Cái đề thi

Truyện ngắn của Mai Xuân Hạnh

22/01/2022 12:35

Theo dõi trên

Trường học bây giờ không còn như xưa nữa, có những trường toàn học sinh giỏi nhưng có những trường phần lớn học sinh dở. Những học sinh dở đó là những học sinh thuộc hệ Giáo dục thường xuyên, những em này thi tuyển vào trung học phổ thông nhưng không đậu vào trường trung học phổ thông nào hết nên phải vào học trường thuộc hệ này.

Có những em học sinh trường này vừa học dở vừa vô ý thức, tôi làm giám thị hành lang trong kỳ thi học kỳ hai ở lầu ba bước xuống đất nhìn lên thấy vẫn còn lớp không tắt đèn quạt. Tôi lấy lại sức lực vội chạy lên tắt giúp các em, lúc này học sinh đã về hết, trường vắng tanh không một tiếng động khác xa so với những lúc học sinh ở trường rất náo nhiệt và ồn ào. Những cánh phượng đỏ rực trên những cành cây khắp sân trường như một tấm thảm lớn, báo hiệu một nùa hè nữa lại đến. Tôi tha thẩn và rảo bước quanh sân trường và hưởng thụ một khoảng thời gian tĩnh lặng hiếm hoi, bỗng nghe tiếng thất thanh:

cai-de-thi-1642829714.jpg
Ảnh minh họa do tác giả lựa chọn

- Ối! Ối!….

Tôi vội quay lại nhìn quanh ngơ ngác thì không thấy ai cả, tôi nghĩ vừa nghe tiếng và phát ra ở đâu đây ở gần, có lẽ ở gần thùng rác to xanh bằng nhựa để chứa đồ ăn thừa cùng với rác thải. Thùng rác trường này đặt khắp nơi vì học sinh mang rất nhiều đồ ăn vào trường và chúng không ăn hết thế là ném đồ ăn thừa vào thùng. Tôi nhìn vào thùng rác thì thấy hai cái chân của ai kìa, tôi hoảng hốt không biết làm sao bây giờ tôi vội kéo thùng rác nằm xuống và nâng người đó ra. Thì hóa ra là thầy Thong, đầu tóc toàn cơm là cơm, mùi nước mắm xốc lên mũi nồng nặc của món cơm sườn nướng. Tôi thốt lên:

- Thầy Thong! Thầy sao vậy? Thầy có việc gì không?

Tôi nâng thầy dậy và dìu thầy ngồi vào ghế đá ở gần đó và thấy mặt thầy xanh sao như tầu lá chuối, má tóp lại không một cái răng nào trong miệng cả. Thầy thoi thóp nói:

- Không sao đâu em! Lúc cúi xuống thùng rác mà đầu óc tôi tối sầm lại, rồi chúi đầu vào đó luôn. May quá có thầy phát hiện ra không thì tôi chết mất. Cảm ơn thầy rất nhiều bây giờ thì cũng tạm ổn.

Tôi nhìn thầy với cái nhìn thông cảm nhưng không biết thầy làm sao lại cúi và ngã vào trong thùng rác hay là thầy bỏ rác. Thầy là người mà tôi kính trọng vì thầy cũng đã lớn tuổi, sắp đến tuổi nghỉ hưu. Con người ta càng lớn tuổi thì sức khỏe càng yếu nhưng kinh nghiệm trong công việc cũng như cuộc sống thì càng nhiều. Tính tình cũng điềm đạm hơn không còn nóng nảy như một số người còn trẻ tuổi. Thầy có họ là Hồ Xuân, họ này nổi tiếng là dòng họ mấy trăm năm nay toàn sinh ra những con người tài giỏi cho đất nước. Thầy cũng vậy có trình độ chuyên môn giỏi, đạo đức thì rất tốt và được rất nhiều thế hệ học sinh kính trọng. Tôi ngồi cạnh thầy, thấy thầy cũng đã khỏe và bình tĩnh trở lại. Tôi suy nghĩ miên man và chợt nhớ ra là hay thầy cần lấy cái gì đó trong thùng rác. Tôi hỏi thầy:

- Lúc nãy thầy cần lấy cái gì trong thùng rác? Thôi để em lại kiếm giùm thầy.

Thầy chưa kịp trả lời tôi vội chạy lại thùng rác và kiểm tra, ngoài thực phẩm dư thừa còn có vài tờ giấy. Tìm mãi tôi thấy một bộ hàm răng giả và mừng rỡ chạy lại đưa cho thầy:

- Có phải thầy cần kiếm cái này không?

Thầy nhìn tôi và nhận lấy hàm răng giả của thầy và chậm dãi trả lời:

- Cái này đúng là của tôi, lúc tôi cắm đầu vào thùng rác, hàm răng giả rơi ra mất nhưng tôi cần là cái khác cơ.

- Vậy là cái gì hả thầy? Để em kiếm lại cho Thầy.

Thầy chậm dãi trả lời:

- Cái đề thi vừa thi sáng nay đó em.

- À cái đề ấy ah, để em lấy cho.

Thì ra vừa thi môn Vật lý, thầy cần cái đề, khổ thân thầy lấy cái đề mà xuýt bỏ mạng, tuổi cao sức yếu rồi. Tôi chạy lại thùng rác khi nãy thì tìm thấy ngay tờ giấy đề thi mà một học sinh nào thi xong đã vứt vào đây. Tôi mang lại đưa cho thầy, anh mắt của thầy vui mừng hẳn lên. Trời đã quá trưa những con chim trên cành phượng vẫn hót vang cùng với tiếng ve sầu bắt đâù kêu. Tôi muốn về rồi nhưng thầy vẫn chưa được khỏe và thấy thầy vẫn còn điều gì muốn chia sẻ một nỗi niềm gì đó muốn nói ra. Tôi muốn phá vỡ sự im lặng của tôi và thầy nên hỏi thầy:

- Mà em hỏi thầy sao lại cần cái đề đó để làm gì vậy thầy.

Thầy nhìn tôi mắt xa xăm chậm rãi trả lời:

- Tôi dạy trường này đã hơn ba mươi năm nay rồi, từ khi ra trường tuổi vừa ngoài hai mươi cho tới hôm nay trải qua bao nhiêu đời hiệu trưởng. Nhưng mỗi lần thi giữa kì hay cuối kì tỉ lệ lớp tôi rất thấp mà tỉ lệ thấp họ lại bôi đen đi. Cứ như mặt tôi bị bôi nhọ vậy. Có cô mới ra trường vắt mũi chưa sạch kém tôi hơn ba mươi tuổi mà tỉ lệ tám mươi phần trăm. Ôi nhục nhã quá thầy ơi! Mỗi lần như vậy họ lại lôi tôi ra kiểm điểm và nói này nói nọ. Tôi cũng chẳng biết vì sao? Tôi rất cố gắng để dạy nhưng học trò trường này vừa học dở vừa chẳng chịu học. Nếu một lần thì không sao nhưng năm này qua năm khác trải qua bao nhiêu lần. Tôi không còn chịu được nữa.

Rồi thầy khóc nức nở luôn, một cụ già đã đứng trên bục giảng bao nhiêu năm đã khóc như đứa trẻ lên ba vậy. Tôi lấy chiếc khăn giấy đưa cho thầy lau nước mắt. Rồi thầy nói tiếp:

- Năm nào cũng vậy cứ thi xong là tôi lại đi tìm đề thi. Tôi lấy đề năm nay, lưu giữ lại rồi sang năm tôi tập hợp các đề thi cũ và lấy tài liệu để dạy cho học sinh khóa sau. Mà sao bao nhiêu năm như thế tỷ lệ vẫn thấp. Tôi hy vọng sang năm tỉ lệ sẽ cao hơn chứ để như thế này rất không ổn thầy. Có thể người ta không cho dạy nữa thì nguy.

Tôi thầm nghĩ : cái này nếu không biết thì ai cũng sẽ nghĩ như thầy nhưng biết rồi thì cũng bình thường mà. Nhưng không phải ai cũng biết được, chỉ có những người trong nghề mới biết vì đó là bí quyết nghề nghiệp nên không dễ nói ra. Nói ra thì mất nghề à, nghề nào cũng vậy cũng có bí quyết hết. Có những bí quyết có lợi nhưng cũng có những bí kíp bẩn thỉu. Ở trên đời ai cũng toàn nói những điều tốt, ra vẻ ta đây là tốt nhưng việc làm thì không giống như những lời họ nói. Chỉ có những ai như thầy cứ tin vào những lời người ta nói mới chịu nhiều thiệt thòi. Cũng phải thôi thầy sinh ra trong một gia đình gia giáo nên cha mẹ thầy không bao giờ dạy thầy những điều gì xấu.

Tôi trấn an thầy:

- Tuổi trẻ tài cao mà thầy. Em tưởng chuyện gì chứ chuyện ấy theo em thì bình thường mà thầy. Mà ai ra đề vậy thầy.

- Thầy tổ trưởng.

- Thế thì đúng rồi thầy, thầy đó ra đề đưa cho mọi thầy cô trong tổ, còn thầy chắc không. Vì vậy mọi người biết trước nên chẳng cần dạy dỗ gì chỉ cần ôn luyện theo dạng đề thì học sinh họ làm được. Còn thầy không biết gì nên thầy dạy không trúng tủ thì học sinh không làm được. Tỉ lệ lớp thầy thấp là phải mặc dù thầy dạy tận tâm và nhiệt tình.

- Dạy hộc máu luôn. Thẩy tiếp lời.

- Thầy có dạy giỏi đến mấy cũng không bằng đươc người ta, có mười lần cắm cái đầu vào thùng rác cũng không theo được.Thôi kệ đi thầy! Thầy đấu tranh cũng không được vì mọi người cùng hùa với nhau. Việc làm và cuộc sống là vậy đó thầy, nếu thầy cứ chạy hùa theo người ta thì chạy làm sao chạy được. Ai muốn nói gì thì nói mặc kệ họ, họ nói là việc của họ, còn mình nghe hay không là việc của mình miễn mình dạy tận tâm và hết sức là được. Còn kết quả thì đến đâu thì đến, mình cũng mãn nguyện. Thầy cứ dạy bình thường đi không có gì phải lo lắng cả.

Nghe tôi nói vậy ánh mắt của thầy củng sáng hẳn ra, có thể thầy cũng nhận ra điều gì đó. Trời cũng đã quá trưa, những tia sáng mặt trời cũng đã lệch sang hướng tây. Tôi thấy thầy cũng đã khỏe, gương mặt thầy rạng rỡ hẳn lên. Thầy lấy khăn và đi rửa mặt, lúc thầy quay lại tôi nói với Thầy:

- Mà em hỏi thầy: Mục đích của việc dạy học của thầy là để kiếm tiền. Vậy thì ngoài dạy học ở trường thầy nên kiếm tiền bên ngoài nữa như đi dạy kèm. Em thấy nhà thầy rộng rãi ở mặt tiền do ba mẹ thầy để lại, thầy mở lớp dạy thêm ở nhà. Biết đâu thầy dạy tại nhà sẽ có đông học sinh theo học. Mà thầy cũng sắp về hưu rồi, Cố lên mấy năm nữa thầy nhé!

Thầy vui khoẻ hẳn ra, tôi tiễn thầy về. Nhìn thầy khuất sau hàng cây phượng vĩ đã nở hoa đỏ thắm. Tiếng ve sầu càng rộn rã hơn, tôi thầm nghĩ vài năm nữa thôi thầy sẽ về hưu và để lại một tấm gương sáng cho bao thế hệ học sinh. Các em lớn lên cũng như tôi sẽ nhớ mãi và không quên bóng hình thầy.

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Cái đề thi" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn