Bảo tàng Lào Cai: Hướng tới là trung tâm nghiên cứu văn hóa vùng Tây Bắc

Song hành với tỉnh sau 30 năm tái lập, Bảo tàng tỉnh Lào Cai hiện không chỉ là nơi sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật giá trị, mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều người dân địa phương và du khách đến tham quan, học tập.

 

bao-tang-lao-cai-1629763366.jpg
Kể từ khi chuyển về trụ sở mới ở Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường, Bảo tàng tỉnh đã có nhiều phát triển nổi bật

Sau khi chia tách tỉnh, tháng 8/1992, Bảo tàng tỉnh chính thức được thành lập với 5 cán bộ, nhân viên và nơi làm việc chỉ vỏn vẹn 2 gian phòng cấp 4, đặt tại thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng. Những ngày đầu thành lập, tài sản lớn nhất mà Bảo tàng tỉnh có được là hơn 10 hiện vật liên quan đến đất và người vùng đất Lào Cai.

Là một trong những người đầu tiên làm việc tại Bảo tàng tỉnh từ những ngày đầu cho đến nay, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh đã chứng kiến từng bước phát triển của đơn vị trong suốt gần 30 năm. Ông Nguyễn Mạnh Cường tự hào: Những ngày đầu vô cùng khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, người ít, kinh phí cũng hạn hẹp. Đó cũng là khó khăn chung của thời kỳ mới chia tách tỉnh. Tuy nhiên, tôi cũng như nhiều cán bộ, nhân viên của Bảo tàng tỉnh luôn tâm huyết, gắn bó và có tình yêu đặc biệt với công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử của các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói riêng và người Việt nói chung, với tâm niệm “nhìn vào sự phát triển của bảo tàng để thấy sự phát triển của tỉnh Lào Cai”.

Sau 8 lần chuyển địa điểm gắn với từng giai đoạn phát triển của tỉnh, đến năm 2016, Bảo tàng tỉnh mới có trụ sở khang trang, to đẹp nằm trong khu vực trung tâm hành chính của tỉnh, với 21 cán bộ, nhân viên. Bảo tàng tỉnh hiện lưu giữ, bảo quản, trưng bày hơn 20 nghìn hiện vật, trong đó nhiều hiện vật có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và khoa học. Đặc biệt, có một số hiện vật quý, độc bản đã trình hồ sơ công nhận là bảo vật quốc gia, như lôi đồng (niên đại trên 2.200 năm), tượng thần Natajara múa (khoảng thế kỷ XVIII). Ngoài ra còn có hàng nghìn hiện vật gắn liền với quá trình phát triển của tỉnh từ sau khi tái lập, như bộ trống đồng Đông Sơn đời đầu, gồm 12 chiếc được phát hiện tại khu vực đầu đường Ngô Quyền, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai vào năm 1993 - thời điểm thị xã Lào Cai (cũ) bắt đầu giai đoạn xây dựng, mở rộng. Đây là những hiện vật có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, minh chứng cho sự xuất hiện và khẳng định chủ quyền của người Việt cổ trên miền biên giới Lào Cai… được cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh sưu tầm, bảo tồn nguyên trạng.

Đặc biệt, một số hiện vật minh chứng cho chặng đường phát triển của tỉnh trong 30 năm qua cũng là những kỷ vật ý nghĩa với người dân Lào Cai, như bộ bàn ghế khảm trai dùng để tiếp khách của ông Nguyễn Quý Đăng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai (từ năm 1991 đến năm 1999) và bộ bàn họp dùng trong các hội nghị của UBND tỉnh trong suốt những năm đầu tái lập tỉnh. Các hiện vật dù đã cũ theo thời gian nhưng lại có ý nghĩa lớn, trở thành kỷ vật quý, được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh vừa để lưu giữ, nhắc nhớ thế hệ sau về những đóng góp, cống hiến của thế hệ đi trước cho quê hương Lào Cai hôm nay, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, học tập, tìm hiểu của học sinh, sinh viên cũng như người dân trong và ngoài tỉnh. “Kho hiện vật của Bảo tàng tỉnh hiện lưu giữ và bảo quản hơn 700 cổ vật. Mỗi ngày, các cổ vật được cán bộ, nhân viên Bảo tàng chăm chút, nâng niu, giữ gìn để luôn “sống” mãi với thời gian”, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng Phòng Kiểm kê và Bảo quản hiện vật, Bảo tàng tỉnh nói.

Kể từ khi chuyển về trụ sở mới, đội ngũ cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh được tạo thuận lợi để học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên có nhiều đổi mới phương thức thuyết minh giúp người dân và du khách hiểu rõ hơn các hoạt động trưng bày, những giá trị, ý nghĩa của các tư liệu, hiện vật.

Chị Trần Minh Trang, thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh bộc bạch: Công việc của thuyết minh viên không đơn giản. Để có thể truyền tải đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến tư liệu, hiện vật, tôi phải học hỏi, trau dồi kiến thức mỗi ngày, đồng thời luyện từ giọng nói, cử chỉ để có cách truyền đạt thông tin phù hợp nhất với từng đối tượng tới bảo tàng tham quan, tìm hiểu. Mỗi lần dẫn đoàn tham quan, được thuyết minh và kể nguồn gốc, ý nghĩa những tư liệu, hiện vật, tôi đều rất xúc động, tự hào và càng thêm yêu công việc của mình.

Trần Ngọc Minh ở phường Kim Tân, thành phố Lào Cai tâm sự: Trong năm học vừa qua, em được nhà trường tổ chức nhiều chuyến thực tế tại Bảo tàng tỉnh. Được nghe các cô, các chị thuyết minh viên giới thiệu hiện vật cổ, em thấy rất thú vị, hấp dẫn và muốn được tìm hiểu nhiều hơn nữa.

bao-tang-lao-cai1-1629763366.jpg
Các tư liệu, hiện vật được cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh giữ gìn, bảo quản cẩn thận mỗi ngày

Nhờ có nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, kho tư liệu, hiện vật của Bảo tàng tỉnh ngày càng phong phú, đa dạng, thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm mỗi năm. Sự phong phú về tư liệu và hiện vật giúp đơn vị thực hiện thành công nhiều cuộc triển lãm, trưng bày chuyên đề ý nghĩa, như Sắc màu Tây Bắc; Lào Cai 110 năm hình thành và phát triển; Đảng bộ Lào Cai 70 năm - chặng đường lịch sử vẻ vang; Địa giới Lào Cai - những dấu mốc lịch sử; Khám phá Việt; Ký ức thời bao cấp; Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026…

Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Bảo tàng tỉnh đã song hành với sự phát triển của tỉnh trong suốt gần 30 năm qua bằng những hoạt động chuyên môn hiệu quả. Mỗi giai đoạn phát triển của tỉnh, Bảo tàng luôn là nơi ghi dấu, lưu giữ những tư liệu, hiện vật có giá trị cao về văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội. Đến nay, những tư liệu, hiện vật mà đơn vị lưu giữ đã đáp ứng tương đối tốt nhu cầu tham quan, học tập, nghiên cứu của nhiều đối tượng.

Mục tiêu dài hơi của đơn vị là xây dựng nơi đây trở thành trung tâm nghiên cứu văn hóa của vùng Tây Bắc, là điểm đến hấp dẫn cho du khách và người dân địa phương… góp phần biến những di sản thành tài sản; nâng cao vị trí, vai trò của bảo tàng trong đời sống, trong giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương; đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập suốt đời của người dân