Bắn nhầm Thủ trưởng

Vào một ngày của mùa mưa năm 1969 . Chúng tôi vừa tập kích thắng lợi trận Ấp Bà Bông, công tác thu dọn chiến trường đã xong, việc chôn cất Liệt Sỹ cũng chu đáo. Anh em củng cố đội hình trên đường hành quân về căn cứ thì nhận được lệnh đơn vị đi bảo vệ và đón đoàn cán bộ cấp trên về Phân khu triển khai nhiệm vụ mới.   
ban-nham-1655133321.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

                           

Tôi để anh em tiếp tục về căn cứ, chỉ đưa theo một tiểu đội tinh nhuệ đi đón đoàn khách. Cắt rừng đi chừng hơn một giờ đồng hồ, áng chừng cũng sắp đến nơi. Đột nhiên có tiếng động trong rừng cây cách chừng 50 m. Rôi ló ra một khuôn mặt trông Tây Tây, da đỏ au. Chiến sĩ đi đầu nhanh chóng nổ phát súng bắn găm, tôi vỗ vai chiến sĩ và bảo khoan, chiến sĩ nói, giống Úc quá. Bên kia sau tiếng kêu rên và đổ gục của người bị bắn, lấp ló có vành mũ tai bèo của người phía sau nhào ra đỡ. Tôi thốt lên: Bỏ mẹ, bắn nhầm rồi! Phía bên kia hình như họ cũng nhận ra chúng tôi sau tiếng AK nên không có phản ứng. Để chắc ăn, tôi rứt vội chà lá và vung lên quay ba vòng, bên kia họ quay hai vòng, vậy là đúng quân ta rồi. Chúng tôi ùa sang để giúp sức.

Anh trưởng đoàn khách, mặt đâm lê hầm hầm nhìn về phía tôi và bảo: kỷ luật anh nào vừa bắn Thủ trưởng. Thủ trưởng đang được nằm băng bó tay trái, vung tay phải lên khua khoắng và bảo:

-Tại tôi, tại tôi, họ không có lỗi.

Tôi nhanh chóng lấy dao găm ra chặt vội một cây bằng cổ tay làm đòn cáng thương, buộc hai đầu võng hai bên, rồi bảo anh em đưa Thủ trưởng nằm vào, cáng về quân y viện. Trưởng đoàn khách trở lại bình thường và hỏi tôi:                       

- Giờ anh tính sao?

Tôi phác nhanh kế hoạch và bảo:  Hai chiến sĩ của các anh theo chúng tôi về viện để chăm Thủ trưởng. Ba chiến sĩ của tôi sẽ đưa đoàn các anh về phòng Đoàn Bộ (bộ chỉ huy Phân khu), đi luôn để kịp thời cứu chữa Thủ trưởng.      

- Anh giải quyết linh hoạt quá, cám ơn, đi thôi- Anh trưởng đoàn khách khen tôi. Tôi đi với đoàn cáng thương Thủ trưởng về quân y, đến nơi tôi báo cáo tình hình với Bác sĩ trưởng trạm quân y. Thủ trưởng được đưa ngay vào phòng điều trị. Công việc thay băng được em y sĩ nhanh chóng thành thạo chỉ trong vòng vài phút, sau em tiêm cho thủ trưởng một mũi bi (kháng sinh). Trước khi ra về tôi trao đổi với hai chiến sĩ đoàn khách, dặn dò trông nom Thủ trưởng. Ghé sang thăm Thủ trưởng, chưa chi ông đã nói:

 - Các chú về đơn vị chiến đấu đi, tôi ở đây là ổn rồi!                               

Tôi dặn em y sĩ, chú ấy chuẩn bị họp bàn việc quan trọng đấy, em cố gắng chăm sóc chú cho tốt nhé! Em y sĩ gật đầu: Dạ.

Tôi và các chiến sĩ của mình trở về căn cứ, tiếp tục huấn luyện để chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo. Đinh ninh lần này không kỷ luật thì cũng bị phê bình khiển trách.

