Bản Bút (Xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa): Điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn

Bản Bút, xã Nam Xuân, huyện vùng cao Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa được thiên nhiên ban tặng cho cảnh sắc nên thơ, trữ tình. Khi đến bản Bút, du khách không chỉ được thả mình vào vẻ đẹp thiên nhiên tươi đẹp mà đến đây du khách còn được khám phá những giá trị văn hóa mang đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc Thái.
ban-but-1-1660531148-1660536079.jpg
Những thửa ruộng bậc thang là nơi checkin vô cùng hứng thú cho du khách

Bản Bút cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 150km. Bản nằm trong một vùng thung lũng rộng lớn, được bao quanh hơn 1.000 ha rừng nguyên sinh, khí hậu quanh năm mát mẻ và trong lành. Đây là nơi sinh sống của 105 hộ dân tộc Thái.

Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay bản Bút vẫn còn lưu giữ những nếp nhà sàn truyền thống với nét kiến trúc đặc trưng là điểm nhấn trong bức tranh tuyệt đẹp của miền sơn cước này. Đồng bào dân tộc Thái ở đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống, như: trò chơi tó lẹ, ném còn, bắn nỏ, đi cà kheo, kéo co...; Bên cạnh đó, bà con bản Bút còn gìn giữ được văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú được gìn giữ qua nhiều thế hệ, như: xôi ngũ sắc, cá suối nướng, cá đồ, thịt lợn cỏ, gỏi cá dốc, cơm lam, bánh ú... các thôn, bản đều có hương ước, quy ước.

Thật thiếu sót nếu đến bản Bút mà du khách không thưởng ngoạn vẻ đẹp hồ Pha Đay. Để thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp nguyên sơ, dịu dàng, phóng khoáng của hồ Pha Đay, du khách đi thuyền độc mộc.

ban-but-3-1660531147-1660536121.jpg
Hồ Pha Đay - điểm nhấn của du lịch tại bản Bút

Hồ Pha Đay có diện tích khoảng 2,2 ha nằm trên đỉnh núi có độ cao 1.200m so với mực nước biển. Hồ được bao bọc giữa rừng cây trên núi đá vôi hàng nghìn năm tuổi. Hồ Pha Đay mang trên mình sự hùng vĩ của núi rừng, sự mềm mại của làn nước hòa quyện cùng trời đất, núi rừng bao quanh, lúc xanh rêu, lúc xanh lam, khi lại lẫn sắc vàng của bóng cây, khi lại sắc trắng của những đám mây. Mặt hồ quanh năm như chiếc gương khổng lồ gom những nét đẹp nguyên sơ của núi rừng vào lòng.

Rời chiếc thuyền độc mộc trên lòng hồ Pha Đay, du khách có thể dừng chân checkin tại các thửa ruộng bậc thang; mặc thử trang phục của đồng bào Thái; hòa mình vào những làn điệu khua luống với các thiếu nữ nơi đây,… Không chỉ vậy, bà con bản Bút rất thân thiện, mến khách sẽ mang đến cho du khách không khí ấm áp, vui tươi.

ban-but-2-1660531147-1660536159.jpg
Ẩm thực vùng miền mang đặc trưng riêng tại bản Bút đã và đang níu chân du khách

Để phục vụ tốt cho du lịch, năm 2020 UBND xã Nam Xuân đã lựa chọn 5 hộ gia đình đồng bào Thái ở bản Bút làm thí điểm dịch vụ du lịch homestay. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư, cải tạo không gian, sưu tầm những vật dụng, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc để trưng bày, bán lưu niệm cho khách du lịch. Bởi thế, đến du lịch tại bản Bút, du khách được nghỉ tại những ngôi nhà sàn rộng rãi và thoáng mát, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân địa phương.

Năm 2019 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1574/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Quan Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại bản Bút nhằm đa dạng các sản phẩm và hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Với những giá trị văn hóa, ẩm thực đa đạng và độc đáo, sự nỗ lực của địa phương cùng tấm lòng hiếu khách của đồng bào Thái nơi đây, bản Bút có nhiều tiềm năng để trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn trong tương lai.

ban-but-4-1660531147-1660536192.jpg
Những ngôi nhà sàn tại bản Bút luôn được đồng bào nơi đây lưu giữ
Xã Nam Xuân phấn đấu đến năm 2023 thu hút hơn 800 lượt khách; năm 2025, có hơn 2.000 lượt khách mỗi năm (trong đó 60% là khách có lưu trú ít nhất 1 đêm). Từ năm 2025 trở đi, lượng khách tăng dần từ 5 - 10% so với năm trước. Năm 2023, tổng thu từ du lịch cộng đồng đạt từ 250 triệu đồng trở lên; năm 2025, tổng thu từ du lịch cộng đồng đạt trên 800 triệu đồng…