Bảo vệ, tôn tạo các di tích, di sản, phát huy bản sắc văn hóa Huế

Tin, ảnh: Tường Vi (TTXVN)

20/04/2022 20:59

Theo dõi trên

Chiều 20/4, Đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế về tình hình hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Chú thích ảnh Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc. 

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Thừa Thiên - Huế đã tập trung bảo vệ, tôn tạo các di tích, di sản, phát huy bản sắc văn hóa Huế và xem văn hóa là trụ cột để phát triển bền vững; đồng thời xác định và xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch của địa phương đã duy trì tốc độ tăng trưởng và có nhiều điểm sáng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra sau khi triển khai thực hiện các nghị quyết, chính sách về văn hóa. Địa phương cần lãm rõ nội hàm bản sắc văn hóa Huế để có cơ sở, tuyên truyền giáo dục và tạo động lực tinh thần cho người Huế và những người yêu Huế; xây dựng môi trường văn hóa Huế và phẩm chất con người Huế gắn với bản sắc văn hóa Huế.

Bên cạnh đó, tỉnh cần giao cho cơ quan chức năng xây dựng đề án thí điểm để huy động nguồn lực xã hội hóa trong việc sử dụng và quản lý di tích, theo hướng di tích là của nhà nước nhưng quản lý là doanh nghiệp để giảm tải bớt áp lực kinh phí và có nguồn lực phục vụ công tác bảo tồn và tôn tạo di tích, di sản.

Về lĩnh vực thể thao, lãnh đạo tỉnh cần quan tâm phát triển thể thao quần chúng, phát huy tinh thần thượng võ, từ đó có hướng tuyển chọn, đầu tư bồi dưỡng phát triển thể thao thành tích cao.

Về du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế tiếp tục nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch riêng có của tỉnh. Thừa Thiên - Huế có thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, vì vậy xây dựng sản phẩm có thương hiệu gắn liền với phát huy giá trị di sản Huế. Ưu tiên đầu tư để phát triển du lịch “MICE” - là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng, khám chữa bệnh của các công ty, đơn vị.

Festival Huế đã tạo được dấu ấn và xây dựng thương hiệu đặc trưng cho Huế, tuy nhiên hiện nay cách làm vẫn là chính quyền đứng ra thực hiện, địa phương cần nghiên cứu để thử nghiệm xã hội hóa lễ hội này. Bên cạnh đó, địa phương cần quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ làm du lịch. Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động du lịch đã từng bước phục hồi sôi động trở lại. Sở Du lịch cần triển khai các lớp đào tạo ngắn ngày để đáp ứng ngay cho các cơ sở du lịch.

Chú thích ảnh Quang cảnh buổi làm việc. 

Tại Thừa Thiên - Huế, ngoài các di sản thuộc Quần thể Di tích Cố đố Huế, địa bàn tỉnh có 3 hệ thống, quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh; có 8 bảo tàng, cùng hệ thống làng nghề truyền thống đa dạng. Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được tập trung thực hiện hiệu quả. Về du lịch, địa phương đã chú trọng đến công tác quy hoạch du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch được chú trọng, đặc biệt là hạ tầng giao thông tiếp cận các điểm đến. Quý I năm 2022, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên - Huế đạt gần 296.666 lượt; trong đó khách quốc tế đạt 4.662 lượt. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 500 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho biết, tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ về “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện một số chính sách phát triển văn hóa; có chính sách thu hút đội ngũ chuyên gia về văn hóa, có cơ chế thu hút tài năng văn hóa. Tỉnh đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương để di sản văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh…

Bạn đang đọc bài viết "Bảo vệ, tôn tạo các di tích, di sản, phát huy bản sắc văn hóa Huế" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn