Bánh ít bột mì

Ba ngàn đồng trong thời buổi này bạn mua gì được nhỉ? Gói bắp, gói xôi, bịch cháo đậu… cũng năm - bảy ngàn đồng rồi. Vậy thì bạn hãy về chợ Trường Lưu quê tôi nhé, thì sẽ mua được cái bánh ít bột mì với ba ngàn đồng đấy nhé!
308942388-1690546047991567-7978059304063114256-n-1664348582.jpg

Một cái bánh ít bột mì rất ngon mà lại rẻ, nhưng để làm được nó thì phải qua nhiều công đoạn lắm. Bước đầu là chọn những củ mì “bắp vảy” lột vỏ rửa sạch rồi lấy chiếc bàn mài treo trên vách lâu nay ra, miết cái củ mì màu trắng như sữa ấy lên chiếc bàn mài bằng sắt lởm chởm những cái lổ, sao cho âm thanh sồn sột, sồn sột đó biến cái củ mì từ màu trắng sữa ấy dần dần thành thành lớp bột dưới đáy thau.

Sau khi mài hết lượng củ mì cần làm bánh thì ta dùng miếng vải mùng trút mớ bột mì mới mài đó vào rồi vắt nhẹ. Số nước vắt ra từ bột mì, bạn đừng vội đổ đi nhé mà hãy để nó lắng lại tầm 30 phút, bạn sẽ có số tinh bột mì mịn màng trắng ngần dưới lớp (mủ mì) màu vàng mỡ gà kia. Bạn chắt phần mủ mì bỏ đi, còn lại tinh bột mìm hãy nhồi phần tinh bột ấy vào số bột mì vừa vắt ban nãy nhé, nước đường thốt nốt nấu keo keo một chút, chan vào mớ bột mì này, sao cho nó có phần hơi dẻo, kiểu chạm vào là dính tay vị đường màu mật ấy. Như vậy là xem như xong phần vỏ bánh.

Nhân bánh bột mì được làm bằng đậu xanh đã nấu chín. Bàn tay khéo léo của người thợ làm bánh sẽ phi một chút tỏi cho vàng thơm. Rồi đôi bàn tay thần kỳ ấy sẽ dùng đũa bếp để đánh thật đều số đậu xanh đã nấu chín vào phần tỏi phi vàng ấy, sao cho nó hòa quyện vào nhau mịn màng như nồi bột đậu xanh. Rồi chờ nó nguội thì đôi bàn tay của người thợ làm bánh lại vo tròn số đậu xanh ấy thành từng viên, từng viên bằng nắm tay em bé. Nhìn những viên nhân đậu tròn vo, thơm lừng nằm xếp lớp trên mâm, đầy mịn màng béo ngậy khiến trẻ em đều muốn nhón lấy một viên và cho vào chiếc miệng xinh xinh ấy để thỏa nỗi thòm thèm trẻ thơ.

Bây giờ hay nguyên liệu chính để làm nên chiếc bánh ít bột mì đã xong, chỉ còn thiếu vài tàu lá chuối xanh um ngoài vườn, chờ mẹ chờ chị mang vô nữa là chiếc bánh ra đời. Lá chuối để gói bánh ít bột mì, người ta hay dùng lá chuối xiêm vì nó không đắng như lá chuối già, lại cho màu vỏ bánh đẹp. Những tàu lá để gói bánh thường sẽ được chọn lá “bánh tẻ”, là loại lá không quá già cũng không quá non. Vì lá già thì sẽ bị dày và giòn dễ rách, lá non thì mỏng, sức chịu nhiệt kém, lúc hấp sẽ bị nứt khiến cái bánh “bò” ra khỏi lá rất buồn cười. Mỗi tàu lá chuối sau khi chặt xuống thì phơi nắng khoảng 15 phút để tạo độ dẻo cho lá, rồi rọc ra khỏi cọng và chọn lá nguyên, lá lành. Mỗi miếng lá dài tầm 30cm là được rồi, sau đó đem lau sạch bụi bặm là tới khâu gói bánh.

Mỗi chiếc bánh chỉ cần hai miếng chuối lá là đủ rồi, người thợ làm bánh sẽ quấn miếng lá hình chóp, rồi cho một nửa lượng vỏ bánh (bột mì) cần làm bánh vào trước, sau đó đặt viên nhân vào giữa chiếc bánh, rồi cho tiếp lượng bột mì còn lại, nhanh tay gói cái hình chóp ấy thành hình tam giác rồi tiếp tục dùng một miếng lá chuối nữa xếp bên ngoài, cũng hình chóp rồi thành hình tam giác như miếng lá trong. Thế là chiếc bánh đã hoàn thành.

Qua đôi bàn tay tày hoa ấy, từng chiếc bánh màu xanh xinh xinh đã hiện ra trong rổ thẳng đều tăm tắp như các cậu bé học trò đang tập thể dục. Qua 30 phút chơi đùa cùng hơi nước nóng thì chiếc bánh ít bột mì từ màu lá xanh um, màu bột trắng sữa, đã biến thành chiếc lá màu mật rất ngon lành.

Bánh ít bột mì ăn nóng sẽ có độ dẻo nhiều hơn là để nguội. Vị bánh thanh ngọt không ngán vì không có mước cốt dừa, chỉ có vì thơm bùi bùi béo béo của đậu xanh hòa lẫn trong vị ngọt dẻo của vỏ bánh. Mùi lá chuối hấp chín thoang thoảng quanh khướu giác khiến cho người ăn bánh cảm thấy một góc quê hương, một trời tuổi thơ ùa về qua chiếc bánh giá ba ngàn đồng này.

Đã qua rồi cái thời ăn no mặc ấm, bây giờ nhu cầu con người cao hơn, họ sẽ ăn ngon mặc đẹp. Nhưng có những thứ không phải cứ ngon, đẹp, cao giá là tất cả. Mà người ta ăn để nhớ về tuổi thơ, ăn để nhớ quê hương, nhớ những ngày cơ cực, củ khoai mì biến thành dĩa bánh tằm, bánh nướng, bánh hấp… mà qua cơn đói kém

Thì bánh ít bột mì cũng là một thứ hồn phách tuổi thơ vậy!

Chuyện Làng quê