Thành tựu và ý nghĩa lịch sử đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng
Theo dấu chân Nguyễn Hoàng, “từ độ mang gươm đi mở cõi”[2] là công cuộc khai hoang tới mũi Cà Mau, xây dựng nên một đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ, để cùng với miền Bắc sông Hồng tạo nên văn minh Đại Việt, chính thức tạo nên đất nước hình chữ “S” như hiện nay. Kế thừa và phát huy thành quả đó, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã lãnh đạo Nhân dân ta lập nên những chiến công hiển hách, những thắng lợi vẻ vang, có ý nghĩa lịch sử quan trọng mà sứ mệnh ấy chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, đó là tiến hành đồng thời: Cách mạng Dân tộc dân chủ Nhân dân và Cách mạng Xã hội chủ nghĩa, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Từ thực tiễn thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ, Cương lĩnh của Đảng ta xác định: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”[3]. Đây là hệ thống lý luận, là cơ sở khoa học, kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiểu cụ thể hơn thì đây là hệ thống các quan điểm, nguyên tắc cơ bản về xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị dưới sự lãng đạo của Đảng. Tất cả những điều đó đã làm nền tảng tinh thần, là động lực và nguồn sức mạnh to lớn để Nhân dân ta phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, xây dựng đất nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng luôn được chú trọng, giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn và ngày càng lớn mạnh; an ninh chính trị ổn định, kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia- dân tộc; kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 khá cao (khoảng 6%/năm) thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực, thế giới; các lĩnh vực văn hoá và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững và có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu[4];… “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta;…”[5].
Phương thức, thủ đoạn, âm mưu của các thế lực thù địch
Những thành tựu do Đảng ta lãnh đạo đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Thế nhưng, các thế lực phản động, thù địch, bất mãn, cơ hội chính trị luôn ra sức công kích nền tảng tư tưởng của Đảng, nhất là vào những dịp, những sự kiện lớn của đất nước. Chúng phủ định, phản bác chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta; chúng xuyên tạc mọi quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tấn công, kích động chia rẽ đoàn kết nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phủ nhận thành tựu to lớn đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng ta; chúng liên tục viết bài, bình luận, chia sẻ, công kích, xuyên tạc, chống phá ta trên mọi mặt của đời sống xã hội bằng nhiều phương tiện, nhất là chúng triệt để lợi dụng công nghệ thông tin- truyền thông, lập ra nhiều trang web, mạo danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoặc nhân danh các tổ chức chính trị- xã hội… để đánh lừa mọi người, hay “tung hỏa mù”, bịa đặt nhiều thông tin sai lệch hoặc “bán tín, bán nghi”, hay theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để dẫn dắt, lái dư luận theo chiều hướng tiêu cực, làm cho người tiếp cận mơ hồ, mất cảnh giác, hoang mang, dao động, không biết đâu là chân lý, không phân biệt được đúng- sai, dần làm theo ý chúng (từ phản kháng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, dần chuyển hóa sang tư tưởng sai trái, phản động, thù địch…), hay vô tình “nối giáo cho giặc”… Đó là những phương thức, thủ đoạn vô cùng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch với mưu đồ là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trọng tâm là xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng; về lâu dài, chúng mưu đồ thay đổi chế độ của chúng ta, chúng hy vọng sự thay đổi chế độ đó sẽ mang đến lợi ích cho phe nhóm hay cá nhân của chúng… Nếu mọi người không tỉnh táo để nhận thức và hành động đúng thì sẽ gây tác động xấu đến tư tưởng, dần phai nhạt lý tưởng đối với cán bộ, đảng viên; làm mất niềm tin của quần chúng Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước…
Vì sao mọi người cần phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng?
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh luôn khẳng định: “Đảng ta là Đảng của dân, do dân, dựa vào dân và vì dân”[6]. Hơn 90 năm qua, Đảng ta đã phát huy bản lĩnh, trí tuệ lãnh đạo quần chúng Nhân dân kiên cường, bất khuất vượt qua những chặng đường đấu tranh với muôn vàn gian khổ, hy sinh (với 8,8 triệu người có công với cách mạng, tức chiếm tương đương với gần 10% dân số cả nước hiện nay- một con số có thể phác họa khá đầy đủ mức độc khốc liệt của chiến tranh[7]). Đến hôm nay, đất nước ta đã và đang chuyển mình ngày càng phát triển mạnh mẽ, thì tất cả chúng ta, những người được sống trong thanh bình, hạnh phúc càng không thể quên đi những năm tháng gian khổ, hy sinh đó. Với “Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật”[8], hay “Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh”[9], thì hầu hết trong mỗi gia đình người Việt đều có những đau thương, mất mát… Như vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, cũng chính là bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ thành quả từ những cống hiến, hi sinh của các thế hệ cha ông chúng ta,… hay nói cách khác, chính là bảo vệ lợi ích cho tất cả cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nghĩa là cho tất cả chúng ta, và theo đó là góp phần phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Trách nhiệm của chúng ta trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thời gian qua, Đảng ta đã đề ra Nghị quyết số 35-NQ/TW để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng[10], đây là một Nghị quyết có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, nhất là trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng. Như riêng Kiên Giang, từ năm 2021 đến nay đã chủ động chỉ đạo, phối hợp, tổ chức lực lượng, đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu, độc, chống phá, xuyên tạc trên không gian mạng với hàng chục ngàn bài viết, hàng trăm ngàn lượt chia sẻ, bình luận tích cực… đạt được nhiều kết quả được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao.
Hiện nay dân số của Việt Nam có hơn 97 triệu người, nhưng có trên 145 triệu thuê bao di động và trên 68 triệu người sử dụng internet[11], và công nghệ thông tin mạng ngày càng phát triển mạnh mẽ với nhiều trang mạng xã hội phổ biến mà các thế lực thù địch cũng triệt để lợi dụng, trong đó đáng chú ý như Facebook, Zalo, Instagram, YouTube,... Có thể nói đây là một mặt trận vô cùng phức tạp gắn liền với nhiều thủ đoạn tinh vi của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Vì vậy, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giờ đây không phải phải chỉ là công việc của các cơ quan chuyên trách như Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tuyên giáo các cấp, hay các cơ quan truyền thông… mà đây là cuộc chiến đấu quyết liệt, linh hoạt và mềm dẻo, đồng bộ bằng tinh thần trách nhiệm chính trị cao của tất cả tất cả cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị- xã hội các cấp, cũng như sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân..
Theo Lênin, “Trong điều kiện kẻ thù chống phá điên cuồng, thì bảo vệ Đảng không chỉ bằng lời nói suông mà phải thể hiện bằng hành động quyết liệt”[12], Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây đã yêu cầu trong cuộc đấu tranh này: “...nhận thức của chúng ta phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng,...”[13]. Vậy chúng ta cần phải làm gì để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng?
Trước hết, các cấp ủy và tổ chức Đảng ở các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị-xã hội và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần trang bị và nâng cao trình độ, khả năng nhận thức về vai trò, vị trí của cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kịp thời phê phán, lên án những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch. Gắn kết cuộc đấu tranh này với công tác xây dựng Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII[14], Kết luận số 21-KL/TW[15]; Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm[16]; Kết luận số 01-KL/TW về học tập và làm theo Bác[17]... Vì việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về tư tưởng và tổ chức là điều kiện cơ bản để đảm bảo cho cuộc cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thắng lợi.
Công tác tuyên truyền, phổ biến và tiếp nhận thông tin phải căn cứ vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thông qua các kênh thông tin chính thức của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm và được ủy quyền. Mỗi người dân cần cập nhật tin tức hàng ngày qua hệ thống thông tin- truyền thông chính thống… Qua đó, sẽ xây dựng cho mình khả năng “tự đề kháng”, để cùng với định hướng, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo, Ban chỉ đạo 35 các cấp mà có biện pháp chống lại các quan điểm sai trái, thù địch hiệu quả; kịp thời phát hiện, phân tích, phê phán các luận điệu xuyên tạc với đầy đủ cơ sở khoa học; vạch rõ sự xuyên tạc, bôi nhọ cùng với các thủ đoạn tinh vi thâm độc của các thế lực thù địch, phản động trên mặt trận thông tin.
