Chuyện cứu hàng trăm bệnh nhân khi sự sự sống chỉ còn trong gang tấc bất kể ngày hay đêm ở Bệnh viện Quân y 211 (Cục Hậu cần Quân đoàn 3) thì tôi đã nghe, đã chứng kiến nhiều. Nhưng chuyện một bệnh nhân lại được các thầy thuốc của đơn vị hai lần cứu sống, thì đúng là chuyện cổ tích được các y bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 viết lên trên vùng đất Tây Nguyên, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ nói chung, Quân đoàn 3 nói riêng.
Bà Phạm Thị Hương 77 tuổi sống cùng con cháu ở xã Iatô, huyện Iagrai. Bà có bệnh nền tiểu đường, tăng huyết áp. Tháng 5/2020 bà bị đột quỵ não được gia đình đưa về cấp cứu, điều trị tại Khoa Hồi sức - Cấp cứu Bệnh viện Quân y 211.
Trên tinh thần cứu người không chỉ là mệnh lệnh, các y bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 nói chung, Khoa Hồi sức - Cấp cứu của Bệnh viện nói riêng tích cực điều trị, chăm sóc và sự sự sống đã trở lại với bà Phạm Thị Hương.
Bà Hương ra viện, được con cháu đớn đưa về nhà trong niềm vui toại nguyện, mặc dù lúc về nhà bà tỉnh táo, nhưng chậm, liệt nửa người bên phải. Lòng hiếu thảo, tận trung nên con cháu phục vụ bà tại giường từ đó đến nay rất chu đáo, vui vẻ. Cái hay là do chăm sóc đúng phương pháp, ăn uống, thuốc men tích cực nên bà Hương không bị các biến chứng do nằm lâu như viêm phổi, loét điểm tỳ.
Cuộc sống cũng đi theo qui luật tự nhiên, tuổi càng cao, sức đề kháng yếu, lại nằm một chỗ nên năm nay khi thời tiết chuyển mùa nắng mưa thất thường, bà Hương lại bị viêm phổi rất nặng. Bà bị ho, sốt và khó thở, con cháu gia đình lại đưa bà vào khoa Nội Bệnh viện Quân y 211 để điều trị. Tại đây bà được điều trị một thời gian rồi chuyển tiếp sang Khoa Hồi sức - Cấp cứu. Lúc này tình trạng bệnh của bà rất nặng: suy hô hấp, suy tuần hoàn: thở nhanh nông, độ bão hòa ô xy máu thấp, huyết áp cũng tụt thấp, đường máu biến đổi lớn.
Trên tinh thần “còn nước còn tát”, tim bệnh nhân còn đập còn điều trị. Đội ngũ y bác sĩ ở đây đã đặt ống nội khí quản cho bà thở máy, dùng thuốc vận mạch để nâng huyết áp cùng nhiều thuốc khác. Có những lúc huyết áp tụt xuống rất thấp, rất nguy kịch. Nhìn một người già cao tuổi, thể trạng nhỏ xíu chỉ nặng 30 kg, máy y tế và thông ống quanh người bệnh, thở bằng máy, tim đập được nhờ có thuốc, hôn mê, có nhiều bệnh nền, liệt nửa người, không ai tin bà có thể sống được.
Một ngày, hai này rồi ba ngày trôi qua trong hồi hộp lo lắng…Rồi đến mười ngày sau tình trạng sức khỏe của bà đã tiến triển rất tốt. Đội ngũ y bác sĩ của khoa đã bỏ được máy thở, rút được ống nội khí quản, cắt được thuốc nâng huyết áp cho bà. Bà tự thở thỏa đáng, huyết áp trong giới hạn bình thường, đường máu ổn định. Bà nhận ra con cháu, ăn uống được ít.
Sau 38 ngày nằm tích cực điều trị tại Khoa Hồi sức - Cấp cứu, bà Phạm Thị Hương đã trở lại bình thường, sức khỏe ổn định, ăn uống tốt, được Bệnh viện Quân y 211 cho ra viện. Thế là lần thức 2 bà Hương được các thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ cứu sống.
Không giấu được niềm vui trên mặt, chị Nguyễn Hằng con gái của của bà xúc động: “Mẹ tôi được hai lần cứu sống. Chọn Bệnh viện Quân y 211 để đưa mẹ về điều trị bệnh là một quyết định đúng đắn của chúng tôi. Ở Đây bác sĩ không chỉ là người chữa bệnh mà còn là người giúp đỡ và động viên tinh thần cho bệnh nhân. Câu nói đó đã rất đúng đối với gia đình tôi trong thời gian này. Mẹ tôi nằm điều trị đã 38 ngày, những tưởng không còn phép màu nào đến với mẹ, nhưng được sự nhiệt tình cứu chữa của các y bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 cũng như sự chăm sóc chu đáo của con cháu mà mẹ tôi đã vượt qua như một kì tích.
Được đón mẹ từ cái chết trở về, chúng tôi chỉ biết nói lời chân thành cảm ơn các y bác sĩ của Bệnh viện Quân y 211 nói chung, Khoa Khoa Hồi sức - Cấp cứu nói riêng, đặc biệt là cảm ơn bác sĩ Lê Quyết Thắng - Chủ nhiệm khoa đã luôn giúp đỡ và động viên gia đình tôi cũng như những người bệnh nhân khác.
Bài viết của Bác sĩ Lê Quyết Thắng - Chủ nhiệm khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quân y 211