Bí ẩn nhân vật lịch sử trong bài thơ "Kiệt Đặc Sơn" của Nguyễn Trung Ngạn

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

24/10/2022 09:38

Theo dõi trên

Căn cứ vào nội dung bài thơ, tôi cho rằng nhân vật chủ thể trữ tình ẩn giấu trong bài thơ KIỆT ĐẶC SƠN của Nguyễn Trung Ngạn, không phải là Chu Văn An.

blucj1ab1-1666578810.jpg
 Tác giả bên bức "Gấm đá" khắc bốn chữ "VẠN THẾ SƯ BIỂU" ở đền thờ Chu Văn An trên núi Kiệt Đặc (Hải Dương).

 

KIỆT ĐẶC SƠN

Thương yên nhất kính nhập sơn thâm,

Uế uế sơ Thiền bão thụ ngâm.

Lục Dã cựu đường đài tỏa sắc,

Cẩm Cung di miếu bách thành âm.

Kim đằng sự nghiệp quang tiền cổ,

Lân các công danh thuyết đáo câm (kim).

Tri thán cửu tuyền tê hận xứ,

Bình sinh hư biện Tử Phòng tâm.

Dịch nghĩa:

NÚI KIỆT ĐẶC

Một con đường nhỏ mờ khói xanh dẫn vào núi sâu,

Thưa thớt vài ba chú ve ôm cây kêu réo rắt.

Nhà cũ ở Lục Dã , rêu phủ kín,

Núi xưa ở Cẩm Cung, cây bách rợp bóng.

Sự nghiệp Kim Đằng làm sáng cả đời xưa,

Công danh ở Gác Lân còn nói đến ngày nay.

Biết đây là chỗ thở than mang nỗi hận nơi chín suối,

Còn như lúc bình sinh chỉ bàn luận suông về cái tâm của Tử Phòng.

Dịch thơ

Đường mòn dẫn lối rừng sâu,

Ve ran mấy chú phun sầu vào cây.

Dã Đường rêu đã phủ dày,

Cấm Cung cây bách xanh đầy miếu xưa.

Kim Đằng sự nghiệp có thừa,

Công danh Lân Các vẫn chưa phai mờ.

Biết đây chôn hận đến giờ,

Tử Phòng Tâm”, luận hững hờ mấy câu!

(VŨ BÌNH LỤC dịch)

Đây là bài thơ Nguyễn Trung Ngạn vịnh núi Kiệt Đặc (KIỆT ĐẶC SƠN). Núi Kiệt Đặc, thuộc xã Kiệt Đặc, ở đây có núi Phượng Hoàng bên cạnh Côn Sơn, thuộc thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay.

Ở thời kỳ Nguyễn Trung Ngạn làm quan, Thầy Chu Văn An (1292-1370) được vời về triều giữ chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám, dạy Thái tử học. Thầy Chu thấy triều chính đã suy thoái nghiêm trọng. Tham quan, lộng thần kéo bè kết cánh, ra sức hoành hành. Vua ăn chơi hưởng lạc sa hoa vô độ. “Nhóm lợi ích” thao túng, làm xã tắc nghiêng đổ. Thầy Chu dâng “Thất trảm sớ” đòi chém đầu 7 tên lộng thần, tham nhũng. Nhưng vua Trần Dụ Tông không nghe.

Thầy Chu liền treo mũ từ quan, lui về núi Phượng Hoàng (thuộc xã Kiệt Đặc), sống ngoài vòng danh lợi. Chu Văn An lấy biệt hiệu là Tiều Ẩn. Nghĩa là ông Tiều phu ở ẩn trong núi, hay là kẻ sĩ ở ẩn trong núi như tiều phu. Sau vụ Dương Nhật Lễ, Trần Phủ (Nghệ Tông) và Trần Nguyên Đán khởi binh, kéo quân về Thăng Long đoạt lại ngôi báu cho nhà Trần. Trần Phủ lên làm vua (Nghệ Tông), Trần Nguyên Đán (1325-1390) giữ chức Tư Đồ (Tể tướng). Làm vua được 2 năm Trần Nghệ Tông tự biết mình không có tài làm vua, bèn nhường ngôi cho em trai là Trần Kính (Trần Duệ Tông). Vua Trần Duệ Tông có chí lớn phục hưng nhà Trần, nhưng vì quá nóng vội, cho nên nhà vua quyết đem quân chinh Phạt Chiêm Thành. Vua Duệ Tông hy sinh trên chiến trường, trước thành Đồ Bàn. Quyền lực trong triều dần dà bị Hồ Quý Ly chuyên quyền nắm giữ. Biết cơ nghiệp nhà Trần chắc chắn sẽ bị gian thần Hồ Quý Ly cướp mất, Trần Nguyên Đán bèn xin về hưu ở tuổi 60, rồi lui về Côn Sơn dựng THANH HƯ ĐỘNG, sống những năm cuối đời ở Côn Sơn.

Nhưng Nguyễn Trung Ngạn mất năm 1370, Trần Nguyên Đán chưa về Côn Sơn. Từ đó suy ra, nhân vật trữ tình trong bài thơ KIỆT ĐẶC SƠN có thể là Chu Văn An chăng?

Tuy nhiên, ở đời vua Trần Minh Tông mới lên cầm quyền (1320), Nguyễn Trung Ngạn từng chứng kiến một vụ án oan cực kỳ đau lòng. Đó chính là vụ án Huệ Vũ Đại Vương, Quốc Phụ Thượng Tể Trần Quốc Chẩn, cha vợ Trần Minh Tông bị vu oan. Quốc Phụ Thượng Tể, Huệ Vũ Đại Vương Trần Quốc Chẩn là em trai vua Trần Anh Tông (1276-1320) . Ông vừa là chú ruột, vừa là cha vợ của vua Trần Minh Tông. Trước khi qua đời, vua Trần Anh Tông ủy thác cho Huệ Vũ Đại Vương phò giúp Thái Tử Mạnh (Trần Minh Tông) làm vua.

Huệ Vũ Đại Vương Trần Quốc Chẩn là một võ tướng tài giỏi. Ông từng đem quân chinh phạt Chiêm Thành, thắng lợi lớn, giữ yên bờ cõi phía Nam. Trần Quốc Chẩn được phong chức “Nhập nội Bình Chương”, tức Tể Tướng dưới triều vua Anh Tông. Huệ Vũ Đại Vương còn là người đức cao, trụ cột của triều đình, được vua Anh Tông và quần thần rất yêu mến, ngưỡng mộ. Con gái Trần Quốc Chẩn là Huy Thánh công chúa, được chọn làm Lệ Thánh Hoàng hậu của Minh Tông.

Sáu năm sau, vụ án oan thảm khốc mới được sáng tỏ. Vua Minh Tông vô cùng hối hận. Mà ông Huệ Vũ Đại Vương Trần Quốc Chẩn cũng ôm hận mãi ngàn năm, chết uất ức, không sao nhắm mắt được. Kiệt Đặc cũng là nơi vua Minh Tông lập đền thờ Trần Quốc Chẩn, thường gọi là đền QUỐC PHỤ, nay thuộc phường Chí Minh, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Vua Trần Minh Tông rất hối hận vì sai lầm ngu ngốc thời còn trẻ của mình. Ba mươi năm sau, khi đã lên ngồi ghế Thượng Hoàng, nỗi niềm hối tiếc về một sai lầm cực lớn vẫn không nguôi. Lần cuối cùng, vua Trần Minh Tông ngồi thuyền về Kiệt Đặc thắp hương cha vợ. Trên đường về lại Thăng Long, Minh Tông bị một con ong vàng đốt vào má, rồi ngài ốm chết (1357).

Vậy thì Nguyễn Trung Ngạn lấy cảm hứng về núi Kiệt Đặc, nhân vật trữ tình là Chu Văn An, hay là Trần Quốc Chẩn?

Đó chính là điều mà người nghiên cứu phải suy ngẫm. Là bởi tác giả và các nhà biên soạn trước đây không thấy ai chú thích gì. Có lẽ là vì các cụ cũng chưa đoán định được.

Vậy thì căn cứ vào đâu để suy đoán? Hãy xem hai câu thơ:

Nhà cũ Lục Dã Đường, rêu phủ kín,

Miếu Cẩm Cung xưa, cây bách rợp bóng.

Nhắc lại hai điển tích ở hai câu thơ của Trung Quốc, tác giả thể hiện ý tưởng gì? Lục Dã Đường chính là tòa biệt thự của Tể Tướng Bùi Độ nhà Đường. Sau khi chỉ huy hành quân đánh tan các thế lực nổi dậy ở Hoài Bắc, Bùi Độ bèn từ bỏ danh lợi, lui về dựng Lục Dã Đường ở Lạc Dương, vui nghỉ, tiếp đón bạn văn đến xướng họa thi ca, cho nó nhẹ người.

Tác giả bình luận:

Sự nghiệp Kim Đằng làm sáng cả đời xưa,

Công danh ở Gác Lân còn nói đến ngày nay.

Sự nghiệp Kim Đằng được nhắc ở đây, là để ca ngợi Chu Công Đán, em Chu Vũ Vương đời nhà Chu bên Tàu. Chu Công đã giúp cháu (con Chu Vũ Vương) là Chu Thành Vương nối nghiệp tổ tiên. Chu Công Đán là Tể Tướng của nhà Chu.

Như vậy, các nhân vật được nhắc tới trong bài thơ này, đều giữ chức Tể Tướng cả. Thế thì ở núi Kiệt Đặc, ai là người được so sánh với các vị Bùi Độ và Chu Công Đán? Và câu: “Biết đây là chỗ thở than mang mối hận nơi chín suối”, để chỉ nhân vật nào trong lịch sử? Đó chính là điều chưa được giải mã.

Căn cứ vào nội dung bài thơ, tôi cho rằng nhân vật chủ thể trữ tình ẩn giấu trong bài thơ KIỆT ĐẶC SƠN của Nguyễn Trung Ngạn, không phải là Chu Văn An. Chu Văn An chỉ giữ chức Tư Nghiệp Quốc Tử Giám, mặc dù uy danh của ông rất lớn, học trò ông la Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đều làm quan rất to trong triều. Lại càng không phải là Tư Đồ (Tể Tướng) Trần Nguyên Đán (1325-1390). Mà chính là ngài Huệ Vũ Đại Vương “Nhập Nội Bình Chương”, Quốc Phụ Thượng Tể Trần Quốc Chẩn (1281-1328). Ông từng giữ chức Tể Tướng (Nhập Nội Bình Chương) ở triều vua Trần Anh Tông. Trần Quốc Chẩn là con trai thứ của vua Trần Nhân Tông. Công lao với đất nước của ông được ghi nhận, được lưu danh muôn thủa cùng đất nước. Tuy nhiên, mối hận vì bị giết oan của ông thì mãi mãi chôn vùi trong lòng đất.

Thời đại nào mà chẳng có những công thần khai quốc bị tù oan, bị giết oan? Than ôi! “Đốt đốt quái sự”! Đốt đốt quái sự!...

Bạn đang đọc bài viết "Bí ẩn nhân vật lịch sử trong bài thơ "Kiệt Đặc Sơn" của Nguyễn Trung Ngạn" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn