Nhận được tin báo ông Giàng A Chỉnh, sinh năm 1956, tổ dân phố số 3, phường Hàm Rồng qua đời, ông Má A Sảng, Phó Chủ tịch UBND phường cùng đại diện một số đoàn thể đã có mặt tại gia đình tang chủ. Ông Sảng cùng các thành viên trong đoàn một mặt động viên, chia sẻ với người thân ông Chỉnh, mặt khác hỗ trợ gia đình lo hậu sự; động viên gia đình thực hiện nghiêm các quy định của địa phương về việc tổ chức tang lễ. Nhờ vậy, gia đình ông Chỉnh đã tổ chức tang lễ ngắn gọn, đúng quy định phòng, chống dịch.
Ông Má A Sảng, Phó Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng cho biết: Từ nhiều đời nay, người Mông ở phường Hàm Rồng (trước đây là xã Sa Pả) thường có tập quán để người chết trong nhà nhiều ngày. Chúng tôi phải có mặt kịp thời tuyên truyền, vận động người dân thay đổi điều này, người chết sau khi làm lý (các thủ tục tâm linh) là phải đưa vào áo quan. Bên cạnh đó, việc tổ chức ăn, uống trong đám ma cũng phải hạn chế và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên chính quyền địa phương cũng cử lực lượng hướng dẫn người dân đến thăm viếng, chia buồn với người thân ông Chỉnh phải khai báo y tế, khử khuẩn, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người… Anh Giàng A Sa, người dân tổ 1, phường Hàm Rồng cho biết: Trước đây, những người trong làng, đặc biệt là bà con họ hàng thân thích phải liên tục nhiều ngày giúp đỡ gia đình lo tang lễ cho người đã khuất. Việc ăn uống cũng tổ chức nhiều ngày, không ít người uống rượu say. Nhưng nhờ được tuyên truyền, vận động, những năm gần đây người dân chúng tôi có ý thức hơn, thường chỉ đến thăm viếng, chia buồn rồi lại tiếp tục công việc lao động, sản xuất.
Ông Giàng A Sàng, Bí thư Đảng ủy phường Hàm Rồng là người sinh ra và lớn lên tại địa phương, nên ông hiểu rõ những tập tục lạc hậu của đồng bào mình, nhất là trong việc cưới, việc tang. Cách đây khoảng 10 năm, nhiều gia đình tổ chức đám tang cho người thân kéo dài hàng tuần, thậm chí hơn chục ngày, tổ chức ăn uống linh đình, tốn kém, lãng phí. Trong việc cưới thì thường có tảo tôn, hôn nhân cận huyết thống, thách cưới cao… Những tập tục lạc hậu này là rào cản, thậm chí đẩy lùi sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Sàng cho biết: Để ngăn chặn tình trạng trên, phường đã có nhiều biện pháp. Cụ thể, với những người tổ chức đám cưới khi chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn, phường phối hợp với gia đình, các tổ chức đoàn thể kiên trì tuyên truyền, vận động, đối với trường hợp cố tình tổ chức đám cưới, phường sẽ bố trí lực lượng đến tháo rạp. Với đám tang, từ chỗ người dân tổ chức 1 tuần đến 10 ngày, nay giảm xuống theo đúng quy định. Người dân cũng không dùng ky (giá bằng tre) để treo người chết đến khi đưa đi an táng, mà giờ đây sau khi khâm liệm sẽ cho vào quan tài, đảm bảo vệ sinh.
Được biết, phường Hàm Rồng là xã Sa Pả, sáp nhập thêm hơn 200 hộ ở tổ 1, tổ 2A, tổ 2B và tổ 3A của thị trấn Sa Pa trước kia. Phường có gần 900 hộ, trong đó đa phần là người dân tộc Mông, 60% dân số vẫn đang canh tác nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo khoảng 10%. Nhờ tuyên truyền, vận động tích cực từ phía chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, việc tổ chức tang lễ cơ bản đã thay đổi theo hướng tích cực. Tuy nhiên, việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống dù đã giảm nhưng mỗi năm vẫn còn một vài trường hợp. Trong thời gian tới, phường Hàm Rồng tiếp tục tuyên truyền vận động, đồng thời có biện pháp cứng rắn để xử lý những trường hợp cố tình vi phạm.