Bích Nhã Kỳ, thế chấp “nửa trái tim”

Bích Nhã Kỳ đang độ sung mãn, nhưng tâm hồn chị như vừa bước đến “thềm yêu”. Đọc “Yêu... một nửa trái tim” của chị hiểu thêm câu nói của đại văn hào Victor Hugo: “Tình yêu khiến người ta trẻ con hơn”.
bich-nha-ki-1663506616.jpg

Bìa tập thơ “Yêu...một nửa trái tim” của tác giả Bích Nhã Kỳ.

Tôi đọc “Yêu ...một nửa trái tim” của Bích Nhã Kỳ, ngay từ khi còn là bản thảo, với sự hứng khởi nhất định. Đơn giản, là từ lâu đã “ngầm định” trong đầu: các tác giả nữ thường viết về tình yêu, và đây cũng là thế mạnh của họ. Không ai hiểu đàn bà bằng chính đàn bà. Không ai giải mã được các cung bậc của tình yêu bằng đàn bà. Họ viết bằng tất cả hạnh phúc cũng như đau khổ, viết bằng cả sự dồn nén và bung vỡ.

Và bây giờ, thì tập thơ có cái tên gợi sự tò mò đang ở trên tay.

           Tập thơ gồm 47 bài nhưng chủ đề chính là tình yêu, hay nói cách khác, đây là tập thơ tình. Chỉ riêng tên của tập thơ “Yêu...một nửa trái tim” đã là một thủ pháp về tâm lý, một ẩn dụ của thi ca. Sự cắc cớ này là người đọc chú ý, dẫu về quy luật tâm lý và chú ý không chủ định.

Hãy yêu người bằng một nửa tim thôi / Đủ khao khát khi đông về thiếu vắng / Đủ thổn thức khi trái tim bình lặng / Đủ giận hờn khi quên nói lời thương”, đây là khổ thơ đầu của bài thơ “Yêu một nửa tim thôi”.

Yêu là dâng hiến, trao và nhận trái tim. Để nhận được nguyên vẹn trái tim của đối phương, mình phải dâng đầy đủ trái tim mình còn chẳng ăn ai nữa là “Yêu một nửa tim thôi”. Khi yêu nhau, người ta dâng tặng nhau bằng trái tim say, chứ không phải là bằng đầu óc tỉnh. Rõ ràng, tác giả, trước hết là tự sự, sau nữa là đang thử “thăm dò” chính trái tim mình, trái tim phụ nữ.

 

Hãy yêu người bằng một nửa tim thôi

Nửa còn lại tự mình mang thế chấp

Dẫu đớn đau tột cùng cơn khát

Vẫn còn nguyên một nửa cháy nồng nàn

(Yêu một nửa tim thôi)

 

Trong tình yêu, đàn bà coi trọng cảm xúc, lý lẽ của họ cũng thiên về cảm xúc. Đọc bài thơ này, bất giác tôi nhớ nhạc sỹ Lê Huy Tập nhắc nhở khi chúng tôi cùng thực hiện ca khúc “Đắng ngọt đàn bà”. Phải chăng, “đi qua hết đời đàn ông, vẫn không thể hiểu dòng sông đàn bà”? Đàn ông rất dễ đuểnh đoảng với cảm xúc của người mình yêu, rất, rất nhiều đàn ông thừa khả năng chinh phục “cứng” nhưng không có “dư địa”, năng lực chinh phục “mềm” đối với phụ nữ. “Dẫu đớn đau tột cùng cơn khát / Vẫn còn nguyên một nửa cháy nồng nàn”, đây là thông điệp “rất đàn bà” của bài thơ. “Hãy yêu người bằng một nửa tim thôi”, câu thơ cuối cùng của bài thơ đầy hờn dỗi, trách móc. Thành công của bài thơ “Yêu một nửa tim thôi”, chính là biến cái vô lý, thành cái có lý, đầy màu sức nữ quyền.

bich-nha-ki-2-1663506616.jpg
Tác giả, doanh nhân Bích Nhã Kỳ

Trong tập “Yêu một nửa tim thôi”, nhiều bài thơ, mới điểm qua tên đã có sức gợi như “Mùa lỗi hẹn”, “Chạm”, “Khúc ru”, “Ngày không anh”, “Khúc mùa thu”, “Ngày của gió”, “Mùa cũ”, “Ngày cũ”, “Lặng

Em một mình trong đêm lặng im miên man nghĩ về anh. Một người để yêu duy nhất trên thế gian này... Một người khác hẳn những mối quan hệ xôn xao huyên náo, một người khác hẳn những phù phiếm cám dỗ ồn ào. Một người như hoa rơi xuống đất, gió rớt xuống lòng hồ. Tuyệt nhiên không để lại tiếng động gì nhưng đủ làm mặt đất khô khan nảy mầm khoe sắc, đủ làm mặt hồ gợn nước sóng sánh. Một người đến rất nhẹ nhàng, bình thản- Một người để bình yên”, (Thư viết trong mùa xuân yêu thương). Đây là một đoạn trong bài thơ văn xuôi trong tập. Đọc đoạn thơ, gần như hiểu được “một nửa thế giới” đang nghĩ gì, mơ ước điều gì?

Bích Nhã Kỳ làm người đọc phải nhớ lại, ngẫm lại những giá trị “truyền thống” trong tình yêu nam nữ. Người phụ nữ bước vào “đời sống” tình yêu, mong gì? Chắc chắn đó là những giá trị bất hoặc như sự an toàn, tin tưởng, tôn trọng, nghiêm túc, kiên nhẫn, được đánh gia, cam kết. Không phải ngẫu nhiên, hai từ “bình yên” có mặt trong nhiều bài thơ của chị; như “Màu bình yên”, “Khu vườn bình yên”...và tuyên ngôn: “Em / Người đàn bà / trong câu thơ viết dở / Yêu tận cùng / và khao khát bình yên”, (Em và anh).

Đã yêu, không ai là không dữ dội, muốn tận hiến đến kiệt cùng. Đọc bài thơ “Anh và em”, độc giả yêu thơ chị / kể cả những ai “thầm yêu, trộm nhớ” nhưng “yếu bóng vía” đủ nhận ra một Bích Nhã Kỳ đầy hờn dỗi, ngúng ngẩy khi được yêu. “Yêu một nửa trái tim” còn được hiểu theo nghĩa khác, chị “thăm dò”, “giả đò” đấy.

Trở lại với bài thơ “Yêu một nửa tim thôi”, đây là một bài thơ khá, dẫu toàn bộ tập thơ của chị, chủ yếu là cảm xúc tự sự, chân thành với lòng mình, “phơi” cảm xúc chân thật lên ký tự. Ở bài thơ này, Bích Nhã Kỳ đã đưa ra một khái niệm phòng ngừa đầy nữ tính: “Hãy yêu người bằng một nửa tim thôi / Nửa còn lại tự mình mang thế chấp”.

Dẫu cuộc sống bây giờ đã và đang vận động, tình yêu nam nữ không nằm ngoài quy luật; tuy nhiên, những giá trị đã được đi vào thư tịch thì với người Việt Nam luôn được tôn trọng.

bich-nha-ki-3-1663506616.jpg
“Vẫn còn nguyên một nửa cháy nồng nàn”, thơ Bích Nhã Kỳ, ảnh: Internet

 

Đích đến cuối cùng mà cặp đôi nào cũng mong muốn trong tình yêu là hôn nhân. Mọi cô gái khi yêu đều “hình dung”, đều mong muốn xây dựng gia đình cùng người mình yêu trong tương lai. Vì vậy, sự cam kết rõ ràng – một khái niệm dẫu mới nhưng họ luôn đề cao và mong muống người yêu mình theo đuổi mục tiêu đó. Yêu “một nửa tim thôi”, “nửa còn lại tự mình mang thế chấp”. Yêu vừa phải say, nhưng vừa phải tỉnh; “thế chấp” trong ngữ cảnh câu thơ này có tính logic từ đời sống.

Ngoài đề tài về tình yêu, Bích Nhã Kỳ còn dành cảm xúc cho quê hương Hà Tĩnh, người thân trong gia đình như “Viết cho con”, “Viết cho mẹ nhân ngày doanh nhân”. Các mùa trong năm, nhất là mùa thu làm bật lên nhiều cảm xúc trong thơ chị: “Thu rất thật là thu”, “Thu”, “Khúc mùa thu”.

Là một doanh nhân năng động, Bích Nhã Kỳ có điều kiện đi trong và ngoài nước, do vậy mà cảm xúc trước hiện sinh đi vào thơ chị. Dẫu vậy, khi viết về quê hương, nơi có khoảng trời ký ức, thơ Bích Nhã Kỳ hồn hậu, ăm ắp cảm xúc, nồng nàn và chân xác hơn.

 

Có một mùa đã ở lại phía sau

Phía những ngày không nhau buồn thẳm

Cánh hoa mỏng gợi nhắc miền ký ức

Những nhọc nhằn thời niên thiếu đã vời xa

(Hoa nở trái mùa)

 

Con ước trở về lối cũ thân quen

Hương bồ kết thơm mùi tóc con gái

Mỗi lúc đi xa thoảng mùi hương hoang hoải

Khát đợi chờ âu yếm mẹ vòng tay

(Con ước về lối cũ thân quen)

 

Bích Nhã Kỳ với tác phẩm thơ thứ hai “Yêu nửa trái tim” với nhiều cung bậc cảm xúc, đáng trân trọng. Làm thơ tình, hẳn nhiên tác giả phải là người luôn đắm chìm vào khao khát. Bích Nhã Kỳ đang độ sung mãn, nhưng tâm hồn chị như vừa bước đến “thềm yêu”. Đọc “Yên...một nửa trái tim” của chị hiểu thêm câu nói của đại văn hào Victor Hugo: “Tình yêu khiến người ta trẻ con hơn”.

“Yêu ...một nửa trái tim” là tác phẩm thơ thứ 2 của tác giả Bích Nhã Kỳ; chị đã xuất bản “Mùa yêu”, NXB Hội Nhà văn 2016. Nói như nhà thơ quá cố Lê Đạt, “Con đường dài nhất giữa hai điểm là con đường thơ” thì Bích Nhã Kỳ mới đặt những bước chân đên con đường ấy. Chắc chắn, đó là hành trình chỉ dành riêng cho những người không sợ “chồn chân, mỏi gối”.

 

Hà Nội, ngày 18/9/2022