Bức tranh của em gái tôi - Nghệ thuật và sự thức tỉnh

Tạ Duy Anh thuộc thế hệ nhà văn thời kỳ Đổi mới. Sở trường và vượt trội của ông có lẽ phải kể đến lĩnh vực tiểu thuyết, những tác phẩm dành cho người lớn.
img-5972-1715476008.jpeg
Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên với truyện ngắn và những trang viết cho thiếu nhi ông cũng đã để lại những ấn tượng khó quên. Nếu như ở những tác phẩm dành cho người lớn trang viết của Tạ Duy Anh có phần ám ảnh, lạnh lùng, gai góc thì ở những sáng tác để cho trẻ em văn ông lại trong trẻo, thuần khiết, nhân hậu, bao dung. Tạ Duy Anh đã từng tâm niệm: “trẻ con chính là một loại á thần”. Có lẽ do quan niệm vậy mà đến với trẻ em ông như trở về với tuổi thơ lấm láp và sống động của chính mình bằng một tấm lòng yêu thương và trách nhiệm. Những sáng tác của ông về trẻ em thường không có những bi kịch hay những tổn thất nặng nề, đau thương mà chỉ nhẹ nhàng, hồn nhiên như chính cái độ tuổi đang lớn của các em vậy. Và khi soi mình vào cái thế giới ấy hẳn không ít người trong chúng ta không khỏi phải giật mình vì hình như ít nhiều đều trông thấy có cả bóng dáng của chính mình trong đó. Câu chuyện của hai đứa trẻ trong truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” là một minh chứng cho những điều đã nói. Truyện đơn giản, nhẹ nhàng nhưng thấm thía đã để lại một bài học tự giáo dục  vô cùng sâu sắc cho người đọc.

Bức tranh, một tấm gương soi đặc biệt

Bức tranh “Anh trai tôi” của Kiều Phương trong truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” giống như một tấm gương. Người anh trai của họa sĩ nhí (Kiều Phương) đã soi mình vào tấm gương ấy để nhận thức được đầy đủ về chính mình và tự chỉnh sửa lại bản thân. Chủ đề thức tỉnh ấy được Tạ Duy Anh thể hiện trong một kết cấu truyện ngắn rất chặt chẽ, gọn gàng, không cầu kỳ. Đó là một kết cấu có hai cốt truyện lồng ghép vào nhau. Một cốt truyện kể về nhân vật người em (Kiều Phương) và một cốt truyện về nhân vật người anh (anh trai của Kiều Phương). Cốt truyện thứ nhất khá đơn giản. Thông qua lời kể của nhân vật người anh chúng ta thấy người em gái Kiều Phương của anh ta có đam mê và là một tài năng về hội họa. Nhờ họa sĩ Tiến Lê (bạn của bố) mà năng khiếu của Kiều Phương được phát hiện, nuôi dưỡng. Và đỉnh cao thành công của người em gái là đã đạt giải nhất trong cuộc thi vẽ tranh Quốc tế với bức tranh có tựa đề “Anh trai tôi”. Ở câu chuyện này chúng ta thấy vẻ đẹp của nhân vật Kiều Phương được phát lộ một cách từ từ qua con mắt và lời kể của người anh. Ban đầu, người đọc thấy Kiều Phương hiện lên với những nét ngộ nghĩnh, hồn nhiên như bao đứa trẻ khác. Đó là khuôn mặt luôn bị chính mình bôi bẩn và chân tay hiếu động đến không ngừng bởi cái tính thích lục lọi các đồ vật hay cạo đít xoong, chế thuốc vẽ ... Càng về sau, người ta càng thích thú, yêu mến nhân vật này bởi niềm đam mê, tài năng cùng tấm lòng sáng trong, nhân hậu. Niềm đam mê và tài năng đã đưa nhân vật đến thành công. Còn tấm lòng trong sáng, nhân hậu đã làm sống lại phần người đang bị che lấp bởi sự tự ti, đố kỵ ở sâu bên trong con người của người anh. Đồng thời qua nhân vật người anh nhà văn cũng dụng ý để thức tỉnh cả những người đọc, nhất là người đọc học sinh. Có thể nói, dưới con mắt và lời kể của người anh, vẻ đẹp của Kiều Phương được hiện lên một cách rất sinh động và chân thực trên mọi phương diện từ ngoại hình, tính cách cho đến suy nghĩ, hành động.
Tuy nhiên sức hấp dẫn cũng như thành công của tác phẩm lại nằm ở cốt truyện thứ hai. Đây là một cốt truyện tâm lý. Phải nói rằng, trong truyện ngắn này Tạ Duy Anh đã thành công trong việc lựa chọn điểm nhìn trần thuật. Với việc dùng ngôi kể thứ nhất, tác giả đã không chỉ để người đọc thấy được những vẻ đẹp của người em gái mà còn thấy được tư tưởng, tâm trạng của người anh hiện lên một cách rất chân thực. Quá trình diễn biến của những suy nghĩ và hành động ấy được thể hiện ngắn gọn ở ba thời điểm. Đó là: Thứ nhất, khi phát hiện ra em gái mình chế thuốc vẽ thì người anh tỏ ra khá vui vẻ với một thái độ có phần xem thường: “Trời ạ, thì ra nó chế thuốc vẽ”. Thứ hai, khi mọi người phát hiện ra tài vẽ của Kiều Phương như “một thiên tài hội họa” thì người anh cảm thấy mình bị bất tài, tức tối và ghen tị với em. Những nét tính cách ấy được chính người anh tự thú qua lời kể của mình: “tôi chỉ muốn gục đầu xuống khóc”, “Tôi chẳng tìm thấy ở tôi một năng khiếu gì”, “không thân với Mèo như trước kia”, “Chỉ cần một lỗi nhỏ ở nó là tôi gắt um lên”, “trút ra một tiếng thở dài”, lúc em được giải và bộc lộ tình cảm “Nó lao vào ôm cổ tôi, nhưng tôi viện cớ đang dở việc đẩy nhẹ nó ra”. Thứ ba, khi người anh nhận ra hình ảnh của mình trong bức tranh của em gái. Lúc này tâm trạng và thái độ người anh đã thay đổi hoàn toàn: “Tôi giật sững người”, “Thoạt tiên là sự ngỡ ngàng, rồi đến hãnh diện, sau đó là xấu hổ”, “tôi muốn khóc quá”. Có thể nói, người anh lúc này đang đan xen những nỗi niềm tâm trạng đầy mâu thuẫn nhưng lại rất thống nhất với nhau. Có sự hãnh diện vì nhìn thấy hình ảnh của mình hiện lên trong bức tranh thật đẹp: “Mặt chú bé như tỏa ra một thứ ánh sáng rất lạ. Toát lên từ cặp mắt, tư thế ngồi của chú không chỉ là sự suy tư mà còn rất mơ mộng nữa”, “tôi hoàn hảo đến thế kia ư”. Có nỗi xấu hổ và ăn năn, hối hận: “Tôi không trả lời mẹ vì tôi muốn khóc quá”, “Không phải con đâu. Đấy là tâm hồn và lòng nhân hậu của em gái con đấy”. Lời độc thoại nội tâm đấy của người anh cũng chính là điểm hạ màn, kết thúc câu chuyện. Người anh đã nhận ra chính mình và hối hận, ăn năn, thức tỉnh. Câu chuyện khép lại nhưng dư âm vẫn vang vọng và đã làm cho người đọc thở phào nhẹ nhõm với một sự khoan khoái trong lòng bởi một cái kết rất có hậu. Không những vậy, với cái kết này, Tạ Duy Anh cũng đã thể hiện được một cách đầy đủ nhất về chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Bức tranh của người em gái nhưng cũng chính là một tấm gương đặc biệt của người anh.
Có thể thấy truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” nhà văn Tạ Duy Anh đã rất thành công với việc lựa chọn, sử dụng ngôi kể thứ nhất. Với việc để nhân vật xưng “tôi” và kể lại câu chuyện của chính mình bằng ngôn ngữ của một cậu bé đang lớn với cách cảm, cách làm, cách nghĩ còn rất trẻ thơ như thế nên câu chuyện hiện lên không chỉ có tính chân thực mà còn rất tự nhiên, đáng yêu; gần gũi với thế giới tuổi “thần tiên”. Có lẽ chính bởi điều này mà tác phẩm đã được các độc giả nhí đón nhận nồng nhiệt và truyện cũng có một vị trí vững vàng kho tàng văn học thiếu nhi.

Bức tranh, một tiếng vọng lay thức tâm hồn trẻ thơ

Như chúng ta đã biết, gia đình là tế bào của xã hội. Mỗi gia đình hạnh phúc sẽ góp phần hình thành lên một xã hội hạnh phúc. Và một nội dung quan trọng góp phần làm nên sự hạnh phúc của mỗi gia đình chính là tình yêu thương, sự nhân hậu của mỗi thành viên trong một mái nhà. Truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” cũng đặt ra vấn đề mang đậm tính thời sự đó. Với tình yêu thương trẻ em và một trách nhiệm lớn với trẻ em nói riêng và xã hội nói chung nhà văn Tạ Duy Anh đã đặt ra và giải quyết một vấn đề mang tính thời đại trong truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi”. Đó là giáo dục thái độ ứng xử và giáo dục về tình yêu thương.
​Như mọi người đều biết, tổ tiên loài người vốn là một loài động vật. Cho nên bên trong con người luôn ẩn chứa cả “thiên thần” lẫn “ác quỷ”. Sự trưởng thành của con người là sự chiến thắng của phần người với phần con. Quá trình đấu tranh này diễn ra ở mọi nơi mọi lúc và nhất là ở giai đoạn thiếu niên - cái độ tuổi đang hình thành và phát triển nhân cách. Từ góc nhìn này, với thiên chức của nhà văn, Tạ Duy Anh thông qua hai anh em Kiều Phương để hướng người đọc đến cái phần người nhằm từng bước hoàn thiện và phát triển nhân cách thế giới trẻ thơ một cách rất nhẹ nhàng.

Thứ nhất là nhân vật Kiều Phương. Ở nhân vật này người đọc thấy hiện lên hình ảnh một bé gái rất đáng yêu: hồn nhiên, tài năng, nhân hậu ... Có thể nói, đây là nhân vật toàn bích. Chính tài năng và tấm lòng nhân hậu của người em đã thức tỉnh phần người còn đang bị ẩn khuất trong tâm hồn người anh. Có thể thấy, qua nhân vật này nhà văn đã khéo léo đưa ra một thông điệp về cách ứng xử với mọi người xung quanh đối với các tài năng. Nếu người tài năng có them một tâm hồn trong sáng thì sẽ biết sử dụng cái cái tài và cái tâm tốt đẹp của mình một cách rất tự nhiên để thức tỉnh người khác. Kiều Phương đã bỏ qua những ghen ghét, đố kỵ của người anh; thay vào đó là sự yêu thương chân thành người anh. Chính sự yêu thương ấy và tài năng hội họa đã giúp cô bé vẽ lên bức tranh người anh một cách hoàn hảo nhất. Và bức tranh ấy đã thức tỉnh được người anh. Hẳn là quá trình lựa chọn đề tài để tham gia cuộc thi Kiều Phương hẳn không phải không có những đắn đo, cân nhắc: “Trước khi đi thi, nó có vẻ cứ hay xét nét tôi”, “Nó nhập tâm lời dạy của chú Tiến Lê: cháu hãy vẽ cái gì thân thuộc nhất với cháu”. Như vậy Kiều Phương cũng đã vượt lên chính mình để hoàn thiện mình: không để bụng, không thù hằn; không kiêu ngạo, tự mãn, coi thường những người xung quanh. Và chính sự hoàn thiện mình ấy cũng đã thức tỉnh để hoàn thiện được người khác.

Thứ hai là nhân vật người anh. Người anh  đúng là một con người đang tồn tại cả “thiên thần” và “ác quỷ”. Ở con người này sự tự ti, ghen ghét, đố kỵ với tài năng được thể hiện rất rõ qua những suy nghĩ, hành động đối với người em. Tính cách này của người anh cũng không phải là không có ở bên ngoài xã hội. Thói thường người ta vẫn thấy có những người dễ nảy sinh ghen tị, mặc cảm, tự ti khi chứng kiến tài năng hay thành công của một ai đó gần gũi với mình, ở quanh mình. Nhân vật người anh trong câu chuyện nhờ tình yêu thương, bao dung của người em nên đã nhận ra phần “ác quỷ” trong con người mình. Bởi vậy khi ngắm bức tranh người anh đã phải thốt lên: “Dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến thế kia ư? Tôi nhìn như thôi miên vào dòng chữ đề trên bức tranh “Anh trai tôi”. Vậy mà dưới mắt tôi thì ...”. Người anh đã “xấu hổ” với chính mình. Chính sự thức tỉnh này đã làm cho nhân vật người anh trở lên người hơn, nhân cách được hoàn thiện hơn. Với nhân vật người anh, Tạ Duy Anh cũng đặt ra một vấn đề với người đọc là không được tự ti, mặc cảm, đố kỵ với tài năng hay thành công của người khác. Trái lại chúng ta phải trân trọng những tài năng hay thành công của người thân, những người xung quanh; phải quan tâm để cho tài năng phát triển ....

Thứ ba, bên cạnh thông điệp về thái độ và cách ứng xử, với bức tranh và sự thức tỉnh của người anh, Tạ Duy Anh còn cho người đọc thấy được sức mạnh, vai trò và cái gốc chân chính của nghệ thuật. Đó là nghệ thuật (bức tranh) có thể cảm hóa làm thay đổi tâm tính người xem (nhân vật người anh). Và cái gốc của bức tranh đó chính là tấm lòng tốt đẹp của người em dành cho người anh, đã được người em nâng niu, gửi gắm vào trong bức tranh. Đây cũng chính là thiên chức của nghệ thuật. Nghệ thuật sinh ra để hoàn thiện vẻ đẹp con người. Phải chăng ý nghĩa này cũng là một thông điệp mà nhà văn đã ký thác vào trong tác phẩm để gửi đến người đọc.
Một trong những chức năng của văn học là giáo dục. Đối với văn học cho trẻ em chức năng này lại càng quan trọng. Với vai trò này, thông qua các hình tượng văn học, chức năng giáo dục sẽ góp phần hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ em. Với ý nghĩa này, truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” xứng đáng là một tác phẩm giáo dục hoàn hảo, dễ đi vào lòng người, không giáo điều, máy móc, khô cứng.
Truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” của nhà văn Tạ Duy Anh được chọn đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 - chương trình giáo dục phổ thông năm 2000 và lại tiếp tục được các tác giả sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018 lựa chọn đưa vào bộ sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 (bộ Cánh Diều và bộ Kết nối tri thức với cuộc sống). Điều này đã chứng tỏ sự hấp dẫn và sức sống của tác phẩm. Vậy điều gì đã làm lên giá trị đó? Có lẽ câu trả lời không có gì khác ngoài sự hấp dẫn bởi những sáng tạo nghệ thuật độc đáo để tác giả gửi gắm những giá trị nhân bản nhằm thức tỉnh người đọc, nhất là đối với trẻ em những đối tượng đang trong độ tuổi hình thành và phát triển nhân cách.