“Romeo và Juliet” được sáng tác vào năm 1594 - 1595. Tác phẩm là vở kịch năm hồi được viết bằng thơ xen lẫn văn xuôi của nhà viết kịch kiệt xuất người Anh: William Shakespeare (1564 - 1616).
Vở bi kịch vĩ đại được nhà văn sáng tác dựa trên một câu chuyện có thật từng xảy ra ở đất nước Italia trong thời trung cổ. Kể từ khi ra đời đến nay tác phẩm luôn được người đời coi là bản tình ca say đắm nhất. Cái chết cắt ngang cuộc đời đôi lứa niên thiếu đã biến bản tình ca tuyệt đẹp trở thành một bản tình ca dang dở. Song tình yêu chân thành, thủy chung, trong sáng của Romeo và Juliet đã bay vút lên bầu trời của thế giới tự do và hạnh phúc; xóa bỏ mọi hận thù phi lý; reo niềm tin và hy vọng nơi cõi người mênh mông. Đây chính là ý nghĩa nhân văn cao cả mà nhà văn muốn gửi gắm tới người đọc, người xem.
Đây cũng chính là tư tưởng nhân văn cao cả của thời kỳ Phục Hưng ở châu Âu.
Nội dung vở kịch có thể tóm tắt như sau: Ở thành Vêrôna, nước Ý có hai dòng họ phong kiến vốn có mối thù truyền kiếp với nhau là Montaghiu và Capiulet. Romeo là con trai dòng họ Montaghiu. Juliet là con gái dòng họ Capiulet. Nhân dịp Juliet tròn mười bốn tuổi gia đình Capiulet tổ chức đêm hội hóa trang. Romeo đã cùng các bạn hóa trang đi vào nhà Juliet. Nhìn thấy nàng Juliet xinh đẹp, Romeo đã yêu say đắm từ cái nhìn đầu tiên. Tình yêu của Romeo cũng nhận được sự đồng cảm của Juliet. Đôi trai gái đã đến nhà thờ nhờ tu sĩ Laurence bí mật làm lễ cưới. Nhưng rồi đột nhiên xảy ra sự việc: Anh họ của Juliet tên là Tibant đã giết chết Mercutio (người của họ Montaghiu).
Trả thù cho người nhà mình, Romeo đã giết chết Tibant và bị kết án đi đày biệt xứ ở Mantua. Đồng thời, khi đó, gia đình Capiulet lại gả Juliet cho Paris (con trai vương chủ thành Vêrôna). Juliet lại tìm đến nhờ tu sĩ Laurence giúp đỡ. Tu sĩ đã hướng dẫn Juliet giả vờ đồng ý lấy Paris và đến hôm hôn lễ thì uống thuốc ngủ giả chết để đưa vào hầm mộ (thuốc ngủ cá tác dụng trong bốn hai giờ) nhằm chờ Romeo trở về đưa đi trốn. Và, khi ấy Laurence cho người đi báo Romeo để chàng đến cứu.
Do dịch hạch bùng phát, thông tin của Laurence chưa kịp tới chỗ Romeo thì chàng đã nhận được hung tin do người nhà mình báo đến. Romeo đã mua một lọ thuốc độc và bí mật trở về Vêrôna. Chàng đến hầm mộ nhà Capiulet để ở bên Juliet. Tại đây Romeo đã gặp Paris, chàng liền giết chết. Xong việc Romeo đã uống thuốc độc và nằm bên cạnh Juliet.
Khi Juliet tỉnh dậy và nhìn thấy xác Romeo bên cạnh mình nên đã lấy dao của Romeo mang theo bên mình để tự vẫn. Tại hầm mộ, Laurence đã kể lại câu chuyện của Romeo và Juliet cho mọi người nghe, Vương chủ thành vêrôna đã lên án hai dòng họ. Từ đó, hai dòng họ Montaghiu và Capiulet tự nguyện xóa bỏ hận thù và dựng bức tượng vàng Romeo và juliet.
Có thể nói tác phẩm đã kết thúc bằng cái chết của đô trai tài gái sắc và sự hòa giải của hai dòng họ là một kết thúc đau thương nhưng không bi quan. Một kết thúc đầy bi kịch nhưng âm hưởng chung của nó lại thể hiện cái nhìn lạc quan của Secxpia đối với sự chiến thắng của lí tưởng nhân văn. Tình yêu say đắm, trong sáng của hai người trẻ tuổi đã xóa bỏ những tập tục, thành kiến và thù địch của hai dòng họ vốn đã từng tồn tại suốt hàng trăm năm.
Trích đoạn trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9 (bộ Kết nối Tri thức với cuộc sống và bộ Chân trời sáng tạo) nằm ở hồi thứ hai, cảnh hai. Trước đây, trích đoạn này từng được học trong sách Ngữ văn lớp 11 (bộ sách do GS Phan Trọng Luận làm Tổng chủ biên) có nhan đề là “Tình yêu và hận thù”. Đó là cảnh sau đêm dạ hội, Romeo tìm gặp Juliet trong vườn nhà Capiulet.
Có thể nói đêm dạ hội là một đêm “định mệnh”. Đêm ấy tiếng sét ái tình đã phát nổ trong cái nhìn đầu tiên của đôi trai tài gái sắc. Tiếng sét ấy làm cho hai người vừa ngây ngất vừa bàng hoàng. Họ ngất ngây bởi vì biết từ đây mình đã thuộc về nhau.
Cái tâm trạng của đôi trẻ khi ấy giống hệt tâm trạng của Kim Trọng và Thúy Kiều trong cái nhìn đầu tiên: “Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không”.
Sau phút giây ngây ngất là đến lúc bàng hoàng. Kim Trọng và Thúy Kiều chỉ có ngây ngất chứ không có bàng hoàng. Romeo và Juliet bàng hoàng bởi cả hai đều nhìn thấy cái hố sâu ngăn cách bởi hận thù truyền kiếp của hai dòng họ. Quả là một tình huống rât éo le. Tình huống éo le này sẽ là khởi đầu của tấn bi kịch. Đó là xung đột giữa cá nhân và hoàn cảnh. Đọc/xem kịch “Romeo và Juliet” chúng ta thấy xung đột trong tác phẩm là tình yêu trong trắng, chân thành với sự thù hận sâu sắc của hai dòng họ. Tuy nhiên ở đoạn trích trong sách giáo khoa Ngữ văn nêu trên thì xung đột ấy dường như tạm lắng xuống để làm nổi bật lên một sự việc chưa từng thấy, mang tính phá cách: tình yêu vượt qua thù hận.
Phần trước đoạn trích, trong đêm hóa trang, linh cảm về một tình yêu chân thành đã giúp cho Romeo và Juliet tự tin đến với nhau. Bởi thế nàng đã nhận lời mời khiêu vũ của chàng. Trong vòng tay dịu dàng của Romeo, Juliet cảm thấy tin cậy và yên tâm. Nàng đã vượt lên nỗi thẹn thùng, e ngại và nhìn chàng bằng một ánh mắt si mê, nồng nàn. Trái tim Romeo cũng đã cảm nhận được tất cả. Chàng không khỏi ngây ngất bởi hạnh phúc ập đến bất ngờ và nhanh chóng, ngoài dự đoán.
Sau cái nhìn “định mệnh” trong lễ hội hóa trang, tình yêu mãnh liệt đã bùng lên khiến Romeo bất chấp mọi thứ, dám vượt tường để lẻn vào nhà Capiulet đến với Juliet ngay trong giữa đêm khuya. Cái câu nói của chàng: “Kẻ chưa từng bị thương thì há sợ gì sẹo” đã thể hiện một sự chấp nhận và liều lĩnh đến táo tợn của trái tim đang yêu.
Và trong cái “đêm thần tiên” ở tại vườn nhà Capiulet ấy hai người đã bày tỏ tình yêu và cùng nhau thề hẹn, bất chấp mọi ngăn cách và hận thù vốn có của hai dòng họ.
Trở lại với đoạn trích “Vườn nhà Capiulet” chúng ta thấy xuất hiện hai nhân vật là Romeo và Juliet với mười chín lời thoại. Trong đó sáu lời thoại đầu tiên là những độc thoại nội tâm. Đó là Romeo và Juliet tự nói với mình chứ không phải nói với nhau.
Mười ba lời thoại còn lại mới là những đối thoại: Romeo và Juliet nói chuyện với nhau. Đọc văn bản kịch, ở sáu lời thoại đầu tiên, người đọc có thể hình dung được tâm trạng của hai nhân vật. Với nhân vật Romeo, ngoài tính cách liều lĩnh, dũng cảm (không sợ người nhà Capiulet trả thù) ta còn thấy chàng hiện lên là một chàng trai rất si tình. Romeo rất yêu và rất trân trọng Juliet.
Cũng bởi tình yêu và sự trân trọng ấy mà chàng đã dùng những hình ảnh tuyệt đẹp để nói về người mình yêu. Romeo gọi Juliet là “ánh sáng”, “phương Đông”, “mặt trời”, “vừng đông tươi đẹp”; hai mắt của nàng là “hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời”; vẻ đẹp của đôi gò má của nàng làm cho các vì tinh tú phải hổ thẹn.
Thậm chí, trước vẻ đẹp ấy Romeo còn ao ước được trở thành “chiếc bao tay” để được “mơn trớn má đào”.
Trong lời độc thoại đầu tiên, hình ảnh Juliet hiện lên trong mắt Romeo quả là một tuyệt thế. Romeo đã sử dụng những hình ảnh tuyệt đẹp, vĩnh hằng của thiên nhiên để ví von với nhan sắc trên khuôn mặt nàng. Juliet trong mắt Romeo lúc này quả là không gì so sánh được. Để ý một chút, chúng ta sẽ nhận ra sự tinh tế của nhà văn trong cách thể hiện. Secxpia đã lấy bối cảnh đêm khuya - trăng sáng để cho nhân vật tự thổ lộ tình cảm. Cách làm này của nhà văn đã hòa đồng thiên nhiên với con người. Thiên nhiên như thể đồng cảm và che chở cho con người. Thiên nhiên như thế tất nhiên sẽ được nhìn qua các điểm nhìn của nhân vật.
Bởi thế ánh trăng trong lời thoại xuất hiện giống như một vật trang trí cho cảnh gặp gỡ đầy tình tứ của đôi tình nhân. Ánh trăng trở thành đối tượng để Romeo so sánh với vẻ đẹp của Juliet. Trong con mắt của chàng, nàng là “vừng đông tươi đẹp”. Nàng xuất hiện khiến cho “ả Hằng Nga” trở nên héo hon, nhợt nhạt. Juliet hiện ra trong mắt Romeo như vậy quả là phù hợp với tâm lý nhân vật (kẻ đang yêu).
Chính vì thế khi xuất hiện bên cửa sổ thì nàng sẽ phải trở thành thứ “ánh sáng” của “phương đông”; phải là “mặt trời”; đôi mắt phải là “hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời”. Đặc biệt khi nói về đôi mắt, Romeo đã tự vấn: “Ừ, nếu mắt nàng lên thay cho sao, và sao xuống nằm dưới đôi mày kia thì sao nhỉ?”.
Chàng hỏi nhưng cũng trả lời ngay: “Vẻ đẹp rực rỡ của đôi gò má sẽ làm cho các vì tinh tú nọ phải hổ ngươi, như vừng dương làm cho ánh đèn phải thẹn thùng; còn cặp mắt kia trên bầu trời sẽ rọi khắp khoảng không một làn ánh sáng tưng bừng đến nỗi chim chóc sẽ lên tiếng hót vang…”. Câu trả lời này chính là khẳng định vẻ đẹp tuyệt đối của Juliet.
Vẻ đẹp ấy tiếp tục được nhấn mạnh trong lời độc thoại thứ hai: “Hỡi nàng tiên lộng lẫy”, “đêm nay trên đầu ta, nàng tỏa ánh hào quang như một sứ giả nhà trời có đôi cánh, đang cưỡi những áng mây lười nhè nhẹ lướt trên không trung…”.
Phải nói rằng, đoạn văn này đã thể hiện được sự cộng hưởng tình cảm diệu kỳ của nhà văn với nhân vật. Secxpia đã quan sát và thể hiện được một cách rất tài tình cái nét tâm trạng điển hình của người đang yêu.
Ngược lại với cảm xúc đang thăng hoa bởi men say tình ái của Romeo tác giả đã khắc họa tâm trạng Juliet trong một nỗi niềm day dứt, băn khoăn, có phần như đang rối bời trước nghịch cảnh. Kể từ khi từ giã Romeo, nàng lui về phòng riêng và lên lầu. Trên lầu cao của nhà Capiulet nàng không tài nào chợp mắt được. Cảm giác ngây ngất trong cái nhìn đầu tiên khi gặp Romeo và nhất là nỗi niềm da diết khi chia tay đã làm cho Juliet xốn xang. Nàng sung sướng, hạnh phúc nhưng cũng hiểu rất rõ hoàn cảnh éo le của mình. Bởi thế nên Juliet đã thốt “Ôi chao!”.
Tiếng thốt này là một cụm từ cảm thán. Nó vừa thể hiện cảm xúc bị dồn nén nhưng cũng vừa diễn tả một tiếng thở dài như thể đang rất lo âu. Nàng lo chứ. Mối hận thù của hai gia đình chắc gì đã bước qua được. Hơn nữa, tình cảm của mình thì chân thật nhưng tình cảm của Romeo thì sao?
Nỗi niềm tâm trạng ấy tiếp tục được nhà văn tái hiện trong những lời độc thoại nội tâm tiếp theo: “Ôi Romeo, hỡi Romeo! Sao chàng lại mang tên đó nhỉ? Chàng hãy từ bỏ thân phụ đi, từ bỏ tên họ đi; hoặc không thì hãy thề là chàng yêu em đi, em sẽ không còn là con cháu nhà Capiulet nữa”, “Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi…”, “Chàng ơi! Hãy mang tên họ nào khác đi…”, “Cái tên đó đâu phải bàn tay, bàn chân, cánh tay, bộ mặt, một bộ phận nào đó của thân thể con người…".
Cái tên nào có nghĩa gì? Nên nhớ, những tâm sự trên của Juliet không phải là đối thoại. Nàng đang nói với chính mình. Thực tế Juliet không hề biết có Romeo đang ở gần mình. Chính thế mà những tâm sự đang diễn ra trong sâu thẳm tâm hồn nàng được thể hiện một cách đầy chủ động, rất tự nhiên. Bởi vì yêu mà nàng không chỉ chất vấn mà còn tìm cách trả lời và đưa ra những phương án hành động đầy táo bạo, quyết liệt để đến với tình yêu: “Romeo chàng ơi, chàng hãy từ bỏ tên họ đi. Cái tên kia đâu có phải xương thịt của chàng, chàng hãy đổi nó lấy cả tấm thân em”.
Có thể nói, diễn tả tâm trạng nhân vật, Secxpia như thể “đi guốc trong bụng”. Ông tả Romeo và Juliet mà cứ như đang nói về chính nỗi lòng của mình. Bởi thế, đọc/ nghe những lời độc thoại nội tâm của đôi trẻ người đọc/xem nhận thấy được những tình cảm và suy nghĩ của các nhân vật hiện lên một cách rất chân thực; đầy xúc động. Nó làm người ta cảm kích, yêu thương một mối tình rất chân thành, ngây thơ và trong trắng.
Juliet nói với mình, với trời, với đất để cho những tâm sự ngổn ngang trong lòng được nhẹ bớt. Nàng nói nhưng đâu có biết Romeo đang đứng bên dưới cho nên tất cả điều nàng nói vô tình Romeo đã nghe được hết cả. Và như vậy chàng nhận ra tình yêu của mình đã được đền đáp.
Dường như Romeo vẫn còn chưa tin vào tai mình. Chàng vẫn khao khát được nghe lời thổ lộ tình yêu đến từ phía Juliet. Câu nói tự vấn của Romeo đã nói lên tất cả: “Ta cứ đứng nghe thêm nữa, hay nên lên tiếng nhỉ?”.
Câu nói tự vấn của Romeo đã cho thấy một cách xử lý rất cao tay của nhà văn. Những nỗi niềm thầm kín của một tình yêu cháy bỏng trong trái tim Juliet thổ lộ đều được Romeo nghe hết nhưng đó là vô tình. Sự vô tình này để mãi thì sẽ thành cố tình. Cố tình tức là nghe trộm. Nghe trộm là một hành động vô cùng xấu xí, thậm chí là lố bịch. Cho nên Romeo đã tự vấn mình. Lời tự vấn ấy cho thấy chàng là người rất tự trọng.
Và, sau lời tự vấn đó Secxpia đã để cho hai nhân vật lộ diện, đôi uyên ương xuất hiện, trao đổi tâm tình trước mặt nhau. Nghệ thuật độc thoại nội tâm khép lại và chuyển sang ngôn ngữ đối thoại.
Mười ba lượt thoạt của Rômeo và Juliet ở phần cuối đoạn trích hiện trên sân khấu giống như bản hợp tấu tình yêu. Một tình yêu say đắm và dũng cảm. Cả Romeo và Juliet dám đứng lên trên hận thù và lễ giáo phong kiến để đấu tranh, giành quyền tự do yêu đương, quyền được hưởng hạnh phúc lứa đôi. Trong cuộc đối thoại này tâm trạng Romeo tỏ ra đơn giản hơn Juliet.
Khi tình yêu được đón nhận, chàng đã sẵn sàng từ bỏ dòng họ, từ bỏ tên họ của mình: “Chỉ cần được nàng gọi là người yêu là tôi xin tức thì nhận tên thánh mới; từ nay trở đi, tôi không muốn bao giờ là Romeo nữa”, “nàng tiên yêu quý của tôi ơi, tôi thù ghét cái tên của tôi, vì nó là kẻ thù của nàng. Nếu chính tay tôi đã viết cái tên đó, thì tôi xin xé nát nó ra”, “Hỡi nàng tiên kiều diễm, nếu nàng chẳng ưa tên họ đó, thì tôi chẳng phải Romeo mà cũng chẳng thuộc họ Montaghiu”.
Bình thường, khi phát hiện có người lạ trong nhà (dưới vườn), nhất là trong đêm khuya thanh vắng thì người ta dễ phát sợ. Nhưng ở đây, dưới ngòi bút của Secxpia, chúng ta thấy Juliet không hoảng sợ chút nào. Nàng chỉ hơi bất ngờ vì có người đang ngắm nhìn mình, đang nghe mình nói. Xét về mặt tâm lý, tâm trạng ấy không có gì bất ổn bởi khi đó Juliet đang cần người chia sẻ. Bởi thế, khi biết người dưới vườn kia là Romeo thì tâm trạng nàng còn trở nên phấn chấn.
Juliet đã nói với người mình yêu: “Tai nghe chưa trọn một trăm chữ từ miệng đó nói ra mà đã nhận ra tiếng ai rồi. Chẳng phải chàng Romeo, họ nhà Montaghiu đó ư?”. Nhưng rồi sau phút phấn chấn, Juliet chuyển sang trạng thái vừa sung sướng vì hạnh phúc vừa lo lắng cho số phận của Romeo bởi mối thù truyền kiếp. Chúng ta hãy lắng nghe cuộc trao đổi tâm tình đầy tâm đầu ý hợp của đôi trẻ để thấy được vẻ đẹp trong sáng của một tình yêu bất tử:
“Juliet: Chàng làm thế nào mà tới được chốn này? Và chàng tới làm gì? Tường vườn này cao, vượt qua thật khó. Và chàng nghĩ lại xem mình là ai? Nếu bị họ hàng nhà em bắt gặp nơi đây thì chàng khó lòng thoát chết.
Romeo: Tôi vượt qua được tường này là nhờ đôi cánh của tình yêu; mấy bức tường đá ngăn sao được ái tình. Mà cái gì tình yêu dám làm là làm được. Người nhà nàng ngăn sao nổi tôi.
Juliet: Họ mà bắt gặp chàng thì họ giết chàng mất.
Romeo: Nàng ơi, ánh mắt kia còn nguy hiểm tới hơn hai chục lưỡi kiếm của họ. Nàng hãy nhìn tôi với khóe mắt yêu thương là tôi chẳng ngại gì hằn thù của họ nữa.
Juliet: Em cầu mong cho họ đừng bắt gặp chàng nơi đây.
Romeo: Đã có áo choàng của nàng đêm che cho tôi khỏi bị họ nom thấy. Vả chăng, nếu chẳng được nàng đoái hoài thì cứ để họ bắt gặp. Thà để cho lòng căm thù của họ chấm dứt đời tôi còn hơn là kéo dài kiếp sống mà thiếu tình nàng.
Juliet: Ai đưa lối cho chàng tới đây?
Romeo: Ái tình, ái tình đã xui tôi tìm kiếm, ái tình đã cho tôi lời khuyên, và tôi đã cho ái tình đôi mắt. Tôi chẳng phải là tay thủy thủ, nhưng giá nàng có ở nơi bờ biển xa xăm nhất, thì tôi cũng sẵn sàng liều mình vì báu vật.”
Những lời đối thoại của hai người đã nhấn mạnh tình yêu xuất phát từ cả hai phía. Tình yêu từ Romeo đã khiến chàng bất chấp tất cả, không hề ngại khó khăn (vượt tường rào cao), không hề lo ngại an nguy tính mạng, thậm chí sẵn sàng chết vì người yêu.
Tình yêu đến từ Juliet khiến nàng lo lắng cho số phận của người yêu nếu bị gia đình mình phát hiện; nàng ước mong cho không ai nhìn thấy Romeo …
Có thể thấy tình yêu ở đây đã vượt lên tất cả, bất chấp mọi hận thù. Tâm lý của Juliet được nhà văn khai thác rất tinh tế. Diễn biến tâm trạng của nàng phức tạp nhưng phù hợp với tâm lý của người đang yêu. Nó không chỉ cho thấy một tình yêu nồng nàn, say đắm mà còn thể hiện sự chín chắn trong trái tim yêu. Đồng thời nó diễn tả sâu sắc nỗi day dứt trong tâm trạng bởi sự vây hãm của hận thù trong dòng họ. Điều ấy đã thể hiện sức ép nặng nề của hoàn cảnh. Đó là những mối nguy hiểm đang đợi chờ và đe dọa tính mạng của cả hai người. Nhưng cuối cùng, vượt lên trên tất cả là sự chiến thắng của tình yêu. Hận thù xuất hiện như một thế lực cản trở tình yêu chứ không thể nào ngăn cấm được tình yêu.
Đọc vở kịch nói chung và trích đoạn này nói riêng, chúng ta thấy Secxpia không tiếc lời ca ngợi cái đêm “thần tiên” của Romeo và Juliet. Ông đã cho mọi người thấy một tình yêu đẹp như mơ. Đồng thời cũng giúp mọi người nhận thấy kẻ thù của tình yêu. Cho hai họ Montaghiu và Capiulet tỉnh ngộ mà nhận ra tôi ác của minh khi đã giết chết mối tình trong sáng, đẩy đôi uyên ương tới một kết cục đầy bi thương.
“Vườn nhà Capiulet” có thể xem là một trong những trích đoạn hay nhất của vở kịch “Romeo và Juliet”. Đoạn trích không chỉ cho thấy một khung cảnh thiên nhiêm đầy thơ mộng mà còn cho thấy được sự bất tử của một tình yêu trong sáng.
Thông qua những lời đối thoại của Romeo và Juliet người đọc/ lngười xem không chỉ thấy được một tình yêu dũng cảm, cao cả mà còn nhận ra cái bi kịch đáng thương của cả thời đại. Bi kịch của khát vọng tình yêu đôi lứa và lễ giáo phong kiến cùng hận thù dai dẳng của hai dòng họ. Phát hiện và thể hiện được bi kịch này chính là cái tâm và cái tài của nhà viết kịch vĩ đại William Shakespeare.
Có thể nói cảm hứng của đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung chính là tư tưởng nhân văn của thời kỳ phục hưng. Thông qua vở kịch, trích đoạn nhà văn đã thể hiện một hy vọng, một khát vọng và một niềm tin mãnh liệt của mình vào tương lai tươi sáng của con người.
Bởi thế bản tình ca dù có dang dở thì người ta vẫn ngập tràn hy vọng vào tương lai. Đây chính là sự bất tử của tác phẩm và của William Shakespeare.