Ban Tuyên Huấn Khu V Anh hùng: Đài Minh ngữ trong cuộc kháng chiến

dai-minh-ngu-vo-chi-cong-1642902234.jpg

Đ/c Võ Chí Công (Bí thư Khu ủy V) đến thăm Đài minh ngữ

 

Đài Minh ngữ (thu phát rõ chữ bình thường) của TTXGP Trung Trung Bộ, ra đời trong trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Cuối năm 1960, khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và TTXGP vừa ra đời ở Nam Bộ, ở khu 5,TTXVN ở Hà Nội chưa có điều kiện đưa cán bộ và phương tiện vào để thành lập Đài Minh ngữ. Để đảm bảo nhu cầu thông tin liên lạc giữa các tỉnh trong khu 5 và với Hà Nội, nhất thiết ở khu 5 cũng phải có Đài Minh ngữ. Lãnh đạo Khu ủy khu 5 giao cho Ban Thông tin vô tuyến điện và cụm đài mật ngữ bố trí báo vụ và máy móc phương tiện tách ra làm nhiệm vụ Đài Minh ngữ.

Lúc này cụm Đài Mật ngữ Khu ủy mới chỉ có 3 bộ máy thu phát 15W với 20 anh chị em cán bộ, nhân viên trong đó có 10 báo vụ 1 kỹ sư sửa chữa máy do anh Trần Lục (Thúy) Trưởng Ban Vô tuyến điện khu ủy làm Cụm trưởng. Anh Nguyễn Hồng Sinh và anh Nguyễn Tấn An (Đào) được bố trí làm việc ở Đài Minh ngữ.

            Sau gần 2 tháng làm việc, Ban An ninh thấy việc để hai đài làm việc cùng một chỗ không đảm bảo anh ninh vì tín hiệu Đài Minh ngữ bằng chữ rõ, quân địch dễ phát hiện vị trí đặt đài có thể dùng phi pháo đánh phá hoặc dùng máy bay ném bom hay đổ quân càn quét bất cứ lúc nào. Ngày 1/3/1961 Đài tách ra ở riêng và chuyển đến chỗ ở mới là làng Tắc Chanh, cách nóc ông Neo một làng của đồng bào dân tộc, trong khu rừng gần sông Tranh (đầu nguồn sông Thu Bồn). Biên chế của đài có 5 người: Anh Thái Mật làm Trưởng Đài, anh Nguyễn Hồng Sinh và anh Nguyễn Tấn An làm báo vụ, hai anh Nguyễn Đức Minh và Đinh Năm quay máy và chăm lo đời sống. Một thời gian sau anh Thái Mật được chuyển ra miền Bắc chữa bệnh và công tác. Ban Thông tin quyết định giao anh Nguyễn Hồng Sinh làm Trưởng Đài.

Ngay từ khi Đài Minh ngữ có mặt ở chiến trường, biết Đài Minh ngữ là mục tiêu dễ bị địch phát hiện, cơ quan ở gần Đài Minh ngữ khó tránh khỏi bị tổn thất. Tuy vậy, việc có Đài Minh ngữ lại là yêu cầu thiết yếu phục vụ cho công tác thông tin tuyên truyền không chỉ trong chiến trường và đối với cả nước và quốc tế trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Không có sự lựa chọn nào khác giữa an toàn với công việc bởi việc gì ở chiến trường cũng hiểm nguy và gian nan không kém gì ra trận đánh giặc. Công việc đầu tiên của Đài là chọn chỗ đặt đài và ăng ten đó phải là một khoảng trống, không bị vật cản che phủ khuất bởi núi cao, rừng rậm, nhưng phải có 2 cây cao 6 - 8 mét, cách nhau khoảng 20 mét. Hơn nữa chọn chỗ đặt đài gần con suối có thác nước để làm thủy điện (dùng sức đẩy của nước thay quay ra-gô-nô viên).

Trong thời gian này, việc sản xuất tự túc cái ăn của từng đơn vị là nhiệm vụ quan trọng và thiết yếu bên  cạnh công việc chuyên môn. Vừa giữ vững thông tin liên lạc hàng ngày, anh chị em thay phiên nhau phát rẫy tỉa lúa, trồng ngô, trồng sắn... Nhờ sự giúp đỡ của đồng bào dân tộc gần nơi đóng quân và sự lao động vất vả,cực nhọc của anh chị em trong đơn vị, sau 6 tháng chúng tôi thu hoạch vụ đầu tiên được hơn 1 hec ta lúa, 5.000 gốc sắn đủ lương thực ăn trong 7 - 8 tháng. Hàng ngày chúng tôi còn ra sông đánh bắt cá hoặc săn bắn thú rừng cải thiện bữa ăn.

Thực hiện yêu cầu đảm bảo cho các bản tin thu phát được kịp thời, đài chuyển về trực thuộc Ban Tuyên huấn khu 5. Ngày 1/6/1963 đài chuyển chổ ở mới thuộc xã Boa, gần nóc ông Điếu (Trà My), cách Ban Tuyên huấn khu gần một buổi đường.Đó là dấu ấn rất quan trọng trong quá trình phát triển của Đài Minh ngữ.

Nhờ có Đài Minh ngữ, công tác thông tấn có lợi thế là tin tức được đảm bảo nhanh chóng, kịp thời. Hàng ngày đài có nhiệm vụ chuyển phát tin, bài của phóng viên từ các chiến trường gửi ra TTXVN ở Hà Nội, phát vào TTXGP ở miền Nam để đăng lên các báo chí Trung ương, phát đối ngoại, cung cấp tin thời sự cho Đài phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam... Chính vì thế mà tin tức về chiến thắng Ba Gia,Vạn Tường (Quảng Ngãi), Núi Thành (Quảng Nam), Đèo Nhông, An Lão (Bình Định) từ 1960 - 1965... được thông tin trong nước và cả thế giới một cách kịp thời vừa cổ vũ và tăng thêm sức mạnh cho cả hậu phương và tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những lúc tin bài dồn dập, chẳng có thời gian để suy nghĩ. Đến giờ lên máy là vùi đầu vào thu, phát tin, trao đổi qua lại với đồng nghiệp cách xa hàng trăm,hàng ngàn ki-lô-mét mà phần lớn chưa một lần gặp mặt.

Đến đầu năm 1964, TTXVN ở Hà Nội lần đầu tiên bổ sung cho Đài 3 báo vụ có kinh nghiệm là các anh Hoàng Quốc Thăng, Hoàng Trọng Châu và Võ Văn Sương.Từ đó công tác thu phát tin của Đài được mở rộng, chất lượng công việc tốt hơn, có điều kiện cải thiện đời sống hơn.

Năm 1964, phong trào cách mạng ở Khu 5 và toàn miền Nam phát triển mạnh. Để theo sát, chỉ đạo phong trào kịp thời, Thường vụ Khu ủy khu 5 quyết định cho dời các cơ quan của Khu ủy xuống vùng giáp ranh thuộc xã Kỳ Yên (huyện Tam Kỳ). Anh chị em trong Đài phấn khởi,tưởng rằng lần này là tiến thẳng về Đà Nẵng, không quay trở lại căn cứ ở miền núi nữa. Các cơ quan Khu ủy thì làm việc trong nhà dân, nhưng Đài Minh ngữ thì được bố trí trong khu rừng vùng ven. Ban Tuyên huấn khu lấy mật danh là xóm 12, Đài Minh ngữ lấy mật danh là xóm 17, giống tên các xóm làng địa phương.

Khi đến địa điểm mới, Đài chỉ tập trung vào nhiệm vụ thu phát tin tức hàng ngày, tạm thời không sản xuất tự túc. Nơi cấp phát lương thực, thực phẩm cũng gần ít tốn công gùi, cõng.

Trong đợt Tổng tiến công Xuân Mậu Thân năm 1968, đài Minh ngữ được chuyển về  địa điểm có mật danh A7, ở dãy núi phía Tây huyện Đại Lộc, cách Đà Nẵng chỉ khoảng 70 ki lô mét đường chim bay. Ở A7 hơn 20 ngày, đài lại được lệnh chuyển xuống vùng giáp ranh huyện Đại Lộc. Đây là vùng suốt ngày đêm bị máy bay địch quần thảo, bắn phá. Vì vậy toàn bộ công tác và sinh hoạt của anh chị em phải ở hầm sâu 3m, phía trên có mái che lấp đất dày 40 - 50 cm. Công việc lúc này rất căng thẳng và quyết liệt, ai không vào máy thì đi đào hầm hoặc đi vận chuyển lương thực.

Thế rồi đến giờ G - 2 giờ 20 phút sáng ngày 30/1/1968, tức đêm 30 rạng sáng Mồng Một Tết Mậu Thân, hai đài thu phát của đài hoạt động liên tục với Đài VNA (TTXVN Hà Nội), LPA(TTXGP miền Nam) và đài các tỉnh trong khu. Tổ thu tin tham khảo mở máy suốt ngày đêm cung cấp tin cho các đồng chí lãnh đạo. Từ trưa mồng một Tết tin tức từ các đài tỉnh trong Khu dồn dập gửi tin về. Các Đài Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk... nơi nào cũng có tin hỏa tốc. Quân ta pháo kích làm tê liệt sân bay Phú Bài (Huế), Đà Nẵng, nhiều máy bay địch bốc cháy, hầu hết các thành phố, thị xã, quận lỵ, thị trấn đều bị quân giải phóng tấn công và quần chúng nổi dậy làm chủ, kẻ địch hoảng hốt, rối loạn, bị động đối phó. Đó là những giờ phút anh chị em hăng say làm việc, quên ăn, quên ngủ vì quá phấn khởi, hạnh phúc và mong chờ các tin chiến thắng tiếp theo.

Sau Tết Mậu Thân, Đài Minh ngữ lại nhanh chóng chuyển lên căn cứ ở miền núi, địa điểm mới mật danh là A8. Anh chị em lại lao vào lắp đặt ăng ten, đặt đài làm việc, làm nhà ở, đào hầm trú ẩn và tổ chức gùi cõng lương thực. Với sức trẻ, nhiệt tình hăng hái, chỉ sau ít ngày mọi công việc lại trở lại bình thường. Những tín hiệu tích tè lại vang lên để mạch liên lạc luôn giữ vững, các bản tin thu, phát đi kịp thời, nhanh chóng và chính xác. Lúc này nhiệm vụ đi lấy lương thực lại khó khăn và gian khổ, mỗi lần đi gùi cõng phải mang theo vũ khí chiến đấu khi gặp địch. Có lần 6 anh chị em đi gùi gạo thì bị địch đang nống lên càn quét. Các anh phải vừa chiến đấu vừa gùi cõng gạo an toàn về cơ quan.

Mọi việc tưởng như ổn định thì được lãnh đạo Ban Tuyên huấn thông báo phải di chuyển gấp vì địa điểm cũ đã bị lộ, địch sắp rải bom B52 khu vực đóng quân của Khu ủy. Chúng tôi lại thu dọn máy móc, phương tiện chuẩn bị lên đường. Khi đang chuẩn bị gấp rút thì máy bay phản lực của địch đã ập đến thả loạt bom đầu tiên, nhưng chưa phải B52. Loạt bom đầu tiên của địch đã thả đúng vào khu điện đài Mật ngữ của khu ủy. Anh Lục (Trưởng Ban Thông tin vô tuyến) và hai đồng chí hy sinh. Anh chị em chúng tôi vội vả lên đường ngay. Lúc này cơ quan chỉ còn 16 đồng chí ở nhà nhưng phải mang vác toàn bộ máy móc, phương tiện, súng đạn, lương thực, thực phẩm và mọi vật dụng cần thiết, kể cả số đồ đạc của các đồng chí đi công tác nên càng thêm nặng. Có đồng chí mang 50 - 60 ki lô gam trên vai nên hành quân, di chuyển rất chậm. Cả đoàn hành quân từ sáng đến chiều thì quyết định nghỉ đêm tại một trạm giao liên vừa chuyển đi. Suốt cả buổi chiều hôm ấy, bầu trời yên tĩnh, rừng núi mênh mông, chỉ có tiếng chim hót, vượn hú nhưng chúng tôi linh cảm có thể máy bay B52 sẽ ném bom rải thảm trong khu vực này. Để đề phòng bất trắc xảy ra, chúng tôi chuyển máy móc, phương tiện xuống hầm trước. Ăn cơm tối xong, mọi người đang nói chuyện vui vẻ, bỗng nghe có tiếng máy bay mỗi lúc một to dần từ phía Tây - Nam đến. Vừa kịp nghe tiếng máy bay thì đã nghe tiếng bom nổ liên hồi trong hơn 3 phút. Một tốp 3 chiếc B52 rải đợt bom đầu tiên cách chúng tôi chừng 20 ki lô mét. Sau loạt bom thứ nhất, núi rừng lại yên tĩnh, mọi người lên khỏi hầm nghỉ ngơi. Chừng 2 tiếng đồng hồ sau tốp máy bay thứ hai đến. Lần này chúng thả bom gần chỗ chúng tôi trú quân hơn. Đến đợt thứ 3 thì máy bay B52 thả bom đúng khu vực của đơn vị đang nghỉ đêm. Đúng 12 giờ đêm, khi vừa thoáng nghe tiếng máy bay thì xung quanh căn hầm chúng tôi trú ẩn, bom nổ tối tăm mặt mũi. Trong hầm 16 anh chị em nép sát vào nhau để truyền sức mạnh cho nhau và cầu mong đừng có quả bom nào rơi trúng hầm. May mắn thay tiếng bom nổ cứ xa dần, chúng tôi không ai bị thương tích gì, tất cả lại chuẩn bị lên đường tiếp đến nơi qui định. Suốt hai ngày dò tìm đường đi (vì đường bộ bị bom nổ vùi lấp, nham nhở) đến chiều hôm sau mới đến nơi có mật danh A9. Đài Minh ngữ được bố trí trong khu rừng già gần sông Bung (Huyện Giằng). Anh chị em lại nhanh chóng đặt đài, lên máy thu phát để dòng tin được thông suốt.

Cuộc sống vật chất của Đài thời kỳ này khó khăn nhất. Tiêu chuẩn mỗi người một ngày được cấp 1 lon gạo. Hàng ngày chúng tôi phải cử người vào rừng đào củ mài, củ nứa để ghế vào cơm ăn cho đỡ đói bụng. Anh chị em ốm đau, sốt rét nhiều, có người phải chuyển ra Bắc điều trị. Chúng tôi ở A9 được 6 tháng thì phải chuyển đến vị trí mới A10 vì máy bay trinh sát của địch liên tục bay lượn trên khu vực chúng tôi đóng quân.

dai-minh-ngu-ho-duong-1642902329.jpg
 

Những năm 1969 - 1971 là thời kỳ trên chiến trường ta và địch tranh chấp, giằng co quyết liệt. Đến năm 1972 để đảm bảo sự chỉ đạo sát với tình hình tiến triển của phong trào cách mạng, các cơ quan Khu ủy khu 5 lại di chuyển về căn cứ Trà My, nhưng lần này ở thấp hơn. Khi trở lại Trà My, đài phải di chuyển ba lần từ làng Tu Lung đến nước Ta, nước Oa. Sau khi ổn định chỗ ở mới, chúng tôi lại tổ chức sản xuất tự túc. Đài lập một đội sản xuất gồm 5 anh chị em do anh Hùng làm đội trưởng vói nhiệm vụ khai phá đất rừng ven sông Trường, gần quận lỵ Trà My làm nương,rẫy trồng lúa, trồng sắn, trồng rau,c hăn nuôi lợn gà. Mọi việc đang tiến triển tốt thì 3 tháng sau bọn địch đóng ở đồn Phước Lâm (Tiên Phước) với lực lượng 2 tiểu đoàn nống ra càn quét. Chúng chia nhau tập kích vào các trại sản xuất của nhiều cơ quan Khu ủy dọc theo sông Trường trong đó có trại sản xuất của Đài Minh ngữ. Các đội sản xuất ở từng khu vực tách rời nhau và không có sự chỉ huy thống nhất nên khi địch tràn vào thì từng trại chiến đấu riêng lẻ. Đội sản xuất của đài lúc đó chỉ có 1 khẩu súng AK, một khẩu CKC do anh Dũng và anh Thái Thu sử dụng. Khi địch tập kích vào mấy anh em không có vũ khí tạm lánh vào rừng, chỉ có anh Thái Thu và anh Dũng tổ chức chiến đấu chống lại địch hết sức ngoan cường và dũng cảm. Do lực lượng quá mỏng, anh Thái Thu đã hy sinh khi bắn đến viên đạn cuối cùng, anh Dũng bị thương ở tay cũng rút vào rừng. Mãi đến chiều tối khi địch rút đi các anh mới tổ chức chôn cất cho anh Thu. Em Cam ở trong đội sản xuất khi địch tập kích vào đã chạy lạc vào rừng, 5 ngày sau mới tìm được về với anh em trong đội.

Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 ở khắp các chiến trường trong khu 5 quân ta chiến thắng khắp nơi, tin tức phát về dồn dập trong khi lực lượng báo vụ  của đài quá mỏng. Được sự chấp thuận của Lãnh đạo Ban tuyên huấn khu, chúng tôi mở lớp báo vụ cấp tốc. Lớp báo vụ có 8 học viên đến từ 4 tỉnh: Nguyễn Lê Nam, Hồ Ca (Quảng Đà, Quảng Nam), Nguyễn Đăng Lâm, Nguyễn Viết Hạnh, Nguyễn Vĩnh Chinh, Lê Văn Quảng (Quảng Ngãi), Dương Thanh Tân, Nguyễn Liên (Bình Định). Họ đều là những thanh niên có trình độ văn hóa đã từng tham gia công tác ở địa phương nên rất tự giác học tập và tham gia các công việc của Đài.

dai-minh-ngu-ho-duong-1642902329.jpg
Chú thích ảnh

Trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ và ác liệt nhưng tình yêu vẫn đơm hoa kết trái. Anh Nguyễn Hồng Sinh, Trưởng Đài và cô Phan Thị Nga y sĩ cơ quan Ban Tuyên huấn cùng quê Quảng Ngãi quen nhau, thân nhau và yêu nhau như là tất yếu của cuộc sống. Ngày 14/12/1972, đám cưới của hai anh chị Sinh - Nga được tổ chức rất đơn giản và ấm cúng tại căn cứ trước sự chúc phúc của các đồng chí Lãnh đạo Ban Tuyên huấn khu 5 và anh em, đồng đội trong đơn vị.

Giữa năm 1973, Đài Minh ngữ lại cùng các cơ quan Khu ủy khu 5 đời địa điểm ra vùng rừng phía Tây - Nam thành phố Đà Nẵng. Đài được bố trí bên sông Trà Nô, thuộc huyện Hiệp Đức, gần cầu Bà Huỳnh trên trục đường 16, gần Ban Tuyên huấn. Để nâng cao hơn nữa công tác thu phát tin, đáp ứng kịp thòi của tình hình cách mạng trong thời kỳ mới, TTXVN Hà Nội đã vận chuyển thiết bị máy móc  thu phát bằng tê lê típ và bổ sung đoàn cán bộ kỹ thuật từ khai thác, vận hành đến sữa chữa hơn 10 đồng chí như: Đào Duy Căn, Phan Văn Bình, Phùng Khắc Minh, Bùi Ngọc Thạch, Vũ Ba, Trịnh Lệ, Ngọc Chinh... Toàn bộ máy móc được bố trí dưới hầm và nhanh chóng được lắp đặt, vận hành ngay. Từ đó chất lượng thu phát tin được nâng cao rõ rệt.

Trong khi tình hình công việc và sinh hoạt của Đài đang đi vào nề nếp, ổn định  đầy khí thế thì mùa mưa năm 1973, đoàn đi gùi sắn của Đài có 4 người trên đường về thì không may cô Phạm Thị Đệ, cơ công, quê Hà Tây vào chiến trường năm 1972 đã bị lũ cuốn trôi khi lội qua con suối cách nhà không xa. Khi mọi người phát hiện ra cô Đệ không thấy về nhà thì trời đã tối.Mãi 3 ngày sau, khi nước lũ đã rút, anh em mới tìm thấy xác Đệ trôi cách đơn vị 3 ki lô mét. Anh chị em trong đơn vị đã làm lễ truy điệu và an táng Đệ bên con đường gần sông Trà Nô. Sau ngày giải phóng TTXVN và các đồng chí trong đơn vị đã cùng gia đình đưa thi hài liệt sĩ Phạm Thị Đệ về an táng tại NTLS quê nhà.

Vào cuối năm 1974, tình hình chiến trường miền Nam đã thay đổi, quan dân ta tiến công nổi dậy khắp nơi. Đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy khu 5, đồng chí Võ Xuân Hữu (Bảy Hữu) và lãnh đạo Ban Tuyên huấn khu 5 lần lượt đến thăm Đài động viên khen ngợi Đài Minh ngữ hoàn thành tốt nhiệm vụ, thu phát tin nhanh chóng, chính xác và căn dặn chuẩn bị máy móc, phương tiện và báo vụ giỏi đáp ứng yêu cầu thu phát tin tức kịp thời khi các chiến dịch mở ra.

Nhiệm vụ hàng ngày của chúng tôi là nhận các bản tin của phóng viên TTXGP từ các địa phương chuyển về qua đài minh ngữ các tỉnh sau đó chuyển cho lãnh đạo TTXGP Trung Trung Bộ biên tập, kiểm duyệt rồi phát tiếp ra TTXVN Hà Nội, phát vào TTXGP miền Nam, từ đó cung cung cho các báo Trung ương ở Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh Giải phóng. Các điện báo viên đều sử dụng máy thu phát 15 W (phát tín hiệu moc-xơ), một máy phát thường có 2 điện báo viên và một người chuyên quay máy. Một bản tin 300 - 400 chữ phải phát hết 20 - 30 phút, tùy thời tiết tốt xấu. Chúng tôi tổ chức một tổ 1 - 2 máy phát, máy thu, máy ra gô nô, đồ dùng đầy đủ sẵn sàng tác chiến bất cứ lúc nào.

Mở màn cho chiến dịch đầu tiên ở khu 5 là chiến dịch Nam Tây Nguyên đầu xuân 1975. Được lệnh cấp trên Đài cử hai điện báo viên giỏi, dày dạn kinh nghiệm là anh Mai Cường và anh Nguyễn Hồng Thái với đầy đủ phương tiện trang thiết bị thu phát tin máy 15w có thể tác nghiệp theo chiến trường. Cùng  với tổ phóng viên TTXGP Trung Trung Bộ do các anh Phước Huề, Đào Anh Tôn đảm nhận. Ngày 10/3/1975, khi quân giải phóng bắt đầu tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột thì khoảng 18 giờ chiều, máy của anh Cường, anh Thái đã bắt liên lạc với Đài Minh ngữ khu. Tin chiến thắng ở Buôn Ma Thuột do anh Phước Huề viết đã kịp thời được nhận ngay sau đó chuyển sang TTXGP khu biên tập và xử lý trong đêm và phát ra cho TTXVN Hà Nội ngay sau đó. Sáng hôm sau tin quân ta hoàn toàn làm chủ chi khu quân sự Buôn Ma Thuột do anh Phước Huề viết lại được thu phát,chuyển tiếp ra Tổng xã kịp thời, nhanh chóng... Từ những tin bài của TTXGP Trung Trung Bộ chuyển ra phát trên bản tin TTXVN, các tin phương Tây như AFP, UPI, AP... đồng loạt đăng lại dưới tiêu đề “Quân Cộng sản đã chiếm Buôn Ma Thuột”. Sau đó Đài còn cử nhiều điện báo viên khác đi tiếp với các mũi chiến dịch lớn theo yêu cầu của Khu ủy. Anh Nguyễn Đăng Lâm là một trong những điện báo viên thu phát tin tức suốt cả chiến dịch Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 nhớ lại: Chúng tôi thay phiên nhau trực thu phát suốt ngày đêm theo yêu cầu của các đài địa phương và đài lưu động của các anh đi theo các mũi chiến dịch. Nhiều ngày từ sáng sớm chúng tôi lên máy làm phiên CQ (phiên việc trực tuyến để hẹn giờ làm việc với các đài các tỉnh. Sau đó cứ theo giờ hẹn chúng tôi làm việc đến 22 giờ đêm mới đóng máy kết thúc một ngày làm việc. Trong những ngày này, không có niềm vui nào bằng niềm vui biết trước tiên những tin chiến thắng tại các mũi tiến công  trên chiến trường, tại các địa phương điện về. Nhiều anh chị em đeo cáp nghe,tay cầm bút viết liên tục hết trang này sang trang khác, hoặc suốt ngày gõ ma-nip phát tin ra Hà Nội. Trước đây giao liên một ngày chuyển phát tin sang TTXGP một, hai lần thì trong đợt này cứ thu được một vài tin đơn vị lại cử người chuyển nhanh sang TTXGP biên tập và nhận tin phát ra Tổng xã ngay cho kịp thời.

Thế rồi ngày chiến thắng cũng đã tới, ngày 29/3/1975, Đà Nẵng được giải phóng, chúng tôi được lệnh thu xếp máy móc, phương tiện chuyển về thành phố. Đài cử anh Đào Duy Căn tham gia đoàn đi tiếp quản các cơ sở thông tịn tuyên truyền của địch trong thành phố và hai cán bộ kỹ thuật là anh phan Bình và anh Vũ Ba đi tiền trạm nhận chỗ ở mới. Sáng 1/4/1975 toàn bộ anh chị em cán bộ, nhân viên của Đài Minh ngữ cùng toàn bộ máy móc, phương tiện được xếp lên xe thẳng tiến về Đà Nẵng, kết thúc những năm tháng gian khổ ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 15 năm từ 1960-1975. Chiều 2/4/1975, chúng tôi đã đến địa điểm đóng quân mới là nhà 37 đường Quang Trung, thành phố Đà Nẵng và từ đó Đài Minh ngữ sáp nhập vào TTXGP Trung Trung Bộ cùng làm nhiệm vụ do TTXVN Hà Nội chỉ đạo và lãnh đạo.

Lịch sử đất nước đã sang trang, Đài Minh Ngữ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình. Có được điều đó trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo mọi mặt của Ban Tuyên huấn Khu ủy 5. Sự quan tâm chi viện kịp thời và có hiệu quả phương tiện máy móc, cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, tăng cường cán bộ kỹ thuật của Tổng xã TTXVN ở Hà Nội. Đó còn là sự đoàn kết một lòng, thắm tình đồng đội, tình anh em như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi với nhau từng bát cơm, củ sắn, hạt muối, hy sinh gian khổ,lao động sáng tạo, cần cù, dũng cảm, vượt qua biết bao khó khăn hiểm nguy, thử thách của hơn 60 anh chị em để giữ vững dòng tin được thông suốt từ khi thành lập cho đến ngày toàn thắng.

P.H