Ngày thứ ba cũng không thấy gì, cuộc họp trên Phân Khu chắc cũng bắt đầu triển khai. Tôi cử cấp phó ở lại tiếp tục huấn luyện anh em: Có năm cách đánh, năm chiến thuật. Đánh đồng bằng, đánh có địa hình địa vật, đánh có hầm hào lô cốt, đánh trong thành phố, đánh giáp lá cà.

Giao việc xong, tôi cùng hai chiến sĩ cắt rừng lên quân y thăm thủ trưởng. Đến nơi gặp em y sĩ, từ xa em đã tươi cười: Các anh trắng án rồi, chú toàn nhận lỗi về mình, chú bảo các chú trong Phân khu: tại tôi sốt ruột quá, mấy đứa nó cứ dò mìn mất thời gian, mình lại không đội nón (mũ tai bèo), cánh tinh nhuệ họ cũng dè chừng, chứ nó làm cả băng thì mình cũng đi đứt rồi còn gì, dáng dấp mình lại giống thằng lính Úc, các cậu ấy bảo thế. Tôi thở phào nhẹ nhõm, em y sĩ kể tiếp: Chú cũng văn nghệ ghê nha, điều trị nằm trên võng đu đưa, chú vẫn ca vọng cổ, có câu hay lắm anh à, nghe vừa vui vừa buồn. Câu gì em, tôi hỏi. Em dướn mắt lên vươn cổ cao, câu ca đó chú hát rằng: ”Chín năm kháng chiến trường kỳ! Mười lăm năm đánh Mỹ còn gì là đời tôi"!  Em mới bảo chú rằng: Chú ơi! Nghe chú ca con buồn lắm, muốn bỏ về với Ba Má con đây. Chú bảo: Vậy hả? Bọn bay cũng nhạy cảm thế sao, chú không hát nữa chú chỉ nghe thôi.

Chú có cái đài National. Chú nghe các chị: Thuý Đạt, Trang Nhung, Thanh Huyền, Bích Liên, Tuyết Thanh hát. Chú bảo, ngày mới tập kết ra Bắc chú cũng đi làm  thuỷ lợi, cũng đi cày với bà con ngoài đó, nên chú thích bài hát, đường cày đảm đang chị Thanh Huyền hát, bài ca năm tấn chị Bích Liên hát. Tôi hỏi em: Thế tình hình sức khỏe của chú ra sao? Em nói, ngay sáng nay các Chú Phân Khu đã rước chú về trong đó vừa điều trị vừa họp vì chú bình phục rồi. Vết thương đã có miệng, đã có y tá y sĩ trong đó họ theo dõi thay băng cho chú.

Chúng tôi ra về mang tâm trạng yên tâm nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu. Hành quân trên dải đất miền Đông khi vẫn còn đồn bốt quân thù.                 

Vào cuối năm 1974 tôi bị thương nặng, nằm điều trị ở quân y miền Đông cạnh rẫy Bầu Hàm Xuân Lộc Đồng Nai. Tết năm 1975 chúng tôi đón Tết chung vui với đồng bào đi làm rẫy. Bọn tôi chế biến được món kẹo chuối góp vui. Lúc đó tôi đã tập tễnh chống nạng đi lại được, ra ngoài rẫy chặt những buồng chuối chín, bóc vỏ ra dùng hai miếng gỗ mỏng ép hai bên, quả chuối mỏng như miếng cháy cơm, để trên các phiến đá, phơi nắng một ngày là khô dẻo kẹo. Cứ thế mang về nấu với đường là thành kẹo chuối, muốn ngon cho thêm đậu phộng rang.                                                      

Lúc đó đang có chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi nằm viện mà nghe tiếng pháo ta gầm mà lòng xốn xang khôn tả. Tiếng pháo nghe: Tong…tong…tong !Ầm…ầm…ầm! Từ trên đồi cao dội xuống quân đoàn ba Nguỵ ở Tam Hiệp Biên Hoà. Khi ta vào thu dọn chiến trường thì không còn một tên Nguỵ nào, tên nào sống sót thì bỏ chạy hết. Những máy móc tối tân Mỹ viện trợ còn nguyên kiện nguyên đai.

Đầu tháng 9 năm 1975 em y sĩ này đã thành Bác sĩ ở Viện Quân Y đến chia tay, chào chúng tôi: Em về Sài Gòn theo chồng và xin về làm ở một bệnh viện gần nhà- vẫn vui tính vậy, em bảo: hết chiến tranh rồi, không còn phải cứu chữa thương binh nữa. Em đến chào các anh về với Ba Má đây!        

Em cho chúng tôi địa chỉ của Thủ trưởng mà mấy năm trước chúng tôi đã bắn nhầm. Năm anh em đồng đội, ngồi uống trà thảo ra kế hoạch về Miền Tây thăm Thủ trưởng, vài hôm nữa về Bắc rồi, còn dịp nào nữa đâu.              

Tờ mờ sáng chúng tôi đã băng băng trong chiếc xe Lam trên xa lộ  Biên Hoà về xa cảng Miền Tây. Từ đây chúng tôi ngồi tiếp chuyến xe đò đến Miền Tây khoảng 6h sáng. Rộn trong câu hát: "Đường về Miền Tây qua bao nhiêu Phà Bắc…Xe lướt nhanh trên đường, xa mờ ruộng nương, cây xanh rợp che muôn hướng”!                 

Vừa ngoài ngõ đi vào sân, một em gái khoảng hai mươi tuổi chạy ra chào đón chúng tôi. Em nhanh nhẩu: Các anh đến nhà em chơi ạ! Sao em biết? Linh tính mách bảo ạ! Tôi nói: Ừ, các anh đến thăm Thủ trưởng! Em cất giọng : Ba ơi, có mấy anh ngoài Bắc đến thăm Ba!

Thủ trưởng vừa bước qua ngưỡng cửa vừa nhìn ra và bảo: mấy chú đại đội tinh nhuệ đây mà, sao biết nhà hay vậy?

Tôi nói: có chỉ điểm ạ! Thủ trưởng hỏi, ai vậy?Tôi tiếp, em y sĩ, à Bác sĩ cho chúng em địa chỉ ạ! Ra vậy, thế nó đâu? Tôi tiếp, em ấy theo chồng bỏ cuộc chơi rồi thủ trưởng. Sao lại bỏ, thủ trưởng hỏi. Em ấy xin chuyển về Sài Gòn cho gần Ba Má ạ!

Thôi được các chú vào nhà nghỉ ngơi ta nói chuyện tiếp. Sau một tuần trà chuyện trò rôm rả, Thủ trưởng dặn: các chú tắm giặt thay quần áo, tôi ra chính quyền một lúc rồi về ăn cơm. Thủ trưởng kêu: Hai ơi! Chuẩn bị cho các anh tắm, hai má con làm cơm, Ba ra chính quyền một chút rồi về.

Má ở sau vườn đi ra. Chúng tôi chào má, Má gật đầu chào các con, các con tắm giặt rồi nghỉ ngơi má đi làm cơm! Chúng tôi dạ, và theo hướng dẫn của em Hai. Em đưa cho chúng tôi hai cục xà bông Cô Ba, chiếc lược bằng xác máy bay Mỹ được Ba mang về từ Miền Bắc, hướng dẫn chúng tôi ra sau vườn và bảo: Các anh tắm xong vào chơi với Ba em, đồ cứ để đó em giặt cho. Tôi bảo để các anh giặt sao phiền em được. Em nói: Không sao anh, ở trường chúng em giặt tập thể quen rồi, cứ cắt cử, mỗi hôm  một đứa giặt cho cả phòng. Tôi tò mò hỏi em, Ba đi đâu hả em? Em thực thà: Đi khai báo chính quyền nhà có khách anh ạ, Ba là cán bộ phải gương mẫu, để giữ gìn trật tự an ninh ạ. À anh hiểu, tôi đáp lời em.                            

Em đưa chúng tôi ra sau vườn nơi có dòng mương chính đang được bơm nước chảy cuồn cuộn, tràn vào các mương nhỏ trong vườn cây trái. Trên bờ mương là nhà tắm được làm sạch gọn, dưới bóng mấy cây dừa tỏa bóng mát. Em nói: Các anh tắm ở đây nha, nhớ cứ để đồ em giặt cho, đảm bảo em giặt rất sạch cho mà coi, em vừa nói vừa cười, để chúng tôi ở lại, em vào làm cơm với má.

Chúng tôi tắm xong đi vào, thằng lấy tay xoa tóc cho khô, thằng lắc lư cho nước đọng hai tai bắn tung ra, cười nói chẳng khác nào lũ trẻ trâu tắm sông ngày xưa.

 Bữa cơm chiều thật vui vẻ, chiếc bàn xung quanh ngồi tám người vẫn rộng. Má và em thết chúng tôi vài món: Vịt nấu Cà Ri, cà Lóc kho tộ, canh Khổ qua nhồi thịt, một tô canh cua đồng, một rổ nhỏ đựng giá sống. Em nhìn tôi liếc sang Ba và hỏi: Ba nói anh này… Chưa dứt lời của em, Thủ trưởng hiểu ý nói ngay: lúc đó so với bây giờ là một trời một vực. Khi ấy anh còn to cao  khỏe hơn Ba nhiều, chỉ có con dao găm anh chặt mấy nhát là được cái đòn khênh cứu Ba, bây giờ anh giảm mất 50% rồi đó, em Hai cứ sáng mắt lên, vừa nghe chuyện vừa mời các anh dùng món.

Thủ trưởng tiện đà nói luôn ý định của mình: Mấy đứa sĩ quan trẻ mà mất sức chiến đấu, tiếc quá. Giá như sức khỏe còn tốt tớ đưa các cậu vào học viện bồi dưỡng tiếp thành cán bộ lòng cốt. Một đồng đội của tôi lên tiếng: Chúng em no đòn rồi thủ trưởng ơi, về quê với mẹ thôi. Thủ trưởng tiếp: Sao ăn nói bị quan và bất mãn thế, là nói còn sức khỏe, chứ cứ như các cậu mất sức chiến đấu như này thì nói làm gì. Nhưng về quê tuỳ sức khỏe làm gì được thì làm, đừng mất chất lính là được.

Đang vui vẻ, ở ngoài ngõ một chú bước vào sân bảo: Anh Hai, chút sang nhà em nhờ tý việc. Được chú cứ về cơm nước xong anh sang!                       

Khi xong bữa cơm chiều, các đồng đội của tôi ùa vào khu vườn của Thủ Trưởng để thưởng thức trái cây Miền Tây.                                     

Tôi ngồi lại bậc thềm, ngắm hàng dừa trước sân xuyên ra cánh đồng mênh Mông bát ngát. Em Hai cũng ngồi lại tiếp chuyện với tôi một cách cởi mở, như bạn bè đã thân nhau từ lâu. Em chủ động bắt chuyện tôi:

Anh à, ngày Ba tập kết, má mới mang bầu em, em lớn lên chỉ được coi ảnh Ba và những lời má kể về Ba. Em hình dung có một người Ba to cao khỏe mạnh, hiền từ phúc hậu. Khi Giải phóng Ba về đến trước sân là em biết liền, không hiểu lúc đó em như có người đẩy em về phía Ba. Em nhào ra, ôm lấy Ba, rúc đầu vào ngực Ba thôi rồi thổn thức. Một hồi Ba đứng yên, vỗ nhẹ vào tóc vào vai em và hỏi: Con gái, con gái của Ba, má con đâu? Em buông Ba ra và kêu má sau vườn. Má gặp Ba hỏi : Ông mới về, sao ngực ướt đầm, lưng lại khô queo vậy? Ba chỉ cười bước vào nhà, em lên tiếng: mồ hôi của con đó má!  Má kêu: trời! Ba con có khác!          

Em và má chuẩn bị cho Ba nghỉ ngơi, cơm nước. Khi vào Ba đã ngủ ngáy khò khò, chân vẫn chưa kịp tháo giầy, bà lô lăn sang một bên. Sau Ba kể rằng: Công việc quân quản bận ngập đầu, bận không có thời gian nghỉ ngơi...

Tôi ngắt lời em: Giờ em học ở đâu?                    

- Em học Đại học Y Sài Gòn năm thứ ba, và em kể tiếp- Ở nhà có hai má con buồn lắm anh ơi! Em đi học má lui cui làm việc một mình (ấy là lúc chưa Giải phóng, Ba chưa về, em giải thích). Lúc em còn học gần nhà, cũng luôn chân luôn tay làm cùng má cho má đỡ buồn nhớ Ba. Má bảo: Tao làm kiếm tiền nuôi bay ăn học, cứ học tốt vào, để Ba con còn vui lòng. Khi em học trên Thành Phố, ở xa nên một tháng mới về với má, một lần phải xin nghỉ hai hôm liền, mới có thời gian bên má !                                               Em sực nhớ ra: em quên, để em ra vườn hái mấy chùm chôm chôm vào cho anh ăn nha! Thôi anh cùng ra các bạn anh đang ngoài đó. Một tay tôi chống nạng, tay kia em dùng hai tay đỡ tôi dậy, chúng tôi cùng ra vườn thưởng thức trái cây. Bữa cơm tối cũng vừa xong, chúng tôi uống trà cùng thưởng thức trái cây Miền Tây: Xoài, Chôm Chôm, Mãng Cầu, Trái thơm, Sầu Riêng.                                               

Nhiều thế này ăn sao hết Thủ Trưởng, một đồng đội của tôi cất tiếng. Em Hai lên tiếng: Không hết mai các anh mang theo xe về ăn tiếp. Thủ Trưởng nói tiếp: Mai các cậu cứ đàng hoàng, tớ cho xe công vụ đưa về đến tận nhà, khỏi đi xe Lam xe đò gì hết. Tôi hơi ngạc nhiên, và trấn tĩnh ngay, bây giờ Thủ Trưởng đã là Cấp Tướng, có xe công vụ riêng rồi! 

Đêm Miền Tây bình yên,chúng tôi nằm trên hai cánh phản ghép đôi. Năm thằng nằm lăn lóc, Dang tay dang chân vẫn rộng. Gió Chướng từ cánh đồng trước mặt, thổi thốc qua hàng dừa trước sân lùa vào trong nhà mát rượi. Đồng đội tôi vẫn còn trong tuổi ăn tuổi ngủ, cộng với khí hậu Miền Tây trong mát, đã ngủ ngon lành. Tiếng Thủ Trưởng nằm gian bên hỏi vọng sang: Có đứa nào muốn định cư ở đây không tớ giúp! Tôi trả lời: dạ Thủ Trưởng, chúng em về quê đã ạ, thăm gia đình quê hương, trọn xa quê hương đã mười năm. Thủ Trưởng tiếp: Tớ biết, về ngoài đó ra sao thì thư vào nha! Dạ, và rồi tôi thiếp đi lúc nào không hay.              

Khoảng 8h sáng cơm nước xong, chiếc Com Măng Ca đã chờ chúng tôi ở đầu ngõ. Em Hai đã đưa gọn đồ của chúng tôi vào xe, chúng tôi chỉ việc chào Thủ Trưởng, Má và Em, rồi ra xe. Xe bon bon luồn qua con đường rợp mát bóng dừa, chúng tôi quay lại vẫy tay chào Thủ Trưởng, Má và Em xa dần và khuất hẳn. Ra đến lộ xe tăng tốc, hàng cây hai ven đường loang loáng chạy ngược về phía sau. Để lại quê hương Miền Tây trong lòng thương nhớ của người lính trẻ.

Gần năm giờ đồng hồ xe đã về đến Tỉnh Đội Biên Hoà. Lái xe đưa hành lý của chúng tôi xuống. Khi đi bồng tăng xẹp lép, khi về căng phồng nặng chịch. Má và em Hai đã để vào cho chúng tôi món quà trái cây Miền Tây. Thủ Trưởng bồi thêm cho chúng tôi, một cây thuốc, mấy cân đường và năm hộp sữa.

Chào Miền Tây thân yêu! Ngày mai chúng tôi về lại chiến trường, thăm tạm biệt đồng đội nằm lại Miền Đông (các Liệt sĩ), ngày mốt chúng tôi lên đường trở về Miền Bắc, Quê Hương đầu đời của những người lính chiến.

Chuyện làng quê