Bắc Ninh: Khai thác thế mạnh du lịch di sản văn hóa

Di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút khách tham quan trong nước và khách du lịch quốc tế. Ngược lại, di sản cũng cần dựa vào du lịch để bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị. Tự hào sở hữu “mỏ vàng” di sản văn hóa phong phú về loại hình và giàu có về giá trị, do đó việc khai thác, phát huy nguồn tài nguyên này trong phát triển du lịch luôn được Bắc Ninh đặt ra.
di-san-van-hoa-bac-ninh-1626131671.jpg
Du khách quốc tế tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại lễ hội Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn). (Ảnh chụp năm 2019)

Được biết đến là một địa chỉ du lịch nổi tiếng trong hành trình khám phá những miền di sản đặc sắc của Việt Nam, hàng năm Bắc Ninh đón một lượng khách tương đối lớn, chủ yếu là khách tham quan, lễ hội, nghiên cứu các di tích lịch sử văn hóa đình, đền, chùa... tập trung đông nhất vào mùa lễ hội. Đánh giá của ngành du lịch tỉnh, những năm gần đây, nhu cầu khách du lịch tới Bắc Ninh đang có xu hướng mở rộng, chủ yếu tìm hiểu, thưởng thức Di sản Dân ca Quan họ, khách công vụ, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu thị trường kinh doanh, mở rộng đầu tư, tìm kiếm đối tác kết hợp tham quan, trải nghiệm di sản văn hóa...
Giai đoạn 2011-2020, lượng khách du lịch đến Bắc Ninh có nhịp độ tăng trưởng đạt 18,9%/năm. Thu nhập du lịch có xu hướng tăng lên nhanh, năm 2016 đạt 589 tỷ đồng đến năm 2019 đạt gần 1.100 tỷ đồng. Kết quả điều tra mức chi tiêu trung bình của khách du lịch tại các điểm danh lam thắng cảnh và khách sạn trên địa bàn tỉnh là 2,1 triệu đồng/người/ngày đối với khách du lịch quốc tế và khách nội địa chi tiêu khoảng 530 nghìn đồng/người/ngày. Qua đó khẳng định di sản văn hóa là nguồn tài nguyên có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước, quốc tế đến tham quan và trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương.

Thực tế cho thấy, du khách đến tham quan, trải nghiệm, thụ hưởng giá trị di sản sẽ mang theo nhiều lợi ích cho cộng đồng. Không chỉ thôi thúc chính quyền và người dân địa phương biết quý trọng, tự hào, quan tâm chăm lo gìn giữ bảo tồn, phục dựng và phát huy những giá trị vốn quý của ông cha mà du lịch di sản còn đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời tạo việc làm, cải thiện môi trường tự nhiên xung quanh.

Giới chuyên môn đánh giá, cùng với yếu tố về hạ tầng, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, di sản văn hóa là yếu tố quan trọng để xây dựng sản phẩm du lịch. Thông qua hoạt động du lịch cũng góp phần bảo tồn giá trị và mở rộng giao lưu văn hóa, từ đó làm giàu bản sắc, thăng hoa giá trị văn hóa quê hương, dân tộc. Nghĩa là, du lịch và di sản có mối quan hệ cộng sinh, nương nhờ vào nhau. Vấn đề đặt ra là làm sao định lượng đúng giá trị của di sản để thiết lập cơ chế đầu tư, khai thác phù hợp nhằm bảo đảm cân bằng hài hòa, bền vững giữa phát triển và bảo tồn.

Bắc Ninh đang có 4 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Nghi lễ và trò chơi kéo co; thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; có 8 di sản đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 62 làng nghề thủ công truyền thống; hơn 500 lễ hội và phong phú các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như: tuồng, chèo, rối nước, ca trù, hát trống quân... Ngoài ra, trải khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh còn có khoảng 1600 di tích, 13 nhóm Bảo vật Quốc gia có giá trị đặc sắc tiêu biểu. Đó là kho báu di sản văn hóa đồ sộ, kết tinh và tỏa sáng bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống, những thuần phong mỹ tục của quê hương, đất nước.

Nhằm phát huy lợi thế nổi trội về tài nguyên du lịch văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 định hướng ưu tiên phát triển du lịch và khẳng định “Bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; tập trung các nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia tiêu biểu, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, hát Ca trù, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, các làng nghề truyền thống tiêu biểu… gắn với phát triển du lịch”.

Tạo tiền đề đưa Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa lớn của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và của cả nước vào năm 2030 và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, ngành du lịch Bắc Ninh đang tập trung tham mưu, xây dựng cơ chế nhằm phát triển đa dạng sản phẩm du lịch từ nguồn tài nguyên di sản văn hóa. Từ đó, tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, trải nghiệm khác biệt, làm nổi bật những tinh hoa đặc sắc và những di tích, di vật độc đáo, quý giá của quê hương Quan họ, đồng thời thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với Bắc Ninh.  
Hiện toàn bộ dữ liệu di sản văn hóa sau kiểm kê, phân loại đang từng bước được tích hợp vào kho dữ liệu điện tử du lịch và hiển thị vị trí trên bản đồ số du lịch bằng ứng dụng phần mềm GIS. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục lựa chọn, khai thác đưa lên Cổng du lịch thông minh và ứng dụng du lịch “Về miền Quan họ” trên điện thoại thông minh phục vụ nhu cầu du khách.