Binh nhì – Kỹ sư

CCB Nguyễn Vinh Hùng

26/12/2021 09:18

Theo dõi trên

Năm 1980, vừa tốt nghiệp đại học, nó phải đi thi hành nghĩa vụ quân sự. Đã hơn 40 năm trôi qua, nhắc lại một số kỷ niệm trong đời quân ngũ, cũng là việc mà những người mới về hưu như nó thường làm. Thế là, nó kể. Kể đến đâu, tôi ghi đến đó. Nhưng tôi bảo: Viết văn thế nào cũng có chút hư cấu đấy nhé. Nó bảo: cũng được, nhưng ít thôi.

binh-nhi-ky-su-1640485058.jpg
Ảnh minh họa

 

Nhập ngũ

Đầu tháng 12 năm 1980, mặc dù đã thi tốt nghiệp, nhưng thầy chủ nhiệm vẫn thông báo họp lớp. Có ba nội dung: Một là, kỳ thi tốt nghiệp diễn ra thắng lợi, lớp ta tốt nghiệp 100% (đúng thôi, nội dung ôn thi có ngần đó, học cả tháng trời, sao mà không tốt nghiệp). Hai là, thông báo triệu tập sinh viên tốt nghiệp tham gia lớp sỹ quan dự bị, danh sách gồm hầu hết sinh viên nam là học sinh phổ thông và ba là, lớp ta vô cùng vinh dự có một người trúng tuyển nghĩa vụ quân sự đợt này.

7 giờ sáng 18/12/1980, tập trung trước hội trường A. Số được gọi khoảng chục thằng, vì nó ở ngoại trú nên không nhớ rõ tên, chỉ biết, khoa đông nhất là 3 thằng, các khoa khác, mỗi khoa 2 thằng, riêng khoa nó, chỉ có 1 (lúc đầu, hình như cũng là hai, nó và anh Kha, giáo viên mới; nhưng sau, chỉ mình nó được xét. Hôm nọ, tình cờ gặp anh Kha ở cổng B, bà tổ chức cứ khen mãi: Con gà, mua ở đâu mà béo thế ?).

Thủ tục giao nhận quân, cũng bình thường như mọi nơi: Cầm danh sách, cán bộ đọc, đến tên ai, người đó hô to: “Có” và bước lên xe. Cái lạ là, cả khóa, có gần ngàn sinh viên tốt nghiệp, ấy thế mà rất ít người đưa tiễn (sau này, mới tạm chấp nhận lời giải thích rằng: đa số các bạn nam đã tập trung học sỹ quan dự bị; một số thì đang tất bật tham gia phong trào “chạy chỗ phân công công tác”). May, vài thằng có người yêu ra tiễn; nếu không người ta sẽ tưởng khóa này lại có nhóm đi lao động ở Vĩnh Phú như hồi đổi tiền.

11 giờ, xe khởi hành, chạy về phía Sơn Tây, thật tình đến bây giờ, nó không nhớ trưa đó ăn gì. Khoảng 2 giờ chiều, tập kết ở Đường Lâm - Sơn Tây, ngay cạnh Chùa Mía. Hình như, cũng vì thế mà có tên là “Lính Mía”. Chưa phân theo đơn vị nhỏ, chỉ biết đại khái là tiểu đoàn 826, trung đoàn 354, thuộc quân khu Thủ đô. Nghe tên trung đoàn, nhiều người, không biết vô tình hay cố ý đọc trại thành “ba năm tù”. Nó bật cười mà nghĩ: Hình như đúng thật. Hồi đó, nghĩa vụ quân sự là 3 năm.

Hôm đó đúng tiết tiểu hàn, trời lạnh lắm. Nghĩ rằng đi bội đội là được trang bị đầy đủ, chả thằng nào mang áo rét. Chúng nó nằm ôm nhau, co quắp, đến khoảng 4 giờ chiều mới được phát quân trang và phân theo đơn vị nhỏ. Mỗi tiểu đội có 12 thằng (4 tổ tam tam). Mười hai cái vạt gường, mỗi bên 6 cái, xếp liền nhau, ở giữa có lối đi. Tổ nó có 3 thằng: Nó và thằng Hưng, dân Kinh tế; thằng Dư, du học sinh Bulgary mới về.

Hành quân dã ngoại

Huấn luyện quân sự thì chẳng có gì mới, cũng mấy bài cơ bản, lăn, lê, bò, toài, tháo lắp súng, các động tác phối hợp... những thứ này đã được học ở trường; tuy nhiên, dịp này, được học kỹ hơn, cả về lý thuyết và thực hành, từ tính năng tác dụng, cấu tạo của súng, đạn, các quy tắc tháo, lắp súng...nên, chúng nó tiếp thu khá nhanh. Chả mấy chốc đã đến ngày hành quân dã ngoại, bắn đạn thật.

Địa điểm bắn đạn thật là trường bắn Bất Bạt, cách đơn vị khoảng 30km. Tất nhiên, chúng nó không chỉ hành quân bộ mà còn phải mang ba lô, nặng tương đương số quân trang quân dụng cá nhân, khoảng 35 hay 37 cân gì đó, nó không nhớ rõ.

Dù là báo động hành quân, nhưng vì quá đông, nên không cần theo hàng lối, mỗi đơn vị chủ động điều hành.

Khoảng 5 cây số đầu, chúng chuyện trò khá rôm rả. Từ chuyện sinh hoạt ở trường, đặc sản quê hương, rồi đến chuyện yêu đương. Càng về sau tiếng chuyện trò bớt hẳn, chúng nó đã có vẻ thấp mệt. Chỉ vào một gốc cây to, thằng Dư bảo: Vào kia, nghỉ.

Nhìn thằng Hưng từ đầu đến chân, Dư lắc đầu: Cái thằng..., còi như con mắm, ba lô thì bằng mả bố thằng ăn mày, đi thế đéo nào được; đưa một ít sang đây, tao mới ở “Bun” về, còn khỏe. Bình thường, thằng Dư ngổ ngáo. Thế mà...

Vài phút nghỉ chỉ đủ để nó hào hứng thêm khoảng 2 cây số nữa. Tiếng trò chuyện lại dần lắng xuống. Được một đoạn, thằng Dư bảo: Hát lên cho dễ đi. Thằng Hưng hát: “trời vào thu... Việt Nam buồn lắm em ơi... mây tím đang dâng cao vời”. Thằng Dư quát: Hát thế để nằm luôn hả.

Tự nhiên, nhớ đến hồi năm 1975, được theo anh nó đi phục vụ duyệt binh ở sân bay Hòa Lạc. Để giữ nhịp đi người ta yêu cầu bộ đội vừa đi vừa hát bài “Tiến bước dưới quân kỳ”. Thế là nó bắt nhịp, cả 3 thằng cùng hát: “Vừng đông đã hửng sáng..., núi non cao ngàn trùng xa..., tổ quốc bao la hiền hòa...”

Phải công nhận bài hát có tác dụng, chúng đi nhanh hơn, đều hơn và quan trọng là... đỡ mệt hơn.

Bỗng, thằng Dư đưa tay ra hiệu im! để nghe nhóm đi trước. Họ cũng hát; nhưng là bài gì nghe là lạ: “Một chiều đại hàn... hành quân lên Bất Bạt... Đi hơn hai mươi cây... bắn được ba phát súng...”

Nhóm đằng sau nữa kìa, họ cũng hát: “Ngày xưa... cha mẹ nói... mày có nghe đâu con... bây giờ mới biết thân... bo bo ăn độn với mì... mà tiền lương tháng có sáu tỳ...”

Họ còn hát nhiều bài nữa, nhưng nó bảo: Không nhớ, để khi nào gặp anh em “Lính Mía” sẽ hỏi lại. Nhất là ông Trạch Văn Đoành; chả biết Trạch ngắn hay Trạch dài, chỉ biết chúng hát hay và đàn giỏi lắm. Hình như cũng nhờ hai ông này mà từ đó, tối nào đơn vị cũng đàn và hát rất sôi nổi, những bài đại loại như thế. Khi đưa bài này lên Face, thể nào chả có người bổ sung; không Lính Mía thì lính 381.

Lên tới nơi, chúng phải chia nhau, tự nấu cơm, ăn uống xong thì tối hẳn. Cũng chưa muộn lắm, nhưng hôm đó đúng tiết đại hàn nên trời mau tối. Không biết có ai được ngủ ở nhà dân ? chúng nó thì trải chiếu, nằm ở sân kho hợp tác xã.

Nghe đã nhiều, nhưng phải đến tận hôm nay nó mới biết thế nào là rét ngọt: trời không mưa, chỉ hơi âm ẩm, gió không lớn, chỉ thoảng từng cơn.Vậy mà sao nó rét đến kinh khủng. Người ta bảo rét thấu xương ? chưa đủ; bằng chứng là, mỗi khi có cơn gió, cái rét lại khoan sâu thêm để vào đến tận tủy. Rét, cóng cả chân tay.

Phải cương quyết lắm thằng Hưng mới chịu nằm giữa. Nó bảo: Ngộp. Thằng Dư bảo: Ngộp vẫn hơn chết cóng, tụi tao còn chịu được. Gầy như mày, chết thật chứ chả đùa. Chúng nó phải nằm theo kiểu “úp thìa” mới đủ mỗi thằng được 2 lớp chăn. Cái chăn chiên bộ đội, hôm nay sao nó mỏng thế.

(Còn nữa...)

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Binh nhì – Kỹ sư" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn