Điều đặc biệt giá trị là nội dung văn bia do Đào Công Chính đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhị danh Bảng nhãn khoa thi Tân Sửu (1661), người làng Hội Am (còn có tên Nôm là làng Cõi), tổng Đông Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) soạn dưới thời vua Lê Huyền Tông niên hiệu Cảnh Trị thứ 07 (1669).
Văn bia “Sáng lập hậu thần” hiện dựng tại mộ tổ dòng họ Trần khu phố Đa Cấu, phường Nam Sơn (thành phố Bắc Ninh).
Đào Công Chính (1639- 1709) vốn xuất thân từ một gia đình có truyền thống Nho học lâu đời, nhiều người đỗ trung khoa, từng có người vào học tại Quốc tử giám. Thuở nhỏ ông nổi tiếng thông minh ham học và có thể xem là thần đồng, năm 13 tuổi đã đi thi Hương, đậu Hương cống. Năm 23 tuổi đời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Vĩnh Thọ năm thứ 4 (1661) ông đậu Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ nhị danh Bảng nhãn, vì vậy dân làng còn gọi ông là “Bảng Cõi”. Được vua yêu, chúa quý nên thăng tiến rất nhanh, chỉ trong vòng 15 năm (1661 - 1676) từ Thị thư hàn lâm viện đã được bổ nhiệm chức Phủ doãn phụng thiên (người đứng đầu kinh đô Thăng Long thời bấy giờ). Năm 1673, Đào Công Chính được triều đình cử làm phó sứ cùng Chánh sứ Hồ Sĩ Dương sang sứ nhà Thanh (Trung Quốc). Năm 1675 về nước, do hoàn thành tốt nhiệm vụ, khi trở về ông được phong chức Lại bộ Hữu thị lang, nhập thị kinh diên giảng quan (người giảng sách cho vua) rồi thăng Tả thị lang, Quang tiến thận lộc đại phu Bồi tụng.
Đào Công Chính còn là tác gia quan trọng của thế kỷ 17, khi còn là thị thư hàn lâm viện, ông là đồng tác giả tham gia biên soạn “Đại Việt sử ký toàn thư”, biên tập phần kỷ tục biên hoàn thành (1665). Khi nhập thị kinh diên (giảng sách cho vua) trong vòng 2 năm (1675 - 1676) cùng lúc ông làm sử quan tổng tài (chủ biên) biên tập 2 quốc sử nổi tiếng là: Trùng san lam sơn thực lục, Trung hưng thực lục. Đặc biệt năm 1676, Đào Công Chính biên soạn sách “Bảo sinh diên thọ toản yếu” theo chỉ dụ của vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn, nội dung sách viết về thuật dưỡng sinh cho vua, quan, chưa phải cho thứ dân nhưng sách viết rất toàn diện cả về lý luận lẫn thực tiễn, phòng bệnh, chữa bệnh, rèn luyện hướng dẫn cách ăn uống, kiêng kỵ, tắm giặt, nghỉ ngơi... Sách bám sát thực tế của nhân dân và được thừa nhận vận dụng có kết quả, được các bậc danh y sau này tiếp thu, vận dụng, phát triển nâng cao, vì vậy ông còn được tôn vinh là “Đức thánh thuốc nam, Hội Am Vĩnh Lại”. Ngoài ra ông còn được xem là một nhà thơ, nhà ngoại giao, nhà sử học, đặc biệt là danh y - nhà dưỡng sinh học nổi tiếng ở thế kỷ 17.
Tấm bia “Sáng lập hậu thần” hình trụ tứ diện được tạo tác bằng đá xanh nguyên khối, kích thước cao 105cm, rộng 47cm, đỉnh bia tạo dáng kiểu mái long đình, phía bên trên tạc chóp nhọn hình búp sen, trán bia mặt chính diện chạm nổi bằng hoa văn hình cánh sen đứng, diềm bia trang trí chìm họa tiết dây lá cách điệu. Lòng bia 4 mặt đều khắc chữ Hán thể chân phương còn khá rõ nét, tất cả khoảng gần 1100 chữ. Nội dung chính cho biết tại xã Lãm Sơn Đông vừa mới lập vị Trần công giữ chức Cẩn sự tá lang Tri huyện huyện Giáp Sơn cùng với vợ là Nguyễn thị làm hậu thần của bản xã. Phần đầu văn bia ca ngợi thân thế, sự nghiệp cùng công ơn to lớn của ông đối với dân làng, đoạn mở đầu viết:
“…Nay nhìn lại xã Lãm Sơn Đông, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn vốn là một vùng đất địa linh nhân kiệt, núi sông tươi đẹp. Tại đó có vị Trần công tên húy là Bôi nối đời được phong tước, gia truyền thi lễ. Có tổ đời xa là cụ Trần Bàn đỗ Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Tuất (1442) quê tại xã Từ Sơn1… Vào năm Canh Ngọ dự kỳ thi Hương đỗ tứ trường. Năm Canh Thìn dự kỳ thi Hội, vâng mệnh khảo xét tại phủ đường ban đỗ Hương Cống. Năm Bính Tuất tham dự kỳ thi Hội lại đỗ tam trường. Năm Giáp Ngọ nhận chức Nho học Huấn đạo ở phủ Hạ Hồng2. Năm Quý Mão nhận chức Tri huyện huyện Giáp Sơn3 tài đức nối nghiệp rực rỡ… Bản xã cảm động ân đức, bái phục tấm lòng nhân đức của gia đình ngài Trần công bèn lập văn ước. Cùng nhau tôn hai vị Trần công, Nguyễn thị làm hậu thần của bản xã. Lại ban cho bản xã 5 mẫu ruộng, 150 quan tiền sử, thúc đẩy việc cầy cấy trồng trọt, mọi việc đều nhờ vào công lao của người quân tử, theo phép hiền đức tất gặp điều hiền đức, cứu giúp dân đem lại niềm vui tất được nhận niềm vui…”.
Phần cuối cho biết văn bia được lập vào ngày tốt tháng 12 nhuận triều vua Cảnh Trị năm thứ 7 (1669). Soạn văn bia là Đào Công Chính đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh khoa Tân Sửu (1661), giữ chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Thanh Hoa xứ Tán trị Thừa chính sứ ty Tham chính.
Cục phó Nguyễn Tích Đức người xã Kính Chủ, huyện Giáp Sơn viết chữ, các vị Nguyễn Thịnh Cần, Nguyễn Thịnh Lại, Nguyễn Tích Tường khắc.
Tóm lại tấm bia “Sáng lập hậu thần” chứa đựng giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học và mỹ thuật. Đây là lần đầu tiên phát hiện được di văn quý hiếm còn lại đến ngày nay của nhà khoa bảng tiêu biểu - Bảng nhãn Đào Công Chính người làng Hội Am, huyện Vĩnh Bảo, trấn Hải Dương (nay thuộc thành phố Hải Phòng) nơi có nhiều nhân tài nổi tiếng dưới triều Hậu Lê. Nội dung văn bia còn cung cấp thêm nhiều thông tin chính xác về khoa danh, chức tước của Bảng nhãn Đào Công Chính vào giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVII.
Chú thích:
- (1):Xã Từ Sơn (nay là thôn Từ Phong,
xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
- (2): Phủ Hạ Hồng nay thuộc địa phận tỉnh Hải Dương (gồm các huyện: Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện).
- (3): Huyện Giáp Sơn nay là địa phận thị xã Kinh Môn tỉnh Hải Dương.