Bùng cháy ngọn lửa đam mê

Văn Học (thực hiện)

30/11/2022 13:56

Theo dõi trên

Nhóm thơ Facebach, là một số tác giả từng học trong trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhóm đã từng in chung tập thơ “Từ khóa” và tới đây sẽ ra mắt tập thơ riêng của 5 tác giả. Chúng tôi có dịp trao đổi với tác giả Nguyễn Duy Chung, thành viên của nhóm thơ quanh câu chuyện sáng tác.

cac-tap-tho-chuan-bi-ra-mat-1669791107.jpg
Các tập thơ chuẩn bị ra mắt

 

-Theo anh, vì sao các nhóm thơ ngày nay không phát triển?

-Tôi không cho là ngày nay các nhóm thơ không phát triển so với các thời kỳ trước mà cho là có nhiều sự thay đổi, và tùy từng khía cạnh mà có nhận định thay đổi tiêu cực hay tích cự. Về khía cạnh lực lượng làm thơ, hiện tại nhiều hơn các thời kỳ trước. Công chúng, những người không làm thơ, ít quan tâm đến thơ hơn các thời kỳ trước. Nếu khái niệm nhóm thơ là một tập hợp những người làm thơ thì giờ nhiều nhóm thơ hơn, thậm trí các nhóm thơ ấy rất đông. Những thay đổi này là do điều kiện xã hội, càng về sau, tốc độ lan tỏa thơ ca càng nhanh hơn, báo in bằng máy chắc chắn nhiều và nhanh hơn báo được kẻ vẽ, viết, in thủ công nhưng không thể so sánh với báo online và mạng xã hội như hiện tại. Xã hội phát triển, có nhiều hình thức giải trí hơn nên thơ ca phải chia sẻ công chúng, phải cạnh tranh. Trong khi đó, chất lượng thơ thì sao, chắc chắn chúng ta đều đã nghe những châm biếm kiểu như: “gặp nhau tay bắt mặt mừng / tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ” hoặc “xin mời để dép và thơ ngoài cửa”, đó là chất lượng không tỷ lệ thuận với khối lượng sáng tác. Vì thế công chúng đến với thơ ít đi. Nhưng ngay cả việc tôi đang nói là chất lượng thơ không cao làm giảm sự quan tâm của công chúng ấy cũng không đúng lắm, vì giờ người làm thơ, nhóm làm thơ không cần sự công nhận rộng rãi, họ chỉ cần cộng đồng của họ công nhận, trên mạng đầy những cộng đồng như vậy.

Thế facebach thì sao? Chúng tôi có phong cách của một nhóm thơ cổ điển như các thời kỳ trước, và cũng có đặc tính mang hơi thở hiện tại. Tự thân Facebach thấy năm sau tốt hơn năm trước và luôn hướng tới những điều tốt đẹp hơn.

- Việc Facebach ra đời có phải để khơi gợi ký ức về một thời rực rỡ của thơ ca?

-Đúng là chúng tôi, những người Facebach có một ký ức rực rỡ về thơ ca, đó là thời sinh viên của chúng tôi, những năm 80, 90 thế kỷ trước. Ngày đó hầu như trường đại học nào cũng có câu lạc bộ thơ, mà hoạt động rất sôi nổi. câu lạc bộ thơ Bách Khoa duy trì hoạt động sinh hoạt hằng tháng trong một thời kỳ rất dài. Chúng tôi còn tham gia cùng nhau trong clb thơ học sinh sinh viên Hà Nội. Rồi nhiều thứ khác cuốn chúng tôi đi, một phần có sự lắng xuống của thơ ca, nhưng có phần không nhỏ là phần lớn trong số chúng tôi không học chuyên ngành văn học. Khi gặp lại nhau, chúng tôi nhận thấy  sự lắng lại chỉ ở mặt công bố, từng người vẫn âm thầm viết, vẫn dành cho thơ ca một tình yêu bất định. Tình yêu với thơ cùng với tình bạn bè dành cho nhau vẫn thắm như mười năm, hai mươi năm trước nên chúng tôi quyết định tạo ra Facebach để tiếp tục cháy với thơ ca. Nếu chỉ là khơi gợi thì ít quá, chúng tôi như ngọn lửa, một thời gian chuyển về trạng thái âm ỉ, và giờ thì bùng lên cháy tiếp.

- Thưa anh, nhóm có đề ra tiêu chí phát triển nhóm, vừa để các thành viên có thể giao lưu, học hỏi, nâng cao chất lượng sáng tác không ạ?

-Facebach có tiêu chí phát triển nhóm, chúng tôi luôn giới thiệu tên nhóm thế này : Face là lấy từ chữ Facebook, bách là từ chữ Bách Khoa. Đặt như vậy vì những thành viên ban đầu chủ yếu là thành viên câu lạc bộ thơ ĐH Bách Khoa HN, nhưng giờ bách là từ chữ “bách tính”, thành viên của chúng tôi ở làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau, ở mọi miền tổ quốc, thậm trí có cả ở nước ngoài.

Tiêu trí phát triển hội viên của chúng tôi là yêu thơ, làm thơ và tất nhiên phải có sự đồng cảm, quý mến các thành viên khác.

tac-gia-nguyen-duy-chung-1669791106.jpg
Tác giả Nguyễn Duy Chung.

Về chất lượng thơ ca, chúng tôi khuyến khích các thành viên sáng tạo, làm mới. Đơn cử như năm 2017, Facebach tổ chức thành công cuộc thi Mini Olympic lục bát, thể thơ đậm truyền thống nhưng tiêu chí nội dung dự thi thì rất mới.

- Thưa anh, mục tiêu ban đầu và thời gian tới của Facebach là gì?

Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là tập hợp được những người yêu thơ, làm thơ một cách nghiêm túc. Sau đó thì tạo được môi trường để thỏa mãn đam mê thơ ca của từng thành viên, được viết, được chia sẻ và được khuyến khích. Tất nhiên, chúng tôi cũng có mục tiêu lan tỏa tình thần và tác phẩm của nhóm tới công chúng.

- Các anh làm gì để tạo giọng mới cho thơ ca, trong biển thơ hiện nay?

-Tôi vừa nhắc ở trên một cuộc thi thơ của Facebach, làm thơ lục bát nhưng phải có các yếu tố mới mẻ, đương đại. Đó cũng là một cách tạo ra giọng mới cho thơ ca, chắc chắn chúng tôi còn tạo ra nhiều sân chơi tương tự như thế. Một số thành viên cũng đang nghiên cứu để đưa ra những thể thơ mới, đặc trưng của nhóm, giống như văn học Sài Gòn đang truyền bá phát triển thể thơ 123. Hy vọng thới gian tới, chúng tôi có nhiều tác phẩm tốt theo thể thơ đang thử nghiệm (tên thể thơ tạm thời xin được giữ bí mật) công bố ra công chúng.

-Xin trân trọng cảm ơn anh!

 

Bạn đang đọc bài viết "Bùng cháy ngọn lửa đam mê" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn