Ngày 20-12-1962, tại khu căn cứ kháng chiến miền Tây tỉnh Quảng Nam, báo Cờ giải phóng, cơ quan của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Trung trung bộ, ra đời. Những năm kháng chiến chống Mỹ, khu Trung trung bộ là một địa giới bao gồm các tỉnh ven biển miền Trung, từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Khánh Hòa và ba tỉnh Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai và Daklak, có số dân 4 triệu người.
Lúc đầu, báo in khổ nhỏ (20cm x 30 cm) trên giấy manh trắng, có khi là giấy kẻ ô vuông, chưa có giấy dành riêng cho báo, mỗi tháng báo xuất bán một kỳ 8 trang. Vài năm sau, đi đôi với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vùng giải phóng mở rộng, báo mở khổ rộng (30cm x 40cm), ra mỗi tháng 2 kỳ, rồi 3 kỳ. Những số đặc biệt nhân các sự kiện chính trị quan trọng hoặc lễ, tết, báo in 16 trang, nhiều màu. Số phát hành tăng từ 3.000 lên 4, 5 nghìn tờ. Có số lên đến 6, 7 nghìn tờ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tòa soạn báo chuyển về thành phố Đà Nẵng, báo mở rộng khổ như báo Nhân dân hiện nay, xuất bản mỗi tuần một số, phát hành từ 8 đến 10 nghìn tờ.
Máy in lúc đầu là máy mi-nec đạp chân, từ đồng bằng chuyển lên núi. Về sau có máy Tứ khai từ miền Bắc đưa vào. Miền Bắc cũng chi viện hàng tấn chữ in và rất nhiều giấy mực in báo. Có cả giấy sản xuất ở Liên Xô đưa theo đường rừng vào tận khu giải phóng để in các số báo đặc biệt và tài liệu quan trọng.
Năm 1964, vùng giải phóng đồng bằng miền Trung được mở rộng sát nách các thành phố, thị xã tạm bị địch chiếm. Báo tăng số phát hành đưa xuống đồng bằng. Tòa soạn đã cử người vượt hàng nghìn kilômét đường rừng ra Hà Nội làm ảnh trang bìa cho đẹp. Năm ấy báo số Tết in 6.000 số. Nhiều bàn đọc không ngờ báo làm ở giữa rừng Trường Sơn mà in rất đẹp, "bề thế" như vậy!.
Thời kỳ đầu, tranh in trên báo là tranh khắc gỗ do các họa sĩ vẽ, khắc ngay tại tòa soạn và nhà in. Về sau, đường mòn Hồ Chí Minh mở rộng, thông suốt, có xe thồ, xe ôtô, liên lạc giữa miền Trung và miền Bắc nhanh chóng, tiện lợi, báo đã nhận được bản kẽm từ miền Bắc đưa vào. Từ đầu năm 1972, nhà in báo đã trang bị được bộ phận làm ảnh kẽm tại chỗ. Do đó, báo đã chủ động làm ảnh kẽm theo ý muốn và đăng được nhiều ảnh thời sự đẹp.
Chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt, nhất là từ sau khi các đơn vị lớn quân Mỹ đổ vào miền Nam. Vùng căn cứ kháng chiến ở miền Trung bị địch đánh phá liên tục, dữ dội. Nhà in và tòa soạn đóng xa nhau. Lúc gần nhất cũng phải mất một giờ đi bộ. Hầu hết các thời kỳ tòa soạn và nhà in phải ở cách nhau từ một buổi đến hai ngày đi bộ. Cuộc sống của cán bộ, phóng viên và công nhân nhà in vô cùng gian khổ.
Thời gian lao động trong một năm phải chia làm ba phần, 1/3 cho công tác chuyên môn, 1/3 dành để đi gùi công lương thực và 1/3 dành làm rẫy sản xuất lương thực tự túc. Tổng lệ này có thể xê dịch, tùy tình hình cụ thể từng năm. Nói chung là mỗi năm, mỗi người phải sản xuất đủ tự túc từ 3 đến 5 tháng lương thực.
Tòa soạn báo Cờ giải phóng lúc mới thành lập chỉ có bốn cán bộ biên tập. Đồng chí Hồ Dưỡng từ báo Nhân dân ở Hà Nội vào làm Tổng biên tập kiêm phó trưởng ban tuyên huấn khu. Đồng chí Lê Nam Bằng (sau này là giám đốc Đài phát thanh Đà Nẵng) làm thư ký tòa soạn. Các đồng chí Hoài Nam, Hồng Sơn, Nguyễn Đình An làm biên tập viên, phóng viên. Về sau, lần lượt có các đồng chí làm báo chuyên nghiệp từ miền Bắc vào như các đồng chí: Đặng Minh Phương, Hoàng Trà, Lê Ái Mỹ, Vân Nhi, Phạm Hồ, Huỳnh Ngọc Lý. Một số đồng chí là cán bộ các ngành hoặc sinh viên vừa tốt nghiệp chuyển đến như: Kim Tấn, Trần Trung Kiên, Phạm Song... Họa sĩ Châu Hoan từ Hà Nội vào ngay những năm đầu chuyên vẽ tranh, minh họa cho báo. Biên chế của báo thường thường chỉ có 6 người, lúc cao nhất là 8 người, kể cả thư ký tòa soạn cho đến phóng viên, biên tập viên, họa sĩ. Người này đến người kia chuyển đi công tác khác.
Ba phóng viên, biên tập viên đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ là các đồng chí: Hồng Sơn, Phạm Hồ, Lê Ái Mỹ.
Báo đã được sự cộng tác đắc lực, thường xuyên của cán bộ các ngành, các cấp. Các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhà báo: Phan Tứ, Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc), Vương Linh, Nguyễn Chí Trung, Hồ Hiếu Dân, Thu Bồn, Cao Phương, Võ Thế Ái, Vũ Hải Doãn, Chí Cao, Chu Cẩm Phong, Việt Long, Dương Đức Quảng, Phước Huế, Trần Việt Sơn, Trần Hữu Chất... đã cộng tác, viết bài, tranh cho báo.
Hai năm đầu xuất bản báo, nhà văn Phan Tứ là một trong những cây bút cộng tác tích cực của báo. Bằng các thể loại: Xã luận, bình luận, chuyên luận, tin tức phóng sự, điều tra, thơ, ca dao, tranh vẽ... báo đã phản ảnh sinh động, phong phú các mặt hoạt động, chiến đấu, sản xuất... của quân và dân Trung trung bộ và các nơi khác để tuyên truyền, giải thích các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, Mặt trận, vạch trần các âm mưu, thủ đoạn và hành động tàn bạo, tội ác của quân xâm lược Mỹ và tay sai. Báo có chuyên mục "Nhằm trúng, nện mạnh" đăng tiểu phẩm, thơ đả kích, châm biếm, các mục vui cười, tranh đó... Từ khi ra số báo đầu tiên ngày 20-12-1962 cho đến khi kết thúc nhiệm vụ ngày 10-9-1975, báo Cờ giải phóng Trung trung bộ đã được 218 số với ngót một triệu tờ phát hành ở vùng giải phóng và cả trong thành phố, thị xã bị địch tạm chiếm. Với 14 năm tồn tại, báo Cờ giải phóng là tờ báo có tuổi thọ cao nhất và số phát hành lớn nhất trong các tờ báo cấp khu ở miền Trung trung bộ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Báo đã được thưởng Huân chương Giải phóng hạng nhất, nhiều bằng khen, giấy khen của Chính phủ cách mạng lâm thời, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và miền Trung trung bộ. Đội ngũ cán bộ của báo đã trưởng thành, sau này đảm đương nhiều công việc quan trọng trong ngành thông tin báo chí cả nước và các địa phương. Tất cả đều đã được thưởng các huân chương Giải phóng, Huân chương Quyết thắng và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đ.M.P