Bệnh nhân trốn viện, "quỵt" tiền điều trị, hành vi xấu xí đáng phê phán

Nguyễn Đặng Hà Anh

21/06/2022 17:11

Theo dõi trên

Chưa đầy 06 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện Đa Khoa Đồng Nai đã phải gánh chịu viện phí gần 300 triệu đồng, đây là số viện phí mà bệnh nhân trốn viện không đóng sau khi được các Bác sỹ cấp cứu, điều trị và các Điều dưỡng chăm sóc tại bệnh viện. 

benh-vien-dong-nai1-1655805735.JPG
Bệnh viện đa khoa Đồng Nai

 

Khi một người bị bệnh, bị tai nạn hay bất cứ điều gì khác thì việc đầu tiên là tự đến bệnh viện, hoặc nhờ người khác đưa vào viện để được cấp cứu, thăm khám và điều trị. Ở đó, các Bác sỹ, Điều dưỡng có trách nhiệm và nghĩa vụ phải thăm khám, điều trị cho bệnh nhân một cách đầy đủ, tốt nhất và kịp thời.

Và người bệnh phải có trách nhiệm, nghĩa vụ xuất trình các loại giấy tờ tùy thân kèm BHYT để được thanh toán viện phí. Đối với trường hợp bệnh nhân không có BHYT thì phải chịu trách nhiệm thanh toán viện phí 100% cho bệnh viện, đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh quá khó khăn, hoặc bệnh nan y thì làm đơn xin được miễn giảm một phần nếu được Ban Giám đốc bệnh viện chấp nhận.

Còn với các Bác sỹ thì iềm vui, hạnh phúc là cấp cứu kịp thời, cứu sống được một bệnh nhân, thấy bệnh nhân của mình hồi phục và xuất viện, đó là tâm lý chung của những người khoác lên mình chiếc áo Blouse trắng.

Quan hệ giữa người thấy thuốc và bệnh nhân luôn là một sự liên hệ giữa trách nhiệm, lương tâm, nghĩa vụ và cả sự hàm ơn của bệnh nhân dành cho người thầy thuốc trong đó. Nhưng cũng có những bệnh nhân rất đáng phê phán khi được cấp cứu, điều trị tạm ổn thì cố tình trốn viện gây khó khăn cho việc lập hồ sơ hỗ trợ thanh toán viện phí.

benh-vien-dong-nai2-1655805958.JPG
BS Ck 2 Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh Viện đa khoa Đồng Nai

Chưa đầy 06 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện Đa Khoa Đồng Nai đã phải gánh chịu viện phí gần 300 triệu đồng, đây là số viện phí mà bệnh nhân trốn viện không đóng sau khi được các Bác sỹ cấp cứu, điều trị và các Điều dưỡng chăm sóc tại bệnh viện. 

Trao đổi với Phóng viên, Bác sỹ Chuyên khoa 2 Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết: “Làm người thầy thuốc thì mục đích cứu sống bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu. Khi có bệnh nhân nhập viện, đặc biệt là với những trường hợp cấp cứu dù có người thân hay không thì các Bác sỹ, Điều dưỡng phải thực hiện đúng, đủ về y lệnh để cấp cứu, cung cấp đầy đủ thuốc men cho bệnh nhân. Đặc biệt là các trường hợp người bệnh được đưa vào cấp cứu nhưng sau đó tìm không ra người thân, các Bác sỹ, Điều dưỡng ngoài việc chữa trị còn phải thay người thân chăm sóc họ nữa, vậy mà sau khi tạm ổn họ lại trốn viện. Đối với những trường hợp quá khó khăn, bệnh viện luôn có những chính sách hỗ trợ cho bệnh nhân khi người nhà hoặc người bệnh làm đơn xin giảm viện phí nêu hoàn cảnh gia đình và có xác nhận của chính quyền địa phương. Với những trường hợp mà người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Ban Giám đốc bệnh viện sẵn sàng kêu gọi sự đóng góp từ tập thể nhân viên bệnh viện ủng hộ ngoài việc miễn một phần, thậm chí là hoàn toàn viện phí còn thêm những phần quà khác nữa, nhưng người bệnh phải hợp tác, trình bày đúng, đủ về hoàn cảnh của mình.

benh-vien-dong-nai3-1655805958.jpg
Bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh Viện đa khoa Đồng Nai, trao quà cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn

Còn với bệnh viện, với tập thể Bác sỹ, Điều dưỡng thì đâu có sự lựa chọn bệnh nhân, mà phải luôn chăm sóc cho bệnh nhân một cách tốt nhất, đặc biệt là công tác cấp cứu ban đầu.”

Có rất nhiều trường hợp vào bệnh viện cấp cứu hay điều trị, không biết có phải vì hoàn cảnh khó khăn hay không nhưng nhiều bệnh nhân khai man họ tên, khai không đúng địa chỉ trên hồ sơ bệnh án mà. Hoặc ngay từ đầu họ đã có ý đồ trốn viện sau khi thấy sức khỏe tạm ổn.

Cũng có những trường hợp vào cấp cứu là các đối tượng hình sự vào viện với nhiều vết thương do hung khí gây ra. Do sợ bị truy trách nhiệm trước pháp luật nên cố tình khai sai tên, tuổi và địa chỉ để dễ dàng trốn viện sau này.

Đối với những người bệnh trốn viện, với họ đó là sự “thành công” theo cách nghĩ hời hợt, nông cạn và cũng có những trường hợp có thể là những toan tính của bản chất những kẻ luôn sống ngoài vòng pháp luật. Nhưng với các Bác sỹ, Điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai họ là những bệnh nhân, là những người được chăm sóc một cách tử tế, dù sau đó được nhận lại một cái kết chẳng ai mong muốn.

Trao đổi với người viết, một Bác sỹ ở bệnh viện chia sẻ: có nhiều khi lượng bệnh nhân vào cấp cứu đông, các Bác sỹ, Điều dưỡng ở Khoa cấp cứu làm việc đuối nhưng phải cố gắng hết mức, có nhiều trường hợp người nhà còn gây khó khăn cho các Bác sỹ nữa mà dư luận đâu có biết những điều đó. Nhưng khi có một sự phàn nàn nào đó của người nhà hay bệnh nhân trong công tác khám, điều trị thì mọi người sẵn sàng trút hết mọi bực tức, đổ hết mọi thứ lên đầu Bác sỹ, Điều dưỡng và bệnh viện.

Bệnh nhân trốn viện, câu chuyện không phải mới những cũng chưa bao giờ là cũ. Qua những con số về bệnh nhân trốn viện tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khiến chúng ta nhìn thấy rõ về tầm quan trọng của việc tham gia Bảo hiểm y tế tự nguyện. Nếu ai cũng có Bảo hiểm y tế thì những câu chuyện về bệnh nhân trốn viện sẽ giảm đi rất nhiều.

Nhưng dù có BHYT hay không thì trách nhiệm của người bệnh phải thanh toán viện phí theo qui định của pháp luật, đừng vì lý do khó khăn hay những nguyên nhân khác mà trốn viện làm tổn thương vào niềm tin, trách nhiệm của những người thầy thuốc đã chữa bệnh cho mình.

 

Bạn đang đọc bài viết "Bệnh nhân trốn viện, "quỵt" tiền điều trị, hành vi xấu xí đáng phê phán" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn