Bình thường mới

Phạm Văn Tình

20/11/2021 09:23

Theo dõi trên

Trên báo chí gần đây nói nhiều đến từ “bình thường mới”. Nó xuất hiện dày đặc đến mức làm cho nhiều người cảm thấy “không bình thường”. Và quả thực, xét về mặt ngữ nghĩa thì từ này đang không bình thường thật.

binh-thuong-moi-1637335363.jpg
Ảnh mang tính chất minh hoạ. Nguồn internet

 

“Bình thường” là một từ quen thuộc trong tiếng Việt. Đây là từ Hán Việt hai thành tố: 1) bình: bằng phẳng, yên ổn và 2) thường: thường. “Bình thường” có nghĩa “không có gì khác biệt, không có gì đặc biệt” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

“Ngày làm việc bình thường” tức là ngày đó không có gì khác với những ngày vẫn làm việc trước đó. “Anh đừng lo, em vẫn bình thường mà!” có hàm ý “Cuộc sống của “em” vẫn thế, không có gì đặc biệt (nên anh cứ yên tâm)”. Nhưng gần đây, ta thấy từ này có thêm một định ngữ “mới”, thành “bình thường mới”. Ngôn ngữ phản ánh cuộc sống. Như vậy là thực tế cuộc sống của chúng ta “đang có vấn đề”.

Ngày 19-5-2021, phát biểu (trực tuyến) tại khoá họp thứ 73 Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, Việt Nam đã bước sang “trạng thái bình thường mới”.

“Trạng thái bình thường mới” (The new normal state) là một thuật ngữ được sử dụng trong kinh doanh khi nói đến tình hình kinh tế thế giới sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Dùng thuật ngữ trên, các nhà kinh tế và hoạch định chính sách kinh tế muốn nói một điều: Nền kinh tế công nghiệp sẽ trở lại trạng thái mới, với sự khác biệt, sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa xảy ra.

Thế rồi từ đó, cụm từ “trạng thái bình thường mới” cũng được sử dụng rộng rãi để nói đến “một điều bất thường nhưng lại trở nên bình thường sau đó”. Đó chính là thực trạng mà nhiều nước (trong đó có nước ta) phải tìm cách thích nghi để duy trì cuộc sống trở lại bình thường (trong đại dịch covid-19). Những thích ứng đó là:

Thứ nhất, bình thường khi thực hiện mọi công việc, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh, tính hiệu quả là vấn đề hàng đầu.

Nhưng bây giờ, trước tình hình dịch bệnh covid, hiệu quả phải đi với an toàn. An toàn chính là cái mới, là điều kiện tiên quyết cho mọi hoạt động xã hội nói chung. Không để cho các hoạt động kinh tế xã hội bị “đứt gãy”, ngừng trệ, nhưng vấn đề y tế, đảm bảo sức khoẻ người dân phải ưu tiên hàng đầu.

Thứ hai, dịch bệnh là câu chuyện của toàn thế giới, không ai đoán trước được. Nó thay đổi, tác động nhanh, quy mô lớn, không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ, người giàu hay người nghèo. Trước đại dịch, rủi ro là như nhau, không quốc gia, nền kinh tế nào hay cá nhân nào đó được “miễn nhiễm”. Vì vậy, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác.

Thứ ba, “bình thường mới” đòi hỏi con người, xã hội và từng doanh nghiệp phải rất năng động, linh hoạt, khả năng chống chịu và thích ứng. Những yếu tố đó kết hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên cách thức tổ chức sản xuất thay đổi, cấu trúc sản xuất thay đổi, cách thức tiêu dùng, cách thức sống, lối sống cũng thay đổi. Việc ứng dụng các tiện ích số hoá, mọi hoạt động được thực hiện qua mạng trực tuyến (online) nhiều hơn, thậm chí bắt buộc.

Thứ tư, “bình thường mới” đòi hỏi con người phải định hình đặc trưng cơ bản, đối mặt và chấp nhận nhiều rủi ro do sự cố bất thường đem lại: dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu… Đây là hệ quả và cũng là đặc điểm của cái gọi là “bình thường mới”.

Việt Nam chúng ta đang áp dụng “nguyên tắc 5K” triệt để. Việc phân loại các trường hợp liên quan tới covid-19 (thành F0, F1, F2,…) để “khoanh vùng dịch bệnh” là cần thiết. Toàn dân phải tuyệt đối chấp hành các quy định về đi lại, sinh hoạt và thay đổi nhiều thói quen trong cuộc sống. Rõ ràng, đó là một yêu cầu bắt buộc mà trước đây chưa hề có. Những điều bất bình thường hôm nay là cần thiết cho cuộc sống thích ứng với “trạng thái bình thường mới”.

 

Bạn đang đọc bài viết "Bình thường mới" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn