Quảng Trị: Thực trạng sử dụng nhà văn hoá cộng đồng sau sáp nhập thôn, khóm

Bài 1: Cần kiên quyết xử lí hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nhà văn hoá

Nhà văn hóa cộng đồng ra đời với sứ mệnh trở thành trung tâm sinh hoạt chung, nơi gắn kết cộng đồng, thúc đẩy các hoạt động văn hóa, giáo dục và xã hội. Đây không chỉ là một thiết chế văn hóa mà còn là biểu tượng của sự phát triển bền vững tại mỗi địa phương. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy một bức tranh nhiều gam màu khác nhau: có nơi nhà văn hóa phát huy hiệu quả, trở thành không gian sinh hoạt ý nghĩa, nhưng cũng không ít nơi rơi vào tình trạng bỏ hoang, xuống cấp, thậm chí bị sử dụng sai mục đích. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về tính hiệu quả trong việc quy hoạch, đầu tư cũng như quản lý các thiết chế văn hóa cộng đồng hiện nay.

Với mục đích nghiên cứu thực tiễn nhằm phản ánh thực trạng, nguyên nhân và đề ra giải pháp, Tạp chí Văn hóa và Phát triển triển khai chuyên đề “Thực trạng sử dụng nhà văn hóa cộng đồng sau sáp nhập thôn, khóm”, nhằm góp phần cùng UBND huyện Vĩnh Linh tuyên truyền việc nâng cao công tác sử dụng hiệu quả nhà văn hóa cộng đồng, chống bỏ hoang, lãng phí tài sản công và thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện.

Tạp chí Văn hóa và Phát triển đã thực hiện các cuộc khảo sát trên địa bàn thị trấn Bến Quan. Theo tìm hiểu của phóng viên, thị trấn Bến Quan trước khi sáp nhập có 12 thôn, khóm. Sau khi thực hiện sáp nhập các thôn, khu phố theo Quyết định số 2583/QĐ-UBND ngày 26/09/2019 của UBND tỉnh Quảng Trị thì  có 5 khóm. Cụ thể, sáp nhập khóm Ngã Tư và khóm Khe Cáy thành khóm 1; sáp nhập thôn 9, khóm 2 và khóm 7 thành khóm 2; sáp nhập thôn 3 và thôn 8 thành khóm 3; sáp nhập thôn 4, khóm Chế Biến và khóm 204 thành khóm 4; sáp nhập thôn 5 và khóm 11 thành khóm 5. 

Còn tình trạng đất bỏ hoang bị người dân lấn chiếm

Trước sáp nhập thị trấn Bến Quan có 12 thôn, khóm với 12 nhà văn hóa tương ứng. Sau khi sáp nhập thì địa phương đã tiến hành xây dựng 5 nhà văn hóa mới, trong đó nhà văn hóa khóm 1, 3, 4, 5 đã đi vào hoạt động và nhà văn hóa khóm 2 hiện đang trong quá trình xây dựng.

Nhà văn hóa khóm 1 và khóm 2 được xây dựng trên nền khu đất mới còn nhà văn hóa khóm 3, 4, 5 được xây dựng lại trên nền đất cũ của thôn 3, khóm Chế Biến, khóm 11. Việc xây dựng trên nền đất mới hay tận dụng quỹ đất sẵn có từ nền đất cũ đều đã được các cơ quan chức năng lựa chọn hợp lý, nhằm đảm bảo không lãng phí cơ sở vật chất và tài nguyên đất đai. 

z6427617325877-2141a193aafc38b6222165dde1216543-1742528832.jpg
Các nhà văn hóa khóm được xây dựng mới rộng rãi, khang trang, đầy đủ tiện nghi hơn trước.

Các nhà văn hóa này đều được xây dựng khang trang, rộng rãi và đầy đủ tiện nghi, đáp ứng cho nhu cầu của các hoạt động văn hóa, thể thao, hội họp trong nhân dân. Tiêu biểu như công trình nhà văn hóa khóm 3 được xây dựng với tổng mức đầu tư là 1,7 tỉ đồng, trong đó nguồn ngân sách Nhà nước là 1,5 tỉ đồng và 200 triệu đồng từ nguồn đóng góp của người dân. Công trình có diện tích là 182 m2, nhà vệ sinh và sân thể thao 830 m2, hệ thống đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng, vừa được khánh thành đầu năm 2025. Việc hoàn thiện và đưa vào sử dụng các công trình này thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe, đời sống văn hóa của người dân, đồng thời tăng cường tinh thần đoàn kết trong cộng đồng nơi đây.

z6427616824004-525905b775ccc3d47d818fd97ef3113c-1742528952.jpg
Hầu hết nhà văn hóa cũ đã xuống cấp với nhiều vết nứt, vỡ do thời gian.

Sau sáp nhập, ngoài 5 nhà văn hóa được xây mới thì địa phương còn 9 nhà văn hóa dôi dư, trong đó 7 nhà văn hóa vẫn được người dân tận dụng cho các hoạt động thể thao, văn hóa và hội họp, nhằm tránh lãng phí. Tuy nhiên, hầu hết các nhà văn hóa này đã xuống cấp, với tường nứt vỡ, cửa sổ hỏng và sân bị bong tróc. Hai nhà văn hóa còn lại đã bị phá bỏ, bao gồm nhà văn hóa thôn 5 nằm trong diện giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc Nam và nhà văn hóa xóm Ngã tư cũ trước đó đã được đưa ra đấu giá nhưng không thành công, hiện đang bị một hộ dân trên địa bàn thị trấn Bến Quan lấn chiếm và xây dựng trái phép.

Có hay không sự buông lỏng quản lý của địa phương? 

Theo phản ánh cùa người dân khóm 1, thị trấn Bến Quan thì khu đất nhà văn hóa khóm Ngã Tư cũ mặc dù chưa được đưa ra đấu giá nhưng đã được 1 gia đình đổ đất và xây dựng công trình cổng, hàng rào bao quanh.

Ngày 05/03/2025, ghi nhận thực tế của phóng viên khu đất được người dân phản ánh nằm ở mặt tiền Đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Đông đoạn qua khóm 1, thị trấn Bến Quan, cách UBND thị trấn Bến Quan khoảng 300 mét. Theo quan sát khu đất đã được xây dựng liền thổ với ngôi nhà 2 tầng khang trang nằm ở phía sau, hệ thống cổng được xây 2 trụ kiên cố có lợp mái ngói. Cửa cổng và hàng rào được làm từ nhôm đúc, sơn màu đồng, gắn kiên cố với các trụ cột hàng rào. Phần sân được lát đá, hệ thống mái che bằng bạt cuốn tự động có trụ bằng hộp sắt. 

z6427616991040-c37e6c76eac4f729df5308d62bce82a8-1742529128.jpg
Phần sân phía trước ngôi nhà đã xây dựng hệ thống cổng và tường rào bao quanh.

Để có thông tin khách quan, đa chiều, phóng viên có buổi làm việc với UBND thị trấn Bến Quan.

Bà Nguyễn Thị Hoài Quyên, địa chính thị trấn Bến Quan cho biết: Khu đất vi phạm trước đây là khu vực thị trấn tập kết bãi rác để thu gom. Sau đó hộ gia đình ông C.V.Q phản ánh nên địa phương chuyển đi vị trí khác. Khi xây nhà thì ông C.V.Q đổ đất lên cho sạch sẽ. Quá trình đó địa phương quản lý đất đai lỏng lẻo dẫn đến hộ xây dựng công trình lên. Tuy nhiên, địa phương có lập biên bản.

Ngày 21/01/2025, UBND thị trấn Bến Quan có Thông báo số 110/TB-UBND về việc tháo dỡ tài sản trên diện tích thực hiện công trình đấu giá quyền sử dụng đất lô đất nhỏ lẻ trong khu dân cư khóm 1 (khu đất nhà văn hóa Ngã Tư cũ) yêu cầu gia đình ông C.V.Q phải hoàn thành việc tháo dỡ trước ngày 10/02/2025. Tuy nhiên, cho đến thời điểm ngày 05/03/2025 thì ông C.V.Q vẫn chưa tiến hành tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng!

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Đình Quang, Chủ tịch UBND thị trấn Bến Quan cho biết: “Sẽ động viên hộ gia đình tháo dỡ, trong thời gian tới nếu hộ dân không tháo dỡ thì địa phương sẽ có các biện pháp, chế tài để tháo dỡ công trình”.

Hành vi vi phạm pháp luật đã rõ ràng, để tránh vụ việc lan rộng, gây bức xúc dư luận, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đất đai trên địa bàn.

Ngày 14/3/2025, ông Hà Sỹ Đồng, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ký văn bản gửi các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp trên địa bàn, quán triệt việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả thực hiện công vụ trên địa bàn.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, trước thông tin về việc sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện, một số cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý dao động, ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương hành chính và hiệu quả thực hiện công vụ.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính; không để xảy ra tình trạng trì trệ, né tránh công việc.

UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo một cách kịp thời, đúng quy định; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, tuyệt đối không để quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Đối với cấp ủy Đảng các địa phương, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong việc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng chỉ rõ nhiệm vụ của các địa phương trong việc tuyên truyền, động viên cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, không dao động, hoang mang trước những thông tin chưa chính thức. Yêu cầu khác là tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.