Thứ hai, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong xã hội trong “cuộc chiến” này. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta là một tập thể lớn, tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí. Mỗi đảng viên phải bảo vệ Đảng và mọi chủ trương, chính sách của Đảng”[18], nên đội ngũ này phải là “thành trì” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; là “pháo đài” trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch- nhất là trên không gian mạng (thường xuyên tương tác, viết bài, chia sẻ, định hướng dư luận,… tích cực); phải là người gương mẫu, nói đi đôi với làm và đúng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật. Đặc biệt là đoàn viên, thanh niên cần phát huy vai trò “Đâu cần thanh niên có”, tích cực tham gia đấu tranh trên không gian mạng, “nói không với tin xấu, tin độc”,… Với những người tham gia trong lĩnh vực báo chí, văn học nghệ thuật cần tăng cường sáng tạo và nâng cao chất lượng sáng tác để tuyên truyền, cổ động sâu sắc, hiệu quả, góp phần định hướng dư luận xã hội, phản bác thông tin xấu, độc... Với toàn thể Nhân dân, cần thực hiện tốt quy ước, hương ước của làng xã, pháp luật của Nhà nước; là tấm gương mẫu mực trong mọi mặt của đời sống xã hội để cho con cháu noi theo; tích cực tham gia các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội; nêu cao tinh thần tương thân- tương ái với cộng đồng; sáng suốt khi tiếp cận thông tin, không để mắc mưu kẻ xấu, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tuyên truyền, phát tán…
Thứ ba, việc bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội gắn liền với an ninh mạng, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước là trách nhiệm chung của tất cả mỗi người dân chúng ta. Vì vậy, cần phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; các cấp ủy, chính quyền cần tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, phân tích, giải thích cho Nhân dân biết để phân biệt tin tốt-xấu, thật-giả,... qua đó phát huy tinh thần tự giác, ý thức, trách nhiệm của mọi người trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch... Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW; nghiên cứu mở rộng thành viên, tăng cường xây dựng các tổ, nhóm đấu tranh trên không gian mạng, gắn với tổ chức, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, định hướng để mọi người có thể tham gia. Ngoài ra, cần đẩy mạnh và phát huy vai trò của hệ thống truyền thanh cơ sở trong công tác này, nhất là ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa.
Sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là không của riêng ai, vì thực tế lịch sử đã chứng minh: Những trang sử vinh quang nhất của Việt Nam luôn gắn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chính lòng yêu nước và tinh thần dân tộc giúp dải đất hình chữ “S” vượt qua hết phong ba này đến bão táp khác. Nên tất cả chúng ta, với tình cảm và trách nhiệm của mình trước Đảng, trước Tổ quốc, trước truyền thống hào hùng của dân tộc, trước Nhân dân đều phải góp phần gìn giữ và bảo vệ những giá trị cốt lõi của chế độ và dân tộc ta. Chúng ta phải luôn ý thức đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay, và “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[19]./.
[1], [5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr.25.
[2] Trích trong bài thơ “Nhớ Bắc” của thi tướng rừng xanh Huỳnh Văn Nghệ (1940).
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.88.
[4], [19] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập II, tr.8, 324.
[6] Nguyễn Văn Linh (1970): Phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục xứng đáng là đội tiên phong chính trị của toàn xã hội, Tạp chí Cộng sản, số 2, tr.7.
[7] Thanh Vân (2021): Những con số không được lãng quên, tại trang https://baodanang.vn/channel/5401/202107/nhung-con-so-khong-duoc-lang-quen-3886384/, [truy cập ngày 26/10/2022].
[8] Trích trong bài thơ “Tấc đất thành cổ” của Nguyễn Đình Lân.
[9] Trích trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi.
[10] Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
[11] Minh Thi (2022): Hiểu thế nào về quan điểm sai trái, thù địch?, tại trang https://www.kiengiang.dcs.vn/Tin-tuc/2022/04/hieu-the-nao-ve-quan-diem-sai-trai-thu-dich, [truy cập ngày 26/10/2022].
[12] V.I.Lênin (2005): Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, tập 19, tr.259.
[13] Phát biểu bế mạc tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (sáng 7/10/2021).
[14] Nghị quyết số 04/NQ-TW, ngày 30/10/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
[15] Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".
[16] Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
[17] Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
[18] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia- Sự Thật, Hà Nội, tập 12, tr.335.