Bình Dương quyết giữ và nhanh chóng mở rộng ‘vùng xanh’

Đây là quyết tâm được lãnh đạo tỉnh Bình Dương khẳng định tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chiều 20/7.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Ảnh VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các lực lượng chống dịch ở Bình Dương đã qua một thời gian dài chống dịch rất căng thẳng, rất nỗ lực, nhưng với diễn biến dịch bệnh hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương cùng đoàn kết, quyết tâm cao hơn nữa để bắt lại nhịp độ chống dịch đã bỏ lỡ phần nào trong thời gian trước. Đầu tiên là để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân, hoạt động sản xuất, cố gắng không cần nhận thêm sự hỗ trợ, chi viện từ Trung ương, các địa phương khác.

Tăng cường sàng lọc, làm nghiêm giãn cách

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết tính riêng từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021), tỉnh ghi nhận 3.303 ca mắc trong cộng đồng ở 9/9 địa phương trên địa bàn tỉnh (trong đó có 52 công ty trong và ngoài khu công nghiệp với 1.657 ca bệnh) và 8 ca tử vong do COVID-19; đã truy vết được 12.833 F1, 33.723 F2, xét nghiệm 75.286 mẫu (khoảng 163.232 người); phần lớn các ổ dịch xuất hiện trong cộng đồng đã được kiểm soát.

Từ ngày 14/6 đến nay, dịch bệnh đã xuất hiện những ca dương tính tại nhiều công ty đan xen với các khu nhà trọ đông công nhân lưu trú; tập trung chủ yếu ở 46 ổ dịch/chuỗi lây nhiễm với 52 công ty/doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, có nguồn lây từ TPHCM.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, với diễn biến dịch bệnh hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương cùng đoàn kết, quyết tâm cao hơn nữa để bắt lại nhịp độ chống dịch đã bỏ lỡ phần nào trong thời gian trước. Ảnh VGP/Đình Nam

Bình Dương đang tổ chức thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng COVID-19 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kết hợp Realtime-PCR cho 1,8 triệu người dân trên địa tỉnh, trong đó ưu tiên triển khai xét nghiệm nhanh tại các công ty/xí nghiệp và tầm soát bằng phương pháp lấy mẫu gộp cho người dân sinh sống trong các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch COVID-19 trong cộng đồng.

Toàn tỉnh hiện có 12 máy RT-PCR với năng lực xét nghiệm 8.000 mẫu đơn/ngày (tương đương 80.000 mẫu gộp 10/ngày); đang thực hiện xã hội hóa xét nghiệm với Công ty Việt Á để nâng cao năng lực lên trên 100.000-300.000 mẫu gộp/ngày. Tỉnh đã thành lập 600 đội lấy mẫu cơ động với công suất tối đa 176.000 mẫu/ngày; lập Tổ điều phối điều tra truy vết, khoanh vùng, quy trình lấy mẫu xét nghiệm nhanh phòng, chống dịch COVID-19; đảm bảo thực hiện xét nghiệm hết số mẫu và trả kết quả trong 24 giờ.

Tỉnh quyết tâm chốt chặt, giữ vững và từng bước mở rộng những “vùng xanh” an toàn; tổ chức điều hành lấy mẫu, tăng công suất xét nghiệm… để sớm phát hiện, “bóc” ngay F0 ra khỏi cộng đồng. Qua đó, các lực lượng từng bước dồn dịch vào các điểm nhỏ để tập trung khoanh vùng, dập dịch, làm sạch địa bàn, đưa “vùng đỏ” thành “vùng da cam,” xuống “vùng vàng” và nhanh về “vùng xanh” trên bản đồ COVID-19.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thăm, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Công ty Yazaki (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) vừa khôi phục sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”. Ảnh VGP/Đình Nam
Tại cuộc họp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt những câu hỏi rất chi tiết đối với lãnh đạo 4 huyện tương đối an toàn của Bình Dương là Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và điểm nóng thành phố Dĩ An về công tác phòng chống dịch. Đặc biệt là kế hoạch triển khai xét nghiệm tầm soát, sàng lọc diện rộng, chi tiết từng ngày, đảm bảo người lấy mẫu, thực hiện đúng các quy định, bảo đảm chất lượng mẫu, chống lây nhiễm, nhằm mục tiêu lập vùng xanh vững chắc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của Bình Dương là mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ” bằng các biện pháp đồng bộ từ xét nghiệm, truy vết, sàng lọc định kỳ nhiều lần.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thăm, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đặt tại BV chuyên khoa Tâm thần Bình Dương. Ảnh VGP/Đình Nam
Đối với cách ly, điều trị, Bộ Y tế đã có những hướng dẫn về cách ly F1 tại nhà, giảm thời gian điều trị F0 nhưng nhất thiết phải tổ chức đường dây nóng để hỗ trợ cho các trường hợp này. Những khu đông dân cư ở “vùng đỏ”, tỉnh cần có kế hoạch giãn, giảm mật độ cư trú để giảm thiểu tình trạng lây nhiễm chéo.

Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết những ngày qua Bình Dương ghi nhận số ca mắc ngày càng tăng, ổ dịch ngoài cộng đồng rất nhiều qua các ca chỉ điểm tại bệnh viện, vì vậy, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg rất quan trọng, để ngăn chặn chuỗi lây nhiễm cũng như nhanh chóng “bóc” F0 ra khỏi cộng đồng.

Bình Dương cần thiết lập thêm các chốt kiểm soát giáp ranh giữa các địa phương trong tỉnh, phát huy vai trò Tổ COVID-19 cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà để phát hiện những trường hợp có triệu chứng, nguy cơ; vận hành hệ thống tổng đài thăm hỏi sức khoẻ tự động, tư vấn cho những F1 đang cách ly tại nhà cũng như phát hiện người có triệu chứng nghi nhiễm để xét nghiệm ngay tại nhà.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thăm, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đặt tại Trung tâm Hội nghị triển lãm Bình Dương. Ảnh VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình với chiến lược, bước đi của Bình Dương với tinh thần hình thành vùng xanh vững chắc cùng với tỉnh Bình Phước lập vành đai an toàn, hỗ trợ cho các địa phương phía Nam và TPHCM. Bình Dương cần dành nguồn lực để xét nghiệm, truy vết đến cùng, nâng cao năng lực chuyên môn đội ngũ lấy mẫu, xét nghiệm để chi viện cho các huyện, thành phố phía nam tỉnh.

Đối với những vùng đỏ đậm đặc, các lực lượng phải “quét đi, quét lại” nhiều lần bằng xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR, căn cứ vào kết quả xét nghiệm có kế hoạch phân loại, đưa người bệnh vào các cơ sở điều trị phù hợp tuỳ vào tình trạng bệnh tật và khoảng cách di chuyển.

Chuẩn bị đầy đủ, không để “thủng” hệ thống điều trị

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương dự báo trong 2 tuần tới sẽ phát hiện thêm nhiều ca mắc COVID-19 mới, tổng số ca bệnh có thể lên đến khoảng 10.000 người. Vì vậy tỉnh sẽ mở rộng các khu cách ly tập trung lên 50.000 người, sau đó là 100.000 người, tăng số giường điều trị từ 4.000 lên 10.000.

Các huyện, thị, thành phố chủ động điều trị, cách ly các trường hợp F0, F1 trong phạm vi địa phương, không chuyển các trường hợp này đến địa phương khác.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm một cơ sở sản xuất oxy tại Khu công nghiệp VSIP2. Ảnh VGP/Đình Nam
Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa nhận xét hệ thống điều trị COVID-19 của Bình Dương đã được xây dựng theo mô hình điều trị 3 cấp: F0 không có triệu chứng; có triệu chứng nhẹ; triệu chứng nặng. Tuy nhiên, tỉnh đang thiếu rất nhiều trang thiết bị điều trị cho bệnh nhân nặng cũng như bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành hồi sức tích cực. Vấn đề quan trọng không kém là điều phối hệ thống chuyển tuyến thống nhất để bảo đảm hiệu quả trong điều trị. Các bệnh viện phải tăng cường sàng lọc các trường hợp có triệu chứng, có khu vực riêng, không để “thủng” hệ thống điều trị.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn lưu ý bên cạnh những yêu cầu về trang thiết bị, Bình Dương phải có kế hoạch tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh Bình Dương tính toán tiếp tục tăng số giường điều trị, nhân lực để chuẩn bị cho tình huống xấu hơn cũng như sẵn sàng hỗ trợ, chi viện phần nào cho TPHCM khi cần thiết. Bộ Y tế căn cứ trên nhu cầu đề nghị của Bình Dương để điều phối nhân lực, vật lực hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Phó Thủ tướng lưu ý, trong những cơ sở thu dung, quản lý F0 không có triệu chứng thì cần tạo điều kiện cho bà con sinh hoạt, vận động, thư giãn, bớt bức bách về tinh thần.

Sau khi khảo sát một số cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh Bình Dương chỉ đạo thiết lập ngay hệ thống oxy tập trung trong thời gian ngắn nhất, tổ chức mạng lưới xe vận chuyển đưa bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng lên các tuyến trên nhằm giảm số bệnh nhân nặng, hạn chế tối đa tử vong.

“Các đồng chí cần khảo sát điều kiện, cơ sở vật chất của các bệnh viện điều trị COVID-19 để thiết lập hệ thống oxy tập trung có quy mô phù hợp, không dàn đều. Sau đó dựa trên kết quả xét nghiệm, sức khoẻ của người nhiễm, nếu có dấu hiệu nặng thì đưa ngay đến những bệnh viện có hệ thống oxy trung tâm”, Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Bình Dương không được để tình trạng do các quy định về định mức kỹ thuật trong điều kiện thông thường mà thiếu vật tư, trang thiết bị điều trị cho các bệnh viện (không phân biệt hạng nào, đã tự chủ hay chưa), cũng như đồ bảo hộ để giữ an toàn tối đa cho lực lượng y, bác sĩ điều trị tuyến đầu, các kíp xe vận chuyển bệnh nhân.

Quan tâm hơn nữa đến người nghèo

Phó Thủ tướng lưu ý Bình Dương cần tiếp tục quan tâm tới những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những khu, cụm dân cư tập trung rất đông người nghèo, không có tích luỹ…, huy động các tổ chức, đoàn thể, cá nhân chung tay đùm bọc, giúp đỡ.

Về khôi phục hoạt động sản xuất, đến ngày 19/7, Bình Dương có 1.100 doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”, với gần 170.000 lao động đăng lý làm việc. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh nhanh chóng xác định những khu trọ an toàn, nhà máy an toàn. Muốn vậy, tỉnh cần sắp xếp lại theo hướng mỗi khu nhà trọ, sau khi đã làm sạch, là một ký túc xá cho một doanh nghiệp hay cụm DN gần nhau.

Đồng thời, các DN phải thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng, chống dịch, lập danh sách công nhân làm việc (có địa chỉ, số điện thoại), thực hiện khai báo y tế điện tử, quản lý di chuyển của công nhân từ nơi ở đến nơi làm việc, hạn chế tiếp xúc…

Trong triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong khi vaccine còn rất khan hiếm, chúng ta cần ưu tiên cho những lực lượng tuyến đầu chống dịch, người già, có bệnh nền, người tham gia hệ thống vận tải, phân phối hàng hoá; công nhân sản xuất và cần công khai, minh bạch, tuyên truyền, vận động người dân hiểu, đồng tình tham gia, ủng hộ. Tổ chức tiêm phải an toàn, bảo đảm các quy định phòng, chống dịch bệnh, không để tập trung đông người, lây nhiễm chéo.

* Trước đó, sáng 20/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thăm, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Công ty Yazaki (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) vừa khôi phục sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”; Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đặt tại BV chuyên khoa Tâm thần Bình Dương; Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đặt tại Trung tâm Hội nghị triển lãm Bình Dương; một cơ sở sản xuất oxy tại Khu công nghiệp VSIP2.