Lào Cai: Người thêu “bảo bối” của thầy Then

Năm nay đã 76 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Na ở thôn Chiềng 4, xã Võ Lao (Văn Bàn) vẫn cần mẫn từng đường kim, mũi chỉ để làm ra những chiếc mũ đội đầu - “bảo bối” của thầy Then. Xung quanh việc tạo ra sản phẩm tín ngưỡng này còn có những câu chuyện thú vị..
bao-boi-thay-then-1628382489.jpg
Bà Nguyễn Thị Na đội thử mũ cho thầy Then.   Ảnh: TL

Trong trang phục của thầy Then dân tộc Tày, mũ đội đầu là một sản phẩm đặc biệt, thể hiện tầng lớp người có uy quyền và thứ bậc cấp sắc cao hay thấp. Loại mũ này thường có 2 màu: Nửa đỏ, nửa đen; trên mũ trang trí hoa văn khác nhau và có những sợi tua rua dài gắn 2 bên mũ. Thêm 1 bậc cấp sắc, mũ của thầy Then lại thêm 2 dải tua rua, thứ bậc càng cao thì sợi tua gắn trên mũ càng nhiều.

Chiếc mũ đầu tiên được bà Na hoàn thành năm 16 tuổi. Bà Na chia sẻ: Việc cắt, thêu mũ của thầy Then được truyền dạy từ bà ngoại, rồi đến mẹ tôi. Bà và mẹ cũng được truyền dạy từ thế hệ trước, chứ không qua trường lớp nào cả.

Để làm chiếc mũ cho thầy Then rất cầu kỳ, mọi công đoạn đều khâu tay, có khi mất đến nửa năm mới hoàn thành 1 sản phẩm. Theo bà Na, việc khâu, thêu những sản phẩm này không đơn giản, bởi trên mũ có nhiều họa tiết, hình thù đặc biệt, biểu trưng những ý nghĩa khác nhau. Bà Na cũng cho biết thêm: Không phải mê tín, nhưng nghề tôi làm có liên quan đến yếu tố tâm linh. Tôi nghĩ làm mũ cũng phải có “căn”. Ngày xưa, bà ngoại và mẹ cũng dạy cho những chị em khác, nhưng chỉ có tôi là học được cách làm mũ. Sau khi làm được chiếc mũ đầu tiên, tôi lập gia đình nên phải tạm dừng việc khâu mũ.

Trong làng hiện có 2 thầy Then, một mình bà Na làm mũ cho cả 2 thầy, đến nay, bà làm được 5 chiếc mũ. Những sản phẩm làm ra đều phục vụ cho hoạt động tín ngưỡng, tâm linh nên bà không đặt nặng vấn đề kinh tế. Bà làm để giúp thầy Then có mũ đội khi làm lễ, cầu mong an lành cho người dân, cầu có sức khỏe tốt, tích đức, mong bề trên ban phước, vì thế bà chỉ lấy tiền công cho những sản phẩm mình làm ra. Giờ tuổi đã già, bà mong tìm được người có “căn”, yêu thích công việc này để chỉ dạy, để có người nối nghiệp.