, Bác đã phát động phong trào trồng cây mùa Xuân và chỉ ra lợi ích thiết thực của việc trồng cây cũng như phương án thực hiện  mà địa phương, cơ quan, đơn vị nào cũng có thể làm được. Trong thư phát động Phong trào trồng cây mùa xuân năm 1959. Bác Viết:“...Việc này ít tốn kém mà lợi ích rất nhiều, đó là cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể tham gia...”.Tiếp đến ngày 30/5/1959 trên Báo Nhân Dân, Bác lại có bài viết kêu gọi “nông dân trồng cây lấy gổ làm nhà” với lời khuyến khích chân thành và thiết thực.

“...Muốn làm cửa nhà tốt

Phải ra sức trồng cây

Chúng ta chuẩn bị từ rày

Dăm năm sau nữa bắt tay dựng nhà...”

Đặc biệt, chuẩn bị cho tháng Tết trồng cây mừng Đảng, mừng Xuân từ 6/1 - 5/2/1960, ngày 28/11/1959, Bác đã viết bài cổ động Tết trồng cây, với mục tiêu được đặt ra rất chi ly cụ thể: “...Miền Bắc ta có độ 14 triệu người, trong đó độ ba triệu trẻ em thơ ấu, còn lại 11 triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây...Như vậy, mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965(năm cưối của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây vừa cây ăn quả, cây có hoa,vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậy điều hoà hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta...”

Từ khi phát động phong trào Tết trồng cây cho đến ngày Bác đi xa cũng vừa đúng 10 năm, trong 10 năm ấy, dù bận trăm công nghìn việc, tuổi cao sức yếu, nhưng mùa xuân nào Bác cũng có bài viết in trên Báo Nhân Dân với bút danh TL, Trần Lực… khuyến khích nhắc nhở mọi người trồng cây và chọn cho Tết trồng cây một chủ đề thiết thực để phát động phong trào. Như mùa xuân 1960, kỷ niệm Đảng ta tròn 30 tuổi, Bác viết “Tết trồng cây mừng Đảng, mừng Xuân”, “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, mùa Xuân năm 1963, Bác nhắc nhân dân miền Bắc phải trồng cây cho cả đồng bào miền Nam, vì thế Tết trồng cây có chủ đề “Ngày hội trồng cây thống nhất”, Mùa xuân năm 1967 Bác lại căn dặn “Mùa xuân là tết trồng cây/ làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, và mùa xuân 1969, chủ đề của Tết trồng cây cũng là ước nguyện cuối đời của Bác “Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”...

Bác không chỉ là người khởi xướng, khai sinh ra Tết trồng cây mà còn là người đi đầu trong phong trào trồng cây với các địa phương. Tết trồng cây năm 1960, Bác về trồng cây tại Công viên Hồ Bảy Mẫu - Hà Nội (nay là Công viên Thống Nhất). Năm 1961, Bác về trồng cây với nhân dân HTX Lạc Trung, tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1963, Bác trồng cây với nhân dân huyện Đông Anh - Hà Nội. Tết năm 1967, Bác về trồng cây với nhân dân xã Tam Sơn, huyện Tiên Sơn - Hà Bắc, trồng cây đa lưu niện trước chùa Tam Sơn. Đặc biệt, mùa Xuân năm 1969, mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng Bác vẫn viết bài “Tết Trồng cây” nhắc nhở phê bình những thiếu sót trong việc trồng cây ở các địa phương và căn dặn: “...Năm nay chúng ta thi đua trồng cây cho thật tốt, phải bảo đảm trồng cây nào tốt cây ấy, tổ chức một “Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”...Và ngày 16/2/1969 (mồng một Tết âm lịch), Bác đã lên trồng cây với nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì-Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Tại  “đồi cây đón Bác”, đồi Đồng Váng, xã Vật Lại, Bác trồng cây đa lưu niệm, đây là cây đa lưu niệm cuối cùng trước lúc Bác đi xa.

Để tết trồng cây trở thành một phong trào sâu rộng trong quần chúng nhân dân, thành một mỹ tục đẹp trong ngày Tết cổ truyền hiện nay, sinh thời Bác không chỉ phát động phong trào, tham gia thực hiện mà còn thường xuyên theo dõi, khuyến khích, động viên, khen thưởng cụ thể những địa phương, cá nhân làm tốt việc trồng cây. Như: Bác tặng huy hiệu của Người cho các cụ Dương Đình Đông trên 60 tuổi ở Kim Anh- Vĩnh Phúc trồng và chăm sóc cây giỏi, trong năm 1963 đã trồng được 14.000 cây. Cụ Lạng trên 60 tuổi ở Mai Thuỷ - Quảng Bình trồng cây và vận động con cháu trồng được nhiều cây... (Báo Nhân Dân 5/2/1964). “...Biểu dương cụ Vũ Văn Lâm ở Hưng Yên đã 104 tuổi mà vẫn trồng được hơn 100 cây, cây nào cũng tốt…”, Bác khen “...Anh Cao Đăng Nhi ở Vĩnh Phúc, mù cả hai mắt mà trong 3 năm đã trồng được hàng ngàn cây xanh...” (Báo Nhân Dân - 5/2/1966). Đặc biệt, ngày 6/1/1966 nhân dịp tết Bính Ngọ, Bác Hồ đã ký lệnh số 8/LCT thưởng Huân chương lao động hạng Ba cho xã Đào xá, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ; Hợp tác xã nông nghiệp Liên Phương, xã Yên Từ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình...đã có thành tích xuất sắc trong phong trào trồng cây gây rừng. Và trong Tết trồng cây cuối cùng của đời mình, tết Kỷ Dậu 1969, Bác đã khen thưởng và tặng huy hiệu cho rất nhiều cá nhân có thành tích trồng cây tốt như: Cụ Trần Văn Cựu ở Đức Thọ-Hà Tĩnh; Cụ Kiều ở Quảng Bình; cụ Trương Đình Gióng ở Ý Yên-Nam Hà (nay là Nam Định); Cụ Dương Thị Na ở Phú Bình - Thái Nguyên...

Còn ở NgưThuỷ, một xã vùng cát ven biển Lệ Thuỷ - Quảng Bình, nhờ phong trào trồng cây chống cát giỏi, mà cụ Ngô Xuân Mốc người trồng được nhiều cây nhất xã, được Bác gửi tặng huy hiệu của Người và năm 1967 được tuyên dương Anh hùng lao động.

Có lẽ đối với nhiều người, trồng cây chỉ là công việc đơn giản hữu ích trước mắt, nhưng với Danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh, trồng cây cho đời sau đã trở thành một triết lý văn hoá nhân sinh sâu sắc. Chính vì vậy, mà trong Di chúc thiêng liêng để lại cho mai sau, Bác vẫn mong mỏi căn dặn trồng cây: “...Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là hoả táng...Tro thì chia 3 phần bỏ vào 3 cái hộp sành một hộp cho miền Bắc một hộp cho miền Trung, một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả không nên có bia đá, tượng đồng, mà nên xây một cái nhà đơn giản rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên và xung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp...”

Bác đã đi xa, nhưng trong tâm khảm mỗi người Việt Nam, Bác vẫn như còn hiện hữu với mỗi Tết trồng cây. Và để ghi nhớ công ơn trời biển của Bác, từ Tết trồng cây năm 1970, phong trào tết trồng cây được nhân dân thêm vào 4 chữ “Tết trồng cây làm theo lời Bác”. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, phong trào “Tết trồng cây” và “Tết trồng cây làm theo lời Bác” đã trở thành một mỹ tục ngày tết, một nét đẹp văn hoá trong đời sống xã hội hôm nay và mãi mãi về sau.