Giờ đây, dù cố gắng nấu lại món canh như xưa, tôi vẫn thấy thiếu vắng một điều gì đó không thể tả thành lời - có lẽ là bàn tay nhăn nheo, chai sạn của mẹ, cùng tình yêu và sự ân cần chan chứa trong từng bát canh.
Ở vùng đất phù sa ven triền sông Túy Loan quê tôi ngày ấy, những người dân quê và mẹ tôi, ngoài trồng đậu, bắp ra, còn tranh thủ trồng thêm những luống dưa hồng trên đất cát để có thêm thức ăn hàng ngày.
Tuổi thơ, vào những buổi chiều nghỉ học, tôi theo mẹ ra cánh đồng làng để giúp mẹ hái những quả dưa hồng còn non to bằng cái chén ăn cơm. Lúc bấy giờ, mẹ tôi ân cần chỉ cho tôi cách hái những quả dưa mà không ảnh hưởng đến cây trồng. Khi mặt trời gác núi, mẹ tôi mang những quả dưa vừa hái đựng trong cái nón cời về nhà, rửa sạch để ráo nhằm chế biến nhiều món ăn dân dã từ dưa hồng như: xắt chấm mắm ruốc, kho với cá khô, làm rau sống… nhưng tôi thích nhất là dưa hồng nấu canh với cá cơm nồm, một loại cá cơm bé nhất xuất hiện trong mùa hè có gió nam róng rát.
Dưa hồng thoạt nhìn giống dưa hấu nhưng trái nhỏ, ăn khi còn xanh, có vị ngọt. Lúc sinh thời, mẹ tôi cho hay, dưa hồng chứa nhiều dinh dưỡng và khoáng chất, có tính giải nhiệt, thanh mát, rất tốt cho sức khỏe con người trong mùa hè. Nên bữa cơm của những người dân quê trong những ngày mùa hạ không thể nào thiếu những món ngon được chế biến từ trái dưa hồng. Và mùa thu hoạch dưa hồng ở quê tôi cũng là mùa cá cơm được bán nhiều và khá rẻ ở các chợ quê.
Mẹ tôi mua cá cơm nồm về rửa sạch để ráo sau đó ướp với mắm muối, tiêu, mì chính, dầu phộng… cho thấm. Trong lúc chờ đợi, mẹ gọt vỏ dưa hồng và xắt ra từng lát. Nấu nước sôi, thả cá và dưa vô, chờ cho sôi bùng lên là nhắc xuống và thêm các loại rau gia vị. Lúc sinh thời, mẹ tôi cho hay, dưa hồng nấu canh với cá chuồn, tôm tươi, tôm khô, hến sông… đều hợp và ngon. Nấu canh dưa hồng, tuy đơn giản nhưng phải rất khéo, chỉ cho sôi trên bếp khoảng một, hai dạo rồi bắc nồi canh xuống khi miếng dưa vẫn còn màu đục, đậy nắp lại đến khi ăn múc ra bát, miếng dưa có màu “trong xanh” là vừa.
Nhìn bát canh dưa hồng có màu trong xanh của dưa hồng, màu trắng của cá cơm, màu xanh của rau thơm. Cả nhà chúng tôi quây quần “chan lấy chan để”, ăn rất mát vào mùa gió nam khắc nghiệt, nóng đến rát người nhưng trong lòng vẫn dịu mát. Cho nên, ở quê tôi còn lưu truyền mấy câu ca: “Cá nục kho với dưa hồng/ Lơ mơ có kẻ mất chồng như chơi”, “Dưa hồng nấu canh cá cơm / Chồng đi xa xứ luôn mong ngày về”, “Dưa hồng nấu canh cá trê / Chồng ăn một bát, “không chê” vợ mình”…
Tôi làm sao quên được mùi thơm của nồi canh dưa hồng mẹ nấu lan tỏa trong không gian chái bếp buổi chiều về, khiến cho những cái bụng đói của anh em chúng tôi cồn cào, thúc giục. Ngày nay, mỗi lần mùa cá cơm lại về trong cái nắng gió rát rạt nơi miền Trung như bốc lửa, tôi lại nhớ đến mẹ hiền đã về bên kia thế giới và nhớ nồi canh dưa hồng tỏa khói ở một miền quê một thời nghèo khó.
Giờ đây, mùa Hè trở về mang theo làn gió Nam nóng rát, tôi mua vài quả dưa hồng ở chợ Túy Loan về nấu món canh như ngày xưa mẹ nấu. Dẫu món canh tôi nấu rất “chuẩn” nhưng hương vị không như bát canh dưa hồng mẹ nấu vào thuở còn thơ. Hình như món canh “thiếu vắng” một cái gì khó tả. Đó có phải là hình ảnh đôi bàn tay nhăn nheo, chai sạn của mẹ ân cần chan canh, dỗ dành cho anh em chúng tôi vào những ngày thơ bé? Bỗng nhiên đôi mắt tôi cay cay, nhìn bát canh dưa hồng, tôi bỗng nhớ mẹ hiền quá đỗi.