Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch họp báo thường kỳ Quý III năm 2023

Chiều nay 9/10/2023 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Họp báo thường kỳ Quý III năm 2023. Chủ trì Họp báo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt và đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng của Bộ VHTTDL.

Giải đáp nhiều vấn đề “nóng” về văn hoá, thể thao và du lịch

Tại họp báo, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Chánh Văn phòng Bộ đã báo cáo những kết quả đạt của Ngành trong quý III. Theo đó, được sự quan tâm và chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của toàn Ngành, Ngành VHTTDL đã bám sát và triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, các Nghị quyết tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ; tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

1-1696859341.jpg

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ VHTTDL Nguyễn Danh Hoàng Việt chủ trì họp báo

Bộ VHTTDL đã chủ động xây dựng Kế hoạch, phối hợp “từ sớm”, “từ xa” với các địa phương trong công tác quản lý nhà nước, tổ chức các sự kiện lớn của Ngành theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm, có điểm nhấn và tạo sức lan tỏa lớn, kiên định mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa cơ sở thông qua hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, thể thao và du lịch diễn ra sôi động trong cả nước, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của văn hóa, từ đó quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư có hiệu quả hơn để phát triển văn hóa, đây chính là động lực quan trọng để toàn Ngành không ngừng nỗ lực hơn nữa.

Về công tác xây dựng thể chế: Công tác xây dựng thể chế được coi trọng, Bộ đã chủ động triển khai nghiên cứu xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Xây dựng Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; tham mưu Chính phủ ban hành 03 Nghị định, 01 Nghị quyết. Ban hành theo thẩm quyền 10 Thông tư. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định Chương trình Tổng thể quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2023-2025… Đến hết năm 2023, Bộ sẽ hoàn thiện, trình Chính phủ 11 Nghị định (trong đó có 05 Nghị định quy định chi tiết các Luật) và ban hành theo thẩm quyền 5 Thông tư.

Trong lĩnh vực Văn hóa, gia đình: Tại Kỳ họp lần thứ 45 của Uỷ ban Di sản Thế giới UNESCO đã thông qua hồ sơ đề cử, công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng 05 di tích quốc gia đặc biệt đợt 13; công nhận bảo vật quốc gia đợt 11, năm 2022 cho 27 hiện vật và nhóm hiện vật. Quyết định xếp hạng 19 di tích quốc gia; công bố 55 di sản văn hóa phi vật thể đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

3-1696859589.jpg

Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL

Bộ VHTTDL đã tổ chức, phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn: Hội nghị Cán bộ văn hóa toàn quốc; Ngày hội VHTTDL các dân tộc miền Trung lần thứ IV tại tỉnh Bình Định; Liên hoan cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách về chủ quyền biển đảo Việt Nam - Chủ đề "Việt Nam - Đất nước bên bờ sóng" tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Chương trình chiếu phim Điểm hẹn điện ảnh Pháp; chương trình FLY2023; các cuộc thi nghệ thuật; các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 năm 2023; hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6; các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945 - 28/8/2023) và hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023)….

Các hoạt động văn hóa đối ngoại tiếp tục được quan tâm, triển khai hiệu quả: Chương trình văn hóa, nghệ thuật tại Áo, Italia phục vụ chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Italia; Các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ tới Hoa Kỳ, Brazil; Tuần Văn hóa Việt Nam tại Iran nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Indonesia và Iran… Các chương trình được đầu tư công phu với nhiều điểm mới, sáng tạo góp phần quảng bá những giá trị đặc sắc về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao.

Trong lĩnh vực thể dục, thể thao: Bộ và ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và "Chương trình xây dựng nông thôn mới"; Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2023 của ngành VHTTDL và triển khai các nội dung, nhiệm vụ về phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại trẻ em giai đoạn 2021-2030. Phối hợp tổ chức Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 tại Đà Nẵng. Tập trung chuẩn bị lực lượng tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ 4 tại Trung Quốc. Đội tuyển thể thao người khuyết tật tham dự giải vô địch Cử tạ người khuyết tật thế giới tại UAE, kết quả VĐV Lê Văn Công giành HCV hạng cân 49kg, VĐV Đặng Thị Linh Phượng đạt 01 HCB và 01 HCĐ.

Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự và thi đấu tại ASIAD 19 với thành tích 03 HCV, 05 HCB, 19HCĐ. Phối hợp với các địa phương, liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia tổ chức 69 giải thể thao quốc gia và quốc tế tổ chức tại Việt Nam. Kết quả tham dự các giải thi đấu quốc tế đạt 69HCV, 48HCB, 25HCĐ. Đến nay, Thể thao Việt Nam có môn Xe đạp và Bắn súng chính thức được tham dự Olympic 2024 tại Pháp...

Trong lĩnh vực du lịch: Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Ban hành Quyết định số 1726/QĐ-BVHTTDL ngày 4/7/2023 ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023; Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2023 phê duyệt đề án "Đề xuất một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm". Phối hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP về việc thực hiện áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; Nghị quyết số 128/NQ-CP nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với 13 nước được đơn phương miễn thị thực. Bộ VHTTDL đã ban hành các đề án, chiến lược quan trọng trong lĩnh vực du lịch: Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm; Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch triển khai đề án Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn"…

Tổ chức Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023. Phối hợp với các địa phương tổ chức Năm du lịch quốc gia 2023; Diễn đàn du lịch cấp cao 2023 trong khuôn khổ Hội chợ ITE HCMC 2023; các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại nhiều quốc gia.

Chín tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch quốc tế ước đạt hơn 8,8 triệu lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 93,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 536,5 nghìn tỷ đồng.

2-1696859371.jpg

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại họp báo

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh, trong quý III năm 2023, Bộ VHTTDL đã nỗ lực, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành trong triển khai các nhiệm vụ công tác, với nhiều kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực quản lý.  3 tháng cuối năm, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ để “về đích” theo đúng kế hoạch. Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh, mong rằng trong quá trình này, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp, đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí .
Tại họp báo, lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ đã trả lời, giải đáp và trực tiếp đối thoại về những vấn đề “nóng” liên quan đến các lĩnh vực quản lý của ngành được báo giới quan tâm. 
Du lịch Việt Nam làm gì để hoàn thành mục tiêu đón 12-13 triệu lượt khách quốc tế?
Liên quan đến nội dung du lịch Việt Nam làm gì để hoàn thành mục tiêu đón 12- 13 triệu lượt khách quốc tế?.

4-1696859418.jpg

Ông Phạm Văn Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - Bộ VHTTDL

Ông Phạm Văn Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - Bộ VHTTDL vừa báo cáo Chính phủ đề xuất điều chỉnh mục tiêu tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2023 lên con số từ 12 đến 13 triệu lượt. 

Cũng theo ông Thuỷ, đến thời điểm này, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã vượt 111%, đón 8,9 triệu lượt trong 9 tháng đầu năm. Căn cứ vào dự báo tình hình, thông thường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tập trung cao điểm từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 sang năm. Chính vì vậy, chúng ta đang điều chỉnh mục tiêu đón lên con số 12 đến 13 triệu lượt khách quốc tế năm 2023. 

“Thời gian qua chính sách visa của chúng ta rất cởi mở, cùng với các chính sách khác trong hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước. Các di sản của Việt Nam đều phát huy tiềm năng để phát triển du lịch, tạo nên nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, những điểm đến hấp dẫn đối với khách quốc tế. 
“Thời gian gần đây truyền thông cũng đưa nhiều thông tin về mở cửa thị trường lớn Trung Quốc, kỳ vọng rằng đây là nguồn khách dồi dào cho du lịch Việt Nam”, ông Thuỷ nhấn mạnh. Lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam khẳng định, con số 12-13 triệu lượt khách là mục tiêu hoàn toàn khả thi, tạo tiền đề phấn đấu cho những năm sau,góp phần nâng cao mức đóng góp của du lịch trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước”. Ông Phạm Văn Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết thêm.

Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giải quyết nhiều vấn đề cấp bách 
Liên quan đến nội dung được báo chí, truyền thông dành nhiều sự quan tâm trong thời gian qua: Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, tại họp báo, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Lê Hồng Phong nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa trong giai đoạn mới được xây dựng nhằm triển khai thực hiện các quan điểm, Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về chấn hưng, phát triển văn hóa xây dựng con người Việt Nam. 
Kết luận số 42-KL/TW về kinh tế xã hội năm 2022-2023 (Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành) nêu rõ: “Triển khai Chương trình quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030”. Nghị quyết số 68/2022/QH15, Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 tiếp tục giao Chính phủ xây dựng Chương trình hoặc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2022-2030 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

05-1696859457.jpg

Ông Lê Hồng Phong - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính thông tin về Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa

Theo ông Lê Hồng Phong, Chương trình nhằm cụ thể hóa các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển văn hóa của đất nước; nâng cao, tiếp nối các nhiệm vụ về phát triển văn hóa tại các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, chương trình, đề án, dự án giai đoạn trước và đang triển khai.
“Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa khi được ban hành sẽ góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới. Đồng thời, Chương trình nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ, phát triển văn hóa bền vững”, ông Phong nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bởi văn hóa là một lĩnh vực rất rộng, ông Phong cho biết, quan điểm tiếp cận đầu tiên khi thiết kế Chương trình là ưu tiên những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để đầu tư, tránh dàn trải, cào bằng. 

Bộ VHTTDL đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tham vấn, xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa; đánh giá tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các đề án, dự án giai đoạn trước để có cơ sở cho những chương trình tiếp theo, đề xuất các nội dung đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm. Trên tinh thần đó, Chương trình được thiết kế với tổng số 10 nội dung thành phần.
“Hiện nay, việc triển khai nhiệm vụ này đang dừng ở bước xin chủ trương đầu tư; tổng hợp các nội dung, nhu cầu có tính cấp thiết từ các Bộ, ngành Trung ương, địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư thành lập Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước để thẩm định chủ trương đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá trước khi trình Quốc hội…”, ông Phong thông tin.

Về nội dung chi trả tiền thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Lê Hồng Phong, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL và Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ để khẩn trương thực hiện các nội dung liên quan. Hiện nay, toàn bộ thủ tục liên quan đến vấn đề tiền Giải thưởng đã hoàn thành.

Bộ VHTTDL: Vụ "bữa ăn 800.000 đồng" là bài học lớn cho ngành thể thao

Tại họp báo, đại diện nhiều cơ quan báo chí đã bày tỏ sự quan tâm và đặt câu hỏi liên quan đến việc xảy ra ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia.

Trước những thông tin gây xôn xao về " bữa ăn 800.000 đồng không đủ dinh dưỡng" của đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia - tại cuộc họp báo thường kì Quý III năm 2023 của Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết: "Về việc chi trả chế độ cho các huấn luyện viên, vận động viên, trung tâm thực hiện việc chi trả chế độ lương dinh dưỡng hàng tháng qua tài khoản riêng. Đối với đội tuyển bóng bàn trẻ, việc sinh hoạt ăn uống từ tháng 2.2023 thực hiện tại Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình (Khu LHTTQG), Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội (Trung tâm HLTTQG) thanh toán chi trả các chế độ kinh phí cho huấn luyện viên theo quy định".

Theo Thứ trưởng: "Không phải là chúng ta không quan tâm đến công tác chỉ đạo giải quyết bất cập. Cần xác định vụ việc này là bài học lớn cho ngành thể thao, nhất là công tác phối hợp giữa các bên. Đặc biệt, đây là lời cảnh tỉnh cho những người tham gia huấn luyện, đào tạo vận động viên trẻ nhưng chưa đặt mục tiêu, sự quan tâm đúng mực đến chế độ bồi dưỡng, đời sống của các em, mà có biểu hiện lo cho lợi ích cá nhân.

Về hướng xử lý, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Bộ VHTTDL đã ngay lập tức chỉ đạo Cục Thể dục Thể thao phối hợp các đơn vị liên quan xử lý. Cục đã thôi triệu tập ban huấn luyện, thay thế các huấn luyện viên khác, đưa đội tuyển về tập luyện sinh hoạt tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội

Bộ đã chỉ đạo quyết liệt, giao cho cơ quan đơn vị liên quan nhanh chóng xác minh làm rõ trách nhiệm. Trên cơ sở đó, đủ thông tin về bất cập, sai phạm nếu có để xử lý nghiêm minh, kịp thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện".

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh, Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo Cục Thể dục Thể thao triển khai tổng kiểm tra, rà soát công tác huấn luyện tại các đội tuyển, nhất là trong việc đảm bảo cơ sở vật chất, chế độ sinh hoạt, kinh phí theo quy định để đáp ứng yêu cầu huấn luyện, thực hiện nghiêm minh quy định của pháp luật về việc triển khai nhiệm vụ chuyên môn gắn với việc quan tâm chăm lo đời sống huấn luyện viên, vận động viên.

"Bộ đang tích cực triển khai thực hiện để có xử lý sớm. Chúng tôi đặt ra thời hạn trước ngày 20.10. Việc triển khai thực hiện này khi có kết quả sẽ kịp thời thông tin", Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho hay.

7-1696859541.jpg

Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao trả lời báo chí những nội dung liên quan đến việc xảy ra ở đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia 

Ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao cho biết: "Trung tâm HLTTQG Hà Nội có trách nhiệm quản lý tập huấn chuyên môn, phục vụ ăn nghỉ theo chế độ và chính sách nhà nước đối với các vận động viên. Ngoài ra, trách nhiệm của Cục Thể dục Thể thao và các đơn vị liên quan trong Cục là công tác chỉ đạo, quản lý toàn diện.

Trên cơ sở xác minh làm rõ bản chất vụ việc, sai phạm nếu có ở đội tuyển bóng bàn trẻ, chúng tôi sẽ có báo cáo và thực hiện các biện pháp xử lý đúng quy định pháp luật.

Sau khi vụ việc trên xảy ra, tôi nắm bắt được thông tin liên quan đến một số đội tuyển khác. Lãnh đạo Cục đang chỉ đạo các bộ phận rà soát, nắm lại tình hình".

Về thông tin một số vận động viên bóng bàn trẻ phải nộp tiền cho huấn luyện viên trưởng, ông Minh nói thêm: "Theo tường trình của huấn luyện viên trưởng, đội tuyển có 10 vận động viên, trong đó 7 vận động viên có tài khoản do phụ huynh quản lý, 3 vận động viên mồ côi nên chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân của vận động viên.

Trong thời gian sinh hoạt tại đội, vận động viên mua bán trên mạng xã hội và bị lừa tiền nên đã chuyển tiền vào tài khoản của huấn luyện viên nhờ giữ hộ. Sau khi phát hiện, chúng tôi đã đề nghị huấn luyện viên trưởng chuyển trả toàn bộ tiền cho vận động viên và xử lý các bước tiếp theo ngay sau đó".

6-1696859486.jpg

Bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá thông tin về lộ trình hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”

Lộ trình hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”

Trả lời câu hỏi của báo chí về lộ trình hồi hương ấn vàng, Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá Lê Thị Thu Hiền cho biết, liên tục từ tháng 10.2022 đến nay, chúng ta đã và đang  khẩn trương thực hiện các biện pháp để thông qua con đường ngoại giao văn hoá, tập hợp các hồ sơ pháp lý liên quan chứng minh nguồn gốc của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, đồng thời đàm phán, thương lượng để triển khai các bước tiếp theo đưa ấn vàng hồi hương.

Về quy trình, chúng ta vừa hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan, trong đó có hai giấy tờ quan trọng gồm giấy xuất khẩu cổ vật ra khỏi Pháp và giấy xuất khẩu cổ vật ra khỏi Châu Âu. Thông qua đại diện phía Việt Nam và luật sư Hãng Million, các hồ sơ pháp lý về ấn vàng cũng như những nội dung liên quan đang được tích cực hoàn thiện trước khi bàn giao  cho Việt Nam, từ đó có cơ sở cho chúng ta hoàn thành quá trình hồi hương hiện vật.
Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền cho biết. “Dự kiến cuối tháng 10 các thủ tục liên quan đến giấy t,  pháp lý cho việc hồi hương ấn vàng sẽ hoàn tất để phía Pháp có thể bàn giao lại cho Việt Nam. Lãnh đạo Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo Cục Di sản Văn hoá và các cơ quan chuyên môn phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để  thực hiện những thủ tục pháp lý về phía Việt Nam để đưa ấn vàng về nước”.