Bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội Trò Chiềng trong giai đoạn hiện nay

Ngày 25/2/2018, Lễ hội Trò Chiềng được Nhà nước công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Điều này đánh dấu sự ghi nhận của Nhà nước về những giá trị văn hoá cốt lõi của Lễ hội Trò Chiềng. Sau khi lễ hội được công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, chính quyền UBND xã Yên Ninh, UBND huyện Yên Định đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn giá trị của Lễ hội này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc bảo vệ và phát huy giá trị của lễ hội vẫn chưa thực sự mang lại kết quả.
le-hoi-tro-chieng-1696436849.jpg
 

Tóm tắt:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói “Văn hóa... là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hóa còn thì Dân tộc còn”(1). Vì vậy bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngày 25/2/2018, Lễ hội Trò Chiềng được Nhà nước công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Điều này đánh dấu sự ghi nhận của Nhà nước về những giá trị văn hoá cốt lõi của Lễ hội Trò Chiềng. Sau khi lễ hội được công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, chính quyền UBND xã Yên Ninh, UBND huyện Yên Định đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn giá trị của Lễ hội này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc bảo vệ và phát huy giá trị của lễ hội vẫn chưa thực sự mang lại kết quả. Vì thế nghiên cứu này nhằm đề xuất một số giải pháp mang tính thực tiễn để phát huy các giá trị của Lễ hội, tạo động lực cho sự phát triển nền văn hóa trong giai đoạn hiện nay

Từ khoá: Lễ hội, Trò Chiềng, Yên Ninh, Truyền thống

Phân loại ngành: Quản lý văn hoá

Abstract: General Secretary Nguyen Phu Trong said: "Culture... is the soul of the Nation, expressing the identity of the Nation. Culture and Ethnicity". Therefore, protecting and promoting the values of traditional festivals is one of the major policies of the Party and the State in the period of international economic integration.

On June, 12, 2017, the Tro Chieng Festival was recognized by the State as a national intangible cultural heritage. This marks the recognition of the State of the core cultural values of the Tro Chieng Festival. After the festival was recognized as a national intangible cultural heritage, the authorities of the People's Committee of Yen Ninh commune, the People's Committee of Yen Dinh district had many activities to preserve the value of this festival. However, in recent years, the protection and promotion of the value of the festival has not really brought results. Therefore, this research will contribute some practical solutions to promote the values of the Festival, thereby really becoming a driving force for cultural development in the current period

Keyword: Festivals, Tro Chieng, Yen Ninh, Traditional

Subject classification: Cultural Management

I. Đặt vấn đề

Lễ hội Trò Chiềng diễn ra tại làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Đây là lễ hội trò diễn mang đậm yếu tố văn hóa cung đình, được dân gian hóa để phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu, mơ ước của nhân dân, gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm. Diễn ra hàng năm, hội chính được tổ chức từ ngày mùng 10 đến 12 tháng Giêng âm lịch, Lễ hội gắn liền với tên tuổi của Tam công Trịnh Quốc Bảo - người được phong Thành Hoàng làng của làng Trịnh Xá. Trịnh Quốc Bảo sinh khoảng năm 998, ông làm quan cho triều Lý, là một vị tướng văn võ toàn tài. Với 12 trò diễn như biểu tượng của 12 tháng trong năm (trò rước cỗ vàng, trò rước cỗ gà, trò rước Thành hoàng, trò đội Thiên vương, trò múa hát chèo, trò kén rể, trò chọi voi, trò tẩu mã, trò chọi rồng, trò giáo tàu, trò đốt pháo bông, trò kỳ lễ, kỳ phúc) lễ hội Trò Chiềng đã đi vào nhiều chủ đề khác nhau, phản ánh sinh động, sâu sắc cuộc sống lao động, chiến đấu bảo vệ tổ quốc, vui chơi, giải trí của nhân dân cũng như tưởng nhớ hình ảnh và công lao to lớn của Tam công Trịnh Quốc Bảo. Lễ hội Trò Chiềng không chỉ là ngày hội của người dân làng Trịnh Xá mà còn là ngày hội, là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương. Trò Chiềng được mời tham gia nhiều sự kiện lễ hội của tỉnh Thanh, năm 2010 lễ hội Trò Chiềng còn được vinh dự đại diện cho các lễ hội ở tỉnh Thanh Hóa biểu diễn kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Ngày 20/6/2017, Lễ Hội Trò Chiềng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản phi vật thể Quốc gia.

Lễ hội Trò Chiềng tại xã Yên Ninh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa mang lại giá trị tinh thần cho người dân thông qua việc tạo ra không gian tâm linh, nơi họ có thể tìm đến cõi siêu nhiên và mong muốn được ơn phước, cầu lấy may mắn cho gia đình và bản thân, đánh thức niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên. Lễ hội Trò Chiềng là cơ hội để truyền đạt và tôn vinh những giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống. tái hiện công lao của Thành hoàng làng Trịnh Quốc Bảo đối với nhân dân. Bên cạnh đó Lễ hội Trò Chiềng còn góp phần quan trọng vào việc tạo sự đoàn kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng. Cứ mỗi dịp lễ hội (ngày 10 -12 Tháng Giêng hàng năm), người dân địa phương ở khắp miền lại về Làng Tịnh Xá – Yên Ninh để tham dự lễ hội và gặp gỡ, thăm hỏi người thân.

Sau khi Lễ hội Trò Chiềng được công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, Xã Yên Ninh, UBND Huyện Yên Định đã tổ chức thực hiện nhiều giải pháp như: ban hành và thực hiện chính sách bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội; tổ chức, chỉ đạo các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị; tăng cường công tác tuyên truyền và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, huy động các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội cũng như là công tác thanh kiểm tra công tác tổ chức lễ hội....

Mặc dù công tác bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như: Việc triển khai các chương trình, đề án của huyện về công tác bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội Trò Chiềng chưa được rộng rãi; phần lễ dần trở nên sơ sài, chiếu lệ, để tập trung vào phần hội; chưa khai thác hết tiềm năng những giá trị, bản sắc văn hóa của địa phương trong nhân dân...

Vì thế việc đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội Trò Chiềng là cần thiết.

II. Thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội Trò Chiềng trong giai đoạn hiện nay

Đầu tiên, để thực hiện công tác bảo vệ và phạt huy giá trị lễ hội Trò Chiềng, UBND tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo Sở văn hoá, thể thao và Du lịch căn cứ vào bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hoá trong lễ hội truyền thông (theo Quyết định số 2068/QĐ – BVHTTDL) để ban hành chi tiết việc đánh giá các lễ hội truyền thống tại tỉnh Thanh Hoá. Đồng thời Sở cũng hướng dẫn các UBND cấp huyện chủ trì xây dựng Bộ tiêu chí đối với từng lễ hội của Huyện.

Đối với Lễ hội Trò Chiềng, UBND huyện Yên Định đã ban hành Quyết định số 398/QĐ -UBND của Chủ tịch UBND huyện Yên Định về phê duyệt các tiêu chí đánh giá lễ hội. Đây là căn cứ quan trọng để các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch phát triển và tổ chức Lễ hội Trò Chiềng được đảm bảo các yêu cầu đặt ra.

UBND Huyện Yên Định thành lập Ban nghiên cứu về Lễ hội Trò Chiềng. Ban nghiên cứu về lễ hội gồm các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nghệ nhân bám sát, lãnh đạo địa phương để sưu tầm, bổ sung, truyền dạy giá trị bản sắc của lễ hội Trò Chiềng.

Nhằm thực hiện việc tổ chức lễ hội được đúng các quy định pháp luật, phát huy được giá trị bản sắc của Lễ hội, UBND Huyện Yên Định đã ban hành tổng cộng 17 văn bản về quản lý lễ hội Trò Chiềng [2, tr1]. Nội dung các văn bản quy định tập trung vào việc đánh giá giá trị lễ hội Trò Chiềng, quy hoạch phát triển Trò Chiềng đến năm 2030, trách nhiệm của các bộ phận có liên quan trong việc tổ chức Trò Chiềng, công tác kiểm tra đánh giá Lễ hội Trò Chiềng. UBND huyện đặt ra khung kế hoạch đưa lễ hội Trò Chiềng vào trong giáo dục bậc Tiểu học (môn Giáo dục văn hóa địa phương), đây cũng là một trong những biện pháp để giáo dục thế hệ trẻ hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương.

UBND Huyện đã rà soát, phục dựng lại 12 trò diễn trong lễ hội [2, tr2]. Trong đó chú trọng phục dựng nguyên bản trò chọi voi, xem xét chi tiết cụ thể việc trò  pháo bông cho đúng các quy định hiện hành của Nhà nước. UBND huyện đã tập huấn cho các cán bộ quản lý văn hóa về lễ hội để giúp cán bộ văn hóa hiểu sâu sắc về lễ hội, từ đó có các biện pháp quản lý và bảo vệ lễ hội

Trước khi tổ chức các lễ hội đều được xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản hướng dẫn, thành lập ban tổ chức lễ hội. Ban tổ chức lễ hội xây dựng quy chế hoạt động, nội quy bảo vệ di tích, hướng dẫn nhân dân, khách tham quan vào hành lễ tại di tích; thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa tín ngưỡng trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội, giữ gìn sự trang nghiêm, thiêng liêng nơi thờ tự…

Trong quá trình tổ chức lễ hội, UBND Huyện luôn quán triệt các đơn vị như công an, y tế, văn hóa thông tin... phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức để triển khai các hoạt động lễ, hội được đúng yêu cầu

Việc quản lý tài chính trong lễ hội được UBND Huyện Yên Định, UBND Xã Yên Ninh thực hiện đúng theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Việc huy động các nguồn lực xã hội khác phục vụ cho hoạt động lễ hội được công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích, các nguồn kinh phí thu được đã tập trung cho các hoạt động nghiên cứu, phục dựng và tổ chức lễ hội.

Trong hoạt động lễ hội, cộng đồng nhân dân được phát huy tối đa tính chủ thể của Lễ hội qua đó, các giá trị văn hóa truyền thống và thuần phong mỹ tục được bảo tồn, phát huy; đặc biệt là đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"; "Ăn quả nhớ người trồng cây" được thường xuyên quan tâm giáo dục cho các thế hệ gắn với tôn vinh những người có công với dân, với nước

UBND huyện phối hợp chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về ý nghĩa của lễ hội Trò Chiềng, đặc biệt là UBND Xã Yên Ninh. Thông qua đó UBND Xã đã thực hiện tích cực các công tác truyền thông về lễ hội thông qua các Băng rôn, loa phát thanh, truyền thông trên mạng xã hội, truyền hình Thanh Hóa, báo Thanh Hóa... để giúp nhân dân và mọi người hiểu đúng về lễ hội và tham gia các hoạt động của lễ hội.

Việc kiểm tra các hoạt động lễ hội, kiểm tra công tác tổ chức lễ hội là những hoạt động không thể thiếu. UBND Huyện đã giao Phòng Văn hóa – Thông tin chủ trì trong công tác hướng dẫn, thanh kiểm tra các hoạt động tổ chức lễ hội, quán triệt các quan điểm chỉ đạo trong lễ hội để hướng tới việc thực hiện lễ hội một cách văn minh, công khai và phát huy giá trị cao đẹp của Lễ hội

III. Những hạn chế trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội Trò Chiềng trong giai đoạn hiện nay

Mặc dù công tác bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như:

Thứ nhất: UBND xã Yên Ninh, UBND Huyện Yên Định chưa tập trung cao độ trong việc phát huy giá trị của Lễ hội Trò Chiềng. Các hoạt động quan tâm đến bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội chỉ được thực hiện mạnh mẽ trong gia đoạn Lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thứ hai: Việc triển khai các chương trình, đề án của huyện về công tác bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội Trò Chiềng chưa được rộng rãi; phần lễ dần trở nên sơ sài, chiếu lệ, để tập trung vào phần hội; chưa khai thác hết tiềm năng những giá trị, bản sắc văn hóa của địa phương trong nhân dân...

Thứ ba: Việc tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt lễ hội tuy đã được thực hiện thường xuyên nhưng còn ở bề nổi, chưa có hiệu quả lâu dài. Cơ sở vật chất, đặc biệt là các hình thức dịch vụ chưa phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thứ tư: Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành văn hóa còn nhiều hạn chế, chưa khắc phục được những bất cập trong đào tạo nghiệp vụ văn hóa trước yêu cầu trong giai đoạn hiện nay cũng như tình trạng chất lượng nguồn nhân lực thấp, chưa có chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích đội ngũ nghệ dân gian truyền lại cho thế hệ sau các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Thứ năm: Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội mặc dù được quan tâm thực hiện, nhưng thiếu thường xuyên, chủ yếu mang tính sự vụ, sự việc nên hiệu quả không cao, công tác xử lý nhiều lúc chưa nghiêm túc, chưa dứt khoát, còn nể nang.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lễ hội (từ phân cấp quản lý cho cơ sở) song vẫn còn đang mang tính áp đặt, hành chính hóa lễ hội. Vì vậy việc huy động nguồn lực chưa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân và các tổ chức xã hội trong toàn thành phố tham gia.

IV. Một số giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội Trò Chiềng trong giai đoạn hiện nay

Trong những năm qua hoạt động lễ hội truyền thống trên địa bàn xã Yên Ninh nói chung và lễ hội Trò Chiềng nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là sự quan tâm của phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Định đã tác động mạnh mẽ tới công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn huyện nói chung và lễ hội Trò Chiềng nói riêng. Sự tác động đó được thể hiện qua các dự án sưu tầm, nghiên cứu tài liệu phục vụ cho việc phục dựng lễ hội và lập hồ sơ xếp hạng di tích phi vật thể quốc gia năm 2017. Tiếp theo đó là lễ hội được tổ chức, diễn ra hàng năm một cách vui tươi, lành mạnh, trong không khí   trang trọng nhưng không kém phần nhộn nhịp, phấn khởi, cho thấy lễ hội có sức sống lâu bền trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân địa phương và trở thành một nét văn hóa độc đáo, góp phần làm giàu có thêm sản phẩm du lịch tâm linh trên địa bàn huyện Yên Định. Năm 2018, Lễ hội Trò Chiềng đã được chứng nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, điều đó một lần nữa khảng định giá trị của lễ hội cũng như các hoạt động văn hóa được gìn giữ, lưu truyền tại đây.

Để đạt được những thành tựu như hiện nay, các mục tiêu quản lý lễ hội Trò Chiềng là những cái đích cần đạt tới, do những cán bộ làm công tác quản lý định sẵn, và cũng là căn cứ để chủ thể quản lý thực hiện các tác động quản lý, cũng như lựa chọn các phương pháp quản lý thích hợp.

Trong giai đoạn tới, việc tổ chức lễ hội Trò Chiềng cần phải lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và chống khuynh hướng kinh doanh, vụ lợi. Bảo vệ giá trị lễ hội Trò Chiềng xã Yên Định cần chú trọng công tác sưu tầm, biên soạn các tư liệu liên quan đến lễ hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giá trị lễ hội tới cộng đồng. Bảo vệ các giá trị lễ hội Trò Chiềng gắn với công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục cộng đồng: Công tác bảo giá trị lễ hội không thể tách rời công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục cộng đồng. Để Bảo vệ giá trị của lễ hội Trò Chiềng, UBND huyện Yên Định đã có những công trình nghiên cứu về nguồn gốc lịch sử, cách thức tổ chức Trò Chiềng làm cơ sở khoa học cho công tác Bảo vệ. Bên cạnh đó, Bảo vệ giá trị của lễ hội Trò Chiềng phải gắn với giáo dục cộng đồng để cộng đồng nhận diện được những giá trị của lễ hội mang lại.

Bảo vệ các giá trị của lễ hội Trò Chiềng trước hết phải chú ý đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng. Công tác Bảo vệ giá trị lễ hội phải quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu bao gồm nhu cầu vật chất và tinh thần cho cộng đồng và cộng đồng phải được hưởng lợi từ lễ hội. Lễ hội Trò Chiềng cần được quan tâm và gắn kết thật sự với cộng đồng để cộng đồng cảm thụ được những giá trị văn hóa, sống cùng với những giá trị văn hóa đó. Từ đó họ thấy thêm yêu lễ hội Trò Chiềng và ra sức chung tay bảo vệ lễ hội.

Bảo vệ và phát huy giá các trị văn hóa lễ hội, Bảo vệ là để phát triển, khai thác các giá trị văn hoá truyền thống làm cho nó có thể sống lại, làm cho các giá trị đó tồn tại trong đời sống thực, năng động hóa các hình thức tồn tại của lễ hội trên cơ sở thu hút sự quan tâm của các tầng lớp xã hội, nhờ đó mà các giá trị được vận hành, thâm nhập vào cuộc sống hiện tại. Và ngược lại, phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội là để đưa giá trị văn hóa đến với cộng đồng, giúp cộng đồng phát triển kinh tế và đáp ứng cho công tác Bảo vệ giá trị văn hóa của lễ hội hoàn thiện hơn.

Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội là để phát triển kinh tế, phát huy là phải biết kế thừa những tinh hoa của đời trước để lại. Những giá trị đó chính là sự đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn, nếu chúng phù hợp với thời đại mới thì cần được phát huy, đồng thời phải biết sáng tạo thêm những cái mới trên nền tảng những cái truyền thống để vừa làm giàu thêm bản sắc văn hóa, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cư dân đương đại đồng thời cũng là cơ hội để tạo ra thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng giúp phát triển kinh tế bền vững cho địa phương.

Bảo vệ, phát huy giá trị văn hoá lễ hội Trò Chiềng gắn với khai thác các tiềm năng, thế mạnh văn hoá cội nguồn, phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua việc tổ chức lễ hội Trò Chiềng khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm, tăng cường sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân của địa phương, góp phần xây dựng quê hương Yên Định ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Vì vậy trong thời gian tới UBND xã Yên Ninh, UBND Xã Yên Định cần phải thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất: Nâng cao năng lực và phát huy tối đa sự tham gia của các bên lên quan.

Trong những năm qua, việc tổ chức lễ hội mới chỉ diễn ra ở phạm vi của địa phương với mục tiêu là bảo vệ giá trị văn hóa mà chưa có sự tham gia của các bộ phận làm công tác truyền thông, quảng bá lễ hội. Chính vì thế lễ hội Trò Chiềng mới chỉ thể hiện là lễ hội của nhân dân xã Yên Ninh. Trong thời gian tới, UBND xã, UBND Huyện cần phải có chiến lược cụ thể để lan tỏa sâu rộng lễ hội Trò Chiềng. Để triển khai giải pháp này, UBND Huyện cần phải liên hệ và làm việc với các Công ty về Du lịch, xây dựng các chương trình du lịch, kết hợp chặt chẽ với các điểm du lịch tại địa phương để xây dựng danh mục các du lịch đầy đủ (tâm linh, cảnh quan....)

Thứ hai: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của lễ hội đối với việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Chú trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ những giá trị văn hoá, lịch sử của lễ hội, trân trọng và tích cực chủ động phát huy các giá trị đó trong đời sống cộng đồng hiện nay. Cần biên soạn các tư liệu về lịch sử hình thành lễ hội, cuộc đời và sự nghiệp của Trò Chiềng nhằm giới thiệu cho nhân dân trong cộng đồng cũng như du khách tham dự lễ hội. Bên cạnh đó là việc khôi phục lại các trò chơi, trò diễn có nhiều giá trị văn hoá trong lễ hội. Cần tái hiện các trò chơi mang tính mô phỏng…Phải hiểu được ý nghĩa, giá trị của lễ hội, hiểu được thế nào là thuần phong mỹ tục, là truyền thống thì người dân mới có ý thức gìn giữ và phát huy vốn tinh hoa văn hoá đó. Cùng với các hoạt động trên, chúng ta quan tâm tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực tại lễ hội và các hoạt động mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội khác. Cần tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia quản lý lễ hội, khơi dậy họ lòng tự hào đối với lễ hội Trò Chiềng. Giúp họ nhận thức về nét đẹp của lễ hội. Từ đó họ sẽ góp phần giữ gìn, chung tay góp sức bảo tồn các giá trị nhân văn của lễ hội. Cần thường xuyên nêu các gương người tốt, việc tốt trong việc tham gia tổ chức và quản lý lễ hội, đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên cơ sở góp phần làm cho người dân ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ của họ tự giác tham gia lễ hội. Công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ những giá trị văn hoá, lịch sử của lễ hội được xem là biện pháp hàng đầu trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá lễ hội trong đời sống hiện nay

Thứ ba: Tăng cường xã hội hóa trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lễ hội. Bởi vì mục đích của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội là nhằm phục vụ nhu cầu của đông đảo bà con nhân dân. Chính vì vậy sự đóng góp của cộng đồng xã hội vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ để góp phần bảo vệ di tích. Đây chính là cơ sở cho việc xã hội hóa của hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lễ hội. Xã hội hóa trong bảo tồn giá trị lễ hội chính là quá trình để người dân tham gia giữ gìn, sáng tạo những giá trị văn hóa của lễ hội. Hoạt động xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng tham gia phục vụ lễ hội. Đó là quá trình kêu gọi sự đóng góp về vật chất, tinh thần như: tài chính, vật liệu, tư liệu, hiện vật, trí tuệ, tham gia ngày công lao động… vào hoạt động bảo tồn lễ hội. Hàng năm, lễ hội Trò Chiềng đã làm tốt công tác kêu gọi sự tham gia đóng góp tích cực của cộng đồng. Vì vậy, cần công khai, minh bạch các nguồn thu, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả nhằm phục vụ tốt công tác bảo tồn di tích và các hoạt động lễ hội. Để tiếp tục huy động nguồn nhân lực cho lễ hội cần có hình thức tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích và công tác tổ chức lễ hội. Cần có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp tham gia phục vụ lễ hội. Để hoạt động xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội đạt hiệu quả thiết thực cần chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo tồn lễ hội.

Kết luận:

Trò Chiềng là một trong những lễ hội tiêu biểu nhằm ghi nhớ công ơn của Thành hoàng Trịnh Quốc Bảo tại xã Yên Ninh – Huyện Yên Định – tỉnh Thanh Hoá. Lễ hội Trò Chiềng mang trong mình những giá trị văn hóa tiêu biểu làm thỏa mãn nhu cầu văn hóa tinh thần, giáo dục truyền thống, cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng, hướng về cội nguồn, tạo ra môi trường sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, bảo tồn làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Chính các giá trị văn hóa đó đã làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

Trong những năm qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội Trò Chiềng ở tỉnh Thanh Hoá đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đó góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Lễ hội được tổ chức nghi thức cúng tế trang trọng, linh thiêng, thành kính. Ban Tổ chức lễ hội đã thực hiện nhiều các biện pháp nhằm giúp bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội Trò Chiềng. Tuy nhiên để giá trị lễ hội được lan tỏa, UBND Huyện, Ban tổ chức lễ hội cần phải phát huy sức mạnh của cộng đồng, phối hợp với các đơn vị truyền thông, du lịch để bổ sung danh mục du lịch của Huyện Yên Định, trong đó có điểm nhấn là Lễ hội Trò Chiềng...

 

Tài liệu tham khảo

  1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc diễn ra ngày 24.11.2021
  2. UBND Huyện Yên Định, 2017, Đề án phát triển lễ hội Trò Chiềng trong giai đoạn 2018 -2023
  3. Lê Huy Trâm, Hoàng Anh Nhân (2001), Lễ tục, lễ hội truyền thống xứ Thanh, Tập I , Nxb Văn hoá dân tộc.

NĐT

____________________________________________________________

* Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá