Thành lập năm 2008 với gần 20 thành viên, xuất phát từ niềm đam mê, yêu thích tiếng hát chèo, các thành viên dù bận rộn công việc đồng áng, việc gia đình nhưng vẫn sắp xếp thời gian hợp lý để tập luyện và tham gia các hoạt động của Ban nhạc. Toàn bộ kinh phí tập luyện, mua sắm nhạc cụ, trang phục biểu diễn… đều do các thành viên tự nguyện đóng góp và vận động nguồn xã hội hóa. Tuy khó khăn, vất vả nhưng ai cũng say mê và hạnh phúc vì được góp sức mình gìn giữ và phát huy giá trị của nghệ thuật chèo.
Thời gian qua, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Ban nhạc tạm dừng hoạt động tập trung, song các thành viên vẫn tự tập luyện tại nhà vừa để nâng cao tinh thần chống dịch, vừa thỏa niềm đam mê.
Ông Nguyễn Xuân Tam, 63 tuổi, Chủ nhiệm Ban nhạc đồng quê NCT xã Phú Hòa cho biết: “Các thành viên tham gia Ban nhạc đều là NCT yêu thích văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là hát chèo, coi đây là món ăn tinh thần trong cuộc sống hàng ngày của chúng tôi. Thấu hiểu điều này, tôi cùng một số thành viên khởi xướng thành lập Ban nhạc, thu hút nhiều người tham gia và ủng hộ, trong đó Hội NCT xã nhiệt tình hỗ trợ để Ban nhạc hoạt động và phát triển”.
Thời gian đầu, Ban nhạc chỉ tập luyện, tái hiện các trích đoạn chèo cổ, người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người chưa biết, cứ thế các thành viên dần quen với cách hát đúng nhịp, phách chèo. Giờ đây, một số thành viên đã tự biên, tự diễn hàng chục tiểu phẩm, trích đoạn với nhiều ý hay, tứ lạ, thấm tình quê, mang tính thời sự và nhân văn, phản ánh tâm tư tình cảm của nhân dân, ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu... Từ việc duy trì hiệu quả hoạt động và phong trào ca hát, Ban nhạc đồng quê được xem là hạt nhân nòng cốt trong phong trào văn hóa, văn nghệ của NCT xã Phú Hòa; tích cực tham gia biểu diễn trong các hội nghị, giao lưu văn hóa, văn nghệ của xã, huyện và giao lưu, biểu diễn mỗi dịp hội làng, đón nhận danh hiệu làng văn hóa, phục vụ các sự kiện của Hội NCT ở các xã lân cận, nhận được sự ủng hộ, cổ vũ nhiệt tình của nhân dân địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thảo, thôn Phú Dưới, xã Phú Hòa bộc bạch: “Thời trẻ tôi cũng mải mê làm kinh tế, mãi đến khi là hội viên NCT, được mời tham gia Ban nhạc, tinh thần phấn chấn, vui vẻ, sức khỏe cũng được cải thiện hơn. Đặc biệt, trong Ban nhạc các thành viên coi nhau như một gia đình, cùng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm dạy bảo con cháu, thăm hỏi, động viên nhau những lúc ốm đau, vui, buồn, hay hướng dẫn nhau kinh nghiệm, kỹ thuật đơn giản trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi…”.
Không ngừng duy trì, nâng cao hoạt động, vào tối thứ bảy hàng tuần, các thành viên trong Ban nhạc lại có mặt tại nhà văn hóa tập luyện. Những làn điệu chèo hòa quyện với âm thanh của tiếng trống, tiếng phách ngân nga giữa làng quê thanh bình giúp các thành viên xua tan mệt mỏi, những vất vả của cuộc sống thường ngày. Hơn 10 năm qua, dường như những làn điệu chèo đã ngấm vào máu thịt và trở thành một phần trong cuộc sống của các thành viên Ban nhạc và người dân nơi đây.
Giữa thời hiện đại với nhiều loại hình nghệ thuật, về Phú Hòa nghe tiếng chèo, ta như được đắm mình trong những lời ca mượt mà, đằm thắm từ những người nông dân vốn quanh năm chỉ quen với chân lấm, tay bùn. Từ lòng đam mê, yêu tiếng trống và những làn điệu chèo, các thành viên Ban nhạc đồng quê NCT xã Phú Hòa đã góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Bắc Ninh: Đam mê nghệ thuật chèo ở Phú Hòa
14:41 28/08/2021
Không phải làng chèo, cũng không được truyền dạy bài bản, song với tình yêu văn hóa, văn nghệ, người cao tuổi (NCT) xã Phú Hòa, Lương Tài (Bắc Ninh) đã thành lập Ban nhạc đồng quê để thỏa niềm đam mê với những làn điệu chèo, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần giúp NCT sống vui, khỏe và hạnh phúc.