Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ sở thờ tự ở Hà Nội đang tạm thời đóng cửa, vì thế các sĩ tử và phụ huynh đã phải mang hương hoa lễ vật đứng ngoài bái vọng. Tuy nhiên, điều khiến người ta ngỡ ngàng là nhiều người đặt lễ, thắp hương thành tâm khấn vái trước tấm bia "Hạ mã" ngoài cổng Văn Miếu để cầu may. Thậm chí, không ít phụ huynh còn mang theo hồ sơ thi của con để đọc rõ ràng số báo danh, phòng thi với lòng thành kính mong con sẽ vượt vũ môn một cách suôn sẻ nhất.
"Hạ mã" có nghĩa là xuống ngựa, bia "Hạ mã" thường được đặt trước cửa những nơi quan trọng, đòi hỏi sự tôn nghiêm như đền, phủ, miếu, dinh thự...để yêu cầu những người tới hoặc qua đây phải xuống ngựa để thể hiện sự tôn kính. Ở công trình Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bia "Hạ mã" do Thượng thư Bộ công, Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Hoản cho dựng năm 1771, muốn nhắc nhở mọi người, kể cả công hầu, khanh tướng, khi tới đây đều phải xuống ngựa, xuống xe, đi bộ ngang qua để không thất lễ với các bậc Tiên thánh, Tiên hiền.
Bia "Hạ mã" dù được đặt trong nhà che bia, bên dưới có bệ rất trang trọng nhưng hoàn toàn không phải là không gian thờ tự. Như vậy, nói một cách dễ hiểu, "Hạ mã" trong cách nói của thời xưa là "xuống ngựa", còn thời nay chức năng của nó tương tự tấm biển báo "xuống xe dắt bộ".
Do đó, việc thắp hương cầu khấn tại bia "Hạ mã" ở Văn Miếu thể hiện cái nhìn sai lệch của các sĩ tử và phụ huynh cũng như đông đảo người dân khi chỉ biết khấn, cầu may mà không rõ nguồn gốc, xuất xứ của di tích, khiến thành chuyện ....bi hài.
Mặt khác, tình trạng dịch bệnh Covid-19 hiện nay đang diễn biến phức tạp nên việc tập trung đông người để cúng lễ là không cần thiết, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
Dẫu biết rằng, cầu may trước mỗi sự kiện quan trọng như thi cử cũng là nét tín ngưỡng cần được tôn trọng. Chả thế mà đầu rùa bia tiến sĩ ở Văn Miếu đã bị mòn, nhẵn bóng và nguy cơ bị hư hại sau nhiều năm đã nhãn tiền. Thế nhưng, việc không tìm hiểu kĩ lưỡng dẫn đến thỉnh cầu, khấn bái ở bia "Hạ mã" thì nét đẹp tín ngưỡng này đã bị hiểu sai lệch và dường như còn bị xem là...kệch cỡm.
Trước tình trạng này, Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhấn mạnh, “Bia Hạ mã không phải là không gian thờ tự, thờ cúng, thắp hương. Các tấm bia này là một trong những hạng mục của Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần được gìn giữ, bảo vệ”.
“Vào Văn Miếu dâng hương là để thể hiện sự kính trọng, tri ân các bậc tiền hiền, nhìn vào lịch sử để noi gương các bậc kỳ tài đã vất vả dùi mài kinh sử học hành đỗ đạt thành tài giúp đời. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tích cực truyền thông rộng rãi hơn để người dân nâng cao nhận thức hơn về di tích”, ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ.
Cuối cùng, ông Lê Xuân Kiêu khẳng định, “Để đảm bảo an toàn trật tự và an toàn phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm sẽ cắt cử người cùng với chính quyền sở tại nhắc nhở bà con và các sĩ tử. Về các hạng mục di tích và ý nghĩa của từng hạng mục, bên cạnh hệ thống biển chỉ dẫn, Trung tâm Văn Miếu cũng đăng tải trên mạng xã hội của Di tích quốc gia đặc biệt này”.