Cả đời oán trách

Vu Bang

04/01/2022 12:48

Theo dõi trên

Gã đi thoát ly từ những năm 1992, do một ông chú trong họ nội tộc giới thiệu. Được hơn một năm, thì tổng công ty chia tách và cổ phần hoá. Gã đã bỏ ngang công việc với chức vụ quản đốc đầy uy lực của mình mà không hề tiếc nuối. Gã phải lòng một cô gái trẻ trung xinh đẹp. Cả hai thu xếp khăn gói về quê ngoại sinh sống.

oan-trach-1641275284.jpg
Ảnh minh họa

 

 Gã đi thoát ly từ những năm 1992, do một ông chú trong họ nội tộc giới thiệu. Được hơn một năm, thì tổng công ty chia tách và cổ phần hoá. Gã đã bỏ ngang công việc với chức vụ quản đốc đầy uy lực của mình mà không hề tiếc nuối. Gã phải lòng một cô gái trẻ trung xinh đẹp. Cả hai thu xếp khăn gói về quê ngoại sinh sống.

Bố mẹ đẻ ở dưới quê, thường xuyên nghe gã kể lể khó khăn vất vả. Thi thoảng gia đình lại phải chu cấp gửi lên cho vợ chồng gã bao gạo, bao khoai.

 Gã được bố vợ cho nửa quả đồi ôm cua lấy mặt đường nhựa. Gã tức tốc thuê máy xúc, máy ủi về san phẳng lô đất. Gã gọi về quê thúc giục bố mẹ anh em vừa cho gã tiền, vừa vay chạy thêm giúp gã. Vui mừng vì đất đai rộng rãi, mặt tiền giáp đường lớn. Việc làm ăn nghe ra cũng có triển vọng và thuận tiện rất nhiều.

 Gã suy nghĩ về anh em bạn bè, mà tự hào với chính bản thân mình.

Cuộc sống của gia đình gã trở lên ổn định và thăng hoa. Tất cả nhờ vào sự  tính toán mưu lược, bản chất chịu khó làm ăn và những lần đi buôn chuyến đường dài.

 Thời gian sau, khu vực nhà gã phát triển mạnh, giao thương mở mang thuận lợi. Đời sống người dân tất bật hơn, nên việc ăn uống sinh hoạt nhanh gọn là yếu tố cần thiết. Bún khô lên ngôi, nhà nào nhà ấy cũng phải dự trữ. Gã tìm mua cỗ máy làm bún khô, đặt ngay lán trước cửa nhà. Sản phẩm làm ra đến đâu, phục vụ trực tiếp dân làng đến đó.

 Sẵn có chút bọt gạo, nên gã xây bốn, lăm ô chuồng để chăn nuôi lợn. Kinh tế nhà gã ngày càng khá giả hơn. Thấy việc làm ăn thuận lợi gã mua thêm máy xay xát di động phục vụ tới tận hộ gia đình. Mục đích chủ yếu là ăn bớt ăn xén một ít cám gạo, mùn trấu về nhà chăn nuôi.

 Mấy năm ấy, vợ chồng gã kiếm chác rất là nhiều tiền. Nhưng không hiểu gã chi tiêu như thế nào, mà số tiền làm ăn sinh lời cứ không cánh mà bay. Cuộc sống vẫn loay xoay trong cái vòng tròn vay trả nợ nần.

 Mỗi lần vợ chồng gã về thăm quê, có cho biếu người thân được hộp bánh quy hay nửa cân mỳ chính. Thì hôm sau gã mang đi cả bao tải gạo to đùng, gọi là chút quà quê. Anh em cho vợ chồng gã, để giúp gã vượt qua khó khăn. Tuy nói là giúp gã vượt qua khó khăn, nhưng so với mặt bằng sinh hoạt ở nông thôn thì gã cũng được xếp vào gia đình khá giả. Có điều, tình nghĩa sống có trước có sau, ai lỡ lòng nào bỏ ai cho được.

  Mảnh đất trước kia gã mất công san lập, đã bị bố vợ đòi lại chia cho con cháu của ông ấy. Gã hoàn toàn tay trắng ra đi. Gã tìm mua lô đất nhỏ hơn để làm nhà tạm. Trong khi ấy, tiền của gã còn lại may ra mua được vài mét vuông. Anh em dưới quê lại phải vay mượn ngược xuôi giúp gã, rồi tập trung công sức cất lợp cho gã ngôi nhà.

 Gã sinh sống và lập nghiệp ở ngôi nhà mới, cạnh con đường độc nhất vô nhị dẫn vào khu dân cư . Gã mở cửa hàng tạp hoá, với những món hàng độc và hiếm. Tuy chỉ là những công cụ sản xuất nông nghiệp và dụng cụ chăn nuôi gia súc gia cầm. Nhưng chỉ có mỗi một mình gã, mới có mối để nhập hàng về. Gã bán lẻ không hết, rồi chở đi bỏ sỉ cho các tiểu thương quanh khu vực. Nói chung lời ít lời nhiều, mỗi chuyến cũng được lãi vài triệu.

Gã khoe làm ăn buôn bán vào cầu, luôn gặp may mắn. Gã cho đó là sự tính toán nhanh nhạy của mình, đố ai làm được.

Mà đúng là như thế thật!

 Một thời gian sau, gã xây cất một ngôi nhà mới tương đối to đẹp so với dân bản địa ở đó. Dư tiền, gã mua thêm một lô đất mấy trăm triệu ngay bên cạnh nhà.

 Trị giá hai lô đất bây giờ nếu có bán đi cũng ngót nghét hai, ba tỷ bạc chứ có ít ỏi gì.

  Chỉ  có một điều, là gã luôn sống khác người. Miệng thì toe toe, nhưng trong đầu rỗng toác chẳng nghĩ được việc gì cho có đầu có cuối. Gã vô tư tới mức độ, không ai muốn nói chuyện nghiêm túc cùng gã.

 Dưới quê có việc, gã về như một vị khách đặc biệt. Đồ mỹ kí gã đeo lủng liểng, quần jeel, giầy hiệu adidass made in china. Tối đến tụm lăm, tụm bảy để chơi cờ bạc, sóc đĩa. Chẳng biết gã được hay mất. Chỉ biết khi chuẩn bị đi, gã biếu mẹ được mấy trăm ngàn rồi lặng lẽ xách theo những món quà quê đi theo.

 Kể ra cũng lạ thật. Trên ấy, nhà gã cũng cấy mấy sào lúa, nhưng không hiểu tại sao gã vẫn lỉnh kỉnh khuân lên. Chắc gã nghĩ về sỹ diện của mình, quà quê như một niềm động viên an ủi của chuyến đi hoặc là lấy lý do để lấp liếm khi phải đối mặt với vợ vì thua cờ bạc bịp.

  Ngày ông bố ốm nặng, chỉ có thằng em chạy đi chạy lại. Còn gã, với vô vàn lý do bận mải kinh doanh, bán buôn không về được.

  Thế rồi, ông bố đã trút hơi thở cuối cùng, vào đúng lúc gã nhận ca trực. Gã tự hào kể lại với mọi người bố rất linh thiêng, khi qua đời phải có bàn tay của gã mới chịu nhắm mắt xuôi tay. Gã khóc, gã than, gã thương bố đứt từng khúc ruột non già. Nhưng gã cũng chẳng lo được việc gì cho đám tang của bố.

 Với danh nghĩa là con thứ, nhưng lại là trưởng. Vi anh trai lớn của gã đã mất cách đây chục năm rồi.

Sau khi tổ chức tang lễ cho bố xong, gã lấy quyền huynh thế huỵch ra phán đủ kiểu.

 Em trai của gã có ý kiến trước gia đình:

- Con có ý kiến thế này. Bố nay đã mất, tiền phúng cũng chẳng được là bao nhiêu. Toàn bộ số tiền này theo con nghĩ dành hết lại cho mẹ , để mẹ ăn uống sinh hoạt hàng ngày và đáp lễ hàng xóm láng giềng.

Gã gằn giọng.

- Bố viết di chúc rồi. Bố có tiền tiết kiệm, đủ trang trải tang lễ của mình. Nên không bẳt ai phải bỏ ra một đồng nào. Phần của mẹ, bố cũng lo rồi.  Số tiền hôm nay phúng viếng, khách của gia đình nào thì trả lại gia đình ấy.

 Gã nghĩ bụng, anh em thân thích của gã viếng rất đông. Chắc chắn khoản tiền gã thu về cũng không nhỏ, chẳng tội gì phải san đều cho ai. 

Gã ôm số phong bì thuộc phần của mình, tỏ vẻ đắc chí.

  Xong xuôi chuyện tiền bạc, gã quay ra nói chuyện về đất cát, tức là ngôi nhà và đất đai bà mẹ đang ở.  Gã nói vòng vo tràn lan đại hải, về công lao của gã đối với mọi người.

 Chú em thấy vậy, tiếp tục lên tiếng:

- Theo con, sau này phần đất ở đây sẽ để cho con bác cả, vì nhà bác ấy có hai con trai. Nếu không, anh em con cháu bảo nhau xây nơi thờ tự. Con cũng có nhà rồi, bác thứ cũng có nhà cửa ổn định rồi.

Gã quắc mắt, vẻ giận dỗi:

- Mày nói vậy thành ra tao không có đất à. Chẳng lẽ bố mẹ không cho tao cái gì. Đất trên kia tao tự mua, tự lập nghiệp.....

 Gã ăn nói mỗi lúc một gay gắt hơn, lai có sự đỡ lời của bà mẹ nên gã được đà lấn át tất cả mọi người.  Sau một hồi, trong nhà chỉ còn lại có gã và bà mẹ sụt xịt.......

 Sáng sớm hôm sau, gã lủi thủi xách đồ đạc hành lý ra đi một mình, mà không có ai đưa chân. Gã vẫn kệ, vì gã chẳng có gì là ngại, và xấu hổ cả.

..........

Chuyện ấy, đã xảy ra cách đây hơn chục năm có lẻ.  Không ai trong nhà còn để ý gì nữa, vì kinh tế ai nấy đều ổn định cả rồi. 

 Mà nói thật lòng, ngôi nhà bà mẹ đang ở, nằm mãi sâu trong con ngõ nhỏ ở một vùng quê nghèo. Giá trị tài sản bán đi, chắc được vài chục triệu là cùng.

Thế mà, gã vẫn nghĩ suy hơn thiệt dài dài.

Ở đời nhiều lúc cũng oái oăm thay. Con người ta chỉ biết sống riêng cho mình, còn người khác như thế nào thì mặc kệ. Mặc kệ ngay cả với những người thân yêu máu mủ ruột thịt.

 Một ngày gã gặp nạn. Gã muốn người nhà thay phiên nhau lên trông nom động viên gã. Nhưng gã không nghĩ rằng, bên cạnh đã có vợ con chăm sóc đầu cuối.  Dưới quê, bà mẹ đã già lắm rồi, nay ốm mai lại đau. Chị em đã phải thay nhau chăm nom mẹ.  Gã đã nhẹ gánh quá còn gì. Gã coi nhẹ trách nhiệm với cả cha lẫn mẹ, gã còn than vãn điều gì nữa.

 Gã như người điên dại, nói năng thiếu suy nghĩ.

 Mọi người trong gia đình, không ai chấp với gã.  Gã càng muốn làm lớn chuyện bao nhiêu, thì gã càng chịu sự cô đơn bấy nhiêu.

 Gã lần lượt gọi điện cho người này, gọi điện cho người kia, nhã ý muốn họ phải có trách nhiệm với mình.  Nhưng gã đã nhầm, lúc họ ốm họ đau, thậm chí thập tử nhất sinh gã nào có hay, có quan tâm tới họ.

 Đời là thế, gã chỉ thích trách, thích mắng người khác rồi đẩy mối thù hận lên cao.

Ngày anh chị em rủ nhau lên thăm gã, đúng vào dịp covid bùng phát mạnh. Gã không hiểu, hay cố tình không muốn hiểu. Vẫn luôn miệng trách mắng, moi móc quá khứ để mỉa mai chọc ngoáy vào tình cảm anh em vốn bình lặng bấy lâu.

Cả nhà ngồi ăn cơm, gã trách bà mẹ

- Bà mang tiếng là người đi nọ đi kia, thế mà không  lo lắng cho tao.  Anh em trong nhà thì bạc bẽo như người dưng.....

Gã nói nhiều lắm, gã không để ý xem mình nói thế có bị tổn thương ai không.

Cô em dâu của gã không chịu được bèn lên tiếng.

- Anh ở đây biết mẹ đã làm gì mà đã vội trách, có điều đường xá quá xa mẹ không lên được đành phải chịu.

- Tao nói từ lâu rồi, bảo bà lên chơi bà chối nây nẩy.  Bà còn bận ở nhà, chăm lo cho chú thím.

- Bác nói mà bác không suy xét kỹ. Nhà em giờ chuyển đi nơi khác, có ở đó đâu mà bảo mẹ vun vén lo lắng cho bọn em.  Chúng em cũng mấy lần mời mẹ lên để tiện chăm sóc, nào mẹ có nghe.

- Tao nói cả thằng chồng thím nữa. Mang tiếng anh về đám cưới con chú thím. Mà chú ấy có mời được cốc bia đâu, toàn mời người khác tao thấy tủi thân....chán

- Bác nói thì em biết thế, nhà em lúc ấy lo cho cháu biết bao nhiêu là công việc. Bác về trông nom giúp lại còn muốn chồng em mời bia như hàng xóm sao.

- Mà vừa rồi bà làm sổ đỏ nhà đất, không bảo tao. Lẽ ra phải đứng tên tao chứ. Bữa trước tao bàn với con bác cả rồi. Sau này có về tao theo gia đình các cháu nó cho phải đạo. Chứ không theo gia đình chú thím. Khu đất đó, sẽ xây dựng một gian để thờ tổ tiên, có lối đi riêng, cổng riêng cho khỏi dính dáng gì đến nhà chú thím.

- Vừa rồi mẹ bảo chồng em là gộp đất cát của mẹ sang tên nhà em, nhưng chồng em không đồng ý. Sau đó mẹ đưa sổ rồi bảo xuống ubnd xã làm thủ tục chuyển nhượng, nhà em có làm đâu. Chồng em nghĩ, đó là tài sản chung của mấy anh chị em trong nhà. Sau  này bàn bạc làm gì, xây gì thì làm. Bác không phải lo, nhà em không suy nghĩ nặng nề như bác đâu.

- Ừ tao cứ nói thế, không sau này lại bảo tao không nói trước.

- Tùy bác thôi.  Bác làm gì cũng được, vợ chồng em không oán trách ai đâu. Nhà em đang đi công tác, do dịch bệnh không về được. Nếu anh ấy biết bác nói như vậy, em nghĩ không hay cho lắm.

- Ừ. Tao sợ gì nó......

 Bầu không khí trong nhà gã trở lên ảm đạm. Cô em dâu vừa lau nước mắt, vừa thu dọn hành lý để sáng mai bắt xe khách về quê.

......

 Một tuần đã trôi qua, gã tiếp tục nhắn tin tìm mọi cách khơi gợi, mong sao người thân ở dưới quê lên thăm cho đỡ buồn, đỡ cô đơn. Điều đáng nói ở đây, là gã sợ bà con khu phố nơi gã đang sinh sống nhìn nhận không hay, rồi bên đằng vợ sẽ coi thường gã....

 

 Nhưng tất cả đã chìm vào im lặng. Bên gã lúc này, chỉ còn văng vằng tiếng kêu than vì đau đớn, của bệnh nhân giường bên cạnh.

 Gã oằn mình vì cơn đau tái phát. Vợ con gã vội vã xoa bóp, trong sự cùn cáu vô cớ ....

 Gã đã ngủ thiếp đi..........!

Theo Chuyện Làng Quê

Bạn đang đọc bài viết "Cả đời oán trách" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn