Bánh đúc

Mấy hôm nay mưa mát, thời tiết thật dễ chịu. Nhớ ngày còn bé, cứ trời mưa và trong lúc nông nhàn, U tôi lại nấu nồi bánh đúc cho cả nhà ăn và cho cả hàng xóm ăn cùng nữa.
283951730-2792542281053970-3924846080690314610-n-1653441006.jpg
Ảnh minh họa

Bọn nhóc chúng tôi thấy U bảo nấu bánh đúc thì háo hức lắm! Từ lúc xay bột gạo, không khí đã náo nhiệt hẳn lên. Nhất là lúc U bắc nồi bánh lên bếp đun, vừa đun vừa khuấy luôn tay bằng một thanh tre to bản, cứ khuấy xuôi lại khuấy ngược… vui đáo để!

Tôi hỏi U ơi! Sao phải khuấy mạnh thế? U tôi giải thích, nếu không khuấy nhanh bột sẽ bị vón và khê, bánh sẽ mất ngon. Tôi thấy mới đầu U khuấy còn nhẹ tay, càng về sau càng nặng tay hơn vì bánh sắp chín thì bột càng đặc lại… mồ hôi trên trán U lấm tấm, nhưng vẻ mặt U rạng rỡ lắm! U bảo bánh sắp được rồi.

Hạ nồi bánh đặc nóng từ trên bếp xuống, đổ bánh ra cái sàng có lót lá chuối tươi. U bảo mấy chị em tôi, đợi bánh thật nguội mới ăn được.

Trong lúc chờ bánh nguội, U tôi lại đọc mấy câu thơ:

“Bánh đúc mà đổ ra sàng

Phận anh anh bán! Phận nàng nàng mua”.

“Mấy đời bánh đúc có xương

Mấy đời dì ghẻ, lại thương con chồng”.

Tôi khi ấy còn quá nhỏ, chỉ chờ bánh nguội để ăn và nghĩ U đọc thơ cho vui thôi. Sau này lớn lên tôi mới hiểu ý nghĩa sâu sắc của những câu thơ U tôi đọc… nhằm giáo dục nhân cách cho mấy chị em tôi.

283900066-2792542291053969-2742467096290606313-n-1653440972.jpg
Ảnh minh họa

Bánh đúc chỉ là món quà quê, một món ăn dân dã… mà gắn liền biết bao kỷ niệm. Làng quê với bánh đa, bánh đúc… là nét văn hoá ẩm thực dân gian, đặc sắc không thể thiếu và cũng không thể nào quên.

Người xa quê vạn dặm vẫn nhớ quê hương! Nhớ nồi bánh đúc mẹ nấu năm xưa. Bánh đúc không chỉ đơn giản là một món ăn quê. Bánh đúc còn là tình thương của cha, của mẹ và của quê hương… nuôi dưỡng tâm hồn ta khôn lớn thành người.

HD-24/5/22-NH

Chuyện Làng quê