Biết nhiều, nói thẳng, họa đến thân !

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

16/12/2021 09:05

Theo dõi trên

Tôn Đăng (233-262), tên chữ là Công Hòa người ở đất Cộng, quận Cấp, nước Ngụy thời Tam Quốc bên Tàu. Ông không có họ hàng bà con thân thích, sống một mình ở trong hang núi Bắc Sơn, tự biết phận mình.

chuylq1s-1639620190.jpg
Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục.

Tôn Đăng ham thích đọc KINH DỊCH, gảy đàn một dây. Vê sau, Tôn Đăng chuyển sang ở núi Nghi Dương. Ngụy Văn Đế sai Nguyễn Tịch (210-263) tới thăm. Nguyễn Tịch từng giữ chức “Bộ Binh giáo úy”, nên người đời thường gọi là “Nguyễn Bộ Binh”. Ông là người có đôi mắt khác thường, có thể xanh (để tiếp đãi người hiền), có thể trắng (để xua đuổi kẻ tiểu nhân). Nguyễn Tịch là một trong bảy người hiền theo đạo Lão sống trong rừng trúc (Trúc lâm thất hiền). Nguyễn Tịch đến thăm Tôn Đăng, muốn cùng Tôn Đăng bàn chuyện thế sự. Nhưng Tôn Đăng không muốn trả lời.

Kê Khang (223-263), vốn họ Hề (có sách ghi là Khuê), tên chữ là Thúc Dạ, quê huyện Cối Kê (nay là huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang). Do có sự bức xúc gì đó, ông phải lánh nạn, dời đến huyện Hoa Dương, tỉnh An Huy (Trung Quốc) ngày nay. Ông từng làm quan tới chức “Trung tán Đại phu”, nên thường gọi là “Kê Trung tán”. Nơi Kê Khang đến ở gần núi Kê Sơn, nên ông lấy họ Kê, tự đặt hiệu là Kê Khang. Kê Khang cũng là một trong bảy người hiền theo đạo Lão sống trong rừng trúc (Trúc lâm thất hiền). Ông là một người cốt cách thanh cao, cương trực, nghĩa khí. Ngay khi còn làm quan, Kê Khang thường chê bai vua Thang, vua Vũ, khinh bỉ Văn Vương và cả Khổng Tử nữa. Ông nghệ sĩ bẩm sinh, rất đa tài. Tự học mà thành tài. Đặc biệt là âm nhạc. Tính ông thích tự do ngao du sơn thủy, ngâm vịnh, ngạo nghễ phóng túng. Thơ ông thể hiện khí phách kẻ sĩ cao ngạo: “Mắt tiễn hồng bay / Tay gảy năm dây / Cúi ngửa tự đắc / U huyền thích thay” (Mục tống phi hồng / Thủy huy ngũ huyền / Phủ ngưỡng tự đắc / U tâm thái huyền)…Tư Mã Chiêu (con Tư Mã Ý) âm mưu lật đổ nhà Ngụy đã suy yếu của cha con Tào Tháo, nên ngầm tiêu diệt các thế lực cản bước mình. Kê Khang bị kẻ xấu dèm pha, nên bị Tư Mã Chiêu hãm hại.

Kê Khang giao du với Tôn Đăng 3 năm, nhiều lần hỏi về điều Tôn Đăng đang toan tính thế nào, Tôn Đăng cũng không đáp. Khi chia tay, Tôn Đăng mới thành thực bảo Kê Khang rằng: “Bác tài nhiều nhưng hiểu ít, khó tránh khỏi họa hoạn ở thời nay”. Sau quả nhiên Kê Khang bị Tư Mã Chiêu bắt giết. Trước khi lên đoạn đầu đài, Kê Khang vẫn ung dung gảy khúc QUẢNG LĂNG TÁN”. Đàn xong, ông nói: “Có kẻ muốn học bài này, ta không dạy. Thế là từ đây, không có ai còn đàn bài Quảng Lăng này nữa”. Kê Khang còn làm bài thơ U PHẪN, có câu: “Trước thẹn với Liễu Hạ, sau thẹn với Tôn Đăng” (Tích tàm liễu Hạ, kim quý Tôn Đăng). Nguyễn Du, khi tả tiếng đàn của Vương Thúy Kiều, viết: “Kê Khang này khúc Quảng Lăng / Một rằng lưu thủy, hai rằng hành vân”. Đấy là ca ngợi tiếng đàn của Thúy Kiều, ngọt ngào mềm mại như nước chảy (lưu thủy), như mây bay (hành vân) vậy!

Than ôi! Ở đời, biết nhiều mà ít nói như Tôn Đăng, liệu có mấy ai? Thiên tài, khí phách cứng cỏi như Kê Khang, mấy ai thoát được họa hoạn, kể cả khi đã vứt bỏ chức quan? Thời nào cũng thế cả thôi! Cũng thế cả thôi!

Bạn đang đọc bài viết "Biết nhiều, nói thẳng, họa đến thân !" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn