Nhịp Xòe Thái- kết nối bản sắc
8 giờ sáng, trong cái se lạnh cuối năm, vợ chồng bà Nguyễn Thị Hậu Hiền (70 tuổi) từ quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) bắt chuyến xe buýt quen thuộc đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Với họ, đây không chỉ là một chuyến đi mà còn là cuộc hành trình trở về với giá trị văn hóa cội nguồn.
Trong không gian ngập tràn sắc màu văn hóa, bà Hiền bị cuốn hút bởi điệu múa Xòe Thái – biểu tượng của sự đoàn kết và lòng hiếu khách. Bà chia sẻ: "Cả du khách và nghệ nhân tay nắm tay, cùng bước nhịp nhàng trong vòng tròn rộng lớn. Điệu Xòe không chỉ là một điệu múa mà còn chứa đựng tinh thần của người Thái mang ý nghĩa cởi mở, gắn kết và tràn đầy yêu thương".
Giữa vòng tròn rộn ràng ấy, bà Vũ Thị Sen, một du khách từ quận Hà Đông không giấu được sự xúc động: "Tôi chưa từng nghĩ giữa lòng Hà Nội lại có một phiên chợ vùng cao sống động như thế này. Từ tiếng khèn, tiếng hát, đến hương vị ẩm thực đều khiến tôi cảm nhận như đang ở giữa núi rừng Tây Bắc".
Điều khiến bà Sen ấn tượng nhất chính là cách ngày hội tái hiện nguyên vẹn không gian văn hóa vùng cao, giúp người dân Thủ đô có cơ hội khám phá và hiểu sâu hơn về đời sống của 54 dân tộc anh em.
Quyền Trưởng ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung cho biết, phiên chợ vùng cao luôn là điểm nhấn thu hút du khách. Đây không chỉ là trải nghiệm văn hóa mà còn là cơ hội để mọi người hiểu hơn về đời sống tinh thần phong phú của các dân tộc anh em.
"Năm nay, chúng tôi tập trung tái hiện các nghi lễ độc đáo, mời đồng bào dân tộc từ nhiều vùng miền về giao lưu. Chúng tôi hướng tới một không khí lễ hội vui tươi, tràn đầy hân hoan, nhất là khi Tết đến xuân về. Các hoạt động ở đây không chỉ mang niềm vui mà còn truyền cảm hứng, khuyến khích mọi người cùng chung tay gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp", ông Chung nhấn mạnh.
Bức tranh sống động, đa sắc về văn hóa tại phiên chợ vùng cao
Trong không gian rực rỡ sắc màu của chợ phiên vùng cao tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đoàn nghệ nhân từ Thanh Hóa mang theo hơi thở của núi rừng Mường Lát – huyện xa nhất tỉnh cách Hà Nội gần 300km. Đây là món quà văn hóa đầy ý nghĩa mà đồng bào dân tộc tỉnh Thanh Hóa gửi đến du khách gần xa, kết nối những giá trị truyền thống với cuộc sống hiện đại.
Miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hoá được ví như bức tranh thổ cẩm đa sắc màu, hiện diện trong bức tranh ấy là ý thức tâm linh nguồn cội, là dòng chảy lặng lẽ của lịch sử truyền thống bao đời, là nét đẹp văn hoá của 11 huyện với 6 dân tộc thiểu số đoàn kết cùng sinh sống, gồm dân tộc Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, làm phong phú thêm nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, của Thanh Hóa nói riêng.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thị Mai Hương tự hào chia sẻ: "Chúng tôi mang đến 10 tiết mục nghệ thuật tiêu biểu, như song tấu khèn Mông, độc tấu kèn lá dân tộc Dao, hát khặp dân ca Thái, múa sắc khăn piêu, múa chuông dân tộc Dao... Mỗi tiết mục là một câu chuyện văn hóa, tái hiện nét đẹp độc đáo của vùng cao Thanh Hóa, giúp du khách cảm nhận sâu sắc sự phong phú của bản sắc dân tộc".
Không chỉ dừng lại ở những màn trình diễn nghệ thuật, Thanh Hóa còn đặc biệt chú trọng đến việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể. "Hằng năm, chúng tôi đều xây dựng kế hoạch quảng bá văn hóa gắn với phát triển du lịch, giúp bà con nhận ra giá trị của di sản và xem đó như một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Đây cũng là cách để tri ân các nghệ nhân – những người gìn giữ linh hồn văn hóa của dân tộc mình", bà Hương nhấn mạnh.
Không gian lễ hội ngập tràn sắc màu và tiếng cười. Những vòng múa Xòe, tiếng khèn Mông, hay tiếng hát ru của người Dao hòa quyện với nhau, tạo nên một bức tranh văn hóa đầy sức sống. Đặc biệt, chợ phiên vùng cao năm nay không chỉ là nơi trải nghiệm, mà còn là nhịp cầu kết nối tinh thần đoàn kết, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và ý thức bảo tồn di sản văn hóa trong cộng đồng.
Không gian Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hôm nay đã tràn ngập sắc màu của tình người và văn hóa. Những vòng Xòe kết nối du khách với nghệ nhân, những câu chuyện giản dị bên gian hàng đặc sản vùng cao, hay tiếng cười giòn tan từ những trò chơi dân gian... tất cả tạo nên một bức tranh sinh động và giàu cảm xúc.
Ngày hội không chỉ tái hiện những nét đặc sắc của chợ phiên vùng cao mà còn là nơi lưu giữ và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc. Trong từng vòng tay nối dài, từng bước chân nhịp nhàng trong điệu Xòe, mang thông điệp to lớn: Bản sắc dân tộc không chỉ là di sản mà còn là niềm tự hào, là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.