Bình Thuận: Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm

Ngày 15/5, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Văn bản khẩn Số: 1788 /UBND-KGVXNV gửi các ngành, các cấp về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm..

Văn bản trên được ban hành sau khi xảy ra sự việc có 51 khách du lịch, thuộc đoàn khách du lịch do công ty Viettravel tổ chức đi tham quan tại phường Hàm Tiến và Mũi Né (Phan Thiết) bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.

Qua xác minh của cơ quan chức năng, sau bữa cơm tối ngày 12/5 tại nhà hàng Hồng Vinh, những người có dấu hiệu bị ngộ độc đã tiếp tục xuống bãi biển gọi thêm tôm nướng, và một số thực phẩm khác được bán rong tại đây để nhậu. Sáng ngày 13/5, những khách du lịch trên có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm nên được đưa vào các cơ sở y tế để điều trị.

Chiều 13/5 có 35 ca đã được xuất viện, và 16 ca xuất viện sáng hôm sau. Tất cả các ca nghi ngờ bị ngộ độc đều ở tình trạng nhẹ, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Sau khi vụ khách nghi bị ngộ độc thực phẩm xảy ra, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã tiến hành xét nghiệm các mẫu thực phẩm (mẫu lưu) mà đoàn khách du lịch (750 người) đã dùng bữa tối tại nhà hàng Hồng Vinh. Qua kết quả thử nghiệm của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Bình Thuận không phát hiện nhóm vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm như: Escherichia coli hay Salmonella trong các mẫu lưu.

z5445798571700-c2231c21c3525311bf3104d7a91225b1-1715835257.jpg
Kết quả test mẫu thực phẩm không có vi khuẩn gây ngộ độc

Từ kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm tại nhà hàng Hồng Vinh cho thấy, số khách du lịch bị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy là do đi ăn hàng rong bán trên bãi biển. Vì gần 700 khách còn lại không đi ăn ở ngoài thì không bị gì.

Để ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, cũng như tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), đảm bảo an toàn cho người dân và du khách đến với Bình Thuận, đặc biệt là kỳ nghỉ hè sắp đến, đây cũng là mùa du lịch của tỉnh Bình Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung như:

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, tích cực phối hợp liên ngành để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Chỉ đạo các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, các nhà hàng phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác bảo đảm VSATTP. Chú ý quán triệt, nâng cao nhận thức, kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người lao động và thực hiện nghiêm túc các quy định cũng như khuyến cáo của ngành Y tế trong hoạt động sản xuất, chế biến thức ăn, thức uống phục vụ khách du lịch.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố - Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ mất an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm theo phân cấp quản lý, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại các khu du lịch, lễ hội, bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố… khuyến cáo người dân cần chọn lựa thực phẩm an toàn, bảo quản thực phẩm đúng cách, giữ vệ sinh trong khi chế biến và ăn uống hợp vệ sinh bằng nguyên tắc ăn chín uống chín.

z5428097002142-713dae71f5f6214d7e2a68dd8e544ab9-1715835343.jpg
Thực phẩm được bày biện đẹp mắt, sạch sẽ của Khách sạn Tiffany Phan Thiết

Nói về những trường hợp đau bụng, đầy hơi mà dân gian hay gọi là “chột bụng” sau khi ăn hải sản, một chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực cho biết: Nguy cơ gây ngộ độc do hải sản là do chế biến không kỹ, hải sản chưa được nấu chín hoặc nguyên liệu, thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Còn một nguyên nhân nữa mà phần lớn chúng ta hay bỏ qua, hoặc không biết đó là:

Ăn quá nhiều hải sản cũng không tốt. Do hải sản là thực phẩm giàu protein nên khi ăn quá nhiều có thể gây khó tiêu, đầy hơi và dẫn đến tiêu chảy. Đặc biệt là ăn hải sản kết hợp với các món ăn hoặc đồ uống có hàm lượng Vitamin C cao dễ dẫn tới ngộ độc nặng, thậm chí là tử vong vì cả hai kết hợp với nhau có thể tạo ra chất asen trioxide, một chất độc có thể gây ngộ độc cấp và rất nguy hiểm.

Mùa du lịch đang đến, để đảm bảo an toàn sức khỏe và tránh nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng thì chính khách du lịch cũng cần trang bị những kiến thức cơ bản cho mình.

z5428097007787-5437dbc1e68793fc1f53ca45c766a5a7-1715835495.jpg
Một chuyến du lịch, nghỉ dưỡng ấm áp và an toàn luôn bắt đầu bằng sự lựa chọn điểm dừng chân. Đây là một bữa ăn điểm tâm cho khách du lịch của Tiffany Hotel (Phan Thiết)

Lựa chọn địa điểm hợp vệ sinh, lựa chọn món ăn phù hợp với cơ địa mỗi người cũng là cách ngăn ngừa những nguy cơ tiềm ẩn gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.