Bão

Theo truyền thuyết, hàng năm, cứ đến tháng Bảy, tháng Tám âm lịch, Thuỷ Tinh nhớ mối thù xưa lại dâng nước, hô mưa gọi gió đánh Sơn Tinh, gây ra hiện tượng mưa bão, lũ lụt ở vùng đồng bằng Sông Hồng - Bắc Bộ nước ta.
243762454-1745246372531354-677318347080297227-n-1633945674.jpg

Cũng theo truyền thuyết, nguồn cơn của các trận bão bắt nguồn từ một người con gái đẹp. Vì vậy mà sau này, khi khoa học kĩ thuật đã phát triển, người ta tuy không còn giải thích nguyên nhân mưa bão như cách của truyền thuyết nhưng vẫn đặt tên cho các trận bão bằng những cái tên của một người đàn bà. Thế mới biết đàn bà có một sức mạnh thật ghê gớm! Chớ có coi thường. Họ có thể khiến cho các đấng anh hùng mày râu đánh nhau tơi tả, tạo ra các cơn lốc xoáy và các trận cuồng phong thật kinh hoàng.

Nhớ lại hồi còn nhỏ, khi mà đa số nhà ở nông thôn là nhà tranh vách đất, mái rạ, mỗi khi bão đến, người lớn thì lo sốt vó, bận chằng chống nhà cửa. Những cây tre được chặt xuống, ghì ngang, ghì dọc mái nhà để chống tốc mái. Mấy khóm chuối ra buồng nặng trĩu cũng được chống đỡ bởi hai cây tre buộc chéo nhau. Những việc nặng nhọc này thường do cánh đàn ông trong nhà đảm nhiệm. Người lớn vừa làm, vừa nói chuyện bô bô, thông nhà nọ sang nhà kia, vui đáo để. Còn bọn trẻ chúng tôi thì vô lo, thích thú chờ bão đến để được ngồi ở trong nhà xem mưa to gió lớn làm ngả nghiêng cây cối, nhìn ra sân, ngắm mưa như trút, lá rụng đầy sân, đây đó có cả những cành xoan, cành tre nhỏ từ ngoài vườn, ngoài cổng cũng bị gió mưa hất tung vào trong sân gạch trước nhà. Mấy bụi tre rã rời, tơi tả. Đám măng non đang lên ngang bụi bị gió vặn gẫy gục trước sự xót xa, bất lực của tre ông bà bố mẹ. Bọn gà rủ nhau trốn mưa, đứng thu lu trong gầm chạn, gầm chuồng. Nhiều bụi chuối dù được chống, vẫn gẫy gục ngang thân, buồng còn non choẹt, chưa ăn được. Mẹ nhìn xót xa, lầm bầm mất toi hơn chục buồng.

244588063-1745246332531358-5624612533246578036-n-1633945726.jpg

Gió ngớt, lũ trẻ choai choai trong làng đội mưa đi xét măng rụng, măng gẫy. Nhà nào cũng được ăn một bữa măng tươi ngăm ngăm vị đắng sau cơn bão. Nhiều nhà, dù đã được chằng chống nhưng vẫn bị hất tung mái rạ, giột nát, chỏng chơ những rui mè ngang dọc, nhìn rõ bầu trời. Bao nhiêu thau chậu, nồi niêu, xoong chảo đều được huy động để hứng giột trong nhà. Không khí ẩm mốc, lạnh lẽo, có chút thê lương của cái nghèo, cái thiếu. Bão tan, mưa đền cây sầm sập đổ xuống như trút. Lũ trẻ hớn hở vén quần quá bẹn, đội mưa, rón rén lội qua những vũng nước ngập trên đường, vẻ thích thú. Vày nước chán chê rồi về mà chẳng đứa nào bị ốm. Còn người lớn đội nón, khoác áo tơi ra thăm ruộng đồng. Nước ngập trắng băng cả một vùng ruộng trũng, chôn vùi những cây lúa mới cấy được hơn một tháng còn rất non trẻ, chẳng nhìn thấy ngọn đâu. Vài đám ruộng lúa cao hơn, tốt hơn thì chỉ nhìn thấy vài ngọn lá lúa loi ngoi cố vươn lên ẻo lả, yếu ớt trên mặt nước sâu như cầu cứu. Ai cũng xót xa, thở dài, nghĩ đến một vụ mùa thất bát.

Chỉ duy có bọn cá tôm là phấn khởi. Chúng theo dòng nước mới ngọt lịm từ sông cái trôi qua các cửa cống bơi vào ruộng đồng, sông ngòi nhỏ trong làng. Để rồi khi gió lặng, mưa dừng, chúng sinh sôi nảy nở, đem đến cho người dân một nguồn lợi cá tôm, cua, ốc để bù vào bữa ăn còn thiếu gạo, thiếu cơm của người dân quê tôi. Hôm nay, đã lâu lắm rồi mới lại chứng kiến một cơn bão quét qua làng. Nhiều bụi chuối vẫn đổ, nhiều cây trong vườn vẫn gẫy. Lá vẫn rụng ngổn ngang đầy sân, đầy đường. Chỉ khác là ngôi nhà cao tầng kiên cố vẫn đứng hiên ngang sừng sững trước giông bão. Chẳng còn lo tốc mái hay giột nát. Cũng chẳng lo mất mùa, thiếu đói. Ngày mai, khi cơn bão qua đi, nhịp sống hối hả ngày thường lại đến, mang lại cơm no, áo ấm cho muôn người. Và thấy các cụ nói rất đúng: năm nào cũng vậy, Thuỷ Tinh đánh chán chê, vẫn không thắng nổi Sơn Tinh, đành ấm ức rút quân về.

 

Theo Chuyện quê