Nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất dịp lễ 30/4 - 1/5 theo lao động đăng ký tự nguyện

Dù lịch nghỉ dịp lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài trong 5 ngày chỉ áp dụng đối với khu vực Nhà nước, song nhiều doanh nghiệp đã lên phương án cho người lao động nghỉ theo lịch chung. Những doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất đã để người lao động đăng ký tự nguyện làm việc và có chế độ thưởng theo quy định.

Theo thông báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc thực hiện lịch hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nghỉ 5 ngày liên tục. Thời gian từ thứ bảy ngày 27/4, đến hết thứ tư ngày 1/5, làm bù vào ngày thứ bảy ngày 4/5. Đối với khu vực doanh nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ lễ 30/4 - 1/5 cho người lao động như quy định đối với khu vực Nhà nước.

Chú thích ảnh Công nhân lĩnh vực dệt may. Ảnh: TTXVN

Mặc dù không bắt buộc thực hiện theo lịch nghỉ chung, nhưng theo ghi nhận nhiều doanh nghiệp đang dự kiến phương án nghỉ như nhà nước, hoặc sắp xếp lịch nghỉ và làm bù phù hợp để đảm bảo theo nguyện vọng của người lao động.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam Nguyễn Hoàng Long cho biết: Công ty cho công nhân nghỉ 5 ngày dịp nghỉ lễ theo lịch chung. Đơn vị xây dựng lịch làm việc cả năm và công bố trước 31/3 hàng năm. 

“Chúng tôi sẽ bố trí làm thêm một số ngày thứ Bảy trong năm, thường là dưới 10 ngày làm việc trong ngày thứ Bảy trong năm và có kế hoạch chủ động trước để công nhân có kỳ nghỉ dài và đi du lịch vào tháng 6, tháng 7”, ông Nguyễn Hoàng Long chia sẻ.

Bà Thu Hường, Trưởng Ban nữ công, Công đoàn Công ty Yamaha cho biết: Công ty hoán đổi để dịp nghỉ lễ để công nhân nghỉ 5 ngày liên tục. Thậm chí, dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương 18/4 vừa qua, công ty cũng bố trí hoán đổi lịch để công nhân được nghỉ 4 ngày liền.

Theo thông tin từ công đoàn cơ sở, việc bố trí ngày nghỉ tại doanh nghiệp phụ thuộc vào đơn hàng của doanh nghiệp và quy chế làm việc từng đơn vị. Đơn cử, theo công đoàn Công ty May mặc Dony, dù đã tính toán, lên kế hoạch sản xuất, song do đơn hàng tăng mạnh dịp này nên công ty cho công nhân đăng ký tự nguyện làm việc dịp nghỉ lễ nếu ai có nhu cầu. Công nhân đi làm ngày lễ có chế độ ưu đãi đặc biệt, được tăng thêm 1 ngày lương và thưởng thêm. Tổng thu nhập ngày lễ cao gần gấp 3 ngày thường, chưa kể có thêm phần thưởng vượt KPI và đánh giá tốt cuối năm.

Theo Luật sư Minh Anh, việc có được nghỉ nhiều hơn thời gian theo quy định của Bộ luật Lao động hay không là do doanh nghiệp quyết định dựa trên thỏa thuận với người lao động. Theo quy định của pháp luật lao động, doanh nghiệp không bắt buộc doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ 5 ngày lễ 30/4 và 1/5, nhưng phải đảm bảo cho người lao động nghỉ 2 ngày theo quy định nếu không sẽ bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết. (theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP). Mức phạt trên áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân. Đối với tổ chức thì mức phạt tiền gấp đôi theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

“Do đó, nếu doanh nghiệp không cho người lao động nghỉ 5 ngày lễ 30/4 và 1/5 cũng không bị phạt. Và doanh nghiệp chỉ cần đảm bảo cho người lao động được nghỉ lễ 2 ngày trong dịp lễ 30/4 và 1/5 theo đúng quy định trên”, Luật sư Minh Anh cho biết.