Bánh tôm ngày chống dịch

 Nguyễn Vinh Hùng

05/10/2021 16:03

Theo dõi trên

Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Thế nhưng, sau ngày 15 tháng 9, shiper được hoạt động trở lại. Đặt rau thì hơi khó nhưng tôm, cá lại có vẻ dễ hơn. Chẳng mấy chốc, đặt được một mớ tôm, tươi thật tươi.

chuy-lg-q2-1633424121.jpg
Ảnh họa do tác giả tuyển chọn.

Bà xã bảo: Loại này mà làm bánh tôm thì tuyệt. Lão bảo: Làm đi. Thế là hai thằng già lúi húi làm bánh tôm. Cũng khoai lang sắt sợi, bột, ớt, tỏi... chỉ thiếu mỗi rau sống và bún. Bà xã bảo: Bánh tôm mà thiếu rau sống thì sao gọi là bánh tôm. Lão bảo: Trong điều kiện khó khăn này, có gì làm nấy, cốt cho đỡ nhớ. Miệng thì bảo thế nhưng nỗi nhớ hình như lại ùa về nhiều hơn.

Ngày đó, nó đang học lớp năm, cô giáo Oanh nhà ở phố Đội Cấn, sơ tán về làng và làm chủ nhiệm lớp nó. Do chiến tranh liên miên nên, bọn lớp năm (đầu cấp II) thường được nghỉ một ngày giữa tuần (thường là thứ năm). Nếu là ngày mùa thì chúng cũng bận như người lớn: đứa thì trông em, thổi cơm, đứa thì phơi thóc, gánh rạ... thôi thì đủ việc. Nhưng, lúc nông nhàn, chúng lại tha hồ chơi. Cái nghèo nó khổ, cứ đến tháng ba ngày tám, nhiều nhà hết gạo, đói đói là...

Chẳng biết do thương bọn trẻ ăn uống thiếu chất, hay muốn dạy cho chúng cách nấu các món ăn truyền thống. Cứ đến ngày nghỉ giữa tuần, cô Oanh thường rủ cả lớp “liên hoan”. Kinh phí cho bữa liên hoan, theo quy định nhà nước (mỗi bữa cơm góp 3 hào và tem gạo 250gr). Quy định là thế, nhưng làng nó nghèo, lấy đâu mà đóng. Thế là chúng nó phải lao động trước khi liên hoan. Hôm thì ra đồng bắt cua về nấu bún riêu, bữa lại xuống ao mò ốc nấu chuối xanh. Bữa đó, cô Oanh dự kiến cho cả lớp ăn bánh tôm.

Nguyên liệu làm bánh tôm gồm có khoai lang, đu đủ tươi, rau xà lách, rau thơm bột và đương nhiên phải có mỡ và tôm tươi. Khoai lang và rau sà lách thì nhà nào cũng có, cô bảo: Mỗi em góp 1 – 2 củ khoai lang, vài cây xà lách. Các thứ còn lại cô lại bảo: Đủ rồi (tất nhiên là cô tự mua ở chợ Canh từ chiều hôm trước). Thứ còn thiếu duy nhất là tôm tươi, cô bảo: Các bạn nam đi câu tôm.

Nhà nó ở ven làng, nơi có bốn cái ao lớn liền nhau, vốn là ao của địa chủ, sau cải cách là ao hợp tác chỉ để cuối năm tát ao thu cá tự nhiên nên câu ở đó, chả ai cấm cản gì.

Cần câu tôm đơn giản chỉ là chỉ là một cành tre, buộc chỉ, lưỡi câu được uốn bằng dây phanh xe đạp, mồi là cơm nguội trộn cám rang, có khi dùng cả giun đất. Thế mà cũng được nhiều tôm ra phết.

Trong khi bọn con trai câu tôm, thì cô hướng dẫn mấy đứa con gái sắt khoai, thái đu đủ, cà rốt... và cô thì chú tâm vào pha nước mắm. Cô bảo: món bánh tôm muốn ngon phải có bát nước chấm thật chất lượng. Nước chấm chua ngọt với dưa góp làm từ su hào, cà rốt... Thêm chút ớt cay cay vào nước chấm sẽ khiến cho món ăn ngon và kích thích vị giác hơn, càng ăn càng cuốn.

Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, lượng tôm bọn con trai câu được ước cũng gần đủ, cô Oanh bắt đầu hướng dẫn bọn con gái làm bánh. Cô bảo: bắc chảo lên bếp, cho nhiều mỡ, chờ mỡ nóng già, dùng muôi để múc bột, dùng đũa để gắp khoai lang (đã sắt sợi, ngân trong bột) và tôm tươi thả xuống chảo mỡ nóng, giữ nhỏ lửa và chờ cho vàng đều hai mặt là được một cái bánh.

Đã chuẩn bị sẵn bốn bếp cho bốn tổ, lại được bọn gái lớp mình cũng khéo tay, chả mấy chốc, bốn rổ bánh tôm đã lùm lùm. Mỗi tổ được cô phát cho một tờ báo cũ (loại báo Nhân dân khổ rộng) để làm “mâm”. Mỗi mâm đều có rau sống, nước chấm, bánh tôm và một... đĩa bún. Chỉ thế thôi mà nhìn “mâm cỗ” hôm ấy sao nó đẹp thế.

Nó vốn là đứa vụng về trong phép so sánh nên cứ tần ngần mãi chẳng biết đĩa rau sống dưới này với nền trời ở tít trên kia, thứ nào xanh hơn và tia nắng thu ngoài kia không biết có vàng tươi như đĩa bánh tôm cô Oanh mới rán. Có điều nó chắc rằng những đám mây đang lờ lững trên tầng không kia không thể trắng hơn đĩa bún trong mâm. Như hiểu được suy nghĩ của nó, cô Oanh bảo: Mâm cỗ của mình đã đủ mầu sắc của mùa thu chưa?. Với bản tính của học trò, nó cãi: Trên trời không có màu hổ phách như bát nước chấm của cô. Cô bảo: Có đấy, nhưng phải thật tinh ý mới nhận ra, trời xanh, nắng vàng, mây trắng... chỉ là vẻ đẹp bên ngoài thôi, cái mầu hổ phách kia mới là hồn cốt của mùa thu đấy em ạ, cũng như món bánh tôm, không phải ai cũng pha được bát nước mắm chuẩn có mầu hổ phách kia đâu. Nó chỉ hiểu lơ mơ nhưng vẫn trả lời cô: Vâng ạ rồi nó cùng các bạn ăn một bữa bánh tôm, chưa bao giờ ngon như thế.

...

Khi bà xã bưng lên mâm bánh tôm. Làm như sành điệu lắm, lão bảo: Bánh tôm mà không có bún, mất ngon. Bả cười bảo: Ai mà ăn bánh tôm với bún. Lão cãi: Phải có chứ, ngày xưa cô Oanh vẫn làm mà, ăn ngon lắm. Bả lại bảo: Ông hâm ạ, ngày đó cô sợ bọn trẻ đói nên phải độn thêm bún vào, chứ bánh tôm chỉ ăn kèm rau sống và pha nước mắm thật chuẩn. Lão biết mình sai, mặt cứ đần ra. Chả biết có phải do thái hành mà mắt lão cứ cay cay, lão nhớ cô Oanh, lại nhớ đến mẹ lão và lẩm bẩm. Sao hai người giống nhau thế, lúc nào cũng lo bọn trẻ đói.

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Bánh tôm ngày chống dịch" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn