Đã không ít lần đến Cố đô nhưng lần nào cũng vậy, lòng không khỏi bâng khuâng, thích thú ngắm nhìn và suy ngẫm về bốn chữ “Bắc môn tỏa thược” (Cửa Bắc khép lại) trên nóc cổng chính vào đền vua Đinh Tiên Hoàng. Bốn chữ này thật ý nghĩa, thâm sâu cao độ.
1. Cố đô Hoa Lư, non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Nhìn trên bản đồ hình chữ S thì dải đất Ninh Bình có hình dạng giống như chú rùa đang bơi ngửa mà đầu của nó chính là vùng đất Kim Sơn. Chú rùa ấy đang vươn cổ xuống nhìn về biển Đông ở phía cửa Đáy. Và trên lưng rùa đó Cố đô Hoa Lư và thành phố Tam Điệp nằm ở khoảng giữa của mai rùa. Thân rùa ấy, đặc biệt là vùng đất Hoa Lư là một vùng đất cổ. Vùng đất cổ đó, trước đây, cách ngày nay khoảng từ 170 triệu đến 300 triệu năm từng nằm ở tâm điểm của những lần biển thoái, biển tiến trong suốt quá trình vận động tạo núi khiến cho thềm lục địa được nâng lên làm các dãy núi đá vôi nhô cao lên trên mặt biển và kết hợp với phù sa bồi đắp của hệ thống sông Hồng đã để lại kết quả là huyện Hoa Lư nói riêng và cả tỉnh Ninh Bình nói chung đã chuyển từ một vụng biển trở thành một phần của đồng bằng châu thổ màu mỡ với cảnh sắc non xanh nước biếc kỳ tú tựa như một Vịnh Hạ Long trên cạn. Chẳng tin thì những dấu tích của biển hàng trăm triệu năm trước vẫn còn lưu lại sờ sờ ra đấy mà bằng chứng chính là các chân núi đá vôi từng bị sóng mặn bào mòn, khoét sâu tạo thành các hình vòm nhẵn thín duyên dáng bên những dòng nước khiến không ít người phải bất ngờ sửng sốt trước sự kỳ công của tạo hóa.
Chưa hết, những dãy núi đá vôi từ mặt biển nhô lên ở Hoa Lư ấy gặp phải sự tác động của tiết trời với những nắng mưa theo mùa mà có sự phân hóa mạnh mẽ để làm thành cả một miền núi đá kỳ thú mang những đặc trưng của miền nhiệt đới, khác lạ so với những núi đá vôi nơi xứ lạnh trời Âu. Những núi đá vôi ở Hoa Lư bị thời tiết nóng lạnh thay đổi liên tục giữa ngày và đêm, nhất là khi mùa hè, trải qua hàng trăm triệu năm khiến đá núi bị co giãn và nứt nẻ. Không những thế, những trận mưa rào bao đời thi nhau tuôn nước xuống, tràn qua các vết nứt, bào mòn các khe đá làm thành những hang những động. Hàng ngàn khối nước mưa cưa trời ấy mang theo trong mình các hợp chất của a xít và tích tụ trong ruột núi; len lỏi qua các khe các kẽ ngấm ngầm đục phá lòng núi để tạo thành các dòng sông ngầm với hàng ngàn thạch nhũ muôn hình muôn vẻ hết sức diệu kỳ. Các dòng sông ngầm cùng những hang động với muôn ngàn thạch nhũ lúc ẩn lúc hiện; quanh co giữa bóng đêm dày đặc, thăm thẳm của ruột núi mặc sức cho con người khám phá và thả trí tưởng tượng để gọi tên. Và những dãy núi đá vôi ấy sừng sững, nối đuôi nhau, bao quanh Hoa Lư làm thành bức tường thành khổng lồ vừa giống như những pháo đài cổ lại vừa giống như những cột chống trời mà làm nên hồn thiêng sông núi.
Song hành bên những núi đá trên đất Hoa Lư là những dòng sông, con suối hay mặt hồ mênh mang nước biếc uốn lượn quanh co qua các đồng lúa khiến cho cố đô hiện lên trong mắt người qua giống như một bức bích họa khổng lồ mà tạo hóa đã dày công bày đặt trên đất Ninh Bình. Những núi cao núi thấp với muôn dáng ngàn vẻ khi thì dựng đứng bên mép sông, lúc lại chênh chao giữa mặt hồ êm đềm, yên ả; đêm ngày soi bóng xuống mặt nước lung linh kỳ ảo dễ làm người ta liên tưởng đến những lâu đài tráng lệ chỉ gặp trong các truyện cổ tích và gợi nên vẻ đẹp muôn vàn của núi hoa sông gấm. Bởi thế, gặp khi trời đẹp, cảnh trí của non nước cố đô hiện ra như một bữa tiệc thị giác bày đặt giữa mênh mang đất trời để dâng hiến cho mọi người thưởng ngoạn. Tỉ như những buổi sáng mùa thu khắp hầu trên các dòng sông uốn lượn dưới các chân núi là sắc màu tím hồng bạt ngàn của hoa súng vươn lên từ mặt nước trong xanh giữa bốn bề vách núi tĩnh lặng, trong mênh mông biển vàng của mùa lúa chín hay trong buổi sớm mai của một ngày mùa đông bên các sườn núi ta thấy chờn vờn giữa hàng vạn cỏ cây xanh biếc những làn hơi mỏng mảnh bốc lên giống một lớp sương sa mờ mờ ảo ảo hoặc trong buổi chiều hôm, khi ánh tà dương tỏa trên các đỉnh núi, chiếu vào các vách đá những tia sáng lung linh, lóng lánh tựa như thiếp vàng. Cứ thế, mê mải ngắm nhìn phong cảnh non nước cố đô trong ta không khỏi nhớ lại câu thơ của cụ Nguyễn Du để biết được thế nào là “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”. Cảnh và thơ sao giống nhau đến vậy. Quyến rũ đến nao lòng.
Sông nước Hoa Lư mênh mênh mang mang, dòng trong văn vắt in bóng mây trời. Núi non cố đô trùng trùng điệp điệp, vách dựng thâm trầm chở che bốn phương. Sông núi cứ thế mà song hành, quấn quýt duyên dáng bên nhau; nước non hòa mình xuyên chảy cùng nhau; giang sơn thương yêu nâng đỡ cho nhau mà dệt thêu thành sơn hà gấm vóc, núi sông kỳ tú. Thế đấy, non xanh nước biếc Hoa Lư là vậy. Chốn sơn thủy hữu tình tựa chốn bồng lai vào hàng độc nhất vô nhị dưới trời Nam. Phải chăng non nước ấy là sự ưu ái riêng của tạo hóa. Chẳng thế, mỗi khi đến với cố đô được bồng bềnh trên chiếc thuyền con, nhẹ khua mái chèo lướt trên nước biếc; ngắm nhìn mênh mông hoa súng; thả hồn giữa không gian bao la của chập chùng non nước, trời mây đẹp như tranh vẽ ta không khỏi thích thú, ngất ngây, mê mẩn. Đắm chìm trong không gian kỳ ảo như thế lòng ta lại không khỏi nhớ đến những vần thơ hết lời tụng ca non nước ấy của vua Trần Nhân Tông “Tứ biên sơn nhiễu thủy hồi hoàn/ Sơn thủy như đồ cảnh tự nhiên” (Non nước quanh co bốn mặt vây/ Thiên nhiên bức họa diệu kỳ thay); của vua Trần Thái Tông “Thủy thức Bồng Lai nguyên bất viễn/ Thung dung tuế nguyệt độn phàm trần” (Đến đây mới biết cảnh tiên chốn Bồng Lai đâu có xa/ Ngày tháng thong dong xa lánh cõi phàm trần) hoặc như câu thơ chất chứa tình ý của Tĩnh Đô Vương – Chúa Trịnh Sâm: “Sất luyện oanh hồi xuyên thủy động/ Trùng tiêu ngập nghiệp trĩ sơn quan” (Dòng nước xuyên qua động trông như tấm lụa trắng vòng quanh/ Núi cao sát tầng mây như cửa ải bằng đá). Thế mới hay non xanh nước biếc của cố đô Hoa Lư không chỉ bây giờ mà đã bao đời nay đã được lọt vào mắt xanh của các đấng quân vương hay chữ để trở thành một nguồn thi hứng dạt dào, bất tận.
2. Mỹ cảm dân gian về vua Đinh, vua Lê và Thái hậu Dương Vân Nga
Non xanh nước biếc của Hoa Lư không chỉ là nguồn thi hứng dồi dào mà còn là một vùng đất của những huyền thoại, nhất là những truyện kể về các vị anh hùng lỗi lạc của dân tộc. Điều ấy có lẽ cũng chẳng lạ. Trên dải đất hình chữ S này mỗi ngọn núi, mỗi dòng sông thường thì chỗ nào chẳng ít nhiều gắn với những câu chuyện kể về các sự tích chẳng lập làng, dựng nước thì cũng giữ nước. Cho nên cố đô trên đất Ninh Bình những sơn kỳ thủy tú đã làm thành nơi địa linh để vừa là nơi sinh nhân kiệt cũng vừa là nơi tụ hội của những anh tài kiệt xuất. Bởi thế những Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành, Dương Vân Nga cùng có mặt trên đất Hoa Lư giống như một định mệnh, chẳng thể nào khác được. Dường như, hùng khí linh thiêng của gấm vóc non sông đã hun đúc để sinh ra những con người vĩ đại và chính những con người vĩ đại ấy lại làm rạng rỡ núi sông. Bộ ba nhân vật lịch sử Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành, Dương Vân Nga đã được ghi tạc vào những trang vàng chói lọi của sử lịch sử dân tộc và còn được lưu truyền, trường tồn trong tâm thức nhân dân bằng một nỗi niềm mỹ cảm đặc biệt của dân gian.
Xưa nay công việc ghi chép lịch sử ở nước ta từng song hành hai cách ghi chép. Đó là cách ghi chép của nhà nước mà ta vẫn thường gọi là chính sử và cách ghi chép của dân gian mà ta vẫn hay gọi là dã sử, kiểu như những truyền thuyết hoặc giai thoại. Hình như, do hoàn cảnh đặc thù với những cuộc chiến diễn ra liên tục trong suốt trường kỳ dựng nước và giữa nước kèm theo những mưu đồ tàn phá văn hóa phương Nam để đồng hóa dân tộc ta của người phương Bắc mà các tư liệu chính sử của nước ta còn lại rất ít, thậm chí có những thời kỳ được ghi chép lại rất mờ nhạt, các nhà viết sử phải dùng tư liệu của dân gian để biên soạn lại. Bởi vậy cách ghi chép của hai dòng chính sử và dã sử có khi giống nhau nhưng cũng có khi vênh nhau trước một đối tượng lịch sử. Điều ấy cũng dễ hiểu. Mỗi cách ghi sử chịu sự chi phối của một tư tưởng nhất định. Chính sử chịu ảnh hưởng của người cầm quyền còn dã sử thì theo quan điểm của nhân dân. Bởi thế, theo dòng dã sử ta sẽ nhận ra trên cơ sở “cái lõi của sự thật lịch sử” sẽ có những phần được “thơ và mộng” theo lý tưởng và tâm tình thiết tha của nhân gửi gắm vào trong đó. Và cái phần “thơ và mộng” trong dã sử ấy chính là những nỗi niềm mỹ cảm của nhân dân dành cho các nhân vật lịch sử mà mình phản ánh; đó là thái độ, tình cảm, cách ghi nhận, đánh giá của nhân dân dành cho mỗi một nhân vật lịch sử.
Mở đầu cho bản hùng ca của Hoa Lư là thủ lĩnh cờ lau Đinh Bộ Lĩnh tức Đinh Tiên Hoàng Đế. Tuổi thơ của nhà vua được tắm trong những hào quang của huyền thoại. Trước tiên là sự ra đời khác thường của nhà vua. Dân gian bảo rằng Đinh Bộ Lĩnh Lĩnh là con của rái cá thần. Chẳng là bà Đàm Thị (mẹ Đinh Bộ Lĩnh) ngủ trên tảng đá, khi tỉnh giấc thấy con rái cá hình nhân nằm bên cạnh vắt chân qua bụng rồi mang thai. Bà mang thai một cách khác lạ, mười bốn tháng mới sinh nở. Khi Đinh Bộ Lĩnh vừa sinh ra đã ngồi dậy được như đứa trẻ lên ba; dung mạo tuấn tú, oai vệ khác thường. Đến năm lên bốn tuổi Đinh Bộ Lĩnh có biệt tài bơi lặn và biết mò cua, bắt ốc nuôi mẹ, nuôi thân. Cha mẹ mất sớm, bị mồ côi, ở với chú, Đinh Bộ lĩnh đi chăn trâu và luôn cầm đầu bọn trẻ chơi trò trận giả, dùng cờ lau đánh trận. Có lần Đinh Bộ Lĩnh cho mổ trâu của chú để khao quân và cắm đuôi trâu xuống lỗ nẻ để nói dối chú là trâu chui xuống lỗ nẻ. Đặc biệt, tuổi trẻ của Đinh Bộ Lĩnh còn gắn với câu chuyện tìm được miệng rồng ở dưới đáy sông Đại Hoàng để đặt xương cha và câu chuyện trả thù của tên địa lý người Tàu hoặc như câu chuyện kéo lưới ở sông Giao Thủy và nhặt được viên ngọc đế vương rồi sơ ý để sứt. Tất cả những hào quang huyền thoại đó chính là thái độ, quan niệm của nhân dân với Đinh Tiên Hoàn Đế. Nhân dân muốn nhà vua, người anh hùng của mình phải tài giỏi một cách siêu việt, hơn người bình thường. Bởi vậy, nhân dân đã để cho Đinh Bộ Lĩnh là con của rái cá thần chứ không phải là con của ông Đinh Công Trứ. Quá trình mang thai, sinh nở của bà Đàm Thị cũng vô cùng đặc biệt. Thời gian mang thai của bà gấp rưỡi thời gian mang thai của người bình thường. Và quá trình lớn lên và trưởng thành của Đinh Bộ Lĩnh cũng khác người. Không những thế sự nghiệp của Đinh Bộ Lĩnh cũng được nhân dân giải thích bằng những câu chuyện mang màu sắc phong thủy, ứng nghiệm với những điềm báo của thần linh. Tất cả những hào quang huyền thoại đó đã phản ánh rất rõ tình cảm kính trọng, yêu quý của nhân dân với Đinh Bộ Lĩnh, vị vua tài ba của đất Việt. Và đó cũng chính là cái chất “thơ và mộng” được dân gian lý tưởng hóa gửi gắm vào trong truyền thuyết về ông.
Sau Đinh Tiên Hoàng Đế, truyền thuyết Hoa Lư cũng kể khá nhiều về vị vua của vương triều thứ hai trên đất cố đô. Đó là vua Lê Đại Hành hay tên gọi khác là Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Đặc biệt là mối lương duyên của ông với Thái hậu Dương Vân Nga. Vua Lê Đại Hành không phải người Hoa Lư, ông là người Thanh Hóa. Nhưng sự nghiệp của ông gắn với đất Hoa Lư. Ông vốn là một tướng tài của nhà Đinh, từng theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn mười hai sứ quân thống nhất đất nước và được phong làm Thập đạo tướng quân (Tổng chỉ huy quân đội). Sau này, khi được truyền ngôi ông còn tiếp tục bình Chiêm, dẹp Tống khiến cho cả Man Di, Hoa Hạ đều phải sợ hãi và đưa vị thế của Đại Cồ Việt lên một tầm cao mới. Là một vị vua tài giỏi, có công lao to lớn với đất nước nhưng dưới mắt các sử gia phong kiến Lê Đại Hành luôn bị chê cười. Mối tình của ông với Dương Vân Nga không được các sử gia phong kiến đặt trong bối cảnh thù trong giặc ngoài khiến vận mệnh đất nước ngàn cân treo sợi tóc để xem xét một cách khách quan. Bởi vậy Ngô Sỹ Liên mới viết: “Đại Hành thông dâm với vợ vua, rồi nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu thì không còn có lòng hổ thẹn gì nữa. Lấy lối ấy truyền lại đời sau, chính con mình lại bắt chước mà gian dâm quá độ, đến nỗi mất nước, há chẳng phải Đại Hành gây mối họa loạn ư” (Đại Việt sử ký toàn thư) hoặc “Lê Đại Hành là một ông vua mở ra cơ nghiệp mà làm việc ấy xem như cầm thú, mọi rợ. Hơn nữa miếu hiệu Đinh Tiên Hoàng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, thế mà Lê Đại Hạnh lại công nhiên lấy hiệu vua cũ đặt tên cho vợ mình là không biết kiêng nể quá mức. Chép vào sử sách cho nghìn thu chê cười” (Đại Việt sử ký toàn thư). Nhưng trái lại với quan điểm của các nho gia, nhân dân đánh giá Lê Đại Hành và Dương Vân Nga một cách khách quan hơn để từ đó thấy được tài năng và tầm vóc, công lao với dân tộc của Lê Đại Hành và Dương Vân Nga. Để đồng tình và ủng hộ mối oan tình ấy truyền thuyết “Sự tích sông Vân Sàng” có đoạn kể: khi đoàn thuyền của Lê Hoàn đại thắng quân Tống trở về, Lê Hoàn và Dương Thái Hậu bước lên thuyền rồng thì tất cả nhân dân đứng đấy đồng thanh hô to “Thánh Thượng Vạn Tuế! Hoàng Thượng, Hoàng hậu vạn tuế, vạn tuế …”. Không những thế, Khi thuyền rồng chở Lê Hoàn và Dương Vân Nga đi trên sông, giữa lúc trời đang nắng to bỗng có đám mây ngũ sắc bay theo thuyền nhà vua. Người ta còn trông thấy trong đám mây ấy có đôi rồng đang quyện vào nhau. Và cho rằng đó là điềm trời linh ứng, che chở cho thiên tử. Có lẽ nhân dân là người rất đồng cảm, ủng hộ với mối tình éo le của Lê Đại Hành với Dương Vân Nga; thấy được sự hy sinh vô bờ bến vì đại cuộc của Thái hậu dành cho xã tắc. Bởi thế, trong dân gian ở đây còn lưu truyền những câu hát ru để ghi nhận công lao, thấu hiểu và chia sẻ với Thái hậu họ Dương: “Nín đi thôi, nín đi thôi/ Một vai gánh vác một đôi sơn hà/ Vạc Đinh đã trở về Lê/ Nàng Dương chăn gối lại về chính cung” hay “Hai vai gồng gánh hai vua/ Hai triều, Hoàng hậu tu chùa Am tiên/ Theo chồng đánh Tống bình Chiêm/ Có công với nước, vô duyên với đời” ... Hoặc như cũng có giai thoại như thể để chiêu tuyết, minh oan cho Hoàng Thái hậu. Giai thoại kể rằng: Một ngày đẹp trời, Lê Hoàn đến thăm nhà một anh lính họ Dương để kết tình quân dân và gặp Dương Vân Nga. Đôi trai tài gái đã sớm “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Trong lúc đó, Ðinh Bộ Lĩnh là hoàng đế ở Hoa Lư. Ông biết Dương Vân Nga rất đẹp nên để mắt tới và lấy về làm vợ. Sau khi lấy Dương Vân Nga, Ðinh Bộ Lĩnh mới biết vợ mình chính là người yêu của Lê Hoàn vì thế không ngừng thử thách lòng trung thành của vị tướng này. Lê Hoàn cũng không phụ lòng Ðinh Bộ Lĩnh, trước sau vẫn thể hiện sự trung quân. Từ đó Đinh Bộ Lĩnh tin tưởng trao cho cả mười đạo quân cho Lê Hoàn. Dù tin Lê Hoàn nhưng Ðinh Bộ Lĩnh cũng không muốn ông ở gần ái hậu của mình cho nên cử Lê Hoàn ra biên ải. Đây cũng là chứng cứ ngoại phạm khi Ðinh Bộ Lĩnh và Ðinh Liễn bị Ðỗ Thích giết. Sau khi Đinh Bộ Lĩnh chết, vì lo cho đất nước thù trong giặc ngoài, vì phải bảo vệ con và chính bản thân mình nên Dương Vân Nga đã mời Lê Hoàn về kinh đô để giúp việc, nhường ngôi và lấy làm chồng. Tất cả những điều đó cho thấy, mối quan hệ của Dương Vân Nga và Lê Hoàn là một mối quan hệ rất sâu sắc. Đó không chỉ là mối quan hệ Hoàng hậu và bề tôi. Dù chỉ là một giai thoại nhưng nhân dân đã tỏ ra thấu hiểu những công lao, suy nghĩ, tính toán, tình cảm của Dương Vân Nga. Có lẽ vì thấu hiểu như vậy nên bao đời nay người Hoa Lư vẫn thờ Dương Vân Nga chung với Lê Hoàn, chỉ đến ngày giỗ của Ðinh Tiên Hoàng người ta mới thỉnh Dương Vân Nga sang đền thờ ông một đêm rồi sáng hôm sau lại đưa bà trở lại đền thờ vua Lê Đại Hành.
3. Bên dòng Sào Khê, những dấu xưa của một thời in bóng
Kinh đô xưa nay được xem là trung tâm phát triển về mọi mặt của mỗi quốc gia, nhất là về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa. Bởi vậy, dựa vào điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể, tùy theo quan điểm riêng của người đứng đầu đất nước mà mỗi triều đại lại lựa chọn cho mình một vùng đất để định đô nhằm mục tiêu xây dựng đất nước bền vững. Trong lịch sử dựng đô của nước ta tính đến hết thế kỷ thứ X và những năm đầu của thế kỷ thứ XI, ta thường thấy người đứng đầu các triều đại chọn đất đóng đô bằng các tiêu chí: chọn vùng đất có ảnh hưởng đối với mình hoặc chọn quê hương mình. Cho nên chúng ta có các kinh đô: Phong Châu của vua Hùng; Cổ Loa của Thục Phán, Ngô Quyền; Mê Linh của Hai Bà Trưng; Vạn Xuân của Lý Nam Đế; Hoa Lư của Đinh Bộ Lĩnh, Lê Đại Hành … Trong số các nơi ấy, cố đô Hoa Lư từng là một kinh đô rất có ý nghĩa. Đó là kinh đô khép lại một ngàn năm Bắc thuộc và mở ra một thời kỳ độc lập, phát triển mới cho đất nước.
Hoa Lư là nơi giao thoa của hai không gian văn hóa: sông Hồng và sông Mã; nơi giao thoa của hai không gian xã hội: Việt và Mường; nơi giao thoa của hai không gian địa mạo: núi đồi và vùng đồng bằng trước núi. Từ trên cao nhìn xuống Hoa Lư, người ta thấy núi đá bao quanh tứ phía, chạy hình vòng cung, nhìn chẳng khác gì một bức trường thành thiên nhiên che chắn. Đất ấy có núi trong sông, có sông trong núi; các dãy núi đá dựng đứng, vào ra chỉ có độc đạo; căn cứ thủy bộ thuận tiện; sau lưng là rừng, trước mặt là đồng bằng, xa hơn nữa là biển. Đây là một địa thế hiểm yếu: “tiến khả dĩ công, thoát khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể giữ). Bởi thế cả Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành đều chọn Hoa Lư làm kinh đô. Kinh đô ấy thực chất là một quân thành. Cứ theo như lời của Tống Cảo (sứ thần nhà Tống) nhận xét: “Hoa Lư thị Hán Trường An” (Kinh thành Hoa Lư có thể sánh ngang với kinh đô Trường An của nhà Hán ở phương Bắc) ta sẽ thấy được đương thời quân thành Hoa Lư khá phát triển và đã đáp ứng được vai trò của một kinh đô trong điều kiện nhất định của một nhà nước phong kiến còn non trẻ. Trên thực tế kinh đô Hoa Lư đã phát huy tác dụng to lớn ở thế kỷ X trong việc ngăn chặn các thế lực chống đối muốn tiến đánh kinh thành. Và cũng từ kinh đô Hoa Lư vua Đinh, vua Lê đã thành công vang dội trong việc nhiều lần đem quân chinh phạt Chăm pa. Đặc biệt, cái thế “thủ hiểm” ấy đã giúp cho Lê Hoàn vững lòng, tự tin khi đem quân chặn đánh giặc Tống ở phía Bắc và chiến thắng lẫy lừng trên sông Bạch Đằng năm 981.
Tuy nhiên địa thế của Hoa Lư chỉ phát huy tác dụng trong thời loạn và khi thế và lực của nhà nước chưa đủ mạnh. Ngược lại, khi thế và lực của đất nước đã đủ vững mạnh thì cái ưu điểm “tiến khả dĩ công, thoát khả dĩ thủ” lại trở thành cái hạn chế, gây trở ngại cho việc xây dựng và phát triển phát đất nước. Hẳn là những thế mạnh và thế yếu của Hoa Lư các nhà chính trị - quân sự tài ba như Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn không phải không biết. Chỉ có điều, thế và lực của các vương triều khi đó chưa đủ mạnh nên các ông vẫn phải dựa vào sự hiểm yếu của tự nhiên để tồn tại. Trong điều kiền lịch sử đương thời như vậy, việc lựa chọn xây dựng kinh đô ở Hoa Lư vẫn là sự lựa chọn số một của hai nhà Đinh, Lê. Có lẽ sau này, khi đất nước phát triển đến một tầm cao mới, đủ tự tin nên Lý Công Uẩn đã cho rời đô từ Hoa Lư về Đại La (Thăng Long – Hà Nội) để xây dựng kinh đô mới, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho đất nước.
Thành cổ Hoa Lư bây giờ không còn nữa, những trầm tích của cố đô hẳn vẫn còn nằm yên trong lòng đất và những bức trường thành đứt đoạn, bị sạt lở cùng những dãy núi khổng lồ sừng sững giữa trời xanh như thể những chứng nhân muôn đời cho miền đất cổ. Giờ đây dấu xưa giá trị nhất chủ yếu tập trung ở hai ngôi đền thờ: Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Nghe nói đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng là một hình ảnh thu nhỏ của kinh thành Hoa Lư. Theo ký ức dân gian truyền lại, năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, nhân dân trong vùng cố đô đã góp công chung sức xây dựng hai ngôi đền để tưởng nhớ công lao của hai đức vua và những người cố công với đất nước. Trải qua năm tháng, hai ngôi đền đã được trùng tu nhiều lần nhưng cơ bản vẫn giữ diện mạo và kiến trúc ban đầu. Kiến trúc của cả hai ngôi đền đều làm theo kiểu nội công ngoại quốc, lối vào lát gạch hình chữ vương, các hạng mục công trình của hai ngôi đền làm đối xứng nhau theo một trục dài, mô phỏng lại cung điện của nhà vua khi xưa. Hai ngôi đền ẩn hiện dưới những tán cây cổ thụ xanh tốt nhìn rất cổ kính. Trong đền còn giữa được nhiều tượng cổ tạc vương tướng nhà Đinh, trong đó có tượng vua Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Thái hậu Dương Vân Nga. Ngoài ra hai ngôi đền đều được trang trí trạm khắc rất đẹp mang dấu ấn nghệ thuật của thời Hậu Lê với những hình linh vật và muông thú, đặc biệt là hình rồng mẹ rồng con. Điều đáng chú ý là cả hai đền đều giữ được nhiều đồ thờ quý hiếm, đặc biệt là những long sàng bằng đá xanh nguyên khối cách đây khoảng trên bốn trăm năm được chạm khắc rất tinh xảo: hình rồng, dạ xoa, thao thiết, phô thủ, sư tử và các muông thú. Những long sàng cổ này đều đã được nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2017.
Đã không ít lần đến cố đô nhưng lần nào cũng vậy, lòng không khỏi bâng khuâng, thích thú ngắm nhìn và suy ngẫm về bốn chữ “Bắc môn tỏa thược” (Cửa Bắc khép lại) trên nóc cổng chính vào đền vua Đinh Tiên Hoàng. Bốn chữ này thật ý nghĩa, thâm sâu cao độ. Khi tế nhị với người nhà Tống thì người ta bảo là nhắc nhở đề phòng gió mùa Đông Bắc (gió độc) nhưng cũng ngụ ý nhắc nhở nỗi sợ truyền kiếp của nhà Tống được ghi khắc trên Vạn Lý Trường Thành ở bên Trung Hoa. Còn đối với người dân Đại Cồ Việt thì đây là một lời nhắc nhở, cảnh báo tựa di huấn của nhà vua với quân sĩ: Đề phòng phương Bắc. Ngẫm nghĩ cho đến tận ngày nay, nghìn năm đã đi qua mà lời nhắc nhở của vua Đinh vẫn còn nguyên ý nghĩa.