Làng nghề Bát Tràng không chỉ tạo ra những sản phẩm gốm sứ nức tiếng mà còn là điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch khi đến Hà Nội.
Ông Gavin (Australia) lần đầu tiên đến Hà Nội. Điểm đến đầu tiên của ông cùng đoàn khách quốc tế là làng gốm Bát Tràng vào đúng dịp hội làng. Các nghi lễ trong lễ hội của làng nghề Bát Tràng đã khiến ông và đoàn khách thú vị. "Tôi chưa bao giờ được xem lễ hội làng nghề truyền thống nào tuyệt vời như thế này. Những hoạt động trong lễ hội rất độc đáo và tôi chưa bao giờ được chứng kiến”, ông nhận xét.
Một trong các điểm nhấn ở làng nghề truyền thống Bát Tràng là Trung tâm đổi mới sáng tạo, giới thiệu và quảng bá tinh hoa các sản phẩm gốm. Khách du lịch đến đây sẽ được tìm hiểu các sản phẩm truyền thống và lịch sử làng nghề.
Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: "Để trở thành điểm du lịch tiêu biểu của Thủ đô thì lễ hội truyền thống là một trong những nét văn hóa đặc sắc của các làng nghề. Với Bát Tràng, lễ hội truyền thống mang nét riêng của một làng nghề, làng gốm. Thực hiện đề án bảo tồn làng nghề cũng như Nghị quyết về văn hóa thì Bát Tràng được UBND thành phố Hà Nội rất quan tâm và UBND huyện đã có kế hoạch, đề án xây dựng Bát Tràng thành điểm du lịch tiêu biểu của Hà Nội. Việc ra mắt Trung tâm đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra cho nghệ nhân, thợ giỏi, đặc biệt là thế hệ nghệ nhân trẻ của Bát Tràng có nơi để giao lưu, học hỏi, trao đổi các kinh nghiệm sản xuất trong nghề”.
Vào các dịp cuối tuần, làng nghề Bát Tràng đón từ 3.000-5.000 lượt du khách trong và ngoài nước. Việc tạo ra các không gian trưng bày cũng như tổ chức các lễ hội truyền thống làng nghề là cách tạo ra các sản phẩm du lịch thu hút khách đến với các làng nghề hiện nay, trong đó có Bát Tràng.