Bố mẹ tôi đã quen nhau và cưới nhau như thế

Đặng Vương Hưng

03/05/2023 12:01

Theo dõi trên

Mẹ tôi là cụ bà Vương Thị Thuyết, sinh 1930, năm nay đã ngoài 90, nhưng ơn Giời - Phật, trí nhớ của cụ còn rất tốt. Nhớ lại thời kháng chiến chống Pháp, mẹ kể: Năm 1947 khi quân Pháp tấn công lên Đáp Cầu, gia đình ông ngoại tôi - Cụ Vương Văn Nghệ, đã tản cư từ Mật Ninh (Việt Yên - Bắc Giang ngày nay) lên vùng Yên Thế.

Từ một gia đình địa chủ giàu có nhất nhì vùng Bắc Ninh, ông ngoại tôi đã dùng cả tài sản để mua súng, trang bị vũ khí cho Tiểu đoàn Á Lữ của ông Biền Sơn, nuôi cả Tiểu đoàn này gần năm trời đến khánh kiệt tài sản. Khi gia đình chuyển lên Yên Thế, ông ngoại tôi đã phải đi gánh thuê để có gạo ăn...

Bố tôi là cụ Đặng Chấn (1920 - 2003) một Lão thành Cách mạng, từng tham gia du kích Bắc Sơn từ 1939, được kết nạp Đảng từ 1944 và là một trong 4 Đảng viên Cộng sản Đông Dương đầu tiên của vùng Yên Thế - Bắc Giang. Sau Cách mạng tháng 8, bố tôi từng làm Chủ tịch lâm thời một huyện ở Hải Ninh. (Hiện nay, Đảng bộ và chính quyền địa phương huyện Tân Yên - Bắc Giang, đã dựng bia tưởng niệm đầu làng tôi, có khắc tên cha tôi là một trong 4 Đảng viên đầu tiên của vùng Yên Thế cũ).

b1vh1q-1683089929.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

Bố mẹ tôi quen biết và yêu nhau từ năm 1948. Ông ngoại tôi đồng ý gả mẹ cho bố. Do quen biết nhiều và có uy tín nhất định, nên bố tôi giới thiệu mẹ tôi và bà Phạm Thị Lan đi làm công nhân ở Nhà máy Giấy Lê Hồng Phong, với danh nghĩa là "em gái". Nhưng người Phó giám đốc ở Nhà máy Giấy này đã đem lòng yêu mẹ tôi... Được tin, ông ngoại tôi phải viết thư, bắt con gái trở về Yên Thế. Và bố mẹ tôi đã cưới nhau năm 1950. Năm đó, mẹ tôi 21 tuổi.

Hồi ấy, quê tôi là một phần của Thủ đô Kháng chiến chống Pháp của Chiến khu Việt Bắc, mà thơ Tố Hữu đã nhắc đến: "Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế...". Vùng đất này, chính là nơi Bác Hồ đã viết "6 lời dạy Công an nhân dân". Cũng là nơi có di tích "Đồi Văn hóa kháng chiến" nổi tiếng trong lịch sử của giới Văn học Nghệ thuật. Nơi nhiều văn nghệ sĩ trí thức nổi tiếng Việt Nam từng sống và làm việc.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), các cơ quan văn hóa, văn nghệ cũng như nhiều đoàn thể được lệnh tản cư vào vùng núi. Ấp Cầu Đen (nay là thôn Sậu, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) là một trong những địa điểm đón các văn nghệ sĩ. Tại đây, nhiều tác phẩm bất hủ phục vụ kháng chiến đã ra đời, trở thành di tích lịch sử mang tên “Đồi Văn hóa kháng chiến”. Đầu năm 1947, nhà văn Nguyên Hồng và nhà văn Kim Lân đưa gia đình lên ấp Cầu Đen. Các họa sĩ Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình, cả nhà Ngô Tất Tố cũng lên ở đó. Thời gian sau, lần lượt ấp Cầu Đen còn có sự hiện diện của những gương mặt nổi tiếng khác như: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Tú Mỡ, Vân Đài, Anh Thơ, cùng với đó còn có nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhà viết kịch Đình Bảng…

Tính ra có lúc đội ngũ văn nghệ sĩ tản cư lên tới 50 người. Tất cả đều phải tự khai phá đất đai dưới chân đồi, gieo cấy, trồng rau, chăn nuôi tự lo miếng ăn. Họ đã cải tạo Đồi Cháy thành Đồi Văn Hóa. Bởi ngoài những ngôi nhà, sân vườn được mọc lên, Đồi Cháy lúc nào cùng rộn ràng lời ca tiếng hát. Những đêm đọc thơ, đàm đạo văn chương, trưng bày bích họa... hoạt động sôi nổi, cho tới ngày kháng chiến chống Pháp thành công.

Hoà bình lập lại ở miền Bắc, các văn nghệ sị đều trở về Hà Nội. Riêng gia đình nhà văn Nguyên Hồng vẫn ở lại ấp Cầu Đen, để viết bộ tiểu thuyết "Núi rừng Yên Thế" cho tới năm ông mất (1982).

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế và văn hoá địa phương, tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu di tích Đồi văn hóa kháng chiến xã Quang Tiến, huyện Tân Yên (tỷ lệ 1/500). Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, được giới hạn như sau: Phía Bắc giáp Trường THCS Nguyên Hồng; phía Nam giáp ruộng canh tác; phía Đông giáp ruộng canh tác và đồi cây; phía Tây giáp ruộng canh tác và dân cư hiện trạng. Quy mô nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 9,6 ha và dự kiến có thể đón vài trăm lượt khách du lịch mỗi ngày.

Được biệt, về tính chất Khu di tích, đây là nơi giao lưu, tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa, sáng tác văn nghệ, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng. Đồng thời, thực hiện mục tiêu bảo vệ, xây dựng, phát huy giá trị di tích lịch sử Đồi Văn hóa kháng chiến, khu mộ và nhà ở của cố nhà văn Nguyên Hồng. Hi vọng trong tương lai gần, sẽ làm sống lại các giá trị của di tích, góp phần giáo dục, truyền bá trong và ngoài nước về truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc...

Hà Nội, 03/5/2023

Đ.V.H

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Bố mẹ tôi đã quen nhau và cưới nhau như thế" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn