Bức di ảnh cọc cạch trên ban thờ

Bài viết như một nén tâm nhang tưởng niệm và đời đời biết ơn những anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì sự thống nhất và toàn vẹn non sông Việt Nam. Và riêng tặng cho người bạn thân thiết Lưu Quang Trung như một sẻ chia vì những mất mát không thể bù đắp trong chiến tranh mà ông và gia đình đeo mang suốt cuộc đời. 
di-anh-1659341358.jpg
Bức di ảnh liệt sỹ Lưu Văn Truyện và người vợ suốt đời thờ chồng, nuôi con

Ông Lưu Quang Trung là một Việt kiều đang định cư tại Đức. Gần chục năm nay ông được cộng đồng người Việt tại đây biết đến như một lương y có uy tín nhờ phương pháp diện chẩn - một phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc. Không chỉ chữa trị cho người Việt, hơn 2 năm gần đây ông còn chữa bệnh cho người Đức ở phòng khám của mình tại một đại lộ sầm uất ngay trung tâm Thủ đô Berlin. 
Trước khi đi xuất khẩu lao động sang CHDC Đức năm 1987, Lưu Quang Trung đã có gần chục năm làm thuyền trưởng tàu đẩy, ngang dọc trên các con sông từ nam ra bắc, từ miền xuôi đến miền ngược. Nhờ bản lĩnh một người thuyền trưởng, nhờ tính cách khoáng đạt của người từng trải trên vùng sông nước, ông luôn sống vui vẻ, hồn hậu, sẵn lòng giúp đỡ người khác lúc gặp khó khăn nên rất được anh em, bạn bè quý mến. Chỉ vào dịp ngày 27.07 hay vào dịp Tết nguyên đán nhìn ông như trầm lắng hơn. Bạn bè thật thân thiết mới biết đấy là thời khắc ông nhớ đến người cha của mình. Cha ông - Lưu Văn Truyện - vốn là một sỹ quan thông tin. Ông đã hy sinh tại mặt trận Quảng Trị trong đợt tổng tiến công Tết Mậu Thân. Cha ông nhập ngũ năm nào ông cũng không rõ, cũng như những kỷ niệm về người cha cũng mập mờ trong ký ức trẻ thơ của ông. 
Cha ông hy sinh năm 1968, mãi năm 1972 khi ông tròn 18 tuổi, gia đình mới nhận được giấy báo tử. Ông nhớ hôm làm lễ truy điệu, ông đã không khóc ngay cả khi nhìn thấy mẹ mình vật vã ôm bức di ảnh của bố. Khi mọi người về hết, ông nội ông mới ôm ông vào lòng nghẹn ngào dặn: "Từ nay cháu thật sự không còn bố nữa rồi. Tất cả nhà này từ bây giờ trông cậy vào cháu. Cháu hãy làm tất cả những gì để xứng đáng là người đàn ông trụ cột thay thế cho bố cháu nhé". Đến lúc đó ông mới bật khóc. Ông chạy vào nằm vật trên cái chõng tre bên chái nhà nức nở mãi không thôi. Rồi ông thiếp đi. Trong giấc mơ đầy nước mắt của thằng con trai mới lớn, ông thấy cha ông trở về, cao lớn, vạm vỡ. Cha ông công kênh ông lên vai như thời ông lên 5 lên 3, vượt qua con đường làng quen thuộc, vượt qua cây cầu cổ bắc qua bờ sông, đưa ông đến hàng phở nổi tiếng thị trấn. Khi cha ông vừa cầm bát phở nóng hổi trên tay đưa cho ông thì ông tỉnh dậy, khiến ông vừa bàng hoàng, vừa tiếc nuối. 
Từ đó đến tận bây giờ, không bao giờ ông mơ lại lần nào giấc mơ đó. Nhưng ông luôn thấy cha ở bên cạnh mình vào những lúc cam go nhất. Ngay cả cái lần ông cùng mấy đứa  em lặn lội vào tận Quảng Trị tìm hài cốt của cha. Cha ông như cùng đồng hành với anh em ông, dẫn đường, chỉ lối để ông đón được cha về nằm ngay nghĩa trang cạnh nhà, thoả lòng mong ước của bà mẹ đang thoi thóp trên giường bệnh. 
Khi tôi hỏi: "Tấm gương người cha liệt sỹ đã giúp được gì ông trong cuộc sống và sự nghiệp?" Ông trả lời từ tốn, mạch lạc: "Hồi còn đi học, tôi cũng được hưởng những chế độ, chính sách ưu tiên của nhà nước đối với con liệt sỹ. Quyền lợi thực ra không đáng là bao nhất là vào thời bao cấp khốn khó. Nhưng danh dự là con liệt sỹ, sự quan tâm của chính quyền, của bà con chòm xóm đối với tôi ngay khi tôi còn trẻ chính là động lực giúp tôi sống hướng thiện, không làm điều xấu, điều ác ngay cả trong những giai đoạn khốn khó nhất của cuộc đời".
Nhìn tấm di ảnh người đàn ông trẻ măng trên bàn thờ tôi chợt hỏi: "Ông có nhớ những kỷ niệm về cha mình không? Và hình ảnh nào là sâu đậm nhất?" Ông thẫn thờ, trên khuôn mặt mất đi vẻ dày dạn, từng trải vốn có. Ông quay đi chỗ khác cố kìm nén những giọt nước đang trào trong khoé mắt. Lặng một lúc, ông mới nghèn nghẹn nói: "Hình ảnh về người cha mà tôi nhớ nhất đấy là ngày cha tôi trả phép trở về đơn vị trước ngày đi chiến trường B. Hôm đó trời mưa lắm. Tôi lúc đó mới chừng 7 - 8 tuổi, đứng dưới hiên nhà nhìn cha mình. Cha tôi cao lớn, đầu đội mũ có gắn sao, tay khoác chiếc áo mưa màu bộ đội. Cha quỳ xuống bên tôi, nhìn tôi đăm đắm rồi bất chợt bế bổng tôi lên trong cánh tay rắn chắc, nhấc lên, nhấc xuống vài ba lần và nhẹ nhàng đặt tôi xuống. Rồi như vội vàng, cha tôi quày quả quay đi, băng nhanh qua khoảng sân rộng, khuất dần sau cái cổng rợp bóng tre. Đấy cũng là hình ảnh cuối cùng mà tôi còn lưu giữ về cha mình".
Cha ông đi B lúc ông 7, 8 tuổi, cô em gái ngay dưới ông mới 3 tuổi, nghĩa là anh em ông đã phải thiếu thốn bàn tay chăm sóc của người bố còn sớm hơn. Chả trách họ không còn giữ được bao nhiêu hình ảnh của người cha trong hồi ức của mình. 
Trên bàn thờ, bên di ảnh của người cha còn rất trẻ là hình ảnh một người phụ nữ tóc bạc như màu khói. Nếu chỉ nhìn qua ảnh, sự chênh lệch rõ ràng như hai người thuộc hai thế hệ. Đoán được thắc mắc của tôi, ông giải thích: "Từ khi cha tôi đi bộ đội cho đến lúc hy sinh không có lấy một tấm ảnh. Ngày báo tử, để có ảnh làm lễ truy điệu, mấy chú mấy bác trong họ phải đi tách tấm ảnh cưới duy nhất của bố mẹ tôi lấy tấm ảnh này. Hồi đó bố tôi trẻ lắm. Ngoài hai mươi chứ mấy. Còn tấm ảnh bên cạnh là mẹ tôi. Bà đã vò võ ngóng chờ chồng trở về suốt thời chiến tranh đằng đẵng và đau đáu mong tìm được hài cốt cha tôi trong cả thời hậu chiến dài dằng dặc. Niềm an ủi của bà là quãng thời gian ngắn ngủi nhưng hạnh phúc bên người đàn ông của mình thời ông còn trẻ trai và chung thuỷ với hình ảnh tươi trẻ đó của ông trong tâm khảm mình, dù bà cứ mỗi ngày một già nua, sầu héo, tận cho đến khi nhắm mắt, lìa đời lúc bà đã ngoài tám mươi. 

Chiến tranh đã cướp đi của anh em tôi người cha mà chúng tôi quý trọng. Chiến tranh đã giật từ trong vòng tay mẹ tôi người chồng mà bà hết mực yêu thương. Những gì đã qua vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Mà giả sử không có chiến tranh vào tuổi này, bố mẹ tôi cũng vẫn nằm bên cạnh nhau trong lòng đất như họ đang nằm cạnh nhau bây giờ. Nhưng mỗi khi nghĩ lại những ngày đã sống, dù mẹ con, anh em chúng tôi có yêu thương nhau nhiều hơn, xã hội có quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn thì những gì đã mất như một khoảng trống không thể bù đắp. Nó càng nhói đau hơn vào những dịp như thế này. Nói thế để ông biết, tại sao tôi cứ tránh mặt để khỏi phải nghe những lời thăm hỏi vào những ngày lễ lạt, xa lánh cả những cuộc hội họp, mít tinh của cộng đồng để khỏi phải nghe những lời kể công, xưng tụng". Nói đến đây ông nhìn tôi, không ngoảnh mặt đi như lúc đầu. Mắt mở to mà những giọt nước mắt vẫn lăn dài trên khuôn mặt vốn dạn dày sương gió.
Trên bàn thơ hương khói thơm nồng lẩn quất bay. 

Chuyện làng